Xóm Hạnh Phúc chung tay gói bánh chưng gửi đồng bào miền Trung
Theo báo Tuổi Trẻ, tối 20/10, tại xóm công viên Hạnh Phúc (phường Tân Thới Nhất, quận 12), bà con tập trung lại gói hàng trăm chiếc bánh chưng hỗ trợ đồng bào miền Trung.
Những ngày qua, khi nghe thông tin về những trận lũ lịch sử diễn ra tại các tỉnh miền Trung gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản, nhiều đồng bào mắc kẹt trong lũ thiếu thức ăn nước uống, gia đình ông Bùi Thanh Diện (phường tân Thới Nhất, quận 12) đã không khỏi trăn trở.
Gia đình ông Diện với sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều bà con trong xóm công viên Hạnh Phúc đã cùng chung tay nấu hơn 500 chiếc bánh chưng để kịp thời cung ứng lương thực cho đồng bào miền Trung.
Ngay từ 15h, hàng chục người dân đã tập họp tại công viên Hạnh Phúc để tự tay gói những chiếc bánh chưng, góp một phần công sức của mình để an ủi, động viên đồng bào vùng lũ.
Có mặt từ sớm để chuẩn bị nếp, thịt, hái từng chiếc lá dong, chị Lưu Thị Nhung đã bỏ qua buổi ăn mừng Ngày phụ nữ Việt Nam để cùng mọi người gói bánh chưng. Theo chị Nhung, bánh chưng dù gói và nấu tốn nhiều thời gian, công sức nhưng đây là thứ mà người dân tại các vùng lũ thật sự cần. Những ngày qua, nhiều người dân không có cơm, chỉ ăn tạm bợ những gói mì, bánh chưng có thể ăn liền còn cung cấp dinh dưỡng cho bà con.
Khi nghe thông tin về buổi gói bánh chưng, nhiều bạn trẻ và các em nhỏ cũng đã tìm tới công viên Hạnh Phúc với mong muốn góp một phần công sức hỗ trợ đồng bào miền Trung.
Chỉ chưa đầy 2 tiếng, hàng trăm chiếc bánh đã được gói xong, đưa vào nồi để nấu. Bà con sẽ thay phiên nhau nấu bánh, kịp thời đưa những chiếc bánh chưng đến vùng lũ, chia sẻ một chút "hạnh phúc" để an ủi những mất mát, đau thương của đồng bào miền Trung.
Tấm lòng người trẻ
Viết bài kêu gọi ủng hộ miền Trung, chia sẻ những kênh đóng góp tin cậy, hay trực tiếp đóng góp… là nhiều hành động đẹp hướng về đồng bào miền Trung đang chịu thiên tai được các bạn trẻ hưởng ứng và lan tỏa. Trách nhiệm công dân, tinh thần sẻ chia với cộng đồng, dù bằng cách này hay cách khác, vẫn luôn hiện hữu. Ghi nhận trên báo SGGP.
Quản lý một nhóm chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực lập trình trên mạng xã hội với hơn 10.000 thành viên, thay vì đăng tin những địa chỉ tuyển dụng, kiến thức mới, hay nội dung quảng cáo các phần mềm để kiếm tiền từ mạng xã hội, Võ Văn Minh (26 tuổi, lập trình viên, ngụ quận Gò Vấp) đã ngừng hẳn các bài viết về lập trình để kêu gọi đóng góp cho đồng bào miền Trung. Xen kẽ các bài viết kêu gọi ủng hộ, Minh cũng cập nhật thêm những địa chỉ tin cậy để các thành viên trong nhóm quyên góp.
Trước tình hình các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai…, Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội đồng Đội TP mới đây đã phát động cuộc vận động trong đoàn viên, thanh thiếu nhi thành phố chung tay, góp sức, chia sẻ.
Hiện tại, Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TP đang liên tục thông báo tiếp nhận ủng hộ cứu trợ tới nhiều cơ quan, đơn vị, cơ sở đoàn và bạn trẻ thành phố đến hết ngày 30/10. Hội Liên hiệp Thanh niên 24 quận - huyện cũng phát động ủng hộ đồng bào miền Trung ngay trong các buổi lễ chào cờ “Tôi yêu Tổ quốc tôi” tại đơn vị của mình.
Các trường đại học vẫn tích cực đẩy mạnh hoạt động quyên góp. Ngay tại căn tin Trường Đại học Sài Gòn, Đoàn thanh niên trường đã đặt chiếc thùng mang tên “Đóng góp vì miền Trung thân yêu”, nhận được sự hưởng ứng của nhiều sinh viên.
Ngoài việc quyên góp như trên, nhiều đơn vị cũng đã phát huy chuyên môn, nhiệm vụ để vận động đoàn viên, thanh niên và người dân tham gia trợ giúp người dân khắc phục thiệt hại sau bão, lũ. Trong đó, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ TP đang tiếp tục sản xuất dung dịch anolyte để hỗ trợ việc khử khuẩn, phòng chống dịch bệnh sau lũ. Nhà Văn hóa Thanh niên TP đang chuẩn bị thực hiện các chương trình văn nghệ, vận động gây quỹ “Hướng về miền Trung”...
Yêu cầu bảo đảm an toàn các công trình trong mùa mưa lũ
Theo báo Pháp Luật TP, UBND TP vừa có văn bản chỉ đạo các Sở - ban - ngành, quận - huyện liên quan đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án, công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai để hoàn thành dứt điểm các dự án đê, kè, thủy lợi, phòng chống thiên tai trên địa bàn TP.
Công tác này nhằm phát huy hiệu quả ngăn triều cường, phòng chống ngập úng, sạt lở, bảo vệ an toàn khu dân cư, kịp thời xử lý các sự cố bể bờ, tràn bờ gây ngập úng trong mùa mưa bão năm 2020.
Các sở, ngành chức năng được yêu cầu cần tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng các máy bơm, trạm bơm, hệ thống cống thoát nước trên tuyến đường thường xuyên bị ngập úng; đầu tư, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ tiêu thoát nước, chống ngập úng tại các tuyến đường, hẻm trong khu đô thị.
UBND TP cũng yêu cầu cần kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng công trình, nhà ở lấn chiếm bờ sông, kênh rạch, bờ bao, đê bao, bãi tập kết vật liệu, lái xe quá tải trọng cho phép qua công trình đê bao, bờ bao.
Kiến nghị điều tra xử lý chủ đầu tư chiếm dụng phí bảo trì chung cư
Báo Vietnamplus cho hay, trước tâm điểm tranh chấp nhà chung cư liên quan đến việc chủ đầu tư cố tình chây ỳ không bàn giao phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư, từ đầu năm 2020 đến nay, Sở Xây dựng TP đã đề xuất công khai danh sách các chủ đầu tư cố tình vi phạm; đưa ra tòa phân xử, cũng như chuyển vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý hành vi chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư của cư dân.
Mới đây, Sở Xây dựng TP cũng có báo cáo kiến nghị gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội TP về những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết đơn thư khiếu nại liên quan đến kinh phí bảo trì chung cư 2%.
Trong văn bản kiến nghị, Sở Xây dựng TP cho biết khi nhận được các đơn thư phản ánh của Ban quản trị, cư dân trong việc chủ đầu tư không bàn giao, chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ hoặc chủ đầu tư, Ban quản trị sử dụng không đúng, không công khai tài chính trong việc sử dụng kinh phí bảo trì thì Sở Xây dựng sẽ phối hợp với UBND quận - huyện tiến hành kiểm tra…
“Trường hợp phát hiện vi phạm trong việc bàn giao, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì thì Tranh tra Sở Xây dựng sẽ tiến hành xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 66 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ,” văn bản nêu rõ.
Tuy nhiên, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP không có nội dung quy định chế tài đối với chủ đầu tư không chịu bàn giao kinh phí bảo trì. Điều này dẫn đến tranh chấp gay gắt giữa chủ đầu tư và Ban quản trị. Do đó, Sở Xây dựng TP đề xuất nội dung chế tài đối với hành vi vi phạm nêu trên, có thể chuyển sang cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý hành vi chiếm dụng tài sản của cư dân.
Cùng với đó, Sở Xây dựng TP cũng đề xuất Đoàn Đại biểu Quốc hội TP kiến nghị Quốc hội xem xét, hướng dẫn để thống nhất trong công tác triển khai thực hiện, kịp thời xử lý các hành vi, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Phía Bộ Xây dựng cũng cho biết để giải quyết tình trạng tranh chấp, khiếu nại liên quan đến nội dung phí bảo trì nhà chung cư, Bộ này đề nghị các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Công an tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định.
Gần 159.000 hồ sơ đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp
Theo báo Người Lao Động, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh nên đã cắt giảm người lao động (NLĐ).
9 tháng đầu năm, có gần 159.000 hồ sơ đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp (tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái). Nhằm hỗ trợ NLĐ mất việc, Trung tâm đã tổ chức 59 phiên sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến, tạo cầu nối giữa NLĐ và DN. NLĐ mất việc khi đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, mở thêm các ngành nghề đào tạo mà xã hội cần và phù hợp nhu cầu để NLĐ có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề học nâng cao kỹ năng, chuyển đổi nghề nghiệp.
Đối thoại để duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động
Báo Lao Động đưa tin, ngày 20/10, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP đã tổ chức Tọa đàm đối thoại trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và vai trò của tổ chức Công đoàn.
Theo Liên đoàn Lao động TP, tính từ cuối tháng 2/2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, toàn thành phố có 15.201 doanh nghiệp giải thể, ngừng việc, thu hẹp sản xuất, với 149.844 lao động bị mất việc, làm việc luân phiên.
Với những khó khăn nói trên, các cấp công đoàn đã có nhiều nỗ lực nhằm tuyên truyền, hướng dẫn, đối thoại, chia sẻ thông tin với doanh nghiệp để ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và các chế độ chính sách cho người lao động (NLĐ).
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi nhiều kinh nghiệm về vận động doanh nghiệp duy trì những điều khoản phúc lợi trong thỏa ước lao động tập thể; giải quyết chế độ, chính sách theo luật quy định cho NLĐ khi doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động; cũng như duy trì việc làm, thu nhập của người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM cho biết, buổi tọa đàm nhằm ghi nhận tình hình về quan hệ lao động thời gian qua, vai trò của Công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của NLĐ và những định hướng trong hoạt động thời gian tới. Đây cũng là dịp để các Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp được chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm thực tế, khó khăn và đưa ra các giải pháp ứng phó góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.
Ngày đẹp nhất của chị em xóm ve chai
Sáng 20/10, dãy nhà trọ nằm sâu bên trong đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh), rộn ràng hơn hẳn. Những đứa trẻ trong xóm nhìn bà của chúng tủm tỉm cười vì tụi nó nghe bà được đoàn từ thiện về trang điểm làm tóc. Nội dung trên báo Pháp Luật TP.
Xóm trọ mà người dân quanh đây hay gọi là “Xóm ve chai” từ lâu được nhiều người biết đến với đa phần là người dân ngụ cư khắp các vùng miền. Cái tên xóm khái quát cho công việc, người dân ở đây đa phần đều nhặt ve chai, bán vé số để kiếm sống.
Nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam, Hội Từ Thiện Thật tại TPHCM đã tổ chức chương trình “ Ngày đẹp nhất” dành tặng những phụ nữ tại đây.
Hơn 10 giờ, mọi thứ đã chuẩn bị xong, tiếng cười rộn ràng trong xóm trọ nghèo.
Từng người được ban tổ chức tặng hoa và quà cùng những lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam. Sau đó, họ được sải bước trên thảm, giới thiệu về bản thân.
Tiếng vỗ tay vừa dứt, những người phụ nữ lần lượt bước ra. Họ của hôm nay trông thật khác với cuộc sống thường nhật, những người phụ nữ bình thường, làm những công việc thật giản đơn và được tôn vinh trong… “Ngày đẹp nhất”.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)