Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 21/10/2021

09:02 21/10/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 21/10:

Không kiểm tra giấy xét nghiệm ở chốt kiểm soát

Tối 20/10, trao đổi với PV báo Thanh Niên, lãnh đạo Phòng Tham mưu Công an TP cho biết Ban Giám đốc Công an TP đã chỉ đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, công an các quận, huyện và TP Thủ Đức không kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính hoặc giấy xác nhận F0 khỏi bệnh đối với người dân khi đi qua chốt kiểm soát trên các tuyến đường cửa ngõ cho đến khi có thông báo mới.

Chốt kiểm soát cửa ngõ TP.HCM ngưng kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19
Chốt kiểm soát cửa ngõ TP.HCM ngưng kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19

Yêu cầu này nhằm khắc phục bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi ra vào TPHCM và thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Toàn bộ 52 chốt kiểm soát, bao gồm 12 chốt chính, 39 chốt phụ và 1 chốt nội ô ở phà Cát Lái (TP Thủ Đức) chỉ còn kiểm tra khai báo di chuyển nội địa qua ứng dụng VNEID hoặc khai báo bằng giấy nếu người dân không có điện thoại thông minh.

Chỉ xét nghiệm với hành khách đi tàu hỏa từ địa bàn vùng đỏ

Vietnamplus đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Quyết định 1839 vào tối 20/10 hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải đường sắt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 21/10/2021.

Theo hướng dẫn mới, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); Không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.

Ngành đường sắt sẽ được tăng tàu trên các tuyến từ ngày 21/10. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngành đường sắt sẽ được tăng tàu trên các tuyến từ ngày 21/10. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh COVID-19, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa); việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh âm tính có giá trị trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm tới trước thời điểm khởi hành chuyến tàu.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng quy định điều kiện hành khách được quy định theo các cấp độ dịch.

Cụ thể, đối với hành khách đi từ địa phương/khu vực cấp độ dịch là cấp 4 phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh âm tính trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm tới trước thời điểm khởi hành chuyến tàu.

Đối với hành khách đi từ địa phương/khu vực cấp độ dịch là cấp 3 cần thực hiện xét nghiệm Covid-19 khi có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3.

Với hành khách đi từ các địa phương/khu vực cấp độ dịch là cấp 1, cấp 2, thực hiện nghiêm yêu cầu 5K; kê khai thông tin, hoàn thành bản cam kết tại ga xuất phát.

Hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải cũng quy định, hành khách đi tàu đến từ địa phương/khu vực cấp độ dịch là cấp 4 được bố trí vận chuyển bằng toa xe riêng. Khi xuống tàu, ra ga phải có lối đi riêng hoặc tách nhóm với hành khách đi tàu từ địa phương/khu vực có nguy cơ thấp hơn để hạn chế tiếp xúc.

Kiều hối đổ về TPHCM tăng 22% 

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho hay, trong 9 tháng năm 2021, lượng kiều hối đổ về thành phố đạt 5,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Đây được xem là con số tăng trưởng rất ấn tượng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu trong hai năm gần đây. Nội dung trên Vietnamplus.

Kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh khá ổn định. (Ảnh: Vietnam+)
Kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh khá ổn định. (Ảnh: Vietnam+)

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP, thị trường kiều hối chính trong 9 tháng năm nay chủ yếu vẫn là Mỹ, Australia, Canada, châu Âu... Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, người Việt Nam ở nước ngoài trong 2 năm qua gặp khó khăn trong việc đi du lịch, về nước nên nguồn tích lũy có thể cao hơn trước.

"Dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng rõ ràng một phần lớn kiều hối của bà con Việt kiều gửi về để hỗ trợ người thân; đồng thời một phần cũng chảy vào các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nước. Điều này không chỉ góp phần hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế thành phố, mà còn là nguồn cung giúp ổn định nguồn ngoại tệ trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung," ông Minh cho biết.

Dự kiến, trong năm 2021, lượng kiều hối đổ về TP sẽ cao hơn so với năm 2020 (6,1 tỷ USD) từ 10-12%.

Thêm 8 tuyến xe buýt hoạt động trở lại từ 25/10

Thông tin từ Tạp chí Giao thông vận tải, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng đã đề xuất Sở GTVT TP tổ chức hoạt động lại thêm 8 tuyến xe buýt trợ giá từ ngày 25/10 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân (các tuyến xe buýt chủ yếu tuyến trục chính, tuyến có lộ trình đi qua bến xe, bệnh viện).

Cụ thể, 5 tuyến sẽ chạy 60 chuyến một ngày cho mỗi tuyến, gồm: số 14 (Bến xe Miền Đông - Ba Tháng Hai - Bến xe Miền Tây), số 20 (Bến Thành - Nhà Bè), số 27 (bến xe buýt Sài Gòn - Âu Cơ - Bến xe An Sương), số 29 (phà Cát Lái - Chợ Thủ Đức), số 141 (Khu du lịch BCR - Long Trường - Khu chế xuất Linh Trung 2).

Ba tuyến còn lại, mỗi tuyến chạy 54 chuyến mỗi ngày, gồm: số 65 (Bến Thành - Cách Mạng Tháng Tám - Bến xe An Sương), số 74 (Bến xe An Sương - Bến xe Củ Chi), số 79 (Bến xe Củ Chi - Đền Bến Dược).

TP.HCM thêm 8 tuyến xe buýt hoạt động trở lại từ ngày 25/10.
TP.HCM thêm 8 tuyến xe buýt hoạt động trở lại từ ngày 25/10.

Ngoại trừ tuyến số 74 chạy từ 4h30 đến 17h30, các tuyến xe khác sẽ hoạt động từ 5h đến 18h mỗi ngày. Ngoài 8 tuyến này, trung tâm sẽ căn cứ tình hình phòng chống dịch, nhu cầu đi lại lên kế hoạch cho các tuyến khác.

Nhằm thích ứng với tình hình mới, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng (Sở GTVT TP) đã khảo sát, rà soát hoạt động vận tải công cộng bằng xe buýt trên địa bàn. Việc rà soát nhằm mục đích khi các tuyến xe buýt hoạt động phải đảm bảo phù hợp các tiêu chí quy định đối với hoạt động vận tải hành khách đường bộ và phù hợp tình hình diễn biến dịch bệnh cũng như nhu cầu đi lại người dân.

Thông xe đường gần 1.000 tỉ, kết nối TPHCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu

Báo Pháp Luật TP cho hay, ngày 20/10, Công ty CP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO đã tổ chức lễ thông xe và thu phí dự án đường 319 nối dài và nút giao với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Đây là dự án được khởi công xây dựng vào giữa năm 2017, có quy mô chiều dài toàn tuyến hơn 9,4 km gồm tuyến chính dài 2,39 km có chiều rộng 16 m và các nhánh rẽ dài hơn 7 km với chiều rộng 8 m.

Đường 319 nối dài có điểm đầu tại ngã ba Bến Cam và điểm cuối tại nút giao với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Nút giao giữa đường 319 nối dài với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: VH.
Nút giao giữa đường 319 nối dài với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: VH.

Trên tuyến, có 4 cầu được xây dựng mới gồm cầu vượt sông Đồng Môn, cầu Hàng Điều 1, cầu Hàng Điều 2 và cầu vượt đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Cùng với đó còn có các hạng mục phụ trợ được đầu tư xây dựng gồm trạm thu phí và nhà điều hành. Tháng 9/2021, dự án đã hoàn thành nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Tổng vốn đầu tư toàn dự án là hơn 961 tỉ đồng. Để hoàn vốn đầu tư, dự án sẽ chính thức thu phí đối với các phương tiện lưu thông từ ngày 20/10.

TPHCM có văn bản khẩn gửi 21 địa phương về tiếp tục tổ chức chuyến xe 0 đồng

Chiều 20/10, Sở GTVT TPHCM có văn bản khẩn số 11350 gửi Sở GTVT 21 tỉnh, thành ở phía Nam về việc phối hợp, hỗ trợ tiếp tục tổ chức chuyến xe 0 đồng phục vụ hành khách trên một số tuyến vận tải khách cố định đi và đến từ TPHCM từ 21/10 đến hết ngày 31/10.

Tại văn bản này, Sở GTVT TP thống nhất việc gia hạn tiếp tục tổ chức chuyến xe 0 đồng hỗ trợ người dân từ TPHCM đi các tỉnh và ngược lại.

Đồng thời, đề nghị Sở GTVT các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Bà Rịa - Vũng Tàu xem xét, hỗ trợ triển khai thực hiện theo phương án từ ngày 21/10 đến hết ngày 31/10.

Các chuyến xe 0 đồng sẽ được gia hạn đến hết ngày 31/10.
Các chuyến xe 0 đồng sẽ được gia hạn đến hết ngày 31/10.

Các điều kiện hoạt động của bến xe, đơn vị vận tải, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, tuân thủ theo các quy định được ban hành kèm theo Quyết định số 1812 của Bộ GTVT ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các quy định về phòng, chống dịch và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Người dân liên hệ qua Tổng đài 19006067 để đặt chỗ, nhận được sự hướng dẫn và sắp xếp thời gian đi lại phù hợp. Với các địa phương chưa đồng ý phương án, các yêu cầu đặt chỗ của người dân sẽ được ghi nhận và ưu tiên giải quyết khi được chấp thuận.

Người dân đến TPHCM chỉ cần có giấy xét nghiệm âm tính 72 giờ trước khi lên xe; riêng từ TPHCM về các địa phương phải tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong 6 tháng, có xét nghiệm âm tính.

Nhiều trường đại học cho sinh viên trở lại trường

Nhiều trường đại học ở TPHCM bắt đầu cho phép sinh viên trở lại trường để học tập, thực hành, làm luận văn tốt nghiệp. Nội dung trên báo Tuổi Trẻ.

ThS Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết từ hôm nay 21/10, trường sẽ mở cửa đón sinh viên vào học tập tại thư viện... Sinh viên được phép vào trường là người đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19. Khi vào trường, sinh viên phải thực hiện nghiêm 5K, phải quét mã QR ngay cổng trường.

Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng đào tạo - cho hay sau khi trường thông báo, đến chiều 20/10, đã có hơn 2.000 sinh viên đăng ký tham gia học tập trung tại trường.

Cũng theo ông Thắng, mấy ngày qua nhà trường cũng đã cho phép một số sinh viên năm cuối đủ điều kiện (tiêm đủ liều vắc xin), có nhu cầu sử dụng các phòng thí nghiệm làm luận văn tốt nghiệp.

Sinh viên tiêm đủ liều vắc xin sẽ sớm được trở lại trường để học các môn thực hành, thí nghiệm, làm đồ án tốt nghiệp - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Sinh viên tiêm đủ liều vắc xin sẽ sớm được trở lại trường để học các môn thực hành, thí nghiệm, làm đồ án tốt nghiệp - Ảnh: TRẦN HUỲNH

ThS Phùng Quán - Trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) - cũng cho biết hiện nhà trường đã cho phép một số sinh viên năm cuối vào trường làm thí nghiệm, làm đồ án tốt nghiệp. Các sinh viên này đã đủ các điều kiện phòng chống dịch hiện hành.

Dự kiến từ ngày 25/10, những sinh viên đầu tiên của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM sẽ trở lại trường để học các môn thí nghiệm, thực hành. Nhà trường vừa có thông báo cho sinh viên khóa 08ĐH, 09ĐH đăng ký đến phòng thực hành, thí nghiệm làm đề tài, khóa luận chuẩn bị kết thúc khóa học. 

Điều kiện đăng ký cụ thể gồm sinh viên đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi hoặc là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh. ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông nhà trường - cho biết sinh viên đăng ký đến ngày 22/10. Sau đó giảng viên tổng hợp, báo cáo trưởng đơn vị duyệt và bố trí sinh viên tham gia. 

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cũng dự kiến cho sinh viên trở lại trường từ ngày 1/11. Giảng viên, người học trực tiếp phải tiêm đủ liều vắc xin. Mỗi lớp học được mở tối đa là 20 sinh viên. Nhà trường ưu tiên cho sinh viên khóa 2018 trở về trước đăng ký học trực tiếp để hoàn thành đồ án, khóa luận.

Sôi động nhu cầu tuyển dụng lao động

Báo SGGP ghi nhận, trong những ngày qua, sau khi TPHCM và các tỉnh, thành từng bước nới lỏng giãn cách, nhiều công ty, doanh nghiệp bắt đầu tuyển dụng nhằm thúc đẩy phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, người lao động (NLĐ) đã bắt đầu quay trở lại thành phố làm việc hoặc tìm kiếm công việc mới, mong sớm ổn định cuộc sống.

Tại các đơn vị giới thiệu việc làm, nhu cầu người tìm việc - việc tìm người những ngày qua cũng khá sôi động. Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP đã có hơn 200 doanh nghiệp liên hệ để tuyển dụng, kết nối NLĐ với hơn 50.000 chỉ tiêu việc làm.

Cũng theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố đã bắt đầu rao tuyển dụng lao động. Đa phần trả mức lương cao và được hưởng tất cả các quyền lợi theo Bộ luật Lao động quy định. Ngoài tuyển dụng các việc làm cố định thời gian thì công việc thời vụ, bán thời gian, xoay ca cũng phong phú.

Tư vấn, tuyển dụng lao động tại Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM
Tư vấn, tuyển dụng lao động tại Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM

Hiện TP có 127 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm và đang đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm TP, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP sẽ liên tục mở các sàn giao dịch việc làm, kết nối NLĐ với doanh nghiệp.

Theo dự báo của Sở LĐTB-XH TP, từ tháng 11 trở đi, nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng so với hiện nay, nhiều doanh nghiệp bắt đầu mở rộng hoạt động phục vụ cho thị trường cuối năm. Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các ngành nghề như: dệt may, lao động phổ thông, kinh doanh, cơ khí, điện lạnh, công nghệ thông tin, bán hàng, giao nhận, kinh doanh - thương mại, dịch vụ phục vụ, cơ khí - tự động hóa, vận tải kho bãi...

Nhóm BTV (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục