Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 22/10/2021

Nhóm BTV (Tổng hợp) 22/10/2021 09:15

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 22/10:

Khôi phục hoàn toàn mạng bay nội địa

Theo báo SGGP, để đáp ứng nhu cầu hành khách, Bộ GTVT đã đồng ý kế hoạch tăng chuyến bay trong giai đoạn từ ngày 21/10 đến hết ngày 30/11. 

Trong đó, đường bay Hà Nội - TPHCM và ngược lại không quá 6 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ 21/10 đến 14/11, không quá 7 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ 15/11 đến 30/11.

Đường bay Đà Nẵng - TPHCM và ngược lại không quá 6 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ 21/10 đến 14/11, không quá 7 chuyến hàng ngày mỗi chiều từ 15/11 đến 30/11. Các đường bay khác được khai thác không quá 4 chuyến hàng ngày mỗi chiều.

Ngay sau khi được sự cho phép của Bộ GTVT, các hãng hàng không đã đồng loạt khôi phục khai thác các đường bay nội địa. Vietjet khai thác 2 chuyến khứ hồi/ngày trên các đường bay kết nối giữa TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Đến 30/11, mạng bay của Vietjet sẽ mở lại với 48 đường bay nội địa. Vietjet cũng hỗ trợ xét nghiệm nhanh COVID-19 miễn phí cho toàn bộ hành khách bay từ TPHCM và từ Hà Nội.

Tương tự, Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco cũng khôi phục gần như hoàn toàn mạng bay nội địa với gần 40 đường bay. Tần suất các đường bay sẽ tăng dần qua từng giai đoạn với hơn 90 chuyến/ngày từ 21/10, sau đó tăng lên gần 120 chuyến/ngày từ cuối tháng 10. 

Cho chợ đầu mối Hóc Môn hoạt động trở lại

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 21/10, UBND huyện Hóc Môn đã có văn bản về việc tổ chức hoạt động trong tình hình mới tại chợ đầu mối gửi đến Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn.

Theo văn bản này, UBND huyện thống nhất tổ chức hoạt động trở lại theo đề xuất tại phương án số 11/PA-CĐM của chợ đầu mối Hóc Môn.

Cụ thể, giai đoạn từ ngày 20/10 đến 10/11/2021, đưa vào hoạt động 50% (153 sạp) các điểm kinh doanh rau, củ, quả và trái cây; 50% (50 sạp) các điểm kinh doanh nhà lồng chợ thịt, khu pha lóc.

Giai đoạn từ ngày 11/11/2021 trở đi, căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn huyện và kết quả hoạt động giai đoạn 1 của chợ đầu mối Hóc Môn để đưa ra các phương hướng tiếp theo.

UBND huyện Hóc Môn thống nhất tổ chức hoạt động trở lại theo đề xuất của chợ đầu mối Hóc Môn.

Trường hợp tình hình dịch bệnh COVID-19 giảm số ca nhiễm nhưng còn diễn biến phức tạp, chợ tiếp tục duy trì số lượng điểm kinh doanh như giai đoạn 1 và có thể tăng 10 - 20% điểm kinh doanh nếu thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch và không để phát sinh các ca nhiễm trong khu vực chợ.

Trường hợp tình hình dịch bệnh đã khoanh vùng, kiểm soát tốt và công tác phòng chống dịch tại chợ kiểm soát tốt thì thực hiện bố trí 100% điểm kinh doanh vào hoạt động.

Thống nhất đưa khách từ TPHCM đến Nha Trang từ ngày 1/11

Báo Người Lao Động cho hay, chiều 21/10, tại TP Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND TPHCM tổ chức Hội nghị "Liên kết du lịch giữa TPHCM và Khánh Hòa trong điều kiện an toàn, thích ứng với dịch COVID-19".

Tại hội nghị, hai địa phương thống nhất sẽ triển khai các hoạt động du lịch nội địa, đưa khách từ TPHCM đến Nha Trang.

Liên kết du lịch giữa TP HCM và Khánh Hòa trong điều kiện an toàn, thích ứng với dịch Covid-19"

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết TPHCM cơ bản đã hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi 1, khoảng 77% người dân đã tiêm mũi 2 và mở cửa nhiều hoạt động kinh tế, xã hội trong đó có du lịch. Khánh Hòa đồng ý đón khách TP HCM từ ngày 1/11, tuy nhiên cả hai cần thống nhất hình thức đón khách theo tour và tự túc thì như thế nào? Phương án xử lý nếu có trường hợp F0 thì các thành viên có được đi du lịch tiếp không, phải có sự kết hợp với cơ sở điều trị y tế?

Về phương tiện giao thông, TPHCM đề nghị phải làm việc với các địa phương khác để thông suốt tạo điều kiện cho du khách trong bối cảnh COVID-19 như hiện này…

Du lịch Khánh Hòa với nhiều lợi thế, nhiều điểm du lịch biệt lập

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tiếp nhận các ý kiến của chính quyền, doanh nghiệp TPHCM và giao cho Sở Du lịch sẽ trao đổi, thống nhất các tiêu chí trên tinh thần tạo điều kiện tốt nhất để TPHCM đưa khách đến Khánh Hòa.

Trên cơ sở liên kết du lịch giữa TPHCM và Khánh Hòa trong điều kiện an toàn, thích ứng với dịch COVID-19. Ông Hoàng thống nhất ngày 1/11 sẽ triển khai đưa khách từ TPHCM đến Khánh Hòa với các tiêu chí "Du lịch an toàn", "An toàn trong từng trải nghiệm"…

Duy trì 24/24 các chốt kiểm soát cửa ngõ TPHCM

Trao đổi với PV báo Người Lao Động, ngày 21/10, đại diện Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP cho biết từ nay đến hết ngày 30/11, lực lượng CSGT sẽ duy trì 12 chốt kiểm soát cửa ngõ và 39 chốt tại các khu vực giáp ranh TPHCM 24/24.

Tại các chốt này, lực lượng chức năng thực hiện quản lý dân vùng dịch, di biến động của người ra vào vùng dịch và quản lý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên nền tảng dữ liệu dân cư.

Các chốt kiểm soát cửa ngõ TP HCM do lực lượng CSGT TP đảm trách được duy trì 24/24.

Như vậy, lực lượng tại chốt kiểm soát sẽ dừng kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 đối với người dân qua lại. Thay vào đó, người dân phải khai báo y tế, di chuyển trên ứng dụng VNEID và thông tin về tiêm chủng.

Quân đội đưa gần 800 người ở TPHCM về 5 tỉnh miền Tây

Ghi nhận của Báo Tiên Phong, sáng 21/10, Bộ Tư lệnh TPHCM phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Sở Giao thông Vận tải TP và các đơn vị liên quan tổ chức đưa gần 800 người dân có hoàn cảnh khó khăn về 5 tỉnh miền Tây gồm: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang và Kiên Giang.

Những người dân được quân đội hỗ trợ đưa về quê là người lớn tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em. Trước khi xe xuất phát tại bến xe Miền Tây, quận Bình Tân, mỗi người dân được lực lượng chức năng hỗ trợ một phần quà.

Lực lượng chức năng tổ chức đưa người dân về quê.

Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh TP cho biết, cơ quan chức năng đã bố trí 23 xe khách giường nằm để đưa bà con gặp hoàn cảnh khó khăn và có nguyện vọng về quê. Ngoài ra, gần 30 người dân có nhu cầu đi xe máy cá nhân về quê cũng được Công an TP tổ chức đoàn đưa về quê theo tuyến quốc lộ 1A. Sau khi về đến địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh tiếp nhận rồi đưa đi cách ly tập trung theo quy định.

Lực lượng chức năng hỗ trợ mỗi người dân về quê một phần quà.
Đoàn xe đưa người dân về quê rời bến xe Miền Tây, TPHCM.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM đổi tên và thành lập 5 trường mới

Sáng ngày 21/10, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) đã gặp gỡ các cơ quan truyền thông liên quan đến chiến lược tái cấu trúc Trường Đại học Kinh tế TPHCM thành Đại học UEH đa ngành và bền vững. Nội dung trên báo Pháp Luật TP.

GS.TS. Nguyễn Đông Phong - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường UEH chia sẻ: Để phù hợp với định hướng đa ngành và bền vững, nhà trường đang từng bước triển khai đổi tên thành Đại học UEH.

Đây cũng là tên gọi nhận được sự thống nhất cao trong hội nghị các cấp của nhà trường, với hơn 95% giảng viên, viên chức, người lao đồng đồng thuận; đồng thuận tuyệt đối trong Đảng ủy và thành viên Hội đồng trường.

Đại học đa ngành có nhiều thuận lợi khi tham gia bảng xếp hạng quốc tế, triển khai các hoạt động hợp tác, nâng cao vị thế và đảm bảo cho sự phát triển bền vững của trường.

Giải thích thêm về vấn đề này, GS Sử Đình Thành - Hiệu trưởng UEH nói cho rằng, UEH là vốn tên gọi quen thuộc của nhà trường trong 45 năm qua và đã trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM

Lộ trình tái cấu trúc, hướng đến Đại học UEH Đa ngành và Bền vững được hoạch định trong 3 bước:

Năm 2021: Thành lập 3 Trường thuộc UEH gồm: Trường Kinh doanh UEH; Trường Kinh Tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH; Trường Công Nghệ Và Thiết Kế UEH. 

Từ 2022-2025: Xây dựng đề án thành lập Đại học UEH, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi.

Từ 2026-2030: Thành lập Trường quốc tế trên cơ sở Viện Đào tạo quốc tế ISB, nâng cấp Phân hiệu Vĩnh Long thành Trường đại học của khu vực ĐBSCL. Năm 2030 sẽ trở thành Đại học UEH Đa ngành và Bền vững, có danh tiếng học thuật trong khu vực Châu Á và hội nhập hoàn toàn thế giới.

Thu giữ gần 14.000 sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng

Từ đầu năm đến nay, các lực lượng liên ngành chức năng đã kiểm tra, xử phạt hàng chục ngàn vụ vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng trong số này đã được các tổ chức, cá nhân chào bán qua internet khiến nhiều người tiêu dùng phải “ôm trái đắng”. Thông tin trên báo SGGP.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho thấy, 9 tháng đầu năm 2021, QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý gần 13.000 vụ vi phạm, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 41 tỷ đồng.

Cục QLTT TPHCM kiên tục ra quân kiểm tra và phát hiện nhiều sản phẩm lợi dụng dịch bệnh chuẩn bị tuồn ra thị trường

Tính riêng trên địa bàn TPHCM, QLTT đã thu giữ gần 14.000 sản phẩm gồm máy tạo oxy, dụng cụ đo nồng độ oxy trong máu, vỏ chai đựng oxy, quần áo may sẵn… Tất cả số hàng này đều không có chứng từ hợp pháp chứng minh xuất xứ nguồn gốc.

Lực lượng chức năng chuyên trách (QLTT, Hải quan...) đánh giá, các tổ chức, cá nhân kinh doanh online trong thời điểm diễn ra dịch bệnh tăng mạnh, nở rộ. Đủ loại hàng hóa, từ cao cấp đến bình dân, nếu không thể mua trực tiếp ngoài thị trường đều dễ dàng tìm mua được trên Facebook, Zalo, YouTube…

Tất nhiên, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa rất khó kiểm chứng, với nhiều nguyên nhân như hàng trốn thuế, hàng nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng… Do vậy, nếu không cảnh giác, người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn và mua phải hàng kém chất lượng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 22/10/2021
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO