Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 22/11/2021

09:10 22/11/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 22/11:

Đề nghị trung ương hỗ trợ vốn cho 3 dự án lớn

Báo Pháp Luật TP thông tin, UBND TPHCM vừa có văn bản đề nghị đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 17.234 tỉ đồng để thực hiện ba dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, rạch Xuyên Tâm và cải tạo kênh Hy Vọng.

Cụ thể, dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài với tổng mức đầu tư dự kiến là 15.900 tỉ đồng (chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 7.433 tỉ đồng, thuộc địa bàn TPHCM là 5.901 tỉ đồng). Theo đó, TP đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ TP 5.901 tỉ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) với tổng mức đầu tư dự kiến là 9.353 tỉ đồng (chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 4.860 tỉ đồng). UBND TP đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ TP 9.353 tỉ đồng để đầu tư cho dự án.

Dòng nước dọc tuyến rạch Xuyên Tâm đi qua quận Bình Thạnh vàquận Gò Vấp đang bị ô nhiễm. Ảnh: BPL
Dòng nước dọc tuyến rạch Xuyên Tâm đi qua quận Bình Thạnh vàquận Gò Vấp đang bị ô nhiễm. Ảnh: BPL

Dự án cải tạo kênh Hy Vọng với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.980 tỉ đồng (chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 1.596 tỉ đồng), TP đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 1.980 tỉ đồng.

Đây là ba dự án hạ tầng có ý nghĩa quan trọng không chỉ với TPHCM mà còn phục vụ người dân vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

Bộ Y tế đã cấp cho TPHCM 5.000 liều thuốc Molnupiravir kháng vi rút

Báo Thanh Niên đưa tin, sáng 21/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, sau kiến nghị của TPHCM, Bộ Y tế đã cấp cho Sở Y tế TP 5.000 liều thuốc Molnupiravir kháng vi rút để cấp cho F0.

Thuốc Mulnopiravir được xem là có hiệu quả cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: DUY TÍNH.
Thuốc Mulnopiravir được xem là có hiệu quả cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: DUY TÍNH.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cân đối để cấp thuốc đủ cho F0 ở TPHCM và các tỉnh tham gia chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát.

Trước đó, Sở Y tế TP có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị xem xét cấp thêm 100.000 liều Molnupiravir vì hiện số F0 tại TP gia tăng.

Thanh thiếu niên Thành phố đoạt giải sáng tạo với sản phẩm chống dịch COVID-19

VOV cho biết, Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng TPHCM lần 16 - năm 2021 đã trao giải cho 3 tác phẩm có thể ứng dụng ngay trong phòng, chống dịch COVID-19. Đây là Cuộc thi do Thành Đoàn TP phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ và Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TP tổ chức.

Sau các vòng thi tại các quận huyện, ban tổ chức đã tiến hành hội thu sản phẩm dự thi với 146 mô hình, sản phẩm từ 91 trường Tiểu học, THCS, THPT của 20 Quận, Huyện, TP. Thủ Đức và Đại học Quốc gia TP.

Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng TP.HCM 2021.
Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng TP.HCM 2021.

Ban Tổ chức đã chọn ra 32 giải, gồm 1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 4 giải Ba, 23 giải Khuyến khích dành cho các sản phẩm sáng tạo xuất sắc. Đặc biệt, có 3 sản phẩm có thể ứng dụng vào cuộc sống, học đường đoạt giải cao như: Bộ sản phẩm tuyên truyền phòng, chống COVID-19 đoạt giải Nhì của nhóm học sinh Lớp 2/1, Trường Tiểu học Trưng Trắc, Quận 11; Bộ sát khuẩn tự động - Phòng, chống COVID-19 đoạt giải Ba của 2 học sinh Lớp 8/7, Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1; Máy rửa tay sát khuẩn tự động đạt giải Ba của nhóm học sinh trường tiểu học Huyện Nhà Bè và nhiều sản phẩm khác.

Tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động dịp cuối năm

Vietnamplus cho hay, nhằm đảm bảo công tác an toàn vệ sinh lao động tại đơn vị, doanh nghiệp từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, ngày 21/11, Liên đoàn Lao động TP cho biết đang triển khai hướng dẫn các cấp Công đoàn TP tăng cường giám sát việc chấp hành an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp và người lao động.

Theo hướng dẫn, trọng tâm hoạt động của Công đoàn các cấp là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật và kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động; các văn bản chính sách của Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn trong đại dịch COVID-19 cho doanh nghiệp và người lao động với nhiều hình thức qua các phương tiện truyền thông, các trang thông tin điện tử của đơn vị, các fanpage, Zalo, Facebook của hệ thống Công đoàn.

Dây chuyền sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Công ty Hồng An, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Dây chuyền sản xuất giày xuất khẩu sang thị trường châu Âu tại Công ty Hồng An, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Công đoàn chú trọng vận động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, thông điệp 5K của Bộ Y tế, thông điệp “Sống khỏe trong môi trường có dịch;" cung cấp kiến thức về dịch COVID-19, cách phòng ngừa, vắc xin phòng dịch; hướng dẫn cách tự làm xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ, tự chăm sóc khi mắc bệnh, cách liên hệ với nhân viên y tế khi cần trợ giúp; thực hiện những biện pháp nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, chế độ dinh dưỡng, liệu pháp tâm lý, chất lượng bữa ăn ca…

Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP, để thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, các cấp Công đoàn cần phối hợp với ngành Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội địa phương tổ chức các hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thực hiện các tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, chủ động phối hợp với người sử dụng lao động chuẩn bị các phương án làm việc đảm bảo quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với tinh thần sản xuất an toàn, đảm bảo đời sống việc làm cho đoàn viên, người lao động; công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời gian tăng ca; giám sát đảm bảo chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và phụ cấp độc hại; nâng cao chất lượng khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

TP Thủ Đức có tổ y tế lưu động khu phố chăm sóc sức khỏe người dân

Theo Báo SGGP, Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức Nguyễn Phước Hưng cho biết, đến nay, TP Thủ Đức đã thành lập 202 tổ y tế lưu động/199 khu phố, trong đó mỗi tổ có ít nhất 1 nhân sự y tế và 598 nhân sự khác (công an, quân sự, đoàn thanh niên, tổ dân phố…). Đây là mô hình mới, kế thừa hoạt động tổ COVID cộng đồng và trạm y tế lưu động.

Lãnh đạo TP Thủ Đức tặng giấy khen cho các tập thể tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn
Lãnh đạo TP Thủ Đức tặng giấy khen cho các tập thể tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn

Bước đầu, tổ y tế lưu động khu phố đã cho thấy hiệu quả tích cực trong tổ chức tiếp nhận thông tin, cung cấp đầy đủ gói an sinh, túi thuốc điều trị F0 tại nhà; theo dõi sức khỏe, chăm sóc, điều trị bệnh COVID-19 và bệnh lý đi kèm (nếu có). Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất số ca chuyển nặng; phát hiện sớm diễn tiến nặng; sơ cấp cứu, trợ giúp y tế ban đầu và kịp thời chuyển bệnh nhân đến cơ sở thu dung phù hợp khi có chỉ định. Đặc biệt không để xảy ra trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong tại nhà.

Nhằm tăng cường lực lượng hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại cơ sở cũng như triển khai kế hoạch đảm bảo an sinh trong tình hình mới, TP Thủ Đức đã huy động 2.278 cán bộ công chức, viên chức, lực lượng tình nguyện viên trên địa bàn. Lực lượng này được tăng cường về phường và thực hiện các nhiệm vụ tại trạm y tế lưu động, tổ y tế lưu động khu phố để theo dõi cấp phát thuốc điều trị cho bệnh nhân F0. Song song đó, nắm chắc tình hình đời sống của các hộ gia đình (F0) thuộc diện gia đình khó khăn, hỗ trợ túi an sinh cho hộ gia đình (F0) ngay ngày đầu tiên thực hiện cách ly, cũng như tiếp tục theo dõi để kịp thời giúp đỡ gia đình nếu cần thiết.

Bình Chánh phấn đấu trở thành đầu mối giao thông và logistics cho vùng Tây Nam bộ

Báo SGGP cũng đưa tin, ngày 21/11, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP phối hợp với huyện Bình Chánh tổ chức hội thảo “Tiềm năng phát triển đô thị và định hướng lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Chánh đến năm 2040”.

Phát biểu tại hội thảo, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để kinh tế Bình Chánh phát triển nhanh cần phải kết nối với TP Thủ Đức. Bên cạnh đó, giải quyết tốt 78% đất đã quy hoạch làm khu công nghiệp. Thời gian tới, Bình Chánh sẽ là đầu mối giao thông và logistics, kho bãi không chỉ cho TPHCM mà còn cả vùng Tây Nam bộ. Hiện Bình Chánh còn 5 tiêu chí chưa đạt chỉ tiêu như năng suất lao động, diện tích nhà ở, đất giao thông đô thị, đất cây xanh, như vậy không thể được công nhận là đô thị. Do đó, quy hoạch lần này huyện phải đảm bảo các tiêu chí trên.

Ảnh minh họa: CAO THĂNG
Ảnh minh họa: CAO THĂNG

Tại hội thảo, sau khi nghe báo cáo tổng quan về thực trạng quản lý quy hoạch, kiến trúc và các vấn đề về phát triển đô thị của huyện Bình Chánh - vùng ven TP, hầu hết các chuyên gia kinh tế, các nhà quy hoạch cho rằng huyện Bình Chánh cần xác định chức năng quy hoạch chung xây dựng ở giai đoạn 2021-2030 sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, y tế, giáo dục đào tạo, văn hóa, đô thị của TPHCM.

Về chức năng đô thị, huyện Bình Chánh cần nêu rõ điều chỉnh quy hoạch xây dựng với mục tiêu chính là tận dụng mọi khả năng để Bình Chánh trở thành khu dân cư đô thị; trung tâm sản xuất công nghiệp; trung tâm y tế kỹ thuật cao; trung tâm giáo dục đại học và nghiên cứu; đầu mối logistics, kho bãi; khu công viên rừng và du lịch nghỉ dưỡng của TP.

Song song đó, trong đề án cần đề cập đến chính sách và những ưu đãi, hoặc xin cơ chế riêng đối với TPHCM và trung ương trong quá trình chuyển dịch toàn diện mọi mặt của huyện.

Đã hỗ trợ COVID-19 cho hơn 8,8 triệu người với hơn 12.000 tỉ đồng

Một thông tin khác trên báo Thanh Niên, Sở LĐ-TB&XH TP cho biết, tính đến trưa 20/11, tổng hợp các chính sách hỗ trợ COVID-19, TPHCM đã chi trả cho hơn 8,8 triệu đối tượng với tổng tiền hơn 12.000 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ cho hơn 8,7 triệu dân và hơn 100.000 doanh nghiệp.

Người dân Q.Phú Nhuận nhận gói hỗ trợ COVID-19 đợt 3. Ảnh: PHẠM THU NGÂN
Người dân Q.Phú Nhuận nhận gói hỗ trợ COVID-19 đợt 3. Ảnh: PHẠM THU NGÂN

Riêng gói hỗ trợ COVID-19 đợt 3, chi cho "người có hoàn cảnh thật sự khó khăn" với 5 diện thụ hưởng, danh sách thẩm định phê duyệt được các quận, huyện và TP Thủ Đức cập nhập lên phần mềm quản lý là hơn 7,6 triệu người (thực tế, danh sách các địa phương cung cấp để đề nghị TPHCM dự trù kinh phí là 8 triệu người). Thống kê đến trưa 20/11, TPHCM đã chi hỗ trợ cho hơn 6,18 triệu người, còn hơn 1,5 triệu người chưa chạm tay gói an sinh này.

Trong đó, các địa phương đạt tỷ lệ chi trả cao gồm các quận: 3, 5, 10, Phú Nhuận. Địa phương có tỷ lệ chi thấp là quận 7 (chi đạt 69,9%; còn hơn 77.000 người chưa nhận hỗ trợ), quận Bình Tân (chi đạt 49,2%; còn hơn 391.800 người chưa nhận hỗ trợ); huyện Bình Chánh (chi đạt 41,1%; còn hơn 472.000 người chưa nhận hỗ trợ).

Chỉ số ‘Lưới điện thông minh’ TPHCM đứng thứ 2 trong khối ASEAN

Theo kết quả đánh giá của Tập đoàn Điện lực Singapore (SPGroup) về xếp hạng chỉ số “Lưới điện thông minh” năm 2021, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) đạt 67,9/100 điểm, xếp thứ 53/86 công ty điện lực thuộc 37 quốc gia trên thế giới, tăng 17 bậc so với năm 2020 và đứng thứ 2 trong số các công ty điện lực các nước ASEAN. Nội dung trên báo Chinhphu.vn.

Tổng công ty Điện lực TPHCM đứng thứ 2 trong số các công ty điện lực các nước ASEAN về xếp hạng chỉ số lưới điện thông minh năm 2021. Ảnh: VGP/Quang Bình.
Tổng công ty Điện lực TPHCM đứng thứ 2 trong số các công ty điện lực các nước ASEAN về xếp hạng chỉ số lưới điện thông minh năm 2021. Ảnh: VGP/Quang Bình.

So với các công ty điện lực khu vực Đông Nam Á, EVNHCMC hiện cùng điểm với MEA (Thailand, thứ 54), TNB (Malaysia, thứ 55), chỉ xếp sau SPGroup (Singapore, thứ 36) và xếp trên Meralco (Philippines, thứ 70), PEA (Thailand, thứ 71) và PLN (Indonesia, thứ 82).

Trong khi đó, vào năm 2020, EVNHCMC với số điểm 51,8/100 điểm xếp thứ 70/85, sau SPGroup (Singapore), TNB (Malaysia), Meralco (Philippines), MEA và PEA (Thailand) trong khu vực Đông Nam Á.

SPGroup đã thực hiện đánh giá mức độ phát triển lưới điện thông minh để so sánh giữa các công ty điện lực tiên tiến trên thế giới theo 7 lĩnh vực: Giám sát và điều khiển, phân tích dữ liệu, độ tin cậy cung cấp điện, tích hợp nguồn điện phân tán, phát triển năng lượng xanh, an ninh hệ thống và dịch vụ khách hàng.

Nắm bắt xu hướng phát triển lưới điện trên thế giới, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã triển khai xây dựng lưới điện thông minh từ năm 2016 để nâng cao năng lực cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng về chất và lượng của khách hàng TPHCM.

Nhóm BTV (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục