Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 19/1/2022

09:06 19/01/2022

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 19/1:

TPHCM không tổ chức các lễ, hội quá sớm trước Tết hoặc kéo dài sau Tết

Báo SGGP cho hay, theo Chỉ thị về chăm lo Tết Nhâm Dần 2022 của UBND TP, các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện được yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19; hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người để đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch.

Tùy theo cấp độ dịch, đơn vị cần tổ chức chu đáo, an toàn các lễ hội xuân, các hoạt động thể thao, các hoạt động vui chơi giải trí gắn với giáo dục truyền thống; không tổ chức các lễ, hội quá sớm trước Tết hoặc kéo dài nhiều ngày sau Tết; phải tổ chức tốt công tác chăm lo tết, nhất là chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn, trẻ em mồ côi do dịch COVID-19.

Đồng thời, chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân; phải đảm bảo trật tự an toàn xã hội; đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của nhân dân, không để tình trạng người dân không được về quê đón Tết do không có tàu xe. 

Chuyến xe mùa xuân đưa sinh viên, người lao động về quê ăn Tết
Chuyến xe mùa xuân đưa sinh viên, người lao động về quê ăn Tết

Đặc biệt, UBND TPHCM yêu cầu các đơn vị chủ động rà soát, giải quyết dứt điểm những công việc còn tồn đọng, bố trí người trực trong dịp Tết, kịp thời nắm bắt và xử lý các tình huống phát sinh không để công việc chậm trễ, trì trệ. Chỉ thị nêu rõ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tổ chức du xuân, liên hoan kéo dài; không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.

Hội Chữ thập đỏ TP vận động chăm lo Tết hơn 7,2 tỉ đồng

Báo Pháp Luật TP đưa tin, ngày 18/1, Ban Thường vụ Hội Chữ thập đỏ TP đã tổ chức chương trình “Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam và dịch bệnh COVID-19 năm 2022”. Chương trình với nhiều hoạt động như “Gian hàng 0 đồng”, trao tặng quà Tết đến những hoàn cảnh khó khăn; các gian hàng gây quỹ nhân đạo trong dịp Tết; hoạt động tư vấn chăm sóc sức khỏe ngày Tết; trao quà Tết cho 150 em học sinh mồ côi do ảnh hưởng dịch COVID-19...

Chương trình trao tặng quà cho trẻ em mồ côi do dịch bệnh COVID-19
Chương trình trao tặng quà cho trẻ em mồ côi do dịch bệnh COVID-19

Ngoài ra, lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ TP phối hợp cùng lãnh đạo địa phương, đơn vị, nhà hảo tâm tổ chức các đoàn thăm hỏi trực tiếp các hộ gia đình có người thân mất do dịch bệnh; trẻ mồ côi; bệnh nhân nghèo…

Được biết, tính đến ngày 10/1/2022, các cấp Hội Chữ thập đỏ đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và nhà hảo tâm… trao tặng hơn 5.500 suất quà Tết đến những người có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá hơn 7,2 tỷ đồng.

Khoảng 1 triệu người lao động ở lại TP dịp Tết Nhâm Dần

Trao đổi với báo Thanh Niên chiều 18/1, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP cho biết theo thống kê ban đầu, có khoảng 1 triệu người lao động (ở cả khối chính thức và lao động tự do) không về quê mà ở lại TPHCM ăn Tết. Con số này là "xấp xỉ so với những năm qua".

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP, Tết Nguyên đán 2022 của TPHCM là Tết Tri Ân, nghĩa tình. Chính vì vậy, các hoạt động chăm lo cần phải được các địa phương, đoàn thể,... triển khai chu đáo, đảm bảo mọi người đều có Tết; không để trùng, sót đối tượng, nhất là diện chính sách, người có công với cách mạng, các hộ nghèo, cận nghèo; lực lượng tham gia phòng chống dịch COVID-19...

Dự kiến có khoảng 1 triệu lao động (ở cả khối chính thức và phi chính thức) ở lại TPHCM đón Tết
Dự kiến có khoảng 1 triệu lao động (ở cả khối chính thức và phi chính thức) ở lại TPHCM đón Tết

Không tuyển người mắc, nghi mắc COVID-19 nhập ngũ

Thông tin khác trên báo SGGP, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa ký chỉ thị về công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (CAND) năm 2022.

Chỉ thị yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục nâng cao chất lượng tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, ưu tiên tuyển chọn thanh niên là công chức, viên chức; những thanh niên có năng khiếu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Ngoài ra, 100% công dân trúng tuyển, có lệnh nhập ngũ năm 2022 phải được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và được xét nghiệm PCR (có kết quả âm tính) còn hiệu lực đến ngày giao nhận quân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ Tư lệnh TPHCM căn cứ chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ để thông báo chỉ tiêu giao quân cụ thể đến từng đầu mối đơn vị quân đội. Đồng thời có hướng dẫn Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện, TP Thủ Đức tổ chức thực hiện tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ.

Công an TPHCM chỉ đạo ngành dọc cấp dưới phối hợp với cơ quan quân sự cùng cấp có kế hoạch tuyển chọn, gọi công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND chặt chẽ, đúng thủ tục.

Sở Y tế TPHCM chỉ đạo phòng y tế, bệnh viện, trung tâm y tế địa phương bảo đảm đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho việc sơ tuyển, khám sức khỏe. Đặc biệt là không tuyển chọn công dân mắc, nghi mắc COVID-19 nhập ngũ.

Khởi động kế hoạch phát triển GTVT bằng phương tiện giao thông điện

Cũng trên báo Thanh Niên, chiều 18/1, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP cùng các đơn vị tư vấn họp khởi động nghiên cứu kế hoạch phát triển GTVT bằng phương tiện giao thông điện tại TPHCM với dự án “Sáng kiến giao thông trong NDC tại các nước châu Á - NDC TIA” (NDC - Nationally Determined Contributions - tạm dịch là “Đóng góp quốc gia tự quyết định”). Đây là dự án do Chính phủ Đức tài trợ Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực, khung pháp lý thúc đẩy phát triển GTVT theo hướng cacbon thấp, giảm phát thải khí nhà kính.

TPHCM đang nỗ lực kiểm soát khí thải từ các hoạt động giao thông vận tải
TPHCM đang nỗ lực kiểm soát khí thải từ các hoạt động giao thông vận tải

Báo cáo sơ bộ về dự án, GS-TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trưởng nhóm tư vấn, cho biết, sau khi khảo sát thực trạng tại 8 TP lớn, dựa vào những cơ hội và thách thức, đơn vị tư vấn đã chọn TPHCM là địa phương khởi nguồn để triển khai nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển phương tiện giao thông điện, từ đó mở rộng ra các địa phương khác. Lý do bởi vì TPHCM có nhiều tiềm năng để thực hiện dự án chuyển đổi phương tiện như tỷ lệ đất dành cho giao thông, tốc độ phát triển hạ tầng…

Chia sẻ bên lề cuộc họp, Phó giám đốc Sở GTVT TP Bùi Hòa An khẳng định, mục tiêu giảm khí thải từ giao thông, phát triển giao thông xanh là chủ trương chung của TPHCM. Dự kiến cuối quý 1 này, TP sẽ đưa vào vận hành tuyến xe buýt điện đầu tiên. Việc mở mới tuyến xe buýt sử dụng năng lượng điện nhằm góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, đa dạng hóa phương tiện xe buýt sử dụng năng lượng sạch, nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong hoạt động GTVT và từng bước chuyển đổi nhu cầu di chuyển của người dân TP.

Đề nghị nhà đầu tư BOT hoàn thành lắp làn thu phí không dừng trong quý 1/2022

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 18/1, UBND TP đề nghị nhà đầu tư các dự án BOT khẩn trương lắp đặt thiết bị thu phí điện tử không dừng (đối với các làn thu phí còn lại) bảo đảm tại mỗi trạm chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp theo quy định, hoàn thành trong quý 1/2022. Các nhà đầu tư cũng được yêu cầu khắc phục triệt để các tồn tại, phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, bảo đảm thuận lợi cho phương tiện giao thông.

Khoảng 250.480 xe đã dán thẻ để sử dụng dịch vụ thu phí không dừng
Khoảng 250.480 xe đã dán thẻ để sử dụng dịch vụ thu phí không dừng

TP giao sở ngành, quận huyện... vận động chủ xe thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ dán thẻ, sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng khi qua các trạm theo đúng quy định. Công an TP chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp, tăng cường điều tiết; xử phạt đối với người lái xe không đủ điều kiện đi vào làn thu phí điện tử không dừng gây cản trở giao thông.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện có 3 trạm thu phí BOT tại TPHCM chưa lắp đủ số làn thu phí tự động không dừng. Cụ thể, trạm An Sương - An Lạc cần lắp thêm 4 làn, trạm cầu Phú Mỹ 6 làn, trạm xa lộ Hà Nội 8 làn.

Còn thống kê của các nhà cung cấp dịch vụ thu phí, số lượng xe dán thẻ thu phí không dừng đến cuối năm 2021 của TP là 250.480 (chiếm 37,07%). Do đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị TPHCM vận động các chủ xe để đảm bảo đến tháng 6/2022 đạt tối thiểu 90% các xe thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ dán thẻ sử dụng dịch vụ.

TPHCM có thêm bệnh viện điều trị di chứng COVID-19

Theo VOV, ngày 18/1, Bệnh viện Chợ Rẫy chính thức khai trương phòng khám di chứng COVID-19 tại khu phòng khám chuyên gia của bệnh viện.

Đây là nơi khám, tầm soát và điều trị toàn diện các di chứng của bệnh, đồng thời đánh giá nhu cầu can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau mắc COVID-19, nhất là những người từng bị COVID-19 mức độ nặng, nguy kịch hoặc suy giảm sức khỏe sau khi khỏi bệnh. Phòng khám do các chuyên gia về COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, những người có kinh nghiệm chuyên sâu, đã điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân trong cuộc chiến chống COVID-19, đảm trách.

Bệnh nhân khám hậu COVID-19 
Bệnh nhân khám hậu COVID-19 

Theo các nghiên cứu, người mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh có thể đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài, như mệt mỏi, khó thở, ho kéo dài, giảm sự tập trung, bị huyết khối, xơ phổi… Các dấu hiệu bất thường này không chỉ liên quan đến hệ hô hấp mà còn ảnh hưởng lên hệ tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, rối loạn tâm lý, rối loạn giấc ngủ, suy giảm nhận thức... làm ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Trung Nhân, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy cho  biết: “Có những bệnh nhân đã để lại những di chứng hình ảnh xơ phổi trên X–quang, có những biểu hiện trạng thái lo lắng, biểu hiện thần kinh. Sau một đợt mắc COVID-19, chúng ta nên đến bệnh viện để kiểm tra tình trạng sức khỏe, sự ảnh hưởng của COVID-19 đối với các cơ quan trong cơ thể".

Nhóm BTV (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục