Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 19/8/2021

09:05 19/08/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 19/8

Kiến nghị Thủ tướng 4 nhóm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

Thông tin từ VOV.vn, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND TPHCM vừa có văn bản kiến nghị với Thủ tướng đề xuất 04 nhóm giải pháp duy trì, ổn định sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Đầu tiên là nhóm giải pháp duy trì, không để đứt gãy sản xuất hàng hóa, dẫn đến thiếu hụt lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu. TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh thực hiện nghiêm Công văn 1015 của Chính phủ về vận chuyển hàng hóa thiết yếu, chỉ kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa tại nhà máy, kho, không kiểm tra trên đường.

Với doanh nghiệp sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", "một cung đường hai điểm đến", kiến nghị ban hành hướng dẫn thống nhất chung về tiêu chí bắt buộc phải tuân thủ để bảo đảm phòng, chống dịch trong tất cả lĩnh vực; cách thức kiểm tra, giám sát. Doanh nghiệp thực hiện mô hình 3T được hỗ trợ giảm chi phí như: giảm giá điện sản xuất hoặc miễn giá điện sinh hoạt cho công nhân như khu cách ly, hỗ trợ xét nghiệm COVID-19 miễn phí cho công nhân, tiêm vắc xin.

Doanh nghiệp giảm số lao động để giãn cách trong sản xuất khi thực hiện "3 tại chỗ".
Doanh nghiệp giảm số lao động để giãn cách trong sản xuất khi thực hiện "3 tại chỗ".

Thứ hai, UBND TP cũng đề nghị chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng kéo dài thời hạn áp dụng ít nhất đến hết quý I/2022 và có thể đến hết tháng 6/2022 (thay vì hết tháng 12/2021 như dự thảo). Với doanh nghiệp dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch thì nâng mức giảm VAT lên 50% (thay vì 30% như dự thảo). 

Thứ ba, kiến nghị giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 cho người thuê đất gặp khó khăn; riêng doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng liên tục 2 năm 2020-2021 thì giảm 50%; doanh nghiệp được giảm 50% tiền thuê đất trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh. TPHCM cũng đề nghị doanh nghiệp được khấu trừ chi phí phòng, chống dịch COVID-19 trong các khoản nộp ngân sách để duy trì sản xuất. Doanh nghiệp 3T được ưu đãi, tăng mức hỗ trợ về vốn, về lãi.

Thứ tư, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện, khai thác hiệu quả các nền tảng ứng dụng công nghệ đang có như: khai báo y tế điện tử, mã QR, cổng đăng ký xác nhận tiêm chủng, hệ thống quản lý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Các ứng dụng cần liên thông dữ liệu, sử dụng thống nhất giữa các địa phương để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Đưa vào hoạt động Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 và Bệnh viện dã chiến điều trị đa tầng

Theo Vietnamplus, để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, ngày 18/8, ngành y tế TPHCM đã đưa vào hoạt động thêm Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện dã chiến số 14 và Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng quận Tân Bình.

Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 do Tập đoàn Novaland tài trợ, sau 8 tháng thi công đã đi vào hoạt động với hơn 300 nhân viên y tế đến từ Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Da liễu Quy Hòa-Quy Nhơn, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới.

Đặt tại số 2, đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, Trung tâm được chia làm 4 phân khu gồm khu bệnh nặng nguy kịch, bệnh nặng, thoát hồi sức và chuẩn bị ra viện.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 19/8/2021 - Ảnh 1

Quy mô hơn 500 giường bệnh hiện có tại Trung tâm, có thể nâng lên tối đa 600 giường khi cần. Trung tâm được đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại như máy thở chức năng cao, máy monitor, máy sốc tim, bồn oxy dung tích 20m3, hệ thống ôxy tới tận giường bệnh…

Kiểm tra thiết bị máy móc y tế tại Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện dã chiến số 14. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)
Kiểm tra thiết bị máy móc y tế tại Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện dã chiến số 14. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)
Trung tâm hồi sức COVID-19 thuộc Bệnh viện dã chiến số 14 do Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM quản lý 
Trung tâm hồi sức COVID-19 thuộc Bệnh viện dã chiến số 14 do Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM quản lý 
Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 19/8/2021 - Ảnh 2
Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 19/8/2021 - Ảnh 3
Thiết bị máy móc y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm hồi sức tích cực, Bệnh viện dã chiến số 14. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)
Thiết bị máy móc y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm hồi sức tích cực, Bệnh viện dã chiến số 14. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng,chống dịch COVID-19 quận Tân Bình phối hợp với Bệnh viện Thống Nhất thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng quận Tân Bình.

Bệnh viện được đầu tư cải tạo trên cơ sở trưng dụng toàn bộ cơ sở vật chất của Trung tâm Triển lãm và Hội chợ Tân Bình (số 446 đường Hoàng Văn Thụ, Phường 4, Quận Tân Bình).

Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng quận Tân Bình có chức năng thu dung, sàng lọc, cách ly, cấp cứu, chăm sóc, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 mức độ nhẹ, trung bình và nặng theo hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Y tế và Sở Y tế với quy mô 1.000 giường bệnh.

Trong số đó, tầng 1 là 300 giường, tầng 2 là 650 giường, tầng 3 là 50 giường theo mô hình “tháp điều trị 3 tầng” của Bộ Y tế.

Xử lý nghiêm trường hợp ra đường không có lý do chính đáng

TPHCM đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ ngày 16/8 đến 15/9/2021. Tuy nhiên, trong những ngày qua, người dân lưu thông trên các tuyến đường tăng hơn so với trước đó.

Ghi nhận của Vietnamplus, ngày 18/8, các phương tiện di chuyển bắt đầu đông trở lại trên tuyến đường lớn từ cửa ngõ phía Tây vào trung tâm thành phố như Quốc lộ 1, Trường Chinh (đoạn qua Quận 12), Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình).

Tương tự, các tuyến đường Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh, Quang Trung (quận Gò Vấp), Phan Đăng Lưu, Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), đường Nguyễn Tri Phương, đường 3/2, Hùng Vương (Quận 10, Quận 5), lượng xe và người di chuyển khá đông. Phần lớn là loại hình shipper, xe vận chuyển hàng hóa, xe cứu trợ, cứu thương, đơn vị phòng, chống dịch các địa phương cùng một số phương tiện giao thông các loại.

Trong khi đó, tại tuyến hẻm, đường nhỏ, đường nội bộ trong nội ô thành phố, người dân cùng chính quyền địa phương cũng lập chốt, điểm vùng xanh nhằm hạn chế người ra vào, kiểm soát dịch bệnh, góp phần không nhỏ trong việc hạn chế lưu thông trên các tuyến đường phố.

Chốt kiểm tra phương tiện giao thông trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Chốt kiểm tra phương tiện giao thông trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP, trên 48 tuyến đường chính (100 điểm đo), từ đầu tháng 8 đến nay, lưu lượng phương tiện đã tăng trở lại. Thời gian lưu thông nhiều nhất là các khung giờ từ 9-12 giờ và khung giờ từ 15-17 giờ hàng ngày. 

Công an TP cho biết theo văn bản 2718 của UBND TP, với việc cho phép thêm các nhóm đối tượng được hoạt động trong khung giờ từ 6-18 giờ hàng ngày, dự báo lưu lượng người và phương tiện di chuyển trên địa bàn TP trong khung giờ này sẽ tăng lên so với trước đó. 

Theo Công an TP, việc kiểm soát và công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố phải chặt chẽ, quyết liệt hơn. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Công an TP tiếp tục tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện để thực hiện tuần tra, chốt chặn, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Xử lý nghiêm cơ sở khám, chữa bệnh lợi dụng dịch bệnh để trục lợi

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, Ngày 18/8, Sở Y tế TP có văn bản phân công triển khai thực hiện gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 và công tác cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện tầng 2. TP sẽ xử lý nghiêm cơ sở khám, chữa bệnh lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.

Theo đó, nhằm triển khai hiệu quả hai trụ cột chính của công tác thu dung và điều trị COVID-19 trên địa bàn TP từ ngày 15/8 đến 15/9 theo chỉ đạo của UBND TP, hướng đến mục tiêu giảm tỉ lệ tử vong, Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP là đơn vị chịu trách nhiệm chính về toàn bộ các hoạt động của gói chăm sóc sức khỏe cho người F0 cách ly tại nhà, báo cáo kết quả 6 nhóm hoạt động chính về Sở Y tế trước 10 giờ mỗi ngày.

Trung tâm Cấp cứu 115 phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo tiếp nhận cuộc gọi và điều phối xe cấp cứu kịp thời.

Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả 5 trạm cấp cứu 115 tại các khu vực quận 10, quận 12, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, TP Thủ Đức; tiếp tục phát triển thêm loại hình xe taxi cấp cứu lên 200 chiếc xe Mai Linh để phân bổ cho các quận, huyện và loại hình xe vận chuyển người bệnh (xe Phương Trang).

Các bác sĩ Bệnh viện dã chiến huyện Bình Chánh nỗ lực ngày đêm để cấp cứu cho F0 - Ảnh: THU HIẾN
Các bác sĩ Bệnh viện dã chiến huyện Bình Chánh nỗ lực ngày đêm để cấp cứu cho F0 - Ảnh: THU HIẾN

Sở Y tế sẽ phân phối kịp thời các thuốc thuộc chương trình (Molnupiravir, Remdesivir) do Bộ Y tế cung cấp, đảm bảo công tác điều trị cho các bệnh viện thuộc tầng 1 và 2. Đồng thời, rà soát nguồn cung ứng, đảm bảo không bị gián đoạn đối với các thuốc kháng đông và kháng viêm dạng uống; tổ chức kiểm tra việc cung cấp các túi thuốc chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 đảm bảo đúng thành phần, số lượng theo quy định.

Thanh tra Sở Y tế sẽ sử dụng bảng điều khiển tình hình thu dung điều trị COVID-19 để chủ động hỗ trợ điều phối chuyển viện các trường hợp F0 tại các cơ sở cách ly tập trung F0 khi các cơ sở quá tải; tiếp tục điều phối vận chuyển các trường hợp cấp cứu cần chuyển viện giữa các bệnh viện thuộc tầng 2 và lên tầng 3; đồng thời chuyển người bệnh ổn định từ các bệnh viện tầng trên xuống các bệnh viện tầng dưới, đảm bảo tiếp nhận người bệnh cần hồi sức cấp cứu.

Ngoài ra, Thanh tra Sở sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở khám, chữa bệnh lợi dụng dịch bệnh để quảng cáo và thu phí trái quy định.

Đề xuất 7 nhóm công trình lớn được tiếp tục thi công xuyên dịch

Đây là những nhóm công trình xây dựng, giao thông thực sự cấp bách được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP ban hành danh mục để được thi công xuyên dịch. Nội dung trên báo Người Lao Động.

7 nhóm công trình gồm: Các công trình xây dựng phục vụ công tác chống dịch trên địa bàn TP HCM; tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên); cầu Thủ Thiêm 2; công trình xây dựng cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới trên Xa lộ Hà Nội; dự án đầu tư xây dựng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm; hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ; 3 công trình đang xây dựng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 19/8/2021 - Ảnh 4

Hiện nay, một số công trình do không đảm bảo quy tắc "3 tại chỗ" đã tạm dừng thi công như hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, dự án mở rộng đường Đặng Thúc Vịnh….

Riêng tuyến đường sắt metro số 1 vẫn đang thi công các gói thầu CP1a, CP1b, CP2 và CP3 với tổng số nhân lực huy động là 5.279 người/tuần. Gói thầu CP1a áp dụng cả 2 hình thức là "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 điểm đến". Gói thầu CP2 áp dụng "3 tại chỗ". Tổng tiến độ tuyến metro 1 đạt 87,41%.

TPHCM sẽ tiêm vắc xin cho hơn 216.000 người nước ngoài

Theo báo Pháp Luật TP, Văn phòng UBND TP vừa có công văn khẩn truyền đạt ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức về việc đồng ý với chủ trương tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại TPHCM. Việc tiêm chủng được tổ chức trong khả năng và nguồn lực có thể của TP.

UBND TP giao Sở Y tế phân bổ nguồn vắc xin và tổ chức tiêm cho người nước ngoài trong thời gian sớm nhất có thể. TP giao Sở Ngoại vụ phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan đại diện để triển khai tiêm cho công dân nước ngoài.

Qua số liệu từ các Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán các nước cung cấp, Sở Ngoại vụ thống kê được 216.006 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TPHCM mong muốn được tiêm vắc xin.

Người nước ngoài tại quận 7 được tiêm vaccine vào ngày 5/8. Ảnh: NGUYỆT NHI
Người nước ngoài tại quận 7 được tiêm vaccine vào ngày 5/8. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trước đó, Sở Ngoại vụ TP đã có công văn gửi Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 về việc này.

Theo Sở Ngoại vụ, tình hình dịch diễn biến phức tạp, biến chủng Delta lây lan nhanh chóng gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng người nước ngoài tại TPHCM. Nhiều cơ quan đại diện nước ngoài đã gửi công hàm hoặc thông qua các cuộc tiếp xúc chính thức, bày tỏ nguyện vọng TPHCM sớm tiêm vắc xin cho công dân của mình trong thời gian sớm nhất.

Sở Ngoại vụ cho biết từ khi dịch bùng phát tại TP, nhiều nước đã chủ động viện trợ trang thiết bị y tế và vắc xin cho Việt Nam, trong đó phần lớn phân bổ về TPHCM. Tại nhiều nước trên thế giới, công dân Việt Nam cũng được quan tâm, tiêm vắc xin như công dân nước sở tại.

Quận 6 tạm đình chỉ công tác 1 cán bộ trong vụ ra giá tiêm vắc xin

Báo SGGP cho hay, liên quan đến vụ ra giá tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại phường 2, quận 6 được báo chí phản ánh, ngày 18/8, Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo đã có văn bản thông tin kết quả chỉ đạo xử lý vụ việc.

Theo đó, UBND quận 6 đã chỉ đạo Chủ tịch UBND phường 2 tạm đình chỉ công tác đối với ông Trương Mạnh Thảo (cán bộ trật tự đô thị phường), người có liên quan đến vụ ra giá tiêm vắc xin tại điểm tiêm trường Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 6.

UBND quận 6 cũng chỉ đạo phường 2 có báo cáo làm rõ nội dung sự việc và chuyển vụ việc tới Công an quận 6 tiến hành điều tra và xử lý trách nhiệm các cá nhân có liên quan.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục