Đẩy nhanh tiến độ các dự án hợp tác với WB
Theo Vietnamplus, chiều 19/11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã tiếp, làm việc với bà Carolyn Turk, tân Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, về triển khai thực hiện các dự án tại TPHCM mà WB tham gia.
Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan khẳng định TPHCM luôn coi Ngân hàng Thế giới là đối tác phát triển lâu dài, quan trọng. Các nguồn lực do WB hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của TP. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực là trách nhiệm của TP và của từng chủ đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND TP đánh giá cao nỗ lực của bà Carolyn Turk từ khi mới bắt đầu nhiệm kỳ, cũng như hoan nghênh việc WB tiếp tục quan tâm hỗ trợ TP trong xây dựng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông. Đồng thời mong muốn WB hỗ trợ TP đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; tiếp tục dành cho TP các nguồn lực về chuyển đổi số và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng thời gian tới.
Để các dự án đảm bảo được tiến độ, hiệu quả như đã cam kết, nhất là thúc đẩy giải ngân nguồn vốn vay của WB, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đề nghị các cơ quan tham gia dự án, các chủ đầu tư khẩn trương triển khai các khuyến nghị của WB, không để chậm trễ.
Cám ơn sự đón tiếp và chia sẻ của lãnh đạo TPHCM, bà Carolyn Turk mong muốn cùng phối hợp để tháo gỡ sớm những vướng mắc trong việc triển khai các dự án tại TP, trong đó có dự án Chương trình cho vay hỗ trợ chính sách phát triển đợt 2 (DPO-2) và dự án Giao thông xanh.
Riêng Dự án Vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2, đoàn chuyên gia chuyên sâu của WB sẽ đi khảo sát thực tế trước khi đánh giá dự án này. Trên cở sở những việc đã làm được, WB sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho TP đối với những kế hoạch mới trong tương lai.
Hợp tác đảm bảo 100% người dân có nước sạch
Báo SGGP cho hay, chiều 19/11, UBND huyện Cần Giờ và Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) ký kết kế hoạch liên tịch về công tác phối hợp quản lý cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2020-2025.
Cần Giờ là địa bàn rộng nhất, xa nhất và khó khăn nhất TP, địa hình bị chia cắt bởi nhiều kênh rạch. Do đặc thù địa bàn, trước đây, TP kêu gọi đầu tư xã hội hóa trong cung cấp nước sạch cho huyện Cần Giờ và ngân sách nhà nước phải hỗ trợ chi phí cấp bù giá nước. Hiện nay, 100% hộ dân trên địa bàn huyện (19.176 hộ dân) được sử dụng nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt.
Tuy nhiên, nước sạch được cung cấp bằng 3 phương thức: cấp nước từ tuyến ống chuyển tải Nhà Bè - Cần Giờ - trạm cấp nước - đồng hồ nước khách hàng; cấp nước từ phương tiện thuỷ - trạm cấp nước - đồng hồ nước khách hàng; cấp nước từ phương tiện thuỷ - điểm đổi lẻ - khách hàng. Nhu cầu sử dụng nước toàn huyện Cần Giờ khoảng 17.000 m³/ngày; trong đó, SAWACO cung cấp khoảng 13.000m³/ngày, các trạm cấp nước khoảng 4.000m³/ngày.
Từ năm 2001 đến 2020, ngân sách nhà nước đã phải chi cấp bù giá nước sạch trên địa bàn huyện Cần Giờ là hơn 624 tỷ đồng. Dự kiến riêng năm 2020, ngân sách TP cấp bù giá nước trên địa bàn huyện khoảng 30 tỷ đồng. Một số vệ tinh không còn khả năng duy trì hoạt động, hoạt động cầm chừng, hạ tầng phục vụ cấp nước xuống cấp, cung cấp nước không liên tục…
Trong khi đó, hệ thống cung cấp nước của SAWACO đã và đang triển khai các dự án phủ kín toàn huyện. Vì thế, việc phối hợp giữa UBND huyện và SAWACO nhằm đảm bảo 100% hộ dân sử dụng nước sạch ổn định liên tục, đảm bảo chất lượng; tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch từ tuyến ống chuyển tải Nhà Bè – Cần Giờ, giảm tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ phương tiện thủy và qua các điểm đổi lẻ; giảm chi ngân sách nhà nước cho việc cấp bù giá nước sạch hàng năm.
Lộ trình phát triển mạng lưới cấp nước sẽ bắt đầu ngay từ quý 1/2021. Trong đó, ưu tiên khởi công các công trình tại 2 xã có nguồn nước không ổn định là xã Lý Nhơn và An Thới Đông. Riêng tại xã đảo Thạnh An, mạng lưới cấp nước dự kiến khởi công và hoàn thành trong năm 2025.
Trường THPT Lê Quý Đôn đón nhận danh hiệu cao quý
Báo Pháp Luật TP đưa tin, ngày 19/11, Trường THPT Lê Qúy Đôn (quận 3) vinh dự đón nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia và Bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp TP.
Trường THPT Lê Qúy Đôn được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 (mức độ cao nhất trong thang đánh giá trường đạt chuẩn quốc gia) và đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3 (cấp độ cao nhất trong thang đánh giá kiểm định chất lượng đạo tạo).
Ngôi trường có tuổi đời 146 năm này được khởi công xây dựng vào năm 1874, hoàn tất vào năm 1877, giảng dạy từ tiểu học đến tú tài theo chương trình Pháp. Ngày đầu thành lập, trường có tên Collège Indigène. Năm 1977, trường chính thức mang tên trường PTTH Lê Qúy Đôn.
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng
Theo Trang tin điện tử Đảng bộ TP, UBND TP vừa có chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, UBND TP yêu cầu các sở - ngành, quận - huyện thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, vừa phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp như nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh; tận dụng cơ hội thu hút các luồng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam nói chung và TP nói riêng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp (DN).
Đối với lĩnh vực du lịch, TP chú trọng hỗ trợ công tác quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm, kích cầu du lịch… để các DN lữ hành, cơ sở lưu trú, vận chuyển, mua sắm, ẩm thực phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh, tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch. Tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa trên cơ sở liên kết các DN lữ hành khách sạn, vận chuyển và các điểm tham quan để có những sản phẩm mới, hấp dẫn an toàn và cạnh tranh.
UBND TP yêu cầu các sở - ngành, quận - huyện thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, vừa phát triển kinh tế
Về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, UBND TP yêu cầu các sở - ban - ngành, UBND quận - huyện khẩn trương thực hiện Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2020 theo Quyết định số 3498/QĐ-UBND ngày 24/9/2020 của UBND TP.
Gần 100 năm tù cho 10 bị cáo giả danh công an gọi điện lừa đảo
Báo Lao Động đưa tin, sau 2 ngày xét xử, chiều 19/11, TAND TPHCM đã đưa ra phán quyết đối với 10 bị cáo nằm trong băng nhóm chuyên giả danh cơ quan tiến hành tố tụng nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do một số đối tượng người nước ngoài cầm đầu.
Cụ thể 2 bị cáo có vai trò chủ chốt trong băng nhóm là Pan Chu Lin - 15 năm tù, Chiu Po Sung - 13 năm tù, đều là người Đài Loan (Trung Quốc). Các bị cáo còn lại với vai trò đồng phạm: Hou Po Ta - 10 năm (người Đài Loan - Trung Quốc), Nguyễn Doãn Toàn - 8 năm, Bùi Quang Hải - 12 năm, Nguyễn Thái Dũng - 6 năm, Nguyễn Tông Long - 6 năm, Nguyễn Doãn Phong - 10 năm, Trang Thị Châu Đoan - 7 năm, Dương Văn Tùng - 5 năm.
Các bị cáo nằm trong băng nhóm chuyên giả danh cơ quan tiến hành tố tụng nhằm lừa đảo. Ảnh: Anh Tú
Theo cáo trạng, đầu tháng 1/2018, hai đối tượng tên Hồng Trà, Tiểu Lâm (chưa rõ lai lịch) cấu kết với một số người nước ngoài là Pan Chu Lin, Chiu Po Sung, Hou Po Ta giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thoại đến những người bị hại, rồi đưa thông tin họ liên quan đến phạm tội, đe dọa bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để chúng kiểm tra. Sau khi bị hại chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định thì Pan Chu Lin, Chiu Po Sung cùng đồng phạm rút ra chia nhau sử dụng vào mục đích cá nhân.
Chỉ trong vòng 3 tháng (từ tháng 1 - 4/2018), với thủ đoạn giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án các bị cáo trong đường dây này đã thực hiện trót lọt 18 vụ, chiếm đoạt gần 10,7 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, phần lớn các bị cáo thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố. Một số bị cáo cho rằng mình chỉ đi rút tiền thuê cho các bị cáo chủ mưu, không có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bị hại.
Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan sai. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tới tài sản của người khác, chiếm đoạt số tiền lớn nên cần xử lý nghiêm.
Trong vụ án này, bị cáo Pan Chu Lin là người có vai trò chủ chốt, thực hiện 15 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên mức án cần phải nghiêm khắc hơn những bị cáo khác trong vụ án. Một số bị cáo có nhân thân tốt, hoàn cảnh khó khăn, có con nhỏ , thành khẩn khai báo, đã khắc phục một phần hậu quả … Sau khi cân nhắc, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo mức án như trên.
Ngoài hình phạt về hình sự thì HĐXX cũng buộc các bị cáo phải bồi thường lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại.
Nhiều đơn vị bị tạm ngưng cấp giấy phép thi công
Sở GTVT TP cho biết đã giao các đơn vị liên quan tạm ngưng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thi công cho các đơn vị gồm Viễn thông TP.HCM, Viettel TP.HCM, Trung tâm viễn thông, Xí nghiệp truyền dẫn nước sạch để các đơn vị này tập trung khắc phục tình trạng các nắp hầm kỹ thuật tại quận 1, quận 3 bị hư hỏng. Nội dung đăng tải trên báo Pháp Luật TP.
Cụ thể, Sở GTVT TP chỉ cấp phép khi việc khắc phục hoàn thành và nhận được báo cáo của Thanh tra Sở về kết quả khắc phục các nắp hầm kỹ thuật bị hư hỏng.
Sở GTVT giao Thanh tra Sở chủ trì, phối hợp Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ chủ động xử phạt theo quy định các hành vi không thực hiện, khắc phục các sự cố gây ảnh hưởng đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ; báo cáo tình hình khắc phục muộn nhất là đến ngày 20/11.
Sở GTVT yêu cầu các đơn vị thi công khắc phục các hư hỏng. Ảnh minh hoạ: LƯU ĐỨC.
Kết quả này sẽ là cơ sở tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thi công, chấp thuận xây dựng các công trình cho các đơn vị nêu trên đề xuất. Trường hợp các đơn vị tiếp tục không hoặc chậm trễ phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ trong việc khắc phục các bất cập nêu trên, Sở GTVT TP sẽ không xem xét chấp thuận xây dựng các công trình thiết yếu do các đơn vị làm chủ đầu tư dưới lòng đường nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, hạn chế gây ảnh hưởng đến toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ.
Cơ hội nghề nghiệp tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp - việc làm
Theo báo SGGP, ngày 19/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TPHCM tổ chức Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp - việc làm năm 2020 với chủ đề: “Phụ nữ khởi nghiệp - Sáng tạo - Kết nối thành công, bền vững”.
Ngày hội thu hút hơn 70 gian hàng tham gia trưng bày và bán sản phẩm, cùng hơn 1.000 khách tham quan, mua sắm các sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp, sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao. Đây cũng là dịp để người lao động, nhất là lao động nữ tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp, việc làm.
Tại ngày hội, có 10 bàn tuyển dụng giúp kết nối các doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động với người lao động chưa có việc làm; đồng thời tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ngày hội diễn ra từ ngày 19 - 20/11 cùng với các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp sáng tạo.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm làm từ nguyên liệu tái chế tại ngày hội
Dịp này Hội LHPN TP cũng tổ chức các hội thảo giới thiệu chương trình “Women can do” (Phụ nữ có thể làm), hội thảo “Giải pháp tăng trưởng trong kinh doanh sau Covid-19” nhằm tạo cơ hội để hội viên, nữ doanh nhân TP gặp gỡ giao lưu, tìm đối tác hợp tác, liên doanh và cùng học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất - kinh doanh.
Giới thiệu đến khách tham quan sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)