TPHCM sẽ xúc tiến, quảng bá du lịch tại Mỹ, Anh, Australia...
Báo Phụ Nữ TP cho biết, Sở Du lịch TPHCM vừa công bố 8 chương trình xúc tiến trong nước và 5 chương trình xúc tiến quốc tế sẽ triển khai trong năm 2024. Trong đó một số chương trình xúc tiến, quảng bá đã được Thành phố thực hiện ngay đầu năm, như lễ đón đoàn khách du lịch "xông đất" tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và lễ hội Tết Việt.
Từ ngày 7-17/3, TP sẽ tổ chức lễ hội Áo dài TPHCM lần thứ 10, tại công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường đi bộ Nguyễn Huệ và các điểm du lịch trên địa bàn TP. Từ ngày 4-7/4, ngày hội Du lịch TPHCM lần thứ 20 sẽ diễn ra tại công viên 23/9 (quận 1) với quy mô trên 200 gian hàng du lịch và ẩm thực. Từ 31/5-8/6, TP sẽ tổ chức lễ hội Sông nước lần thứ 2, tại cảng Sài Gòn, cảng Hiệp Phước, các khu/điểm du lịch trên địa bàn TPHCM.
Từ ngày 5-7/9, TP sẽ tổ chức hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM (ITE HCMC) lần thứ 18, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7. Vào tháng cuối cùng của năm 2024, 2 hoạt động có quy mô lớn là tuần lễ Du lịch TPHCM lần thứ 4 và giải Marathon Quốc tế TPHCM Techcombank 2024.
Đáng chú ý, ngoài các chương trình xúc tiến, quảng bá trong nước, năm nay Sở Du lịch TPHCM cũng đẩy mạnh hoạt động này tại hàng loạt các quốc gia trên thế giới. Cụ thể, tháng 5 - 6/2024 sẽ là các chương trình xúc tiến tại Đức, Australia; tháng Mười tại Mỹ và các nước ASEAN tại Singapore và tháng Mười một sẽ tham dự Hội chợ WTM London (Anh).
Nhiều hoạt động tại Ngày thơ Việt Nam chủ đề Thành phố này tôi đến tôi yêu
Báo Thanh Niên đưa tin, chiều qua, Hội Nhà văn TPHCM đã có buổi thông tin đến báo chí về chuỗi các hoạt động phong phú trong Ngày thơ VN lần thứ 22 với chủ đề "Thành phố này tôi đến tôi yêu".
Theo đó, Ngày thơ năm 2024 tại TPHCM diễn ra trong 2 ngày 14 và 15 tháng giêng (tức 23 – 24/2), gồm các nội dung chính: Hội thảo Thơ - nhạc, tương sinh hay tương khắc vào ngày 23/2 (14 tháng giêng) nhằm nâng cao hơn về chất lượng sáng tác ở cả 2 loại hình thơ - nhạc, cũng như làm rõ hơn mối tương hỗ nhau.
Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM Trịnh Bích Ngân cho biết: "Lần đầu tiên tại Ngày thơ năm 2024 sẽ có sân thơ thiếu nhi với nhiều nội dung nhằm góp phần khích lệ tác giả sáng tác. Đáp ứng nhu cầu này là nỗ lực không nhỏ, không chỉ của người cầm bút mà còn gợi mở thêm những vấn đề liên quan đến sáng tác văn học thiếu nhi, cùng các hoạt động giao lưu với nhiều nhà thơ, nhà văn viết cho thiếu nhi: Trần Quốc Toàn, Kim Hài, Lê Minh Quốc, Ngọc Khương, Lê Luynh, Trung Dũng KQĐ, Võ Thu Hương, Tiểu Quyên"…
Tại sân khấu chính trụ sở Hội Nhà văn TPHCM, lúc 8 giờ 30 ngày 24/2 sẽ khai mạc Ngày thơ VN lần thứ 22 bằng chương trình thơ nhạc Thành phố này tôi đến tôi yêu. Chương trình do Hội Nhà văn TPHCM phối hợp Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen thực hiện.
Trường học tại TPHCM hoàn tất lựa chọn sách giáo khoa trước ngày 6/3
Theo báo Pháp Luật TP, Sở GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục lớp 5 và sách giáo khoa các môn Ngoại ngữ 1; điều chỉnh, bổ sung danh mục sách giáo khoa thông Thông tư 27 sử dụng trong các cơ sở giáo dục từ năm học 2024-2025.
Một tiết học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Thái Hưng quận 8 Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Theo đó, các cơ sở giáo dục phải tổ chức cho cán bộ quản lí, giáo viên, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh nghiên cứu kĩ Thông tư 32/2018 của Bộ GD-ĐT về ban hành chương trình tổng thể, chương trình các môn học; các clip thông tin do Bộ GD-ĐT, các tổ chức, cá nhân và đơn vị liên kết có sách giáo khoa được phê duyệt; các văn bản, quyết định của Bộ GD-ĐT về phê duyệt danh mục sách giáo khoa các môn học.
Sau khi nghiên cứu các nội dung trên, tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên chuẩn bị ý kiến cá nhân bằng phiếu nhận xét, đánh giá các sách giáo khoa môn học theo các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa. Theo văn bản, các cơ sở giáo dục sẽ thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư 27 của Bộ GD-ĐT. Điểm mới đáng chú ý nhất của Thông tư 27 là quyền quyết định chọn sách giáo khoa đã được giao về cho các cơ sở giáo dục thay vì UBND cấp tỉnh như trước.
Công tác lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông được thực hiện từ sau ngày 12/2 đến
Rộn rã ngày học sau tết
Báo SGGP cho hay, ngày học đầu tiên sau Tết Nguyên đán đã được nhiều trường học trên địa bàn TPHCM lồng ghép các hoạt động văn nghệ, vui chơi, lì xì, khen thưởng nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh và giáo viên, giúp thầy và trò sớm bắt nhịp lại việc học sau 2 tuần nghỉ tết.
Tại Trường THCS Minh Đức (quận 1), tiết sinh hoạt dưới cờ được mở đầu bằng tiết mục nhảy tập thể trên nền nhạc bài hát Chuyện cũ mình bỏ qua do học sinh 2 khối 8, 9 cùng biểu diễn. Đại diện ban giám hiệu gửi lời chúc năm mới nhiều may mắn và thành công đến tập thể giáo viên và học sinh toàn trường. Sau đó, tổ Ngữ văn trình làng các tiết mục văn nghệ với chủ đề Mùa xuân nhớ Bác nhằm giúp học sinh tưởng nhớ công ơn của các thế hệ cha ông đã hy sinh để tô thắm mùa xuân độc lập, tự do cho dân tộc.
Với cách làm khác, cô và trò lớp 9/3, Trường THCS Lạc Hồng (quận 10) đã có ngày học đầu năm với nhiều trò chơi vui nhộn, đọc thơ nhận lì xì may mắn. Riêng tại Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), toàn bộ 104 cán bộ, giáo viên, nhân viên được nhận lì xì từ cô hiệu trưởng nhằm truyền đi thông điệp may mắn đầu năm. Sau đó, tại các lớp học, giáo viên tổ chức cho học sinh tham gia các trò chơi dân gian như hái hoa dân chủ, đọc câu đối để nhận lì xì may mắn từ giáo viên chủ nhiệm.
Đề xuất thay 16 chốt đèn giao thông khu sân bay Tân Sơn Nhất
Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TPHCM vừa đề xuất Sở Giao thông vận tải thay thế đèn giao thông, kết nối về trung tâm điều khiển quản lý nhiều tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Tin trên báo Tuổi Trẻ.
Đường sá quanh sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Việc đề xuất thay thế hệ thống đèn tín hiệu và kết nối về trung tâm điều khiển để quản lý nhằm theo dõi, kịp thời xử lý sự cố giao thông, giảm ùn tắc khu vực này - Ảnh: TIẾN QUỐC
Qua khảo sát, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ TPHCM đề xuất thay thế đèn, đồng thời kết nối về Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TPHCM quản lý thông minh thêm 16 chốt đèn giao thông. Hiện nay những chốt này nằm ở các giao lộ lớn quanh sân bay Tân Sơn Nhất, và chu kỳ đèn được thiết lập sẵn tại các chốt, chứ chưa thể điều khiển từ xa.
Cụ thể các chốt này gồm: Nhánh Bạch Đằng - Đặng Văn Sâm; nhánh Bạch Đằng - Hồng Hà; nhánh Hồng Hà - Hồng Hà (nhánh cắt ngang); nhánh Hồng Hà - Đặng Văn Sâm; Hoàng Minh Giám - Đặng Văn Sâm; Hoàng Minh Giám - Hồng Hà; Phổ Quang - Huỳnh Lan Khanh; Trường Chinh - Tây Thạnh; Trường Chinh - Phan Huy Ích; Trường Chinh - Tân Sơn Nhì.
Ngoài ra còn có giao lộ Trường Chinh - Phạm Văn Bạch; Trường Chinh - Phan Văn Hớn; Trường Chinh - nhà thờ Đông Quang; Trường Chinh - nhà thờ Lạc Quang; ngã tư An Sương; Út Tịch - Nguyễn Thái Bình.
"Đây cũng chính là một trong những giải pháp góp phần giảm ùn tắc quanh sân bay, khu vòng xoay Lăng Cha Cả... Kinh phí thực hiện sẽ khoảng 14,5 tỉ đồng từ nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông đường bộ năm 2024, dự kiến thực hiện trong quý 2-2024", đại diện trung tâm cho biết thêm.
Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM lên tiếng về vụ Nam Em livestream
Chiều 20/2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Nguyễn Ngọc Hồi đã thông tin về vụ việc hoa khôi Nam Em livestream gây ồn ào mạng xã hội trong những ngày qua.
Những ngày qua, Nam Em liên tục livestream "bóc phốt" người này, người kia. Ảnh: NLĐO
Ông Nguyễn Ngọc Hồi cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao kiểm tra thông tin và sẽ tiến hành theo quy định của pháp luật.
Thời gian gần đây, hoa khôi Nam Em liên tục phát livestream trên mạng xã hội. Dù Nam Em không chỉ đích danh ai trong livestream nhưng động thái này của cô khiến mạng xã hội xôn xao, cư dân mạng bàn tán về thông tin liên quan đến những nhân vật được đề cập.
Bắt đầu di dời tập trung 1.800 ngôi mộ tại nghĩa trang tự phát lớn nhất TPHCM
UBND Q.Bình Tân (TPHCM) thông tin, từ ngày 21/2, địa phương này sẽ triển khai di dời tập trung 1.843 ngôi mộ tại Nghĩa trang Bình Hưng Hoà. Đây là những ngôi mộ còn lại thuộc giai đoạn 1 khu vực 12ha của dự án Bồi thường, giải phóng mặt bằng Nghĩa trang Bình Hưng Hoà được thực hiện từ năm 2011. Nội dung trên báo Tiền Phong.
Một góc Nghĩa trang Bình Hưng Hoà, Q.Bình Tân. (Ảnh: Đình Tuyến)
Theo UBND Q.Bình Tân, việc triển khai di dời tập trung 1.843 ngôi mộ nói trên đã được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương và thời hạn hoàn thành dự kiến trong năm 2024. Giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của dự án sẽ hoàn thành trước năm 2025.
Trong 1.843 ngôi mộ nói trên, dự kiến từ ngày 21/2 đến ngày 21/3, UBND Q.Bình Tân sẽ di dời tập trung 1.773 ngôi mộ chưa có thân nhân kê khai thông tin. Đối với những ngôi mộ còn lại, từ nay đến hết ngày 31/5, thân nhân phải liên hệ với Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng Q.Bình Tân để di dời. Sau thời hạn này, UBND Q.Bình Tân sẽ tiến hành di dời tập trung.
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)