Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 22/12/2021

10:25 22/12/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 22/12:

Lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM

Báo Phụ Nữ TP cho biết, ngày 20/12, UBND TPHCM đã ra quyết định kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM thành Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM.

Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế thành phố gồm ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP, làm Trưởng Ban Chỉ đạo; ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch thường trực UBND TP, làm Phó Trưởng ban Thường trực và ông Phạm Đức Hải, nguyên Phó chủ tịch HĐND TP, làm Phó Trưởng ban chuyên trách. Ngoài ra, còn có 12 Phó trưởng Ban Chỉ đạo.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP, làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP, làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM

Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh, kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy để chỉ đạo, triển khai các giải pháp hữu hiệu nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, khống chế, dập tắt kịp thời dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân và phục hồi kinh tế TPHCM.

Ban xem xét các đề xuất, giải pháp của Tổ chuyên gia để chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi sản xuất kinh doanh góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”. Xây dựng kế hoạch, phương án, giải pháp, kinh phí phòng, chống dịch bệnh cụ thể trình UBND TP triển khai các ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy trong công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế…

Ngoài ra, Ban cũng có nhiệm vụ mời chuyên gia tư vấn các giải pháp, biện pháp thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế tại TPHCM khi cần thiết.

Rút ngắn thời gian tiêm nhắc vắc xin COVID-19

Báo Tiền Phong đưa tin, tối 21/12, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, nhằm tăng cường miễn dịch phòng COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP vừa điều chỉnh tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại.

TPHCM đang đẩy nhanh tiến độ chích ngừa mũi 3, chủ động bảo vệ sức khỏe cộng đồng
TPHCM đang đẩy nhanh tiến độ chích ngừa mũi 3, chủ động bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Theo đó, điều chỉnh rút ngắn thời gian tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều nhắc lại từ 6 tháng xuống còn 3 tháng dành cho người trên 18 tuổi; Người thuộc nhóm nguy cơ, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch là nhóm ưu tiên triển khai trước.

Liều bổ sung sẽ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên thuộc 2 nhóm có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang sử dụng hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng và nhóm người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của hãng Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V.

Những trường hợp này sẽ tiêm được tiêm mũi 3 sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng. Việc tiêm chủng phải đảm bảo bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên. Sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.

Bổ sung hơn 4.167 tỉ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Theo báo Thanh Niên, ngày 21/12, UBND TP có quyết định bổ sung dự toán ngân sách nhà nước chi hỗ trợ cho người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 với số tiền hơn 4.167 tỉ đồng, bao gồm cả gói đợt 3.

UBND TPHCM chấp thuận bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 cho các quận huyện và TP Thủ Đức với số tiền hơn 4.167 tỉ đồng
UBND TPHCM chấp thuận bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 cho các quận huyện và TP Thủ Đức với số tiền hơn 4.167 tỉ đồng

Trong đó, bổ sung cho TP Thủ Đức là hơn 568,7 tỉ đồng; quận 12 là hơn 553,8 tỉ đồng; quận Bình Tân là hơn 108,3 tỉ đồng; huyện Hóc Môn là hơn 315,8 tỉ đồng; quận Tân Phú là hơn 324,8 tỉ đồng...

UBND TP giao Sở LĐ-TB-XH TP chịu trách nhiệm hướng dẫn UBND các quận huyện và TP Thủ Đức về tiêu chí hỗ trợ, rà soát và thống kê người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn theo đúng quy định.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TP, tính đến ngày 10/12/2021, với chính sách hỗ trợ lao động tự do, đợt 1 còn hơn 4.900 người chưa nhận hỗ trợ, đợt 2 còn 18.000 người. Ngoài ra, TPHCM còn 30.000 hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn (đợt 2) và khoảng 1,5 triệu người có hoàn cảnh thật sự khó khăn (gói đợt 3) cần được nhận gói hỗ trợ.

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhận đỡ đầu, hỗ trợ 682 trẻ mồ côi

Chiều 21/12, lễ ký kết và bàn giao bảo trợ 682 trẻ em mồ côi cha, mẹ do dịch bệnh COVID-19 tại TPHCM đã diễn ra với sự chứng kiến của nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng nhiều lãnh đạo của các sở, ban ngành. Hoạt động thuộc chương trình "Vòng tay yêu thương" do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam TPHCM, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, báo Phụ Nữ TP và các đơn vị khác tổ chức. Nội dung trên báo Tuổi Trẻ.

Ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, trao thẻ ATM, quà cho các em nhỏ mồ côi 
Ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, trao thẻ ATM, quà cho các em nhỏ mồ côi 

Tại đây, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đại diện nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm đứng ra ký kết và nhận đỡ đầu, hỗ trợ cho 682 trẻ em mồ côi. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chương trình là hơn 100 tỉ đồng.

Anh Đặng Hồng Anh, chủ tịch Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết Hội sẽ phấn đấu bảo trợ cho các em đến năm 18 tuổi thông qua các hình thức như chăm lo đời sống, tạo điều kiện học hành và đảm bảo có việc làm sau khi trưởng thành...

"Để sẻ chia một phần những mất mát đó cũng như đồng hành cùng các em trên con đường vượt qua nghịch cảnh ấy thì chính lúc này, sự chung tay của cộng đồng là điều rất cần thiết", anh Hồng Anh tâm sự.

Ưu đãi chỉnh trang đô thị dọc tuyến metro

Báo SGGP cho hay, HĐND TP vừa thông qua Quy chế Quản lý kiến trúc đô thị TPHCM. Quy chế này trở thành văn bản pháp lý thống nhất, thay thế toàn bộ các quy định trước đây về lĩnh vực này, là cơ sở để cấp phép xây dựng.

Quy chế đề cập, toàn bộ khu vực 930ha gồm quận 1, 3, 4 và Bình Thạnh được quy hoạch phân chia thành 5 phân khu, điều chỉnh phát triển cao tầng ở khu vực lõi trung tâm hiện hữu, giảm bớt sự quá tải hạ tầng, đồng thời hạn chế tác động xấu đối với cấu trúc đô thị và các di sản kiến trúc.

Khu vực lõi trung tâm quận 1 thiết kế lối đi bộ dưới không gian ngầm
Khu vực lõi trung tâm quận 1 thiết kế lối đi bộ dưới không gian ngầm

Theo đó, phân khu 1, khai thác hiệu quả sử dụng của hệ thống các tuyến metro. Tăng tối đa hệ số sử dụng đất trong khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật hài hòa về kiến trúc cảnh quan đô thị. Công viên 23/9 là điểm nhấn làm trung tâm kết nối không gian ngầm, không gian các công trình văn hóa, các công trình kiến trúc di tích lịch sử…

Phân khu 2, khu vực tập trung nhiều công trình có chức năng văn hóa - lịch sử, diện tích khoảng 212,2ha.Trục đường Lê Duẩn khống chế chiều cao để không ảnh hưởng tầm nhìn giữa Dinh Độc Lập và Thảo Cầm Viên. Ưu tiên công trình bảo tồn và phát huy những giá trị kiến trúc, không gian kiến trúc cảnh quan có giá trị văn hóa lịch sử của TP.

Phân khu 3, khu dọc theo sông Sài Gòn (bờ Tây), trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận, diện tích khoảng 248,34ha. Khu này tập trung phát triển nhà cao tầng ở một số điểm (khu vực) nhằm thu hút đầu tư.

Phân khu 4, khu vực có nhiều nhà biệt thự, thuộc một phần quận 1 và 3; diện tích khoảng 232,3ha; khuyến khích bảo tồn những không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng có giá trị văn hóa lịch sử và giá trị đô thị trên địa bàn quận 3.

Phân khu 5, khu vực lân cận phân khu 1 về phía Nam, đa số nhà phố hiện hữu, một phần quận 1 và 4; diện tích khoảng 117,5ha, cho phép phát triển công trình cao tầng ở các khối gần nhà ga metro Bến Thành, dọc đường Hàm Nghi, kênh Bến Nghé, và đoạn nối dài đường Nguyễn Thái Học sang quận 4.

Với quy chế quản lý mới, nhiều khu vực, tuyến đường sẽ được quản lý chặt chẽ các công trình xây dựng đồng bộ về không gian, kiến trúc, cảnh quan; bảo đảm mỹ quan, an toàn, hài hòa đô thị xung quanh; nhiều tuyến đi bộ, trục đường và khu vực đầu mối giao thông quan trọng về thương mại, du lịch cũng sẽ được quản lý chặt chẽ.

Các khu vực trên khi triển khai thực hiện phải đồng bộ về không gian, kiến trúc, cảnh quan và phù hợp với điều kiện tự nhiên nhằm tạo nét độc đáo, đặc trưng riêng cho từng khu vực.

Công an TPHCM chỉ cách phòng chống lừa đảo qua ngân hàng

Ngày 21/12, Công an TPHCM thông tin cảnh báo tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hệ thống ngân hàng diễn ra phổ biến bằng một số thủ đoạn và cách phòng ngừa. Nội dung khác trên báo Tuổi Trẻ.

Người dân cần nâng cao cảnh giác trước tin nhắn lừa đảo mạo danh ngân hàng
Người dân cần nâng cao cảnh giác trước tin nhắn lừa đảo mạo danh ngân hàng

Cụ thể, đối với thủ đoạn “giả mạo SMS Brandname”, tội phạm sử dụng các thiết bị viễn thông giả mạo tin nhắn SMS có tên thương hiệu các tổ chức ngân hàng, rồi gửi đến các thuê bao di động.

Tin nhắn giả mạo có kèm đường link website tên miền gần giống tên ngân hàng để dẫn dụ nạn nhân nhập thông tin tài khoản ngân hàng trực tuyến (user và password đăng nhập), số điện thoại, mã OTP xác nhận tài khoản. Những thông tin do nạn nhân cung cấp trên đường link được truyền về cho hacker và lập tức bị mất quyền sử dụng tài khoản ngân hàng, toàn bộ tiền bị chiếm đoạt.

Trước thủ đoạn này, người dân nên nhớ các trang web của tổ chức tài chính, ngân hàng thường được đăng ký tên miền (.vn) hoặc (.com.vn); các trang web đăng ký giống nhưng đuôi khác như (.vip), (.top), (.cc), (.com)… đều là giả mạo. Khi nhận tin nhắn từ phía ngân hàng mà có những dấu hiệu như thủ đoạn nói trên, người dân gọi tổng đài chính thức của ngân hàng kiểm tra lại thông tin mới nhận, phản ánh nội dung các tin nhắn vừa nhận được.

Đối với thủ đoạn “chuyển nhầm tiền”, khi nạn nhân bị lộ, lọt thông tin tài khoản ngân hàng (do nạn nhân, hoặc bị mua lại thông tin) thì tội phạm cố tình chuyển một khoản tiền vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Sau đó, mạo danh ngân hàng gọi điện hoặc gửi tin nhắn thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo hoặc có người chuyển nhầm và yêu cầu khách hàng truy cập đường link website mạo danh ngân hàng để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền. Từ đây dẫn dụ lấy thông tin bảo mật (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP), chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Hoặc, đối tượng gọi điện xưng là người chuyển nhầm tiền vào tài khoản nạn nhân, để xin lại số tiền sẽ kết bạn Zalo, Facebook và gửi đường link mạo danh ngân hàng cho nạn nhân với lý do chuyển tiền nhanh. Sau đó dẫn dụ cung cấp thông tin bảo mật, khi nạn nhân thực hiện sẽ bị chiếm đoạt tiền.

Trước thủ đoạn trên, người dân không sử dụng số tiền "chuyển nhầm" vào mục đích chi tiêu cá nhân, mà gọi điện theo số hotline ngân hàng nơi mình mở tài khoản, trao đổi sự việc rồi yêu cầu nhân viên phong tỏa số tiền "chuyển nhầm" hoặc trực tiếp đến ngân hàng gần nhất.

Sẵn sàng cho sinh viên học tập trung

Cũng trên báo SGGP, hiện các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đã đồng loạt lên phương án thích ứng trong điều kiện bình thường mới, từng bước dạy và học tập trung trở lại.

Sinh viên năm cuối Trường ĐH Công nghiệp TPHCM thực hành thí nghiệm tại phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học và thực phẩm
Sinh viên năm cuối Trường ĐH Công nghiệp TPHCM thực hành thí nghiệm tại phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học và thực phẩm

Theo TS Bùi Quang Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM, sau khi nhận được phản hồi từ khảo sát đối với giảng viên, sinh viên, trường đã triển khai xây dựng phương án giảng dạy, học tập và thi kết thúc học phần áp dụng cho học kỳ đầu năm 2022 theo hình thức lớp học kết hợp trực tuyến và trực tiếp.

Cùng về vấn đề này, PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, cho biết việc đi học trở lại dựa trên nhu cầu học thực hành của sinh viên, đáp ứng yêu cầu của đặc thù môn học chuyên ngành. Sinh viên chưa đủ điều kiện hoặc chưa thể học trực tiếp có thể học trực tuyến.

Nhiều trường ĐH, CĐ tại TP cũng đã chuẩn bị mọi phương án, kịch bản sẵn sàng ứng phó trong tình huống dịch xảy ra khi sinh viên đi học trở lại. Trạm y tế từng trường cũng đã trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế và có khu vực cách ly theo quy định, đồng thời phối hợp với các khoa, phòng ban lập danh sách, lên kế hoạch hỗ trợ tiêm vaccine cho sinh viên, học viên…

Lần đầu tiên tổ chức giải cờ vua online cho sinh viên TPHCM

Thông tin trên báo Lao Động, Giải Cờ vua sinh viên TPHCM mở rộng tranh Cúp Văn Lang lần thứ VI năm 2021 sẽ diễn ra trong 2 ngày 25-26/12. Đây là lần đầu tiên một giải đấu cờ vua cho sinh viên TPHCM được tổ chức với hình thức trực tuyến (online).

Thay vì tổ chức trực tiếp như mọi năm, Giải Cờ vua sinh viên TPHCM mở rộng tranh Cúp Văn Lang năm nay sẽ tổ chức theo hình thức trực tuyến do Trường Đại học Văn Lang đăng cai tổ chức.
Thay vì tổ chức trực tiếp như mọi năm, Giải Cờ vua sinh viên TPHCM mở rộng tranh Cúp Văn Lang năm nay sẽ tổ chức theo hình thức trực tuyến do Trường Đại học Văn Lang đăng cai tổ chức.

Ngày 21/12, Ban tổ chức chương trình cho biết, giải đấu năm nay có sự tham gia của hơn 200 vận động viên đến từ 26 trường đại học trên địa bàn TPHCM. Các vận động viên sẽ tham gia thi đấu trên nền tảng tornelo.com của Liên đoàn Cờ vua Thế giới.

TS Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Giải cho biết, Giải Cờ vua sinh viên TPHCM mở rộng tranh Cúp Văn Lang lần thứ VI năm 2021 tổ chức với mong muốn mang lại một sân chơi thể thao trí tuệ đầy ý nghĩa cho sinh viên.

Giải đấu hướng đến mục tiêu duy trì và phát triển phong trào tập luyện, thi đấu cờ vua trong sinh viên do ảnh hưởng của dịch bệnh; tăng cường giao lưu giữa các trường đại học, cao đẳng, góp phần xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh.

Bên cạnh đó, đây cũng là hoạt động nhằm kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam (9/1/1950 – 9/1/2022). Qua giải đấu, nhà trường khẳng định những nỗ lực trong việc góp phần phát triển trí tuệ cho thế hệ trẻ, thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện thanh thiếu niên, đẩy mạnh thể thao học đường tại TPHCM.

Nhóm BTV (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục