Hơn 130 loài hoa sẽ phục vụ thưởng lãm tại đường hoa Nguyễn Huệ
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, tối 19/1, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) chính thức công bố tổ chức năm thứ 18 của Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Tân Sửu 2021, mang chủ đề “TPHCM: Văn minh - hiện đại - nghĩa tình”. Báo SGGP đưa tin.
Ông Nguyễn Đông Hòa, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group cho biết, năm nay tổng số hoa phục vụ tại Đường hoa Nguyễn Huệ khoảng hơn 130 loài với hơn 120.000 chậu. Hiện nay Ban tổ chức (BTC) đã ký hợp đồng với tất cả các nhà vườn trồng hoa, trong đó số lượng lớn nhất đến từ Công ty Công viên Cây xanh TPHCM. Bên cạnh đó là nguồn hoa đặc thù từ các địa phương, trong đó có hoa Đà Lạt. Đồng thời cũng bổ sung thêm các loài hoa mới.
Ông Nguyễn Đông Hòa thông tin thêm, ngày 20/1, BTC sẽ tiến hành nhận mặt bằng phố đi bộ Nguyễn Huệ từ Sở Xây dựng, sau đó kiểm kê và đến ngày 25/1 bắt đầu vào giai đoạn thi công đường hoa. Riêng về tiến độ thiết kế linh vật tại xưởng, đến thời điểm này, 26 linh vật trâu đã hoàn thành khoảng hơn 60% các hạng mục theo thiết kế.
Năm nay Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ được thiết kế phần đường, lối đi dành cho người tham quan, thưởng ngoạn lớn hơn nhằm thực hiện giãn cách trong bối cảnh còn xảy ra dịch Covid-19. Đồng thời, người tham quan đường hoa năm nay sẽ phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch do Sở Y tế TP và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP hướng dẫn theo thông điệp 5K và đo thân nhiệt.
Theo kế hoạch thời gian tham quan đường hoa được ấn định từ tối 9/2 (28 tháng Chạp) ngay khi khai mạc và kéo dài tới 15/2 (mùng 4 tết).
Khai mạc hội chợ xuân quận Tân Bình
Theo báo SGGP, tối 19/1, UBND quận Tân Bình đã khai mạc Hội chợ Xuân Tân Sửu năm 2021 tại Trung tâm Văn hóa Thể thao quận nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu năm 2021. Hội chợ diễn ra từ nay đến ngày 24/1/2021.
Với quy mô trên 200 gian hàng, hội chợ quy tụ đa dạng các sản phẩm, hàng hóa thuộc nhiều lĩnh vực như nông sản, thực phẩm, gia vị, thời trang, mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm, điện tử, điện gia dụng, nhựa gia dụng, văn phòng phẩm, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất… và các mặt hàng tết như bánh, kẹo, mứt, hạt dưa…
Hội chợ nhằm xúc tiến thương mại, thúc đẩy sản xuất, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế; tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và thương nhân đưa hàng Việt chất lượng cao, giá ưu đãi vào phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Trong khuôn khổ của Lễ Khai mạc hội chợ, Ban Tổ chức đã trao quà cho 50 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận.
Cầu Mỹ Thủy 3 sắp hoàn thành, giảm kẹt xe cho cảng Cát Lái
Ghi nhận của báo Lao Động ngày 19/1, công trình cầu Mỹ Thủy 3, dài 75m, rộng 24m cơ bản đã thành hình sau 10 tháng thi công. Hàng chục công nhân cùng máy móc đang tất bật hoàn thiện phần đường dẫn vào cầu dài 250m.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, cho biết dự án đạt hơn 90% khối lượng. Đơn vị chỉ còn thực hiện các phương án nối kết giao thông, dự kiến đưa cầu Mỹ Thủy 3 vào khai thác trong tháng 2 năm nay.
Cầu Mỹ Thủy 3 là một trong hạng mục chính của dự án nút giao Mỹ Thuỷ (giai đoạn hai), khởi công hồi tháng 3/2020 với tổng vốn gần 57 tỉ đồng. Dự án này có mục tiêu là xóa kẹt xe vào khu vực cảng biển Cát Lái.
Theo ông Phúc, sau khi hoàn thành, cầu Mỹ Thủy 3 sẽ cùng với cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2 có tổng bề rộng 60m sẽ cho 10 làn xe ôtô và 2 làn xe máy lưu thông, thay vì hiện nay mỗi cầu chỉ cho 2 làn xe ôtô và 1 làn xe máy.
