Xuất hiện mưa rào sáng sớm, trời se lạnh
Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Quốc gia, ngày 21/12, bão số 14 trên khu vực Nam Biển Đông đã giảm cấp thành áp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực Nam Bộ trong đó có TPHCM xuất hiện mưa rào vào sáng sớm, trời se lạnh, nhiều mây. Báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định, ngày hôm nay, áp thấp nhiệt đới trên biển sẽ di chuyển gần về phía vùng biển phía Đông của khu vực Nam Bộ. Vì vậy, thời tiết ở Nam Bộ có xu hướng nhiều mây, ngày nắng gián đoạn, đồng thời trong buổi chiều, tối và đêm mưa sẽ xuất hiện rải rác trên khu vực Nam Bộ, có nơi mưa vừa, mưa to và dông.
Ngoài ra không khí lạnh khuếch tán từ phía Bắc xuống làm tiết trời khu vực se lạnh, có gió. Với kiểu thời tiết tăng mưa nên người dân cần lưu ý trong cơn dông cần đề phòng có lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ trong ngày sẽ giảm sâu so với ngày hôm qua, cao nhất dao động từ 28-30 độ C trên toàn khu vực, nhiệt độ thấp nhất dao động từ 21-24 độ C, miền Đông có nơi dưới 21 độ C.
Noel lộng lẫy ở Sài Gòn, không rời khẩu trang để vui trong an toàn
Chỉ còn vài ngày nữa là chính thức bước vào mùa Giáng sinh và chuẩn bị đón chào năm mới 2021. Thời tiết những ngày này se lạnh, người dân tại TPHCM cũng được dịp khoác lên người những bộ áo ấm áp hơn.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại các trung tâm thương mại như: Diamond Plaza; Takashimaya... nhiều người dân đến dạo chơi, chụp hình với những tiểu cảnh được trang trí sẵn.
Ý thức được việc đến nơi công cộng nhưng vẫn phải phòng chống dịch Covid-19, người dân đã tự chủ động bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách đeo khẩu trang. Ngoài ra, bảo vệ trung tâm thương mại cũng thường xuyên đo thân nhiệt cho người dân khi ra vào vui chơi.
Đường sắt tung 6.000 vé tàu giảm giá 50%
Báo Pháp Luật TP đưa tin, nhằm kích cầu hành khách đi lại bằng đường sắt, Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn triển khai thực hiện chương trình “6.000 vé giảm giá 50%” cho hành khách đi trên các đoàn tàu do Công ty quản lý.
Chương trình kích cầu được thực hiện từ ngày 4/1 đến ngày 29/1/2021 cho hành khách đi tàu và áp dụng cho loại ghế ngồi mềm và giường nằm khoang 6 điều hòa.
Điều kiện áp dụng đối với tàu Thống Nhất SE3/SE4 và tàu SE7/SE8 (cuối tuần) có cự ly vận chuyển từ 500 km trở lên; tàu SE7/SE8 (đầu tuần) và tàu SE21/SE22 có cự ly vận chuyển từ 400 km trở lên.
Đối với chặng Nha Trang – TPHCM, tàu SNT1/SNT2 có cự ly vận chuyển từ 250 km trở lên. Chặng TPHCM – Phan Thiết, tàu SPT1/SPT2 có cự ly vận chuyển từ 150 km trở lên.
Hành khách có thể mua vé từ 8 giờ ngày 28/12/2020 đến ngày 27/1/2021 (áp dụng cho hành khách mua vé trước hai ngày tàu chạy trở lên). Vé đã mua được đổi trả, mức phí trả vé là 50% giá tiền in trên thẻ lên tàu.
Theo đó, hành khách có thể mua vé tại các nhà ga, đại lý của ngành đường sắt; mua tại website www.dsvn.vn, vetau.com.vn; app bán vé tàu trên di động; mua qua ứng dụng ví điện tử Momo, ViettelPay hoặc gọi tổng đài bán vé 19001520 (Sài Gòn), 02583822113 (Nha Trang), 0236.3823810 (Đà Nẵng).
Các bến xe không tăng giá vé dịp Tết Dương lịch 2021
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Phương, Phó Tổng Giám đốc bến xe Miền Tây cho biết, dịp Tết dương lịch 2021, người dân được nghỉ 3 ngày liên tục. Các doanh nghiệp tại bến đều không tăng giá vé trong dịp này, giá niêm yết ở các quầy vé. Bến xe sẽ thường xuyên kiểm tra, không để xảy ra tình trạng bán quá giá vé quy định.
Cũng theo ông Phương, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng hành khách đi các tỉnh thông qua bến xe Miền Tây năm nay dự báo giảm từ 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến ngày cao điểm nhất là 31/12, ước tính sẽ có 30.000-32.000 khách. Hiện bến có phương án điều động phương tiện tăng cường lệch tuyến, xe buýt, xe hợp đồng để phục vụ hành khách trong trường hợp có biến động tăng.
Ngoài ra, lộ trình ứng phó nếu xảy ra kẹt xe cũng đã được chuẩn bị, đề nghị các lực lượng Công an, Thanh tra giao thông hỗ trợ.
Ông Phương cho biết thêm, từ ngày 31/12/2020 đến hết ngày 3/1/2021, bến xe Miền Tây tổ chức bán vé phục vụ hành khách 24/24 đối với các đơn vị vận tải tự bán vé; bán vé từ 3h30 đến 22h đối với các đơn vị ủy thác bến bán vé.
Đại diện bến xe Miền Đông cũng dự báo lượng khách qua bến dịp Tết dương lịch năm nay giảm 5-10% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến lượng khách tập trung chủ yếu tăng trong chiều tối 31/12, ước đạt 25.000-30.000 khách/ngày. Bến xe Miền Đông cũng không tăng giá vé so với ngày thường.
Triển khai kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ
Thông tin khác trên báo Pháp Luật TP, ngày 21/12, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Ngô Minh Châu ký Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của nguời có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn Thành phố.
Mục đích của việc triển khai này nhằm quán triệt đầy đủ nội dung Nghị định đến lãnh đạo các Sở, ban, ngành Thành phố; lãnh đạo UBND các quận - huyện, các xã - phường - thị trấn và các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân… có liên quan trong kiểm soát tài sản, thu nhập.
Theo kế hoạch, về nội dung thực hiện, phải tổ chức hội thảo, hội nghị, tập huấn hoặc các hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế theo từng đơn vị. Trong đó, ở cấp Thành phố, do UBND Thành phố chủ trì bắt đầu từ tháng 12/2020. Còn ở địa phương, từ quý I/2021, các cơ quan chuyên môn, các cơ quan thuộc UBND TP, UBND các quận - huyện tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Nghị định cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở cơ quan, đơn vị và nhân dân bằng hình thức phù hợp.
UBND TP yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành TP và Chủ tịch UBND các quận, huyện triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ báo cáo định kỳ hàng năm về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của nguời có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn cho Thanh tra TP tổng hợp Báo cáo UBND TP.
Đồng thời, UBND TP cũng giao Thanh tra TP hướng dẫn, đôn đốc các Sở - ngành, quận - huyện và các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc TP thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về kiềm soát tài sản, thu nhập.
Đề nghị di dời, chuyển đổi công năng các cảng trên sông Sài Gòn
Cũng trên báo Tuổi Trẻ, UBND TP vừa có văn bản góp ý với Bộ Giao thông vận tải về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đề nghị tiếp tục thực hiện di dời, chuyển đổi công năng các cảng trên sông Sài Gòn.
Cụ thể, TPHCM đề nghị nghiên cứu chuyển đổi công năng sớm khu cảng trên sông Sài Gòn từ bến Tân Thuận Đông đến bến cảng ELF Gas Sài Gòn quận 7.
Khu cảng Cát Lái trên sông Đồng Nai, được đề xuất nghiên cứu phát triển thêm khoảng 600m cầu cảng tại tại khu đất tiếp giáp bến cảng Tân cảng Phú Hữu (thuộc cảng Bến Nghé, quận 9) về phía hạ lưu, trong khi bến cảng container Quốc tế SP-ITC vẫn giữ nguyên 670 m cầu cảng hiện hữu, không xây thêm 200m cầu cảng tiếp giáp rạch Ông Nhiêu.
Khu cảng biển Hiệp Phước trên sông Soài Rạp giữ nguyên quy hoạch và sẽ nghiên cứu đầu tư giai đoạn tiếp theo khi thực sự có nhu cầu...
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đề xuất bổ sung quy hoạch cảng container, cảng tổng hợp và cảng hàng rời tại 4 vị trí ở Cần Giờ, tuy nhiên, UBND TP chỉ thống nhất 3 vị trí quy hoạch.
Cụ thể, thứ nhất là tại xã Bình Khánh, dự kiến quy hoạch cảng biển có diện tích 250 hecta cho tàu 30.000 - 50.000 tấn vì vị trí này kết nối giao thông thuận lợi với cao tốc Bến Lức - Long Thành (đang thi công).
Vị trí thứ 2 tại xã Long Hòa, diện tích khoảng 150 hecta cho tàu chở hàng có trọng tải đến 50.000 tấn và tàu khách quốc tế có tải trọng đến 200.000 GT.
Vị trí thứ 3 thuộc địa phận cù lao Ông Chó (huyện Cần Giờ) dự kiến quy hoạch cảng biển tại đây có diện tích 100 hecta cho tàu trọng tải 200.000 tấn cập cảng.
UBND TP đề xuất nghiên cứu quy hoạch cảng biển chuyên dụng và thực hiện trung chuyển hàng hóa bằng đường thủy nội địa; đồng thời đề xuất nghiên cứu quy hoạch cảng biển nước sâu tại bờ phải sông Thị Vải, khu vực cù lao Gò Gia (huyện Cần giờ) nhằm phục vụ tàu biển có trọng tải 80.000 tấn vào giai đoạn sau năm 2030.
Sớm lập Phòng An ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao
Nhằm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm hoạt động trên không gian mạng, Công an TPHCM sẽ sớm ra mắt Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong năm 2021.
Đó là thông tin đáng chú ý được Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP cho biết tại buổi cung cấp thông tin về tình hình, kết quả công tác Công an năm 2020, định hướng công tác năm 2021, diễn ra vào ngày 21/12. Nội dung đăng tải trên Vietnamplus.
Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, không chỉ tội phạm công nghệ cao mà hiện nay các hoạt động tội phạm tệ nạn xã hội diễn ra rất nhiều trên không gian mạng như mại dâm, cờ bạc, ma túy… Đồng thời, các đối tượng thù địch đã lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc, chống phá Nhà nước Việt Nam.
Vì vậy, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ là lực lượng nòng cốt phối hợp với các lực lượng khác của Công an TP, là chủ công trong công tác đấu tranh với các hoạt động tội phạm trên không gian mạng.
Rối quy định chứng chỉ tiếng Anh
Việc chưa có những quy định cụ thể về quy đổi giữa các chứng chỉ tiếng Anh trong nước và quốc tế gây ra nhiều lúng túng cho người lao động và sử dụng lao động. Phản ánh trên báo Thanh Niên.
Nguyễn Hoàng Hải, tốt nghiệp ngành Công Nghệ Thông Tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM năm 2019 đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường với chứng chỉ TOEFL, nhưng khi đi xin việc tại một công ty phần mềm họ lại yêu cầu phải có chứng chỉ IELTS.
“Doanh nghiệp không chấp nhận chứng chỉ TOEFL của em. Họ cũng không có căn cứ nào để quy đổi chứng chỉ trên ra khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam…” - Hải chia sẻ.
Nguyễn Thu Hương, tốt nghiệp ngành tâm lý học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, đi xin việc tại một doanh nghiệp nước ngoài, Hương nộp chứng chỉ VNU-ETP với số điểm khá cao do ĐH Quốc gia TPHCM cấp (chứng chỉ này được công nhận chuẩn đầu ra tại trường), nhưng phía doanh nghiệp lại không chấp nhận mà yêu cầu phải có chứng chỉ IELTS. Lý do là họ không biết đến chứng chỉ này.
Hiện nay, có sự rắc rối và không thống nhất trong việc sử dụng các loại chứng chỉ trên ở các đơn vị sử dụng lao động. Bên cạnh đó, sự khác nhau và vênh nhau về yêu cầu tiếng Anh giữa chuẩn đầu ra của trường ĐH với đầu vào của doanh nghiệp khiến các ứng viên chịu thiệt thòi.
Ông Nguyễn Minh Trí, giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhìn nhận: “Hiện đang có sự thiếu nhất quán giữa khái niệm khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc theo chuẩn chung châu Âu (CEFR - Common European Framework for Reference) và khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam khiến người học bị bối rối về bậc ngôn ngữ giữa 2 khung này. Ví dụ, điểm IELTS 6,5 theo chuẩn quốc tế là B2 bậc 4. Trên chứng chỉ cũng có ghi rõ B2 nhưng Việt Nam lại quy đổi thành C1 bậc 5 của người Việt”.
Ngoài ra, theo ông Trí, còn có tình trạng một số chứng chỉ chưa được phổ biến rộng rãi nhưng được quy đổi và công nhận tương đương ở một số trường. Chẳng hạn kỳ thi APTIS của Hội đồng Anh hay VNU-EPT của ĐH Quốc gia TP.HCM. Điều này dẫn đến thực trạng trường công nhận chứng chỉ nhưng doanh nghiệp không công nhận.
Ý kiến
Cần sớm có hướng dẫn cụ thể
Việc quy đổi điểm IELTS sang khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam là rất cần thiết vì IELTS được chấp nhận rộng rãi trên thế giới và ở nhiều trường học, cơ quan nước ta. Tôi mong Bộ GD-ĐT cần sớm có hướng dẫn, đồng thời thống nhất với cả các chứng chỉ khác nhằm tránh sự nhập nhằng, chồng chéo và tạo điều kiện thuận lợi cho người học và người lao động.
Thạc sĩ Châu Thế Hữu Giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM
Càng quy định cụ thể, càng dễ thực hiện
Khái niệm “tương đương” trong chứng chỉ đào tạo ngoại ngữ rất khó thực hiện nếu không có hướng dẫn. Bộ GD-ĐT cần hướng dẫn rõ những chứng chỉ nào về giảng dạy ngoại ngữ được xem là phù hợp và do đơn vị nào cấp thì được hiểu là phù hợp. Quy định nên càng cụ thể càng dễ làm.
Ông Nguyễn Minh Trí - Giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Đình chỉ cơ sở bán trú tổ chức dạy thêm học sinh tiểu học không phép
Theo ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12, sau loạt bài trên báo Thanh Niên phản ánh về tình trạng dạy thêm học thêm ở bậc tiểu học, quận đã tổ chức kiểm tra, rà soát chấn chỉnh các trường, đồng thời kiểm tra các cơ sở bán trú vệ tinh, dạy thêm bậc tiểu học trên địa bàn.
Trong đợt kiểm tra ngày 18/12, Phòng GD-ĐT quận 12 phát hiện cơ sở bán trú Nguồn Sáng (phường Hiệp Thành) hoạt động không đúng quy định khi đăng ký giữ trẻ bán trú nhưng lại treo bảng dạy Anh ngữ, tổ chức dạy thêm học thêm cho học sinh tiểu học.
Do đó, Phòng GD-ĐT đã yêu cầu cơ sở này tháo bảng hiệu, tạm thời đình chỉ hoạt động và yêu cầu cơ sở chấn chỉnh lại tất cả hoạt động của mình. Khi nào khắc phục được tất cả các vấn đề, Phòng sẽ xem xét việc cho hoạt động trở lại đối với cơ sở trên.
Trong quá trình đi kiểm tra, cán bộ Phòng GD-ĐT cũng nhận được phản ánh của những người dân xung quanh cơ sở bán trú Nguồn Sáng về việc chủ quản lý ở đây hành xử chưa đúng chuẩn mực sư phạm, quát tháo, la mắng học sinh trong quá trình nhận giữ các em.
Tuy nhiên, theo ông Hùng trong quá trình kiểm tra chưa xác minh được vấn đề này, khi kiểm tra thực tế chỉ phát hiện được việc cơ sở này tổ chức dạy thêm học thêm sai quy định nên đã xử lý sai phạm này.
Một cơ sở vệ tinh bán trú ở Q.12, nơi được nhiều giáo viên của một trường tiểu học công lập gần đó thuê phòng mở lớp dạy thêm. Ảnh: Nguyễn Loan
Trước đó, báo Thanh Niên đã phản ánh tình trạng nhiều giáo viên các trường tiểu học công lập ở TP đã mở lớp dạy thêm học thêm để dạy chính học sinh ở lớp mình dù bị cấm. Trong đó, nhiều giáo viên ở quận 12 đã thuê phòng tại cơ sở bán trú gần trường để mở lớp, đón học sinh về dạy và thu học phí từ 500.000 - 800.000/tháng mỗi em. Nhiều phụ huynh vì không muốn con mình bị đối xử thua thiệt với bạn bè nên đã đăng ký cho con tham gia các lớp học này dù biết việc đi học thêm vào buổi tối sẽ tạo thêm áp lực, căng thẳng cho con.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)