Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 19/11/2021

09:41 19/11/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 19/11:

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Quan tâm đến sức khỏe tinh thần người dân

Vietnamplus đưa tin, chiều 18/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM; tìm hiểu hoạt động Phòng Tham vấn và trị liệu tâm lý của nhà trường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, Phòng Tham vấn và trị liệu tâm lý được nhà trường thành lập từ năm 2019. Đây là đơn vị thực hiện chức năng tham vấn, trị liệu tâm lý cho sinh viên và các cá nhân có nhu cầu. Đồng thời, cũng là môi trường thực hành cho sinh viên ngành Tâm lý học, học viên cao học ngành Tâm lý học lâm sàng đang đào tạo tại trường.

Đầu tháng 9/2021, nhà trường đã khởi động chương trình “Vaccine tinh thần” nhằm hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại TP. Các chuyên gia tư vấn của phòng Tham vấn và trị liệu tâm lý đã tham gia tích cực vào các hoạt động tham vấn và trị liệu tâm lý của chương trình này.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời chúc mừng đến tập thể sư phạm nhà trường; đánh giá cao việc các thầy cô giáo của nhà trường vừa giảng dạy, vừa thực hành nghề nghiệp, hỗ trợ cộng đồng; mong muốn các thầy, cô giáo, chuyên gia tâm lý tiếp tục hỗ trợ người dân thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng, trước đây vấn đề sức khỏe tinh thần chưa được quan tâm đúng mức, qua đại dịch cho thấy khía cạnh tinh thần là rất quan trọng, cần được quan tâm hơn và có các giải pháp cụ thể, căn cơ để hỗ trợ người dân trong các vấn đề liên quan.

Thí điểm đón khách quốc tế vào cuối năm nay

Báo Giao thông cho hay, theo kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến TPHCM mà UBND TP vừa trình Thủ tướng và Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch, TP sẽ đón khách quốc tế dự kiến từ tháng 12 và không yêu cầu cách ly sau nhập cảnh khi sử dụng hộ chiếu vaccine, tiếp đến mở dần phạm vi trong năm 2022.

TPHCM dự kiến đón khách quốc tế áp dụng "hộ chiếu vaccine" theo ba giai đoạn
TPHCM dự kiến đón khách quốc tế áp dụng "hộ chiếu vaccine" theo ba giai đoạn

Cụ thể, tháng 12 sẽ thí điểm các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đủ điều kiện đón khách quốc tế đến TPHCM theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và chuyến bay quốc tế thường lệ.

Sang năm 2022, sẽ đón khách quốc tế từ các chuyến bay thuê chuyến và chuyến bay quốc tế thường lệ theo các chương trình du lịch trọn gói tại TP hoặc kết hợp nhiều điểm đến giữa TPHCM và các địa phương đã được chấp thuận đón khách quốc tế. Sau đó, đến tháng 4/2022 sẽ mở lại hoàn toàn thị trường khách du lịch quốc tế.

Khách quốc tế đến TPHCM phải đáp ứng tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có xét nghiệm âm tính, có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000 USD…

Các chung cư siết chặt phòng dịch khi nhiều F0 cách ly tại căn hộ

Số lượng F0 cách ly tại căn hộ trong những ngày gần đây có chiều hướng tăng, do đó, các chung cư trên địa bàn TP đã siết chặt hơn các biện pháp phòng dịch.

Trao đổi với Zing, đại diện Ban quản trị chung cư Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh) thông tin hiện có nhiều cư dân nhiễm bệnh và thực hiện cách ly tại nhà. Ban quản trị chung cư tăng cường nhắc nhở cư dân thực hiện 5K và yêu cầu thông báo đến ban quản lý nếu có các triệu chứng bệnh.

Ngày 18/11, Ban quản lý tòa LA1 chung cư La Astoria (TP Thủ Đức) cập nhật đến cư dân thông tin về 38 cư dân nhiễm COVID-19 đang cách ly tại nhà. Theo đó, Ban quản lý khuyến cáo cư dân hạn chế ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, giữ khoảng cách khi mua hàng trong siêu thị, khử khuẩn thường xuyên hàng hóa sau khi nhận và trước khi mang lên căn hộ. Cư dân cần báo ngay với ban quản lý tòa nhà khi sức khỏe có dấu hiệu bất thường hoặc liên quan đến COVID-19 như ho, sốt, khó thở, mất vị giác,…

Về quy trình xử lý khi có ca nhiễm phát sinh trong tòa nhà, Ban quản lý chung cư The Gold View (quận 4) cho biết sẽ báo cho y tế phường khi cư dân test nhanh có kết quả nghi nhiễm COVID-19 và sẽ xét nghiệm lại lần nữa với cư dân trên. Sau đó, ban quản lý chung cư sẽ thực hiện phong tỏa tạm thời căn hộ có F0, khoá thẻ thang máy, niêm phong và dán thông báo trước cửa.

Ngoài ra, ban quản lý chung cư này sẽ trích xuất camera để truy vết F1 và hành trình đi lại trong tòa nhà của F0, phun sát khuẩn sảnh trệt, khu lễ tân, thang máy, hành lang và nhà rác tầng có F0. Bảo vệ, nhân viên vệ sinh được bố trí tại tầng có F0 để cung ứng thực phẩm, thu gom rác từ căn hộ có F0 và tầng bị phong toả…

Chung cư The Gold View (quận 4) dán cảnh báo trong thang máy nhắc nhở người dân tuân thủ 5
Chung cư The Gold View (quận 4) dán cảnh báo trong thang máy nhắc nhở người dân tuân thủ 5

Hà Nội dừng cách ly người về từ TPHCM và một số tỉnh phía Nam

Theo báo Tuổi Trẻ, tối 18/11, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký công điện số 24 về việc triển khai, giám sát xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao từ các địa bàn có dịch về Hà Nội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, Hà Nội dừng việc triển khai cách ly tại nhà người về từ TPHCM được quy định tại công điện số 23 ngày 16/11 của UBND TP Hà Nội. Đồng thời, triển khai việc giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao đến từ địa bàn có dịch theo đúng các nội dung quy định tại văn bản số 9472/BYT-MT ngày 8/11 của Bộ Y tế, cụ thể:

Về tổ chức xét nghiệm COVID-19, Hà Nội chỉ đạo chủ động xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh (không đưa ra các yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm khi vào địa bàn tỉnh, thành). Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 thì xử lý theo quy định.

Những người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19) sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và nghiêm túc thực hiện 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định

Với những người tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng COVID-19, phải thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm COVID-19 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương.

Những người chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19, phải thực hiện cách ly 14 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm COVID-19 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương.

Những người đã tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 hoặc khỏi bệnh COVID-19 tại nước ngoài thì việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.

Tài xế công nghệ 2 bánh bắt đầu bật app, đón khách trở lại

Sau khi TPHCM cho phép xe ôm công nghệ hoạt động trở lại, Be là ứng dụng đầu tiên mở lại dịch vụ gọi xe 2 bánh tại TPHCM. Gojek thông báo mở lại GoRide vào ngày 19/11, còn Grab cũng đang chuẩn bị trở lại dịch vụ gọi xe 2 bánh. Nội dung trên báo Tuổi Trẻ.

Ghi nhận trên ứng dụng Be, hàng trăm tài xế BeBike hiển thị trên màn hình app, khách đặt có ngay tài xế nhận cuốc. Dù không tiết lộ số lượng tài xế trong thời gian đầu hoạt động trở lại, Be cho biết tài xế đều đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin, được tập huấn tuân thủ nguyên tắc 5K và các quy định về phòng, chống dịch. 

"Việc khôi phục nhanh chóng trở lại dịch vụ gọi xe 2 bánh nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân tăng cao sau giãn cách. Be có nhiều hình thức thanh toán không tiền mặt thông qua thẻ tín dụng, các loại ví điện tử… và ngân hàng số Cake by VP Bank với nhiều khuyến mãi dành cho khách hàng thay vì sử dụng tiền mặt", đại diện Be chia sẻ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước đó, ngay từ khuya 17/11, các đối tác tài xế và người dùng của Gojek đã nhận được thông báo về việc dịch vụ gọi xe 2 bánh GoRide sẽ chính thức hoạt động trở lại kể từ 0h ngày 19/11. Đại diện Gojek cho biết tất cả đối tác tài xế đều được yêu cầu tuân thủ nguyên tắc 5K và đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin sau 14 ngày, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 theo quy định của cơ quan chức năng. Thông tin về tình trạng tiêm vắc xin của đối tác tài xế sẽ được hiển thị trên ứng dụng Gojek khi người dùng đặt chuyến GoRide.

Trong khi đó, tính năng đặt dịch vụ xe ôm trên ứng dụng Grab vẫn chưa được mở lại. Đại diện Grab chỉ cho biết "đang chuẩn bị những bước cuối cùng để sẵn sàng mở lại dịch vụ GrabBike với số lượng không quá 50% xe tại TPHCM theo đúng quy định của cơ quan chức năng".

Bệnh viện Chợ Rẫy đưa vào hoạt động phòng khám chống độc đầu tiên phía Nam

Theo báo Thanh Niên, ngày 18/11, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết đã đưa vào hoạt động Phòng khám Chống độc đầu tiên ở khu vực phía Nam. Đây được xem là tiền đề cho việc thành lập Trung tâm Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy sắp tới.

Ảnh minh họa. Nguồn:Vietnamplus
Ảnh minh họa. Nguồn:Vietnamplus

Phòng khám Chống độc Bệnh viện Chợ Rẫy đã ra đời nhằm phục vụ cho những đối tượng người bệnh gồm:

- Bệnh nghề nghiệp, có tiếp xúc hóa chất kỹ nghệ, làm việc sản xuất trong dây chuyền Taylor. Các đối tượng này cần khám để tầm soát, phát hiện sớm các bệnh nhiễm độc và để biết cách phòng tránh bị nhiễm độc trong công việc.

- Bệnh có triệu chứng kéo dài không tìm thấy nguyên nhân.

- Có tiền sử sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc đông y, gia truyền trong thời gian kéo dài, và xét nghiệm cho thấy có vấn đề rối loạn ảnh hưởng đến sức khỏe.

- Khám tầm soát tìm độc chất (Individual Toxic Agent Screening - gọi tắt là khám ITAS) cho các cá nhân có nghi ngờ có thể đang có bệnh nhiễm độc. Qua khám ITAS, hỗ trợ tầm soát các chất tiềm tàng có khả năng gây ung thư (carcinogens) để tư vấn cho thân nhân và bệnh nhân ung thư biết cách tránh tiếp xúc với carcinogens.

- Tư vấn về các bệnh có triệu chứng do tác dụng phụ của thuốc, tương tác thuốc.

- Tư vấn về độc tính của các hóa chất và chất độc tự nhiên có trong sinh vật (thực vật, sinh vật biển, côn trùng…) và hướng dẫn mọi người cách phòng tránh nhiễm độc.

Ngoài ra, bên cạnh công tác khám, tư vấn bệnh nhiễm độc, PCC Bệnh viện Chợ Rẫy còn hợp tác nghiên cứu bệnh nhiễm độc và phòng tránh ngộ độc với các PCC các nước. Thực hiện tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng tại các xí nghiệp, công ty để giúp phòng tránh bệnh nhiễm độc trong môi trường làm việc.

Hạn chót nộp hồ sơ nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 20/12

Thông tin khác trên báo Thanh Niên, với chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (mức hưởng từ 1,8 - 3,3 triệu đồng/người phụ thuộc thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp và chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp), Bảo hiểm xã hội TPHCM đã hỗ trợ cho hơn 2,2 triệu người lao động.

Người lao động làm thủ tục nhận hỗ trợ tại Bảo hiểm xã hội TPHCM
Người lao động làm thủ tục nhận hỗ trợ tại Bảo hiểm xã hội TPHCM

Tuy nhiên, nhằm không bỏ sót người lao động thuộc diện thụ hưởng chính sách, Bảo hiểm xã hội TP thông báo và đề nghị nhóm người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 nhưng còn thời gian bảo lưu đóng bảo hiểm thất nghiệp (không bao gồm người đã có quyết định hưởng lương hưu hàng tháng) chưa nhận hỗ trợ nhanh chóng làm hồ sơ trước ngày 20/12/2021 để nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116/2021 của Chính phủ và Quyết định 28/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, người lao động TPHCM kê khai thông tin theo mẫu số 4 ban hành kèm theo Quyết định 28/2021, sau đó gửi về cơ quan bảo hiểm xã hội nơi gần nhất để được hỗ trợ.

Theo Bảo hiểm xã hội TP, người lao động có thể gửi hồ sơ trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các tổ chức cung cấp dịch vụ I-VAN hoặc ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID).

Ngoài các kênh này, người lao động cũng có thể gửi hồ sơ nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội TPHCM, Bảo hiểm xã hội các quận, huyện và TP Thủ Đức.

Lên kế hoạch thu gom, xử lý rác đạt tiêu chuẩn

Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1658 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2050, tỉ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đạt 100%. Triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ, TPHCM đã đưa ra nhiều mục tiêu cũng như giải pháp để thực hiện công tác thu gom, xử lý rác đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Nội dung trên báo Pháp Luật TP.

TPHCM triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện thu gom rác
TPHCM triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện thu gom rác

Cụ thể, trong năm 2021, TP đưa ra mục tiêu 100% lực lượng thu gom rác dân lập được chuyển đổi thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; 100% hộ dân đăng ký thu gom rác tại khu vực có tuyến thu gom. Riêng các địa bàn chưa có tuyến thu gom, 100% hộ dân thực hiện xử lý rác thải hợp vệ sinh tại hộ gia đình.

Để thực hiện những mục tiêu đặt ra, TPHCM tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; bổ sung vốn cho Quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ thực hiện nội dung này.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả, đồng bộ việc tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định hiện hành. Cụ thể, chất thải rắn sinh hoạt được phân thành hai nhóm gồm: nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại.

TPHCM cũng phấn đấu để đảm bảo các công trình, trang thiết bị, phương tiện thùng rác công cộng, điểm tập kết, quét dọn, thu gom, vận chuyển, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành. Cùng với đó, tiếp tục chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn. Từ đó, đảm bảo tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%.

Nhóm BTV (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục