Mở rộng hỗ trợ đối tượng lao động tự do gặp khó khăn
Theo Vietnamplus, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP có văn bản khẩn yêu cầu các địa phương tập trung rà soát, thống kê, danh sách người lao động làm ở các nhóm công việc như: Bảo mẫu, quét dọn, giúp việc gia đình thuê; bảo vệ, giữ xe, rửa xe thuê; sửa xe, vá xe nhỏ lẻ; bán báo dạo, đánh giày hoặc công việc có tính chất tương tự.
Các công việc cần địa phương nhanh chóng thống kê gồm bán hàng, trợ giúp bán hàng thuê (trong cửa hàng tại chợ, quầy hàng, điểm buôn bán nhỏ, tạp hóa); xử lý hạt giống để nhân giống (làm hạt giống...), đốn lá (lợp nhà...); đánh bắt thủy sản ven biển và nội địa-tự làm hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh khai thác, đánh bắt thủy sản (như bắt cá, cào nghêu, làm mồi câu, kéo lưới, đan lưới, đánh lưới...) và hoàn thành trước ngày 24/7 để Sở báo cáo UBND TP.
Tương tự, các nhóm công việc như thợ hồ (thợ nề), phụ hồ, thợ sơn, thợ mộc, thợ phụ-tự làm hoặc làm việc theo nhóm (mang tính riêng lẻ, độc lập), hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh xây dựng dân dụng; tài xế, phụ xe, lơ xe, tiếp viên, nhân viên làm thuê tại các hộ kinh doanh vận tải; xe ôm công nghệ. Các công việc tự làm hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, may gia công, làm hàng thủ công, mỹ nghệ; nhóm công việc khác do UBND các quận – huyện đã đề xuất bổ sung.
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP, dự kiến có khoảng 27.000 người lao động tự do, đang nằm ngoài 6 nhóm hỗ trợ đã nêu trong Nghị quyết 09 của HĐND TP.
Những người lao động làm ở các nhóm công việc này hiện đời sống đang gặp nhiều khó khăn và rất cần được hỗ trợ, nhất là trong thời điểm dịch bệnh diễn biết phức tạp hiện nay.
Do đó, Sở đang xem xét, thống kê, đề xuất TP chi bổ sung hỗ trợ những lao động này từ nguồn Quỹ phòng, chống dịch COVID-19. Dự kiến những người lao động ở các nhóm công việc này sẽ nhận được hỗ trợ ngay từ trong tháng 7 này.
Không kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 đối với lái xe chở hàng hóa
Cũng trên Vietnamplus, để đảm bảo cho vận tải được hàng hóa lưu thông thông suốt, nhanh chóng khi 19 địa phương đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương thống nhất không tiến hành kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa chỉ lưu thông trong nội vùng đang thực hiện Chỉ thị 16.
Trường hợp người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông từ khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16, khu vực phong tỏa sang khu vực liền kề đang áp dụng cấp độ phòng chống dịch bệnh thấp hơn, lái xe phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ.
Các Sở Giao thông Vận tải, Hiệp hội vận tải ôtô địa phương phải tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải, đội ngũ lái xe phải đảm bảo mọi quy định về xét nghiệm theo hướng dẫn của ngành y tế.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể lưu ý: “Các doanh nghiệp tuyệt đối quán triệt các quy định và chủ động xét nghiệm COVID-19 cho đội ngũ lái xe và người phục vụ theo xe, đảm bảo mọi điều kiện y tế theo quy định; chủ động hoặc kiến nghị, phối hợp với địa phương tổ chức các điểm dừng, đỗ xe kết hợp nghỉ ngơi, sinh hoạt của lái xe theo phương châm tại chỗ, hạn chế tối đa lái xe tiếp xúc bên ngoài. Các tổ kiểm tra của Bộ sẽ tập tăng cường kiểm tra sự chấp hành của các doanh nghiệp”.
Mở 35 cửa hàng bán rau củ xuyên đêm
Theo báo Người Lao Động, ngày 19/7, các hệ thống siêu thị lớn như Saigon Co.op, MM Mega Market, Vinmart, Aeon... cho hay tình hình vận chuyển, cung cấp các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thủy, hải sản từ các tỉnh về TPHCM vẫn ổn định so với ngày 18/7. Lượng hàng hóa bảo đảm đủ theo yêu cầu của các siêu thị, cửa hàng.
Đại diện hệ thống Vinmart thông tin: "Lượng thực phẩm tươi sống hệ thống Vinmart, Vinmart+ cung ứng cho thị trường TP HCM trong ngày 19/7 tăng gấp 2 - 3 lần đối với ngày thường. Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó với tình hình dịch bệnh cũng như đáp ứng yêu cầu về kiểm soát dịch bệnh của từng tỉnh/thành phố".
Hệ thống Bách Hóa Xanh cũng cho biết lượng hàng cung ứng cho TPHCM chưa bị ảnh hưởng. "Từ nhiều ngày nay, các tỉnh siết chặt kiểm soát phòng chống dịch, lập nhiều chốt kiểm soát nên việc vận chuyển hàng hóa mất nhiều thời gian. Hàng về kho trễ so với thông lệ trong khi nhu cầu mua sắm tăng cao đã dẫn đến thiếu hàng cục bô tại một số cửa hàng. Để giải quyết tình trạng này, từ khuya 19/7, Bách Hóa Xanh đã triển khai 35 điểm bán hàng xuyên đêm. Đây cũng là 35 điểm trung chuyển rau củ quả tạm thời cho thị trường TP, tiếp nhận hàng hóa trực tiếp từ các nhà cung cấp và phân phối lại cho các cửa hàng Bách Hóa Xanh trong khu vực".
Tại kênh mua sắm truyền thống, theo Sở Công Thương TP, có thêm 3 chợ là Phú Thọ (quận 11), An Đông (quận 5), Kiến Thành (quận Bình Tân) được hoạt động trở lại để cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân. Như vậy, tính đến ngày 19/7, TPHCM chỉ có tổng cộng 40 chợ truyền thống hoạt động an toàn.
Tải danh sách 40 chợ truyền thống đang được hoạt động: Tại đây
Tiểu thương chợ truyền thống niêm yết giá thực phẩm theo ngày
Để giúp khách hàng yên tâm mua thực phẩm, nhiều tiểu thương buôn bán tại chợ đã treo bảng giá niêm yết theo ngày, thuận mua vừa bán. Các mặt hàng tươi sống được bán khá dồi dào, đa dạng tại nhiều chợ truyền thống. Ghi nhận trên báo Tuổi Trẻ.
Trong thời gian này, các sạp hàng rau, thịt, cá... tại chợ Ngã Ba Bầu (quận 12) được lắp vách ngăn trong suốt, nhằm hạn chế tiếp xúc giữa tiểu thương và khách hàng.
Để giúp khách hàng yên tâm mua thực phẩm, nhiều tiểu thương trong chợ này đã treo bảng giá niêm yết lên trên vách ngăn. Khách hàng chỉ cần nhìn giá, thuận mua vừa bán, không cần trả giá và chen lấn.
Quận 12 có 10 chợ, nhưng hiện chỉ còn 3 chợ đủ điều kiện hoạt động trong bối cảnh dịch. Ông Nguyễn Văn Đức, quyền chủ tịch UBND quận 12, cho biết thời gian qua đã kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi tăng giá. "Đến nay việc kiểm soát giá cả và tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu cho bà con đã đảm bảo ổn định", ông Đức khẳng định.
Tại chợ Bình Thới (quận 11), chị Lê Thị Nga (tiểu thương bán trái cây) chia sẻ, nguồn sống của gia đình phụ thuộc vào sạp hàng bán tại chợ. Do đó, dù nghe xuất hiện tình trạng đẩy giá ở một số nơi, nhưng chị Nga vẫn kiên quyết: "Không bán mắc. Bán đúng giá lời ít lắm, nhưng làm có tâm xíu, đang mùa dịch bán mắc không tốt".
Để hoạt động, các tiểu thương ở chợ phải thực hiện xét nghiệm COVID-19, tiêm vắc xin đầy đủ.
800 máy thở và 6,2 tấn thiết bị y tế được tăng cường cho TPHCM
Báo Thanh Niên cho hay, ngày 19/7, 800 chiếc máy thở vừa được Vietnam Airlines vận chuyển từ Hà Nội vào TPHCM trên các chuyến bay mang số hiệu VN7227 và VN7221.
Đây là số máy thở được một đơn vị bố trí đưa vào TPHCM để phục vụ chống dịch COVID-19. Số máy thở trên sẽ giúp các bệnh viện điều trị hiệu quả cho bệnh nhân COVID-19, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở miền Nam.
Cũng trong ngày 19/7, Vietnam Airlines đã vận chuyển an toàn lô hàng hơn 6,2 tấn gồm máy thở và trang bị y tế của Bộ Y tế đến TPHCM.
Các nguồn lực y tế đang liên tục được tăng cường đến miền Nam để đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Tái diễn cuộc gọi giả danh điện lực
Báo SGGP đưa tin, theo thống kê của Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), tính từ đầu tháng 7 đến nay, Trung tâm Chăm sóc khách hàng đã tiếp tục tiếp nhận gần 600 cuộc gọi của khách hàng phản ánh việc bị số điện thoại lạ, giả danh nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNHCMC thông báo nợ tiền điện với giá trị lớn, vi phạm sử dụng điện, đe dọa cắt điện và yêu cầu cung cấp thông tin, đóng tiền…
Có trường hợp khách hàng tiếp tục cuộc gọi thì kẻ giả danh yêu cầu bấm số để gặp công an (cũng là giả mạo). Khi khách hàng gọi ngược lại vào các số điện thoại lạ này thì đều không liên lạc được.
Đại điện ngành điện TP cho biết, tất cả các cuộc gọi như trên đều là giả danh nhân viên ngành điện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Nếu nhận được cuộc gọi nghi ngờ giả danh nhân viên điện lực nhưng không nói rõ tên, nói không đúng địa bàn quản lý của công ty điện lực, thông báo tiền điện tăng cao bất thường, yêu cầu bấm số gặp công an, nhân viên tư vấn… hoặc thông tin không rõ ràng, minh bạch thì khách hàng không cung cấp thông tin cá nhân.
Tuyệt đối không cung cấp số tài khoản, mật khẩu hay thực hiện thanh toán tiền điện cho người lạ, không chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đồng thời khách hàng cần thông báo ngay cho EVNHCMC qua Tổng đài 1900 545454 để thống kê và báo cáo cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
Điều kiện mới để F0 không triệu chứng xuất viện sau 10 ngày
Thông tin từ báo Pháp Luật TP, Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản triển khai việc điều chỉnh thời gian xét nghiệm đối với các trường hợp F0 không triệu chứng đang được cách ly điều trị tại các bệnh viện thu dung điều trị COVID-19.
Tại văn bản này, Sở Y tế hướng dẫn đối với F0 không có triệu chứng đang điều trị cách ly tại các bệnh viện thu dung điều trị COVID-19, thực hiện xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 8.
Nếu kết quả là âm tính, hoặc dương tính với giá trị CT lớn hơn hoặc bằng 30 (tải lượng virus thấp hoặc không có khả năng lây lan), tiến hành xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 10. Nếu kết quả test nhanh ngày thứ 10 âm tính, cho bệnh nhân xuất viện và cách ly theo dõi tại nhà.
Điều chỉnh này dựa trên đề xuất của Bộ phận thường thường trực đặc biệt về phòng chống dịch COVID-19 tại TPHCM, mục đích nhằm đáp ứng nhanh công tác phòng, chống dịch bệnh, tiết kiệm thời gian, giảm tải cho các phòng xét nghiệm trên địa bàn.
Tặng sách cho người dân khu cách ly để thư giãn tinh thần
"Sách trao tay, học ngày giãn cách" là chương trình tặng sách cho các khu cách ly tại TPHCM do Đường sách TPHCM cùng Thành Đoàn và hội Xuất bản phối hợp thực hiện. Được biết ngay từ khi phát động, đã có hàng chục đơn vị xuất bản, kinh doanh sách tham gia ủng hộ. Nội dung đăng tải trên báo Tiền Phong.
Theo đó, phần sách giấy, tạp chí sẽ được chuyển về Nhà văn hóa Thanh niên để ban tổ chức phân loại, đóng gói, khử trùng và gửi đến các khu cách ly, phong tỏa, các bệnh viện dã chiến trên toàn thành phố. Ngoài ra, với ấn bản sách điện tử và sách nói do các đơn vị gửi về sẽ được tổng hợp và đăng tải lên ứng dụng đọc sách miễn phí do Thành Đoàn TP thực hiện.
Cùng với Đường sách TPHCM, NXB Tổng hợp TPHCM cũng đã phối hợp với UBND quận Phú Nhuận đưa sách hay vào khu cách ly trên địa bàn. Đây là 1 điểm mới, chưa có tiền lệ trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân (bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất) trong khu cách ly, phong tỏa vì COVID-19.
Ngoài tặng sách giấy, đơn vị còn trao tặng sách ebook, sách nói chất lượng cao và gói xem phim Galaxy play trên thiết bị di động cho các khu cách ly tập trung.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)