Cảnh báo tình trạng cho thuê kho bãi trữ hàng lậu phục vụ thị trường Tết 2021
Cũng trên báo Tin Tức, ngày 19/1 tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Cục quản lý Thị trường (QLTT) TP, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục QLTT TP cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng do đang vào mùa cao điểm kinh doanh phục vụ thị trường Tết 2021.
Gần đây, còn xuất hiện tình trạng nhiều doanh nghiệp thuê mặt bằng kho của các công ty lớn, có uy tín lâu năm trên thị trường để làm nơi cất giấu hàng lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng diễn ra rất nghiêm trọng.
Lãnh đạo Cục QLTT TP thông tin thêm, hoạt động buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ các tỉnh Tây Ninh, Long An vào TPHCM và đi các tỉnh để tiêu thụ vẫn diễn ra. Đối tượng thường sử dụng xe ô tô loại từ 4-16 chỗ để tập kết hàng tại các địa bàn sát biên giới, sau đó vận chuyển vào nội địa với số lượng lớn. Trong quá trình vận chuyển, để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường xuyên thay đổi biển số xe và thời gan vận chuyển. Trong nội địa, thuốc lá lậu được tập kết phân tán, cất giấu nhiều nơi để vận chuyển nhỏ lẻ, tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Để ngăn chặn tình trạng trên, các đơn vị chức năng đã được quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết chống buôn lậu thuốc lá trong tình hình mới, chủ động nắm tình hình từ xa để tiến hành ngăn chặn phát hiện sớm, tăng cường quản lý kiểm tra địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ngành hải quan, ban quản lý an toàn thực phẩm… kiểm tra các chợ đầu mối, chợ truyền thống, các tuyến đường giáp danh giữa các tỉnh với TPHCM.
Đề nghị mở làn riêng để xe công nghệ đón khách ở Tân Sơn Nhất
Nguồn tin từ Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất cho biết, Grab Việt Nam đã có đề nghị Cảng HKQT Tân Sơn Nhất bố trí một làn xe riêng, có biển hướng dẫn cho tất cả xe công nghệ đón khách tại nhà ga quốc nội của cảng, thay vì vòng lên tầng 3-5 của nhà xe TCP đón khách như thời gian qua.
Xe công nghệ vào làn này đón khách sẽ trả phí không quá 10.000 đồng/lượt. Ngoài ra, xe công nghệ vẫn trả phí cổng ra khỏi cảng như các phương tiện khác theo quy định. Đồng thời, phía Grab cho biết sẽ bố trí nhân viên điều tiết, phối hợp với các lực lượng chức năng của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đảm bảo trật tự lại làn riêng.
Trước đó, trao đổi với Pháp Luật TP, đại diện của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất thông tin hãng xe công nghệ Becar cũng đặt vấn đề với cảng để tìm giải pháp đón khách thuận tiện tại cảng. Tuy nhiên, hai bên chưa chốt phương án cuối cùng.
Phía cảng nêu quan điểm sẵn sàng hợp tác với các hãng xe công nghệ với điều kiện các hãng chịu kí nhượng quyền như các hãng xe taxi, xe hợp đồng khác.
Bao giờ người dân có CCCD gắn chip?
Căn cước công dân gắn chip với nhiều tiện ích đang được không ít người dân TPHCM trông chờ và mong sớm được sở hữu.
Tuy nhiên, phản ánh đến báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Lương (43 tuổi, ngụ quận 11) cho biết, đầu tháng 1, bà đến Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an quận 11 hỏi về thủ tục thực hiện. Tuy nhiên, cán bộ ở đội cho hay quận vẫn chưa triển khai cấp loại CCCD gắn chip, còn thời gian cụ thể, chi tiết cho từng đối tượng sẽ được thông báo sau.
Ông Trần Công Minh (50 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cũng cho hay "Cách vài ngày, tôi lại đến Công an quận Gò Vấp để hỏi thăm về việc cấp CCCD gắn chip nhưng đều được nói chờ thông báo" - ông Minh kể và thắc mắc bao giờ người dân được cấp.
Lý giải về sự chậm trễ so với kế hoạch, đại tá Lê Công Vân, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) - Công an TP, cho biết do sự cố chậm bàn giao máy móc, thiết bị làm CCCD gắn chip từ nhà thầu, nên đến nay, công an các quận, huyện vẫn chưa thể cấp CCCD gắn chip cho đông đảo người dân.
Công an TP đã đôn đốc, chỉ đạo nhà thầu khẩn trương bàn giao phương tiện kỹ thuật. Dự kiến, trong tuần này, máy móc sẽ được chuyển đến công an các quận, huyện để gấp rút thực hiện nhằm hoàn thành cấp đổi thẻ CCCD có gắn chip cho hơn 7 triệu người dân trong vòng 6 tháng tới, đúng như kế hoạch trước đó đã đề ra.
Đại tá Lê Công Vân cho biết thêm, người dân khi đến Phòng PC06 hoặc công an các quận, huyện chỉ cần khai đầy đủ họ tên, năm sinh và địa chỉ sẽ được cán bộ kiểm tra thông tin trên máy tính rồi chụp ảnh, lăn tay và cung cấp giấy hẹn để nhận CCCD.
Thời gian cấp thẻ CCCD gắn chip từ 5-7 ngày, người dân sẽ được hướng dẫn cụ thể nơi đến giao dịch để nhận hoặc gửi qua đường bưu điện. Lệ phí có thể sẽ thấp hơn trước đây do có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Đặc biệt, người dân không đăng ký thường trú, tạm trú tại TPHCM vẫn có thể đến các đơn vị công an tại TPHCM cấp CCCD có gắn chip.
Trước đó, theo lộ trình của Công an TP, việc cấp CCCD gắn chip sẽ tiến hành trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, trước 1/7/2021, TP sẽ ưu tiên cấp đổi cho người đủ 14 tuổi chưa làm CCCD, người hiện đang sử dụng CMND 9 số. Giai đoạn 2, sau 1/7/2021, sẽ bắt đầu cấp CCCD gắn chip cho những người đang sử dụng CCCD mã vạch và CMND 12 số.
Hỗ trợ lãi suất tối đa khi doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ
Báo Tin Tức đưa tin, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP cho biết, TP đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghệ thông tin (CNTT) cải thiện năng lực canh tranh, trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ tối đa lãi suất.
Cụ thể, DN khi mở rộng phát triển các dự án đầu tư sản xuất lĩnh vực CNTT sẽ được hỗ trợ vay vốn từ 50% đến 100% lãi suất, tùy theo từng dự án. Ngoài ra, việc xét duyệt các dự án vay vốn đầu tư cũng được nới rộng hơn trước; với việc các thủ tục hồ sơ hỗ trợ vay vốn sẽ được tinh giản hơn 2/3 lần, giúp nhiều DN có thể tiếp cận được các gói vay kích cầu khi đầu tư.
Trong khi đó, bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP cho biết, đã có nhiều dự án của các DN được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN 10% trong thời hạn 15 năm. Trong đó, có DN được miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Ngoài ra, DN đầu tư còn được hưởng ưu đãi hỗ trợ lãi suất vay theo chương trình kích cầu đầu tư; được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư.
Riêng với tiền thuê đất, dự án của DN CNTT còn được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định cho phép phù hợp với từng trường hợp…
Dời điểm lấy nước thô sông Sài Gòn lên Củ Chi để “né” khu vực ô nhiễm
Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, UBND TP vừa phê duyệt Đề án cấp nước sạch giai đoạn 2020-2050 và chương trình cung cấp nước sạch, giảm khai thác nước ngầm giai đoạn 2020-2030, trong đó dự kiến dời điểm lấy nước thô trên sông Sài Gòn về thượng nguồn so với điểm hiện tại ở Hòa Phú (Củ Chi).
Cụ thể, vị trí mới cách trạm bơm Hòa Phú khoảng 15-20km và cách ngã ba sông Thị Tính - Sài Gòn 10-15km. Điều này giúp hạn chế tối đa các ảnh hưởng từ nước thải sinh hoạt, sản xuất, nông nghiệp từ phía Bình Dương đổ ra sông Thị Tính rồi chảy vào sông Sài Gòn. Ngoài ra, TP sẽ khảo sát xây dựng cụm hồ chứa nước thô số 1 để tăng khả năng dự trữ nước thô.
Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2020-2025, TPHCM sẽ nâng tổng công suất hệ thống cấp nước từ 2,4 triệu m3/ngày đêm lên 2,9 triệu m3/ngày đêm, tỉ lệ thất thoát nước giảm từ 20,85% (năm 2019) xuống còn 18%.
Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco), từ trước đến nay, TPHCM sử dụng nguồn nước thô từ hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai thông qua hai trạm bơm Hòa Phú và Hóa An. Thời gian gần đây nước từ sông Sài Gòn mức độ ô nhiễm tăng cao và thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn mặn vào mùa khô.
Vân Anh - Khang Minh (Tổng hợp)