Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 20/5/2020

11:17 20/05/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin liên quan đến TP. Hồ Chí Minh đáng chú ý trên các báo ra ngày 20/5/2020:

Phân loại, bảo tồn hơn 150 biệt thự cũ

Báo điện tử Vietnamplus cho hay: Hơn 150 biệt thự cũ trên địa bàn TP vừa được UBND TP. Hồ Chí Minh có quyết định phân loại (đợt 1 và đợt 2) để quản lý, bảo tồn; trong đó, 52 biệt thự thuộc nhóm 1; 75 biệt thự thuộc nhóm 2 và 24 biệt thự thuộc nhóm 3.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cũng theo quyết định này, các biệt thự cũ được phân loại tập trung trên địa bàn các quận 1, 3, 5, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Thủ Đức. Các cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu biệt thự cũ có trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc về quản lý, sử dụng và bảo trì, cải tạo biệt thự cũ được quy định trong Luật Nhà ở.

Trường hợp là biệt thự cũ thuộc sở hữu Nhà nước, phải thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.

Trường hợp là biệt thự cũ có giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, phải tuân thủ các quy định về quản lý di sản văn hóa.

Cụ thể, đối với biệt thự cũ nhóm 1 phải được giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao; Đối với biệt thự cũ nhóm 2 phải được giữ nguyên kiến trúc bên ngoài; Đối với biệt thự cũ nhóm 3 thì thực hiện theo các quy định về quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về xây dựng.

Ngoài ra, chủ sở hữu biệt thự cũ thuộc nhóm 1 hoặc nhóm 2 không được phép thay đổi nguyên trạng ban đầu của biệt thự cũ; không phá dỡ biệt thự cũ nếu chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ.

Linh hoạt nhiều giải pháp tiếp sức cho doanh nghiệp nhỏ

Cũng trên báo Vietnamplus, thị trường bán lẻ, dịch vụ tại TP. Hồ Chí Minh trong những tuần gần đây đã trở lại nhịp kinh doanh, bán buôn bình thường. Tuy nhiên, không ít đơn vị kinh doanh siêu nhỏ, nhỏ và vừa phải chuyển hướng kinh doanh sang ngành hàng mới.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Thành Phong, chủ quán cà phê trên đường Ngô Thời Nhiệm, Quận 3, cho hay anh đang suy nghĩ phương án trả mặt bằng để chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác vì theo dự báo, lĩnh vực kinh doanh này cần thời gian ít nhất khoảng 1 năm để phục hồi. Hiện tại người dân chỉ tập trung mua sắm những mặt hàng thiết yếu, tiết kiệm chi phí sinh hoạt kể cả du lịch, vui chơi, giải trí...

Người dân mua sắm tại Siêu thị 0 đồng. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)
Người dân mua sắm tại Siêu thị 0 đồng. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Cùng quan điểm, chị Quỳnh Anh, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh thời trang trên Quốc lộ 13, quận Bình Thạnh, cho biết hiện tại cửa hàng đã chuyển sang kinh doanh đa dạng thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn và nông sản. Bởi vào thời điểm này, thời trang là một trong những ngành thuộc nhóm có sức mua giảm sút nên người kinh doanh khó duy trì hoạt động trước sức ép của chi phí thuê mặt bằng, thanh khoản dòng vốn...

Mặt khác, các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã và đang vào mùa thu hoạch nông sản và trái cây đặc sản, nên nhiều đơn vị kinh doanh chuyển hướng kinh doanh sang những mặt hàng này.

Tuy vậy, muốn có lợi nhuận và cạnh tranh về giá, các đơn vị kinh doanh cho biết, họ không thuê, mướn mặt bằng mà bán buôn theo phương thức thương mại điện tử và giao hàng tận nơi. Với phương thức, giá cả hàng hóa thấp hơn giá thị trường từ 10-20%.

Chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, cho hay đơn vị kinh doanh phải luôn luôn cập nhật thông tin, bám sát diễn biến thị trường... từ đó mới có những giải pháp giảm chi và tăng thu trong hoạt động kinh doanh khi xuất hiện những nguy cơ, rủi ro.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, đơn vị kinh doanh cũng nên lựa chọn phương thức kinh doanh linh hoạt trong bán hàng, tăng doanh số, bảo tồn vốn... Đồng thời, muốn giữ chân khách hàng thân thiết và thu hút khách hàng mới, đơn vị kinh doanh cần đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm.

Còn ở góc độ chuyên gia, bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, cho rằng nếu đơn vị kinh doanh có kế hoạch kinh doanh với định hướng rõ ràng thì sẽ hạn chế được rủi ro và không gặp ít khó khăn hơn khi tiếp cận các tổ chức tài chính, cũng như nguồn vốn vay.

4 ngày tổng kiểm soát, CSGT TP tạm giữ 718 xe

Đại diện Phòng CSGT (PC08) Công an TP cho biết tính đến hết ngày 18/5, tổng số phương tiện vi phạm mà CSGT xử phạt là 4.145 trường hợp, chủ yếu là xe máy, ô tô con, xe tải, xe khách... Đó là những thông tin được đăng tải trên báo Pháp Luật TP.

Với hơn 4.000 biên bản, CSGT đã phạt hơn 500 triệu đồng. Ảnh: LÊ THOA
Với hơn 4.000 biên bản, CSGT đã phạt hơn 500 triệu đồng. Ảnh: LÊ THOA

Theo đại diện PC08, tổng số tiền phạt là trên 639 triệu đồng, đồng thời CSGT đã tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 408 trường hợp, tạm giữ 718 phương tiện. 

Một số lỗi vi phạm phổ biến bị CSGT phạt như nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, dừng, đỗ xe không đúng quy định, lưu thông không đúng phần đường, làn đường, chở hàng quá khổ, quá tải…

Trước đó, từ 6 giờ sáng 15/5, tất cả đội, trạm trực thuộc PC08 đã đồng loạt ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn TP, tập trung vào các loại phương tiện như xe khách, xe container, ô tô con và xe tải. Đợt cao điểm này sẽ diễn ra đến hết ngày 14/6.

Điều chỉnh giao thông trên 2 con đường lớn ở quận 7

Cũng theo thông tin trên báo Pháp Luật TP, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong quá trình thi công công trình nâng cấp, cải tạo năm cửa xả trên đường Huỳnh Tấn Phát (khu vực giao Huỳnh Tấn Phát - Trần Xuân Soạn), quận 7, Sở GTVT TP tiến hành điều chỉnh giao thông khu vực này.

Sở GTVT TP.HCM vừa thông báo về việc tổ chức lưu thông trên đường Huỳnh Tấn Phát và Trần Xuân Soạn, quận 7.
Sở GTVT TP.HCM vừa thông báo về việc tổ chức lưu thông trên đường Huỳnh Tấn Phát và Trần Xuân Soạn, quận 7.

Theo đó, kể từ ngày 23/5 đến ngày 19/6, trên đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ đường dẫn cầu Tân Thuận 1 đến đường Trần Xuân Soạn) sẽ tổ chức lưu thông một chiều các loại xe theo hướng từ đường dẫn cầu Tân Thuận 1 đến đường Trần Xuân Soạn.

Đường Trần Xuân Soạn (đoạn từ đường Huỳnh Tấn Phát đến đường gom cầu Tân Thuận 2) sẽ tổ chức lưu thông một chiều các loại xe theo hướng từ đường Huỳnh Tấn Phát đến đường gom cầu Tân Thuận 2.

Lộ trình thay thế: Đường Huỳnh Tấn Phát - đường Trần Xuân Soạn - đường gom cầu Tân Thuận 2 - đường Nguyễn Văn Linh - đường Huỳnh Tấn Phát.

Tập trung khai thác lợi thế sân nhà

Dịch Covid-19 diễn ra trên diện rộng khiến đại đa số các quốc gia phải đóng cửa biên giới. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp (DN) đã xem thị trường nội địa là điểm tựa vững chắc để phát triển sản xuất kinh doanh. Đây là nội dung trên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Kết thúc đợt kinh doanh cao điểm trong tháng 3 và 4 vừa qua, ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vissan, cho biết, doanh thu ở nhóm hàng thực phẩm chế biến tăng 30%-40%, đặc biệt là mặt hàng đồ hộp đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ. 

Pha lóc thịt heo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước tại Công ty Vissan. Ảnh: CAO THĂNG
Pha lóc thịt heo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước tại Công ty Vissan. Ảnh: CAO THĂNG

Tương tự, đối với nhiều DN trong ngành lương thực, thực phẩm cũng đạt mức tăng trưởng doanh thu khá tốt nhờ nhu cầu và sức mua từ thị trường nội địa trong mùa dịch bệnh tăng vọt. Nói cách khác, nếu dịch bệnh khiến nhiều DN trong các lĩnh vực phải ngưng kinh doanh, thậm chí phá sản thì với một số DN lại là cơ hội để tái cấu trúc, đa dạng hóa sản phẩm. Nhưng để nắm bắt tốt cơ hội, đạt hiệu quả kinh doanh cao, DN phải vào cuộc quyết liệt. 

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, trong hoàn cảnh khó khăn từ dịch Covid-19, các DN thực phẩm đã có những sáng kiến rất hay, tạo sức lan tỏa đến DN khác bắt đầu nghiên cứu đưa nguyên vật liệu mới vào sản xuất với nỗ lực giúp Việt Nam đứng vững, đồng thời gia tăng giá trị cho nông nghiệp địa phương.

Tuy vậy, để tạo đà cho DN tiếp tục phát triển sau dịch, đặc biệt là tận dụng tốt nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước thì cần thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN.

DN biến “nguy thành cơ” bằng cách tăng chất lượng, mẫu mã, giảm giá để nâng sức cạnh tranh của hàng hóa. Song, bên cạnh sự chủ động của DN, rất cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành tạo điều kiện cho DN mở rộng thị trường ngay trên sân nhà, tất cả cùng hướng tới mục tiêu đưa thị trường nội địa thành đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là tiền đề vững chắc giúp DN vươn ra thị trường quốc tế khi dịch Covid-19 qua đi.

Hỗ trợ để các doanh nghiệp du lịch phục hồi

Sau gần năm tháng ngủ đông vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hiện nay các công ty du lịch tại TP đang bắt đầu khởi động trở lại. Vậy các cơ quan chức năng làm gì để hỗ trợ các công ty du lịch hồi sinh? Báo Pháp Luật TP đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch, về vấn đề này.

Theo bà Hoa, trong quý I/2020, do tác động của dịch Covid-19 nên khoảng 90% DN vừa và nhỏ đã tạm ngừng hoạt động; doanh thu của ngành du lịch sụt giảm nghiêm trọng. Đến thời điểm hiện tại, khoảng 60% DN trong số này đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các gói tour du lịch trong giai đoạn này chủ yếu nhằm tái khởi động, thăm dò thị trường sau giai đoạn cách ly xã hội. Một số khách sạn trên địa bàn TP vẫn còn tạm ngưng kinh doanh. Phần lớn khách sạn hoạt động ở mức cầm chừng, doanh thu đầu vào không đủ trang trải chi phí cho việc duy trì hoạt động của các cơ sở.

TP.HCM đồng loạt miễn, giảm giá vé tham quan hoặc tặng các dịch vụ kèm theo nhằm thu hút khách trong giai đoạn phục hồi sau dịch.
TP.HCM đồng loạt miễn, giảm giá vé tham quan hoặc tặng các dịch vụ kèm theo nhằm thu hút khách trong giai đoạn phục hồi sau dịch.

Chia sẻ về các chính sách để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để DN vượt qua đại dịch, bà Hoa cho biết, ngành du lịch TP đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm lắng nghe ý kiến các công ty du lịch và phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất các giải pháp giảm tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với ngành du lịch. Trên cơ sở kiến nghị của TP và các địa phương, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Hiện TP đang tập trung triển khai các giải pháp này đến các DN bằng nhiều hình thức.

Nhưng theo bà Hoa, để hồi phục thật sự bình thường cần thêm thời gian khoảng 5-6 tháng nữa với nhiều giải pháp sáng tạo, vượt khó của chính DN cũng như sự tiếp tục đồng hành, hỗ trợ từ các ngành, các cấp.

Để hỗ trợ du lịch phục hồi, TP sẽ triển khai nhiều giải pháp. Ví dụ, triển khai chiến dịch truyền thông “Xin chào TP.Hồ Chí Minh” nhằm đẩy mạnh thị trường du lịch nội địa cũng như chuẩn bị cho thị trường khách quốc tế.

Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị liên quan để hỗ trợ truyền thông về du lịch TP. Đặc biệt là phát huy vai trò “mỗi người dân là một đại sứ du lịch” để tuyên truyền, quảng bá các điểm đến tại TP; triển khai chương trình kích cầu du lịch như miễn, giảm giá vé tham quan hoặc tặng các dịch vụ kèm theo.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục