Sở Y tế TP.HCM cho rằng, sự gia tăng đi lại, giao lưu, tiếp xúc trong kỳ nghỉ lễ kéo dài cuối tháng 4 sẽ có nguy cơ làm tăng mức độ lây nhiễm COVID-19. Do đó người dân không hoang mang nhưng cũng không lơ là chủ quan. Nội dung trên báo Tuổi Trẻ.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế, số ca mắc COVID-19 tại TP đang có chiều hướng gia tăng nhưng hầu hết tập trung ở người cao tuổi. Cụ thể trong tuần 15 (từ ngày 10 đến 16-4) TP ghi nhận 33 ca xác định COVID-19, tăng hơn 6 lần so với trung bình bốn tuần trước đó. Về độ nặng của bệnh, nếu như ngày 7-4 toàn TP chỉ ghi nhận 2 ca cần hỗ trợ oxy, thì đến ngày 16-4 đã ghi nhận 13 ca, trong đó có 4 trường hợp thở oxy dòng cao qua mũi (HFNC). Hiện chưa có trường hợp nặng cần phải thở máy xâm lấn.
Trước tình hình số ca mắc mới, ca nhập viện do COVID-19 tăng nhẹ trở lại, Sở Y tế kêu gọi: Người dân không hoang mang nhưng cũng không lơ là chủ quan, tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo phòng, chống dịch COVID-19, có ý thức trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Trong đó, ghi nhớ việc đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, khi đến các nơi công cộng, các cơ sở khám chữa bệnh, trong không gian kín và các địa điểm bắt buộc theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời thường xuyên khử khuẩn, nhất là vệ sinh tay và tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ.
TP.HCM thúc tiến độ 38 dự án trọng điểm
Dự kiến ngày mai 20/4, các tổ công tác giám sát công trình trọng điểm của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM bắt đầu kiểm tra thực địa dự án.
Theo báo Thanh Niên, hoạt động này nằm trong kế hoạch tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy TP.HCM đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.
Theo danh sách phân công, Bí thư Thành ủy TP.HCM kiểm tra 3 công trình trọng điểm gồm: tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), dự án chống ngập do triều gần 10.000 tỉ đồng, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên giai đoạn 2.
Năm nay, TP.HCM đã phân bổ vốn hơn 43.400 tỉ đồng và đặt mục tiêu giải ngân trên 95%. Ban thường vụ Thành ủy TP thành lập 13 tổ công tác để kiểm tra 38 công trình trọng điểm. Các nội dung kiểm tra chủ yếu về tình hình bố trí vốn đầu tư, nhu cầu vốn bổ sung, kết quả giải ngân, công tác bồi thường, di dời bàn giao mặt bằng và những vướng mắc cần tháo gỡ.
Đảm bảo dữ liệu quản lý ngập được cập nhật tức thời
Để thực hiện Chương trình chống ngập và xử lý nước thải trên địa TPHCM giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường vừa giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị, địa phương liên quan rà soát sự cần thiết, cấp bách và khả năng cân đối để bố trí vốn thực hiện các dự án ưu tiên; tham mưu, đề xuất trình UBND TPHCM xem xét giải quyết trong tháng 4-2023. Tin trên báo SGGP.
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tập trung thực hiện các công trình, các dự án giải quyết ngập tại các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý; kịp thời báo cáo vướng mắc, đề xuất giải pháp thực hiện để đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu.
Song song đó, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện triển khai ứng dụng công cụ cảnh báo ngập trực tuyến và hỗ trợ ra quyết định (FEDS) do Sở Xây dựng và Ngân hàng Thế giới đã xây dựng, đảm bảo dữ liệu quản lý ngập được cập nhật lên hệ thống tức thời, chính xác và hiệu quả. Đồng thời cập nhật dữ liệu ngập trên trang web thongtinthoatnuoctphcm.gov.vn; và từng bước chia sẻ dữ liệu này trên cổng thông tin điện tử TPHCM.
Nhiều bệnh nhi mắc sốt xuất huyết trở nặng dù bệnh chưa “vào mùa”
Báo Phụ Nữ TP phản ánh, mặc dù sốt xuất huyết chưa “vào mùa” nhưng số lượng trẻ mắc bệnh ở TPHCM đang có xu hướng gia tăng, nhiều trẻ diễn tiến nặng.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa SXH - Huyết học Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết, mặc dù chưa đến mùa mưa nhưng trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 40-50 bệnh nhi mắc SXH nhập viện, trong đó 10% số ca chuyển biến nặng, phải theo dõi sát.
Theo bác sĩ Tuấn, ở miền Nam và các tỉnh miền Trung, SXH có thể xảy ra quanh năm, tập trung nhiều vào mùa mưa. Thông thường, SXH Dengue phát triển mạnh từ tháng Bảy trở đi, tăng nhiều đến tháng Mười một. Chu kỳ của SXH khoảng 3-5 năm 1 lần, thường sau một số chu kỳ dịch nhỏ sẽ lại có 1 chu kỳ dịch lớn xảy ra.
Tuy những tháng qua TPHCM nắng nóng nhưng số ca mắc SXH nặng vẫn có dấu hiệu gia tăng. Đa phần các bé khi được đưa đến bệnh viện đã vào giai đoạn nặng, mệt mỏi, li bì, nổi ban đỏ, đông máu… phải nhập viện. Đa số phụ huynh nhầm lẫn trẻ bị sốt siêu vi, bệnh về hô hấp, vì nghĩ SXH… chưa tới mùa thì con mình không mắc bệnh này. Khi bác sĩ khai thác bệnh sử, nhiều cha mẹ không nhớ số ngày sốt của trẻ, cùng việc tự cho trẻ uống thuốc trong nhiều ngày nên việc chẩn đoán và điều trị có phần khó khăn. “Mặc dù quanh nhà không ai mắc SXH nhưng khi trẻ đi học, đi chơi, hay ăn hàng quán… vẫn có nguy cơ bị lây nhiễm nếu bị muỗi vằn cắn” - bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn lưu ý.
Công bố đường dây nóng phản ánh tiêu cực đến Cục Đăng kiểm
Báo Pháp Luật cho hay, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành đề nghị phối hợp quản lý hoạt động đăng kiểm xe cơ giới.
Theo Bộ GTVT, thời gian qua, để khắc phục tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, ngành đã đề ra một loạt giải pháp cấp bách, lâu dài. Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hiện vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn, có thể phát sinh thêm một số vi phạm, tiêu cực khác.
Để từng bước khắc phục và kịp thời ngăn ngừa các hành vi lợi dụng tình hình khó khăn để trục lợi, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành bố trí lực lượng, hướng dẫn, phân luồng đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại các trung tâm đăng kiểm.
Liên quan đến các hành vi tiêu cực như nhận làm dịch vụ xếp hàng lấy số hoặc cò mồi làm thủ tục kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản đề nghị các cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân nếu phát hiện các hành vi trên hãy gọi số điện thoại đường dây nóng của Cục Đăng kiểm: 024.37684702 hoặc 098. 5961766.