Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 2/2/2021

09:57 02/02/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 2/2:

Đoàn đại biểu Thành phố thăm, chúc tết các hộ dân

Báo SGGP đưa tin, ngày 1/2, Đoàn đại biểu TP do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng làm trưởng đoàn, đã đi thăm và chúc tết các hộ dân nhân dịp Tết Tân Sửu 2021.

Phó Chủ tịch UBND TP đã đến thăm gia đình đồng chí Nghị Đoàn, cố Trưởng ban Hoa vận T4, Trưởng Ban Công tác người Hoa tại TPHCM (ngụ tại Q.5); gia đình thương binh Phan Văn Diệp (Phan Văn Tiến), gia đình mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị An và hộ dân Nguyễn Thị Ái (cùng ngụ Q.3).

Tại các gia đình, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng thăm hỏi đời sống các thành viên và chúc các gia đình đón năm mới nhiều sức khỏe, bình an. Đồng thời, mong muốn các gia đình phát huy truyền thống, có nhiều đóng góp cho cộng đồng và góp phần xây dựng TP ngày càng phát triển.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng chúc tết mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị An (ngụ quận 3, TPHCM)
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng chúc tết mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị An (ngụ quận 3, TPHCM)
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng chúc tết gia đình thương binh Phan Văn Diệp (ngụ quận 3, TPHCM)
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng chúc tết gia đình thương binh Phan Văn Diệp (ngụ quận 3, TPHCM)

Ga Sài Gòn nhộn nhịp khách về quê đón Tết, siết chặt phòng dịch

Báo Lao Động cho hay, ngày 1/2, hàng ngàn người bắt đầu đổ về ga Sài Gòn để về quê đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn (Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn), ngày 1/2 (tức 20 tháng Chạp âm lịch) có 10 chuyến tàu xuất phát từ ga Sài Gòn chở hơn 5.000 hành khách về quê ăn Tết. Cao điểm phục vụ Tết sẽ kéo dài từ nay cho tới 30 Tết.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 2/2/2021 - Ảnh 1
Dù khách đông nhưng tình hình trật tự vẫn ổn định, không có tình trạng chen lấn. Tất cả hành khách đều đeo khẩu trang và khai báo y tế trước khi lên tàu.
Dù khách đông nhưng tình hình trật tự vẫn ổn định, không có tình trạng chen lấn. Tất cả hành khách đều đeo khẩu trang và khai báo y tế trước khi lên tàu.

Ông Đỗ Quang Văn khuyến cáo hành khách đi tàu chủ động thời gian, đi đến ga trước giờ tàu chạy ít nhất 30 phút và quan sát giờ tàu chạy để tránh tình trạng trễ tàu, nhầm tàu. Đặc biệt, hành khách không giao dịch với các đối tượng cò mồi, phe vé để tránh tình trạng bị lợi dụng, lừa đảo mua phải vé giả, vé chỉnh sửa họ tên, giá vé cao hơn ngành đường sắt mở bán.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ga Sài Gòn tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch Covid-19 tại nhà ga và trên các đoàn tàu. Toàn bộ các đoàn tàu khách sau khi về ga đều phải phun thuốc khử trùng, lau rửa bên trong và bên ngoài trước khi khởi hành chuyến tiếp theo.

Tại ga Sài Gòn vẫn thực hiện tốt quy trình phòng chống dịch COVID-19. Tất cả hành khách đều đeo khẩu trang và khai báo y tế trước khi lên tàu.
Tại ga Sài Gòn vẫn thực hiện tốt quy trình phòng chống dịch COVID-19. Tất cả hành khách đều đeo khẩu trang và khai báo y tế trước khi lên tàu.
Hệ thống cổng soát vé tự động tại ga hoạt động trơn tru. Nhân viên đường sắt đeo khẩu trang, mặt nạ phòng dịch khi soát vé của hành khách.
Hệ thống cổng soát vé tự động tại ga hoạt động trơn tru. Nhân viên đường sắt đeo khẩu trang, mặt nạ phòng dịch khi soát vé của hành khách.

Cần 30.000 chỗ làm việc sau Tết nguyên đán

Theo báo Người Lao Động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP cho biết, dự kiến thị trường lao động sau Tết cần khoảng 30.000 chỗ làm việc, nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề có xu hướng tăng trong các ngành: Công nghệ thông tin, điện - điện tử, chế biến thực phẩm, xây dựng; vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; kinh doanh - bán hàng; marketing; tư vấn - chăm sóc khách hàng; du lịch; khách sạn...

Nhu cầu nhân lực ở trình độ ĐH chiếm 21%, CĐ chiếm 18%, trung cấp chiếm 22%, sơ cấp chiếm 25% và lao động chưa qua đào tạo 14%.

Sau Tết nguyên đán, TP HCM dự kiến cần 300.000 chỗ làm việc .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Sau Tết nguyên đán, TP HCM dự kiến cần 300.000 chỗ làm việc .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Sở LĐ-TB-XH cũng thông tin, trong năm 2020, các thành phần kinh tế hoạt động trên địa bàn TP đã thu hút 306.992 lượt lao động vào làm việc (đạt 102,33% kế hoạch), số chỗ việc làm mới được tạo ra cho 136.729 người (đạt 101,28% kế hoạch năm). TP đã đào tạo nghề cho 2.218 lao động; giải quyết việc làm trong nước cho 5.430 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân người lao động đạt hơn 10 triệu đồng/tháng.

Công bố kết quả đánh giá chất lượng 111 bệnh viện

Thông tin trên báo Pháp Luật TP, từ ngày 7 đến 29/1, Sở Y tế TP đã tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng các bệnh viện (BV) trực thuộc theo Bộ tiêu chí chất lượng BV Việt Nam phiên bản 2.0 do Bộ Y tế ban hành.

Theo đó, có 111 BV đã được Sở Y tế đánh giá chất lượng, bao gồm 32 BV TP; 22 BV quận, huyện; 54 BV tư nhân và 3 BV Bộ ngành. Kết quả đứng đầu bảng điểm chất lượng BV năm 2020 của ngành Y tế TP là BV Hùng Vương, đứng thứ hai là BV Từ Dũ.

Điểm đáng ghi nhận là có tất cả 27 BV đạt điểm chất lượng trung bình trên 4 điểm (thang điểm 5), tăng 7 BV so với năm 2019. Chỉ còn 4 BV có điểm chất lượng từ 2 - 2,5 điểm. Không có BV nào dưới 2 điểm, còn 5 BV có điểm chất lượng trung bình dưới 2,5 điểm và 5 BV có số tiêu chí còn ở mức 1 nhiều (hơn 10 tiêu chí).

Sau Tết nguyên đán, TP HCM dự kiến cần 300.000 chỗ làm việc .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Sau Tết nguyên đán, TP HCM dự kiến cần 300.000 chỗ làm việc .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Sở Y tế TP nhận định, phần lớn các BV đã chủ động phân bổ nguồn lực và triển khai nhiều hoạt động, giải pháp sáng tạo. Đồng thời, cải tiến chất lượng trong nhiều lĩnh vực hoạt động với mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ (nhóm tiêu chí hướng đến người bệnh có điểm trung bình cao nhất).

Tuy nhiên, các BV vẫn còn tồn tại một số lĩnh vực có điểm trung bình dưới 3 như công tác dinh dưỡng, phát triển chuyên môn kỹ thuật, xã hội hóa y tế; công tác thống kê, báo cáo, triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực quản lý BV;...

Sẽ có thêm 7 công viên mới trong năm 2021

TPHCM lên kế hoạch xây thêm nhiều công viên nhằm tạo ra không gian vui chơi cho người dân, đồng thời tăng tỉ lệ mảng xanh vốn còn thấp hiện nay.

Dự kiến có 7 công viên sẽ được hoàn thành trong năm nay như: công viên Phú Hữu (TP Thủ Đức), Cây Sộp (quận 12), Rạch Tra (huyện Hóc Môn), Cả Cấm, công viên nằm dọc đường Trần Xuân Soạn (quận 7), công viên ở dự án hạ tầng giao thông cụm Đại học Quốc gia (quận Tân Bình), công viên tại đường Bùi Thị Điệt (huyện Củ Chi).

Trao đổi với Tuổi Trẻ về kế hoạch phát triển mảng xanh, ông Đậu An Phúc, Phó chủ tịch UBND quận 12, cho biết rất quan tâm đến công tác này. Riêng dự án công viên Cây Sộp, quận đã triển khai từ năm 2020 và hoàn thành hầu hết các hạng mục.

Còn đại diện Phòng quản lý đô thị quận 7 cho biết, hai công viên mới dự tính đưa vào hoạt động trong năm nay của quận đều gần xong. Đối với công viên Cả Cấm nằm trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận vẫn đang cho thi công.

Còn công viên dọc tuyến đường Trần Xuân Soạn, vị này cho biết sau khi đền bù, giải tỏa nhà lụp xụp ven kênh rạch, quận đang phối hợp Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố trồng cây, làm đường đi dạo.

Sắp tới quận sẽ kết hợp làm bến thủy để thúc đẩy du lịch kết nối với bến thuyền tại bến Bạch Đằng, quận 1. Người dân vừa có thể vui chơi, tập thể dục hoặc đến đây để đi du lịch, ngắm nhìn TP từ sông nước...

Bờ kè tại quận 12 được cải tạo hình thành mảng xanh, hạn chế xả rác và các tệ nạn xã hội - Ảnh: LÊ PHAN
Bờ kè tại quận 12 được cải tạo hình thành mảng xanh, hạn chế xả rác và các tệ nạn xã hội - Ảnh: LÊ PHAN

Để đạt được mục tiêu tăng công viên, mảng xanh, TP có chủ trương rà soát các khu đất được quy hoạch công viên trong các đồ án 1/5000, 1/2000. Tùy tính chất từng khu đất, chính quyền sẽ lập dự án xây dựng hoặc kêu gọi đầu tư. Những nhà xưởng trong khu dân cư khi di dời cũng được dành quỹ đất đó cho công viên cây xanh.

Theo đề án phát triển công viên và cây xanh công cộng giai đoạn 2020 - 2030 vừa được UBND TP thông qua, trong 5 năm tới TPHCM tăng tối thiểu 150ha đất công viên. Diện tích công viên tăng 0,65m2/người.

Hiệp hội Du lịch TP kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp cầm cự qua đại dịch

Các ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng một lần nữa gây khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch khi vừa phải hoàn tiền cọc hoặc dời ngày vô thời hạn cho khách, nhưng vẫn phải thanh toán tiền cho các đơn vị cung ứng dịch vụ hoặc thương lượng để cùng chia sẻ rủi ro. Trước những thiệt hại dồn dập và nặng nề của doanh nghiệp, chiều 1/2, Hiệp hội Du lịch TP gửi kiến nghị đến các cơ quan chuyên trách (Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch, UBND TPHCM, Sở Du lịch TP) về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nội dung đăng tải trên báo SGGP.

Cụ thể, Hiệp hội Du lịch TP kiến nghị với các ngành chức năng có chủ trương linh hoạt hơn nữa để giúp doanh nghiệp cầm cự và vượt qua đại dịch. Các hỗ trợ gồm: miễn hoặc giảm 50% thuế VAT cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, khu du lịch đến hết năm 2021. Vì hiện nay đa số doanh nghiệp lữ hành không có doanh thu, phải bù lỗ do phát sinh lãi vay và các chi phí khác…

Du khách TPHCM chọn mua đặc sản tại sân bay Phú Quốc
Du khách TPHCM chọn mua đặc sản tại sân bay Phú Quốc

Ngoài ra, miễn tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch trong năm 2021 và 2022; Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch tiếp cận gói vay ưu đãi lãi suất 0% giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động cũng như đẩy nhanh tiến độ phục hồi; Kéo dài thời gian trả nợ ngân hàng đến hạn để doanh nghiệp không rơi vào phát sinh nợ xấu. Đồng thời, miễn phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa, thẻ hướng dẫn viên du lịch trong năm 2021.

Bên cạnh đó, giảm giá điện đối với các cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong năm 2021. Cho phép doanh nghiệp du lịch và người lao động chậm nộp bảo hiểm xã hội năm 2021 đến hết tháng 6/2022, đồng thời điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 theo hướng: Giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 3 tháng trong 24 tháng qua; đơn giản hóa quy trình giải quyết quyền lợi cho lao động; miễn các khoản đóng góp bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng: tăng tỷ lệ thay thế từ 60% lên 80%;

3.000 sinh viên, công nhân về quê bằng vé máy bay, vé xe miễn phí

Ngày 1/2, lễ tiễn sinh viên, thanh niên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn tết đã diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên (quận 1). Chương trình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức với chủ đề “Mang tết về nhà”.

Trong chương trình,  3.000 sinh viên, thanh niên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn được về quê đón Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 bằng những tấm vé miễn phí nghĩa tình.

Cụ thể, Ban tổ chức dành tặng 1.152 vé máy bay và 1.848 vé xe ô tô khứ hồi cùng nhiều phần quà cho mọi người về quê đón tết, sum vầy bên gia đình.

Hàng ngàn sinh viên, công nhân tham dự lễ tiễn trong chương trình "Mang tết về nhà" do T.Ư Đoàn tổ chức diễn ra tại TP.HCM vào ngày 1.2
Hàng ngàn sinh viên, công nhân tham dự lễ tiễn trong chương trình "Mang tết về nhà" do T.Ư Đoàn tổ chức diễn ra tại TP.HCM vào ngày 1.2

Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa khác như: Ngày hội gói 4.000 bánh chưng tặng cho sinh viên, thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn; gửi 1.000 thông điệp “Xuân yêu thương” nhằm động viên, tiếp thêm nguồn cảm hứng cho những người trẻ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. 

Phát biểu tại lễ tiễn, anh Nguyễn Bình Minh, Chánh văn phòng Trung ương Đoàn, Trưởng Ban tổ chức chương trình, cho biết: "Chương trình mong muốn lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, quyết tâm "không để ai bị bỏ lại phía sau" của toàn dân tộc. Thông qua chương trình, T.Ư Đoàn mong muốn tiếp thêm động lực để các bạn thanh niên, sinh viên tiếp tục nỗ lực, vươn lên trong học tập, lao động sản xuất".

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 2/2/2021 - Ảnh 2
Mang đồ về quê ăn Tết
Mang đồ về quê ăn Tết

Mang niềm vui Tết đến với 1.000 em thiếu nhi khó khăn

Vietnamplus cho hay, ngày 1/2, Báo Khăn Quàng đỏ tổ chức chương trình “Tết cho em” lần thứ sáu cho 1.000 em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, cơ nhỡ trên địa bàn Thành phố nhân dịp Tết Tân Sửu 2021. Chương trình là hoạt động thường niên của Báo Khăn Quàng đỏ cùng với các cấp, các ngành và xã hội nhằm chăm lo cho thiếu nhi Thành phố mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Năm nay, chương trình “Tết cho em” tiếp tục nhận được sự tài trợ của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân... trên địa bàn TP. Đối tượng được chăm lo là các em thiếu nhi từ 6-10 tuổi có hoàn cảnh gia đình khó khăn đang sinh sống, học tập tại TPHCM do Hội đồng Đội các quận, huyện; Đoàn các khu chế xuất-khu công nghiệp và Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em cùng bạn đọc Báo Khăn Quàng Đỏ giới thiệu.

Trao quà Tết cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Trao quà Tết cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Mỗi em thiếu nhi được nhận bao lì xì 400.000 đồng tiền mặt và gói quà Tết trị giá hơn 600.000 đồng gồm các nhu yếu phẩm sữa, đường, trứng, mì gói... từ Ban tổ chức và các đơn vị tài trợ.

Ông Nguyễn Khắc Cường, Tổng Biên tập Báo Khăn Quàng đỏ, cho biết các năm trước, chương trình “Tết cho em” được tổ chức ở các khu vui chơi với sự tham gia tập trung của 1.000 em thiếu nhi. Tuy nhiên năm nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên Ban tổ chức quyết định triển khai các chuyến xe “mang Tết” đến từng quận, huyện, trường học, nhà thiếu nhi, nhà nuôi dưỡng trẻ mồ côi... để phát tận tay cho các em.

Trao quà Tết cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn khu vực Quận 1 (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Trao quà Tết cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn khu vực Quận 1 (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Cấm ô tô theo giờ những tuyến đường gần ray tàu hoả

Theo báo An toàn giao thông, ngày 1/2, Sở GTVT TP có thông báo người dân hạn chế lưu thông trên đường Trần Văn Đang, quận 3, để phục vụ lịch chạy tàu của ga Sài Gòn trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Cụ thể, kể từ ngày 30/1 đến hết ngày 25/2, tại tuyến đường Đỗ Thị Lời (đoạn từ đường Hoàng Sa đến đường Trần Văn Đang, Quận 3), cấm xe ô tô lưu thông trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 8 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ theo hướng lưu thông từ đường Hoàng Sa đến đường ray xe lửa. Lộ trình lưu thông thay thế tham khảo như sau: Đường Hoàng Sa → đường Rạch Bùng Binh → đường Cách Mạng Tháng 8 → đường Đỗ Thị Lời.

Cấm xe ô tô rẽ trái từ đường Trần Văn Đang vào đường Đỗ Thị Lời để đi về đường Cách Mạng Tháng 8 trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 8 giờ và từ 16 giờ đến 20 giờ. Lộ trình lưu thông thay thế: đường Trần Văn Đang → rẽ phải Đỗ Thị Lời → đường Hoàng Sa → đường Rạch Bùng Binh → đường Cách Mạng Tháng 8.

Cấm ô tô lưu thông theo giờ theo hướng từ đường Hoàng Sa đến đường ray xe lửa. Ảnh minh họa
Cấm ô tô lưu thông theo giờ theo hướng từ đường Hoàng Sa đến đường ray xe lửa. Ảnh minh họa

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục