Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 21/5/2020

12:37 21/05/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 21/5/2020:

TP. Hồ Chí Minh dự kiến sẽ giảm còn 22 quận, huyện

Theo Vietnamplus, Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh vừa có Tờ trình hoàn chỉnh số 1932/TTr-SNV về phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TP giai đoạn 2019 - 2021.

Tờ trình này được hoàn chỉnh trên cơ sở nội dung buổi làm việc của Chính phủ với TP. Hồ Chí Minh ngày 8/5/2020; trong đó, giữ nguyên phương án sắp xếp đối với 19 đơn vị hành chính cấp phường và bổ sung sắp xếp, sáp nhập 3 quận gồm Quận 2, quận Thủ Đức, Quận 9 để hình thành đơn vị hành chính là thành phố trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh (tạm gọi là thành phố phía Đông).

Công trường thi công dự án cầu Thủ Thiêm 2. (Nguồn: TTXVN)
Công trường thi công dự án cầu Thủ Thiêm 2. (Nguồn: TTXVN)

Lý do hình thành thành phố phía Đông là để xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có như các khu đại học (đào tạo bậc cao), Khu công nghệ cao (sản xuất tiên tiến), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (trung tâm tài chính và kinh doanh). Ngoài ra, khu vực này có hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đã và đang được hoàn thiện như Xa lộ Hà Nội, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên, đường Phạm Văn Đồng...).

Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tại Quận 2 dự kiến sáp nhập phường An Khánh, phường Thủ Thiêm; sáp nhập phường Bình Khánh vào phường Bình An.

Tại Quận 3, dự kiến thành phố sẽ sáp nhập Phường 6 với Phường 7 và Phường 8; Quận 4 dự kiến sẽ sáp nhập Phường 5 với Phường 2, sáp nhập Phường 12 với Phường 13. Tại Quận 5 dự kiến sẽ sáp nhập Phường 12 và Phường 15; tại Quận 10 dự kiến sáp nhập Phường 3 với Phường 2, còn tại quận Phú Nhuận dự kiến sáp nhập Phường 12 với Phường 11.

Như vậy dự kiến sau khi sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh sẽ giảm từ 24 xuống còn 22 quận huyện (gồm 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện); giảm từ 322 xã, phường, thị trấn xuống còn 312 phường, xã, thị trấn (gồm 249 phường, 58 xã và 5 thị trấn).

Gỡ vướng cho tuyến Metro số 1

Một trong nhiều khó khăn tại dự án Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là do ảnh hưởng dịch Covid-19, chuyên gia nước ngoài chưa được nhập cảnh Việt Nam và cấp giấy phép lao động. Thông tin trên báo Người Lao Động.

Văn phòng UBND TP vừa truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan về dự án xây dựng 2 tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Trong đó, với tuyến Metro số 1, Phó Chủ tịch UBND TP chỉ đạo nhiều vấn đề nhằm nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn hiện nay để đẩy nhanh tiến độ.

Toàn dự án Metro số 1 hiện đạt 72,59% và theo kế hoạch sẽ nâng lên 85% đến hết năm nay
Toàn dự án Metro số 1 hiện đạt 72,59% và theo kế hoạch sẽ nâng lên 85% đến hết năm nay

Một trong nhiều vướng mắc tại dự án này trước đó được Ban Quản lý đường sắt đô thị nêu ra là do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là chuyên gia Nhật Bản, đi cùng đoàn tàu nhập về Việt Nam, chưa được nhập cảnh.

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn liên quan, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương tham mưu chính quyền TP có văn bản báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tháo gỡ việc tạm dừng cấp giấy phép lao động mới cho lao động nước ngoài đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch Covid-19.

Chuyên gia, lao động nước ngoài khi được nhập cảnh có thể tiếp tục làm việc ở các dự án, công trình trọng điểm tại TP. Hồ Chí Minh theo tiến độ, nhưng vẫn phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp cách ly sau khi nhập cảnh Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương báo báo cáo chính quyền TP về việc xem xét cấp giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài hiện đã nhập cảnh Việt nam trước thời điểm Chính phủ ban hành Nghị quyết số 28 ngày 10/3 vừa qua.

Cả 2 nội dung nêu trên, UBND TP yêu cầu phải Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải thực hiện xong trước ngày 22/5.

Đề xuất mở thêm đường dưới cao tốc, chia lửa với đường Nguyễn Duy Trinh

Báo Tuổi Trẻ đưa tin:  Sở Giao thông vận tải TP vừa đề xuất mở thêm một con đường dưới cao tốc nhằm 'chia lửa' với đường Nguyễn Duy Trinh (quận 9), kéo giảm tai nạn cho con đường 'tử thần' này.

Đường Nguyễn Duy Trinh được coi là đường "tử thần" vì đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Đường Nguyễn Duy Trinh được coi là đường "tử thần" vì đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm - Ảnh: ĐỨC PHÚ

Cụ thể, Sở Giao thông vận tải kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét chấp thuận đề xuất mở một tuyến đường dưới hành lang cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây dài khoảng 1,578km.

Theo Sở Giao thông vận tải, qua nghiên cứu cho thấy phía dưới dạ cầu trong phạm vi mặt bằng giữa 2 trụ cầu cạn cao tốc có thể mở một tuyến đường cho xe dưới 2,5 tấn và xe máy lưu thông 2 chiều.

Nếu đề xuất này được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận sẽ giảm áp lực giao thông trên đường Nguyễn Duy Trinh. Dự kiến nguồn vốn làm tuyến đường này khoảng 34 tỉ đồng, nếu được triển khai sẽ hoàn thành vào năm 2021.

Phần đất dưới cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dự kiến làm một tuyến đường - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Phần đất dưới cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dự kiến làm một tuyến đường - Ảnh: ĐỨC PHÚ

Trên cơ sở được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận, Sở Giao thông vận tải TP sẽ báo cáo, trình UBND TP xin chủ trương đầu tư và thực hiện dự án.

Theo Sở Giao thông vận tải, đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ vòng xoay Phú Hữu tới đường Nguyễn Thị Tư đoạn vào cảng Phú Hữu (quận 9) đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Từ 2017 đến nay, tai nạn đã làm cho 20 người chết, 3 người bị thương.

Nguyên nhân do đoạn đường này rộng khoảng 7-8m nhưng rất đông xe container, xe tải qua lại.

Giá thịt heo tăng nóng!

Dù Chính phủ can thiệp để đưa giá heo hơi về mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4 nhưng chỉ sau 20 ngày, giá heo hơi tiếp tục tăng nóng lên mức áp sát 100.000 đồng/kg. Trong khi theo thông lệ, sức mua thịt heo yếu khi thời tiết nắng nóng sẽ kéo giá xuống. Nội dung được phản ảnh trên được báo Người Lao Động.

Theo cập nhật giá cả thị trường của Công ty cổ phần Anova Feed, giá heo hơi trong những ngày qua dao động mức 93.000 - 99.000 đồng/kg. Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn, xác nhận từ ngày 15/5, chợ đầu mối này không còn ghi nhận được giá heo hơi của Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam, do các thương lái chuyển sang mua heo mảnh đưa về chợ.

Giá heo hơi trong những ngày qua dao động mức 93.000 đến 99.000 đồng/kg - Ảnh minh họa: báo Người Lao Động
Giá heo hơi trong những ngày qua dao động mức 93.000 đến 99.000 đồng/kg - Ảnh minh họa: báo Người Lao Động

Theo những người kinh doanh heo, việc các công ty chuyển sang bán heo mảnh nhằm lách cam kết giữ giá heo hơi ở mức 70.000 đồng/kg. Chủ một lò mổ tại TP cho rằng hoạt động tổ chức giết mổ tại lò vẫn diễn ra như trước, chỉ khác là hợp đồng gia công giết mổ chuyển từ thương lái sang công ty chăn nuôi để tính giá heo khác cho thương lái.

Theo đó, thay vì xuất bán 1 con heo hơi 100kg giá 7 triệu đồng, công ty chăn nuôi có thể thu được 8,1 triệu đồng tiền bán heo mảnh và đầu lòng, sau khi trừ chi phí vận chuyển và công giết mổ vẫn lãi hơn nhiều.

Từ đầu tháng 5 đến nay, lượng heo về chợ đầu mối Hóc Môn từ 3.300 – 3.500 con/ ngày, thấp hơn nhiều so với lượng heo bình quân về chợ năm 2019 là 5.168 con/ ngày.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai (địa phương có sản lượng chăn nuôi heo bậc nhất cả nước), hiện giá heo hơi của Việt Nam tương đương Trung Quốc nên hiện tượng tăng giá không phải do thị trường này hút hàng mà chủ yếu do cung - cầu trong nước.

Hồi sinh các dòng kênh “chết” ở quận 12

Thời gian qua, các dòng kênh bị ô nhiễm ở quận 12 là nỗi lo của người dân và chính quyền địa phương. Đa số các dòng kênh bị đủ loại cây cối mọc tràn xuống lòng kênh, chặn dòng chảy, ứ đọng rác gây hôi thối cả khu vực.

Trước đây các tuyến rạch luôn trong tình trạng ngập trong rác, lòng rạch không được nạo vét, dòng chảy không được lưu thông. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Trước đây các tuyến rạch luôn trong tình trạng ngập trong rác, lòng rạch không được nạo vét, dòng chảy không được lưu thông. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Để giải quyết tình trạng trên, UBND quận 12 đã thực hiện chương trình cải tạo, nạo vét và kiên cố hóa các tuyến kênh trên địa bàn. Việc làm trên đã cải thiện đáng kể tình trạng ngập úng, ô nhiễm của các tuyến kênh, đồng thời tạo cảnh quan đô thị sạch đẹp. Đó là thông tin được đăng tải trên báo Pháp Luật TP.

Chạy dọc theo đường Thạnh Xuân 25 ở phường Thạnh Xuân là tuyến rạch Rỗng Tùng. Theo lời kể của một số người dân sống tại khu vực này thì ngày trước tuyến rạch này là ô nhiễm nhất. Ám ảnh nhất là vào những ngày trời mưa, đường ngập nước, dưới kênh tràn lên đủ các loại rác, nước đen kịt. Chuyện bị té xe, ngâm cả người trong nước ô nhiễm là bình thường.

Tuyến rạch Rỗng Tùng trước trụ sở UBND phường Thạnh Xuân sắp được đưa vào sử dụng đã làm thay đổi diện mạo ở địa phương. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Tuyến rạch Rỗng Tùng trước trụ sở UBND phường Thạnh Xuân sắp được đưa vào sử dụng đã làm thay đổi diện mạo ở địa phương. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Theo kế hoạch nạo vét, kiên cố các tuyến kênh rạch của UBND quận 12 thì có 18 tuyến kênh trên địa bàn được cải tạo. Riêng tại phường Thạnh Xuân có 5 tuyến kênh sẽ được cải tạo. Có tuyến kênh đã làm xong, lòng kênh được nạo vét, bờ kênh được xây bê tông đẹp mắt tạo nên cảnh quan, môi trường rất tốt cho người dân.

Hình ảnh một trong bốn tuyến kênh đã được khánh thành ngày 17-5 và đưa vào sử dụng. (Ảnh do UBND quận 12 cung cấp)
Hình ảnh một trong bốn tuyến kênh đã được khánh thành ngày 17-5 và đưa vào sử dụng. (Ảnh do UBND quận 12 cung cấp)

Các tuyến rạch đang thi công đã hoàn thành 70%-90%, dự kiến sẽ hoàn thành việc cải tạo trong tháng 6.

Cán bộ bắt cướp, góp thực phẩm cho dân

Anh Trần Tường Thụy (sinh năm 1973) hiện đang công tác tại UBND quận Tân Bình. Dù đã gần bước sang tuổi 50 nhưng anh vẫn luôn nhiệt tình, hăng hái và sẵn sàng giúp đỡ người dân khi có thể. Đó là chân dung nhân vật trong bài viết trên báo Pháp Luật TP.

Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng không nhỏ tới mọi mặt của đời sống xã hội. Đối tượng khó khăn nhất vẫn là người nghèo, lao động tự do và người có hoàn cảnh khó khăn khi họ không có việc làm, không có thu nhập nhưng vẫn phải lo chi phí để ổn định cuộc sống tại TP lớn như TP. Hồ Chí Minh.

Dù đã ở tuổi gần 50 nhưng anh Thụy vẫn còn rất nhiệt huyết như thời trai trẻ. Ảnh: HỮU ĐĂNG
Dù đã ở tuổi gần 50 nhưng anh Thụy vẫn còn rất nhiệt huyết như thời trai trẻ. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Từ nỗi trăn trở đó, anh Thụy đã đứng ra liên hệ bạn bè, anh em cùng nhau quyên góp tiền, lập ra một nhóm để tổ chức phát gạo, trứng cho bà con. 30 tấn gạo, 42.000 quả trứng đã được nhóm phát cho bà con trong suốt bảy ngày liên tục. Từng ký gạo, từng quả trứng đã đến đúng tay người thực sự cần.

Trước khi về nhận công tác tại UBND quận Tân Bình, anh Thụy đã nhiều năm làm phó chủ tịch UBND phường 2. Ngoài công việc chuyên môn thì ở phường, mọi người hay gọi vui anh là phó chủ tịch phường thích bắt cướp.

Sở dĩ anh Thụy được nhiều người gọi như vậy là vì anh thường xuyên đi bắt cướp, đi tuần tra ban đêm, ăn ngủ cùng công an phường. Đã rất nhiều vụ móc túi, cướp giật quanh các con đường tại khu vực Công viên Hoàng Văn Thụ bị anh phát hiện và tóm gọn. Anh bảo mỗi lần ra đường nhìn thấy tội phạm lộng hành, không thể khoanh tay đứng nhìn.

Hiện tại, anh Thụy đã bước sang tuổi 47, cái tuổi mà nhiều người đã bắt đầu cảm thấy chùn chân, mỏi gối. Thế nhưng nhìn thấy anh chạy chiếc xe Honda Dream cũ, đội nón bảo hiểm, đeo thêm cặp kính trông thật ngầu, không ai bảo đây là vị cán bộ đang làm trong cơ quan nhà nước. Anh nói vui: “Giờ già rồi, không còn sức mà đi bắt cướp nữa nhưng làm thiện nguyện thì vẫn không dừng đâu”.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục