2 trường ĐH y khoa triển khai mô hình chăm sóc F0 tại nhà
Theo báo Thanh Niên, chăm sóc F0 cách ly tại nhà từ xa là mô hình đang được TP áp dụng nhằm giảm thiểu số ca F0 chuyển nặng, giảm tỷ lệ tử vong. Hai trường y khoa lớn nhất tại TPHCM là Đại học Y Dược TP (ĐHYD), Đại học Y khoa (ĐHYK) Phạm Ngọc Thạch đã chung tay cùng chính quyền TP thực hiện mục tiêu này.
PGS-TS Vương Thị Ngọc Lan, quyền Trưởng khoa Y Trường ĐHYD, cho biết mô hình chăm sóc F0 cách ly tại nhà của ĐHYD có 2 trụ cột chính, gồm Đội 1 giám sát từ xa và Đội 2 cấp cứu ngoại viện do trường tổ chức, có sự gắn kết với địa phương.
Tại quận 10, Đội 1 của ĐHYD triển khai trên 14 phường với 41 nhóm giám sát từ xa (mỗi đội gồm có nhiều tổ tư vấn gồm: bác sĩ, giảng viên từ nhiều nguồn, 1-2 sinh viên hỗ trợ, 1 nhân sự nhập liệu làm bệnh án). Đội 2 là đội cấp cứu ngoại viện với 20 giường cấp cứu, 8 bác sĩ, 12 điều dưỡng, 8 sinh viên và hộ lý chia làm 3 ca, 4 kíp, làm việc 24/7.
Mỗi tổ tư vấn sẽ chăm sóc sức khỏe cho 20 - 30 ca F0. Mỗi 2 - 3 ngày, bác sĩ sẽ chủ động gọi hỏi thăm sức khỏe, khám bệnh, chăm sóc bệnh nhân, không chờ F0 có triệu chứng mới gọi. Về đêm, khi F0 có sự cố sức khỏe thì sẽ gọi trực tiếp cho bác sĩ đang theo dõi cho mình. Như vậy, bác sĩ sẽ biết bệnh nhân bị vấn đề gì.
Cũng nhằm mục đích chăm sóc F0 tại nhà, Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch thành lập mô hình Tổ y tế từ xa, gồm các chuyên gia, y bác sĩ, sinh viên năm cuối của trường tư vấn từ xa cho F0 cách ly tại nhà. Mô hình thí điểm tại quận 10 và TP Thủ Đức.
PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch, cho biết chính quyền địa phương có trách nhiệm kết nối Tổ y tế từ xa với hệ thống y tế địa phương, tạo điều kiện cho Tổ y tế từ xa hoàn thành các nội dung đã thống nhất hỗ trợ. Đồng thời huy động nhân viên y tế, tình nguyện viên tại địa phương để chuyển giao ô xy, chuyển F0 đến các nơi cách ly tập trung của địa phương hoặc các bệnh viện điều trị COVID-19.
Dự kiến thành lập gần 400 trạm y tế lưu động để quản lý, điều trị F0 tại nhà
VOV đưa tin, Sở Y tế TP có văn bản khẩn gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về việc xây dựng kế hoạch triển khai khoảng 400 Trạm y tế lưu động để quản lý, điều trị F0 tại nhà.
Trong khi chờ Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chi tiết, Sở Y tế yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện, TP Thủ Đức khẩn trương xây dựng kế hoạch thành lập Trạm y tế lưu động tại phường, xã, thị trấn.
Tùy theo số lượng F0 của mỗi phường, xã, thị trấn đang quản lý, UBND phường, xã, thị trấn chọn các địa điểm để tham mưu cho UBND TP Thủ Đức và quận, huyện thành lập các Trạm y tế lưu động. Các địa phương có thể tận dụng các cơ sở sẵn có trên địa bàn như nhà văn hóa, khu sinh hoạt cộng đồng, các phòng khám tư nhân...để làm trụ sở hoạt động của Trạm y tế này.
Mỗi Trạm y tế lưu động phải bố trí một phòng khám bệnh thông thường, khu vực lấy mẫu xét nghiệm, khu vực hành chánh, khu vực lưu trữ thuốc, khu vực để bình oxy và trang thiết bị... và nơi nghỉ ngơi cho nhân viên. Trạm Y tế lưu động sẽ quản lý, chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người F0 và điều trị nhiều bệnh lý khác, tiêm vắc xin...dưới sự quản lý trực tiếp của Trung tâm Y tế TP Thủ Đức và quận, huyện; sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP Thủ Đức, quận, huyện và Sở Y tế.
Dự kiến mỗi Trạm y tế lưu động quản lý và chăm sóc từ 50 - 100 F0. Về nhân lực, mỗi Trạm y tế lưu động có ít nhất 1 bác sĩ, 2-3 điều dưỡng từ Trạm y tế, Trung tâm Y tế, cơ sở y tế tư nhân và nhân lực tăng cường của thành phố, trung ương (khi thật sự cần thiết), 3-4 nhân sự khác (Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Chữ Thập đỏ, nhà thuốc tư nhân hoặc huy động F0 đã khỏi bệnh có nguyện vọng chăm sóc người F0) do UBND phường, xã, thị trấn đề xuất. Tất cả nhân sự này đều phải được tập huấn những kiến thức cơ bản về quy trình chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0.
Về dụng cụ và trang thiết bị tối thiểu, mỗi Trạm Y tế lưu động có 2 bình oxy, dụng cụ thở oxy, thiết bị đo SpO2, dụng cụ cấp cứu cơ bản, dụng cụ lấy mẫu xét nghiệm, test kit xét nghiệm nhanh và các dụng cụ khám chữa bệnh cơ bản khác.
Trạm Y tế lưu động có túi thuốc cấp cứu lưu động, túi thuốc chăm sóc tại nhà cho người F0, thuốc để chăm sóc các bệnh lý phổ biến khác. Phương tiện vận chuyển cho nhân viên của Trạm y tế lưu động khi khám bệnh, chữa bệnh tại nhà cho người F0 là xe máy, xe taxi.
Hỗ trợ 2,5 triệu người dân gặp khó khăn do dịch
Báo Pháp Luật TP cho hay, sáng 18/8, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP cho biết, qua thống kê tại các quận, huyện và TP Thủ Đức ghi nhận hơn 2,5 triệu người dân TP đang gặp khó khăn do dịch COVID-19. Theo dự kiến, mỗi người dân khó khăn sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng và 10 kg gạo. Việc hỗ trợ người dân sẽ không đưa ra điều kiện, không phân biệt hộ khẩu.
Về hỗ trợ người lao động theo các gói hỗ trợ lần 1, lần 2 của TP và gói hỗ trợ của Chính phủ, TP tiếp tục cập nhật các trường hợp cần hỗ trợ, những trường hợp còn sót sẽ được nhận hỗ trợ bổ sung.
UBND TP cũng yêu cầu UBND quận, huyện và TP Thủ Đức cập nhật số lượng phát sinh của đợt 1 vào danh sách chi hỗ trợ của đợt 2, tập trung hoàn tất chi hỗ trợ theo quy định.
Cũng theo ông Tấn, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong thời gian giãn cách, TP đề nghị người dân cứ ở nhà. Tiền hỗ trợ sẽ được cán bộ địa phương mang đến nhà trao tận tay người dân.
Hỗ trợ chỗ ở và tiêm vắc xin cho người nước ngoài gặp khó khăn
Tin từ báo Tuổi Trẻ, Phó chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng vừa ký văn bản về hỗ trợ người nước ngoài gặp khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo đó, UBND TPHCM giao UBND TP Thủ Đức và các quận huyện chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp công an địa phương rà soát, thống kê số người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn gặp khó khăn về nơi cư trú, chưa tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19, không có kinh phí trang trải cuộc sống hàng ngày; vận động đưa họ vào một địa điểm phù hợp để TP có chính sách hỗ trợ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Đồng thời, có kế hoạch tiêm vắc xin cho những người này.
Bộ tư lệnh TP chủ trì, phối hợp UBND TP Thủ Đức, các quận huyện và sở ngành liên quan nghiên cứu, rà soát lại các khu cách ly tập trung hiện hữu để bố trí, sắp xếp chỗ ở cho các đối tượng này.
Trường hợp cần thiết thì đề xuất sửa chữa cơ sở vật chất, trang bị các dụng cụ cần thiết làm khu cư trú tạm thời cho người nước ngoài; đề xuất kinh phí, bố trí nhân sự phục vụ cho số người nước ngoài trên (kể cả phiên dịch) trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Sở Ngoại vụ có trách nhiệm trao đổi tổng lãnh sự quán các nước và các tổ chức quốc tế trên địa bàn TP để thông báo, đề nghị các đơn vị này phối hợp rà soát, thống kê số người nước ngoài chưa được tiêm vắc xin để tạo điều kiện tiêm vắc xin cho người nước ngoài có hoàn cảnh khó khăn.
Công an TPHCM cảnh báo các thủ đoạn lợi dụng dịch COVID-19 để lừa đảo
Báo Công an TP cho hay, lợi dụng tình hình dịch bệnh, các đối tượng tội phạm mạng đã triệt để sử dụng những sơ hở trong quá trình thanh toán số của ứng dụng mua sắm trực tuyến, sự bất cẩn của người dân... để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Do đó, công an TP đề nghị các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, lồng ghép những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trên vào các kế hoạch, chương trình, tài liệu tuyên truyền để người dân cảnh giác, phòng ngừa.
Cùng với đó, tuyên truyền người dân tự trang bị kiến thức trước khi quyết định đầu tư trên các ứng dụng trực tuyến. Người dân có thể nhận diện mô hình lừa đảo đầu tư online qua một số dấu hiệu, như kêu gọi đầu tư làm giàu nhanh; hứa hẹn trả lãi với lãi suất cao; cam kết không có rủi ro hoặc rủi ro đầu tư rất thấp, hoàn vốn theo tỉ lệ cố định; khó rút vốn và thường đưa ra lời mời chào các gói đầu tư tiếp với lãi suất cao hơn…
Người dân cần thường xuyên theo dõi các trang thông tin chính thống của cơ quan nhà nuớc, nâng cao ý thức cảnh giác và cẩn trọng trong quá trình sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử… Khi phát hiện các hành vi lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản như trên, người dân nên trình báo cơ quan Công an hoặc trực tiếp gửi các đường link lừa đảo trực tuyến hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn để lực lượng chức năng tiến hành xác minh, xử lý.
Đảm bảo SGK lớp 1, 2 đến tay phụ huynh chậm nhất ngày 18/9
Báo SGGP đưa tin, liên quan đến việc cung ứng sách giáo khoa (SGK) cho năm học mới 2021-2022, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TP cho biết, hiện nay tỷ lệ cung ứng SGK cho học sinh các khối lớp từ lớp 3 đến lớp 12 đã đạt hơn 95%; riêng đối với lớp 1, 2 còn gặp nhiều khó khăn do thực hiện chương trình mới.
Hiện tại, SGK chưa nằm trong danh mục các mặt hàng thiết yếu được ưu tiên vận chuyển trong thời gian TP thực hiện giãn cách để phòng chống dịch COVID-19. Do đó, Sở GD-ĐT TP đã đề xuất UBND TP quy định SGK là một trong những mặt hàng thiết yếu nhằm tạo điều kiện cho việc vận chuyển, đưa SGK kịp thời đến tay học sinh và phụ huynh trước thời điểm bắt đầu năm học mới.
Ngành Giáo dục và Đào tạo TP đang xin ý kiến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Thủ Đức và 21 quận, huyện về việc tạo điều kiện cho phụ huynh đến trường nhận SGK theo kế hoạch thời gian quy định, bố trí lộ trình di chuyển phù hợp vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch vừa giúp SGK kịp thời đến tay phụ huynh và học sinh để thực hiện kế hoạch năm học.
Đại diện Sở GD-ĐT TP cho biết, phụ huynh sẽ được tạo điều kiện đến trường nhận SGK trước ngày 18/9, tức trước thời điểm toàn bậc học bắt đầu triển khai chương trình năm học 2021-2022. Trước mắt, phụ huynh và học sinh có thể tham khảo trước SGK bản điện tử trên website của Sở GD-ĐT TP hoặc website của các nhà xuất bản, cơ sở giáo dục trước khi sách giấy được chuyển đến tận tay phụ huynh, học sinh.
Sinh viên ĐHQG TPHCM được vay ưu đãi lãi suất 0%
Theo báo Sinh viên Việt Nam, Quỹ phát triển ĐHQG TP (VNU–F) cho biết, chương trình vay ưu đãi lãi suất 0% cho sinh viên các trường thành viên trong học kỳ I, năm học 2021 - 2022 sẽ được triển khai để sinh viên yên tâm học tập. Theo đó, sinh viên được vay số tiền tối đa bằng với học phí học kỳ 1 năm học 2021 - 2022 nhưng không vượt quá 10 triệu đồng/học kỳ.
Đối với sinh viên lần đầu đăng ký vay, nếu là sinh viên năm nhất phải có giấy xác nhận nhập học của cơ sở đào tạo. Sinh viên từ năm thứ 2 phải có kết quả học tập đạt Trung bình - Khá (tương đương 6,0) trở lên và đạt điểm đánh giá rèn luyện từ 70/100 điểm trở lên. Trong quá trình vay vốn, sinh viên phải cam kết tốt nghiệp trong thời gian quy định của khóa học và chưa tham gia vay ở các tổ chức tín dụng khác.
Đối với sinh viên được xét duyệt vay theo Quyết định của Quỹ phát triển vào ngày 13/1, sinh viên phải đáp ứng các điều kiện như không bị kỷ luật, đình chỉ học tập; điểm học tập học kỳ gần nhất đạt từ 6,0/10 trở lên; điểm rèn luyện học kỳ 2/cả năm học 2020 - 2021 đạt từ 70/100 trở lên.
Ngoài ra, sinh viên phải đáp ứng các tiêu chí khác là: Cam kết tốt nghiệp trong thời gian quy định của khóa học (không tính thời gian được phép gia hạn), chưa tham gia vay ở các tổ chức tín dụng khác và không trong quá trình bị kỷ luật, đình chỉ học tập. Số tiền vay tối đa bằng học phí/năm học của đơn vị đào tạo.
Chương trình được áp dụng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và là sinh viên chính quy văn bằng 1 của ĐHQG TP.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)