Triển lãm ảnh 90 năm tổ chức Đoàn và 45 năm lực lượng Thanh niên xung phong
Theo báo Tiền Phong, ngày 21/3, nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021), Thành Đoàn TPHCM phối hợp Ban Chỉ huy Lực lượng Thanh niên xung phong TP tổ chức khai mạc triển lãm ảnh kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021) và 45 năm Ngày truyền thống Lực lượng Thanh niên xung phong (28/3/1976 - 28/3/2021).
Triển lãm bao gồm nhiều tư liệu, hình ảnh về quá trình hình thành, phát triển 90 năm của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và những dấu ấn trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố. Trong đó có quá trình hình thành, phát triển và những dấu ấn qua 45 năm xây dựng và phát triển Lực lượng Thành niên xung phong TP.
Triển lãm diễn ra từ ngày 21/3 đến hết ngày 4/4 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP và Phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Cùng ngày, Thành Đoàn TP phối hợp Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn và Nhà xuất bản Trẻ tổ chức chương trình giao lưu, giới thiệu sách “Lịch sử Đoàn Thanh niên nông thôn và vùng ven Sài Gòn - Gia Định trong chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975”.
Cuốn sách là tập hợp những tư liệu từ thực tế sinh động của các cán bộ Thành Đoàn trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước ở nông thôn và vùng ven thành phố. Những tư liệu này có ý nghĩa lịch sử, đúc kết kinh nghiệm từ nhiệm vụ cách mạng cụ thể đến hình thái tổ chức và phương thức hành động của thế hệ cán bộ Đoàn thành phố giai đoạn 1954 - 1975.
Tuổi trẻ ra quân Ngày Chủ nhật xanh 2021
Một thông tin khác trên VOV.VN, ngày 21/3, nhằm hưởng ứng Ngày đoàn viên 2021 và Ngày Chủ nhật xanh lần thứ 140 do Thành Đoàn TPHCM phát động, nhiều hoạt động như trồng cây xanh, vẽ tranh tường, dọn vệ sinh... đồng loạt đã diễn ra trên khắp nơi trên địa bàn TP.
Những bức tường cũ của nhiều ngôi trường tại TP Thủ Đức đã biến thành những bức tranh đẹp với chủ đề "Tôi yêu Tổ quốc tôi". Ngoài vẽ tranh tường, Thành đoàn TP Thủ Đức còn triển khai hơn 15 hoạt động khác như: trồng cây xanh, xây dựng chung cư xanh, đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, nâng cấp tuyến hẻm cho nhiều khu vực trên địa bàn,...
Cũng trong ngày, Đoàn Thanh niên Quận 12 đã tổng vệ sinh làm sạch tuyến kênh Trần Quang Cơ.
Huyện Đoàn Cần Giờ ra quân mô hình “Chợ xanh - giảm rác thải nhựa”. Đặc biệt chiến dịch “Hãy làm sạch biển” đã thu hút hơn 100 đoàn viên thanh niên Cần Giờ tham gia thu gom rác thải dọc bờ biển và công viên thị trấn Cần Thạnh.
Ngày Chủ nhật Xanh đã góp phần thể hiện sức trẻ, tinh thần xung kích của tuổi trẻ TPHCM trong công tác bảo vệ môi trường và xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
BOT xa lộ Hà Nội trước 'giờ G'
Sau 9 năm dự án được đưa vào sử dụng, Trạm BOT xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) sẽ chính thức thu phí từ 1/4 để hoàn vốn đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn.
Ghi nhận của PV báo Thanh Niên, dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng nhân viên của Công ty CP đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) - chủ đầu tư dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và QL1 - đã có mặt tại UBND phường Thảo Điền, An Phú, các chung cư thuộc khu vực 2 tuyến đường song hành của trục xa lộ Hà Nội để hỗ trợ người dân dán thẻ ETC cho phương tiện và đăng ký đối tượng được giảm giá.
Đại diện CII cho biết trong 3 ngày 20, 21, 22/3, Công ty điều động nhân viên chia thành 2 tốp, làm việc từ sáng tới chiều tại UBND P.Thảo Điền và An Phú để hỗ trợ chủ phương tiện.
Người dân không chạy xe tới đăng ký được có thể làm thủ tục đăng ký trước rồi dán thẻ sau ngay tại khu vực trạm thu phí hoặc dưới các chung cư dọc 2 tuyến đường song hành.
UBND các phường vẫn đang tiếp tục thống kê danh sách các đối tượng được giảm giá, gửi dữ liệu về cho CII để đồng bộ trên toàn hệ thống thu phí.
Ngoài ra, Công ty sẽ bắt đầu bán vé tháng, vé quý từ ngày 25/3 tới, nhận đăng ký tại văn phòng trạm thu phí, hỗ trợ tối đa để giao thông qua trạm được thuận tiện.
Theo quyết định mới nhất của UBND TP, nhằm hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với phương tiện lưu thông qua Trạm BOT xa lộ Hà Nội sẽ được điều chỉnh giảm 10% trong năm đầu tiên (từ 0 giờ ngày 1/4/2021 - 24 giờ ngày 31/3/2022). TP giảm 100% giá vé đối với các loại xe buýt có tuyến cố định lưu thông qua Trạm xa lộ Hà Nội và giảm 50% giá vé cho ô tô dưới 12 ghế không sử dụng để kinh doanh của các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú (hoặc tạm trú dài hạn trên 6 tháng trước ngày Trạm thu phí xa lộ Hà Nội đi vào hoạt động) trên mặt đường 2 tuyến đường song hành của trục xa lộ Hà Nội, bao gồm cả các hộ dân sống trên các chung cư trên mặt đường song hành.
Quán bar, karaoke nhộn nhịp sau khi hoạt động trở lại
Theo VOV.vn, sau khi quán karaoke, bar, vũ trường được UBND TP cho phép hoạt động trở lại, các loại hình kinh doanh này đã đón lượng khách khá đông, đạt từ 40-80% so với thời điểm trước đây.
Tại phố đi bộ Bùi Viện (Quận 1), càng về đêm, lượng người đổ về khu phố Tây này càng đông đúc, nhộn nhịp. Theo các chủ quán bar, một số vũ trường, quán bar đã từng phải chuyển sang bán đồ ăn, nước giải khát để có doanh thu thì nay đã khởi sắc trở lại; nhiều quán phải bổ sung thêm bàn ghế để đón khách. Các chủ quán cũng cho biết, họ vẫn duy trì các hoạt động kinh doanh phụ để tăng thêm lợi nhuận cho tới khi lượng khách ổn định hơn.
Tương tự, các quán karaoke tại TPHCM cũng đã nhộn nhịp trở lại sau thời gian dài đóng cửa do dịch bệnh. Anh Nguyễn Minh Phúc, quản lý quán karaoke trên đường Nguyễn Cư Trinh (Quận 1) cho biết, trong 2 ngày cuối tuần lượng khách tới rất đông, thậm chí khách phải chờ khá lâu mới đến lượt. Quán vẫn duy trì các hình thức phòng chống dịch để đảm bảo an toàn trước dịch bệnh Covid-19.
Nhiều quận đồng loạt vào cuộc trị tiếng ồn
Trước yêu cầu xử lý nghiêm của UBND TP, nhiều quận - huyện đã có các cách làm khác nhau để trị tiếng ồn. Nội dung trên báo Người Lao Động.
Những ngày qua, UBND phường Phạm Ngũ Lão (Quận 1) tăng cường kiểm tra, xử lý hàng loạt trường hợp vi phạm và gặp không ít khó khăn. Nhiều hàng quán kinh doanh lẫn người hát loa thùng né tránh lực lượng chức năng bằng cách báo hiệu trước cho nhau, gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm. Tổ công tác UBND phường phải bằng biện pháp nghiệp vụ đã bắt, lập biên bản xử lý nhiều trường hợp.
Bên cạnh đó, UBND phường Phạm Ngũ Lão còn phối hợp với người dân hỗ trợ việc ghi hình, công khai số điện thoại liên lạc nhằm cung cấp thông tin và chứng cứ để xử lý trường hợp mở loa kẹo kéo gây ồn ào.
Tại quận Bình Thạnh, những ngày qua liên tục phát thông báo khuyến khích người dân cài đặt ứng dụng "Bình Thạnh trực tuyến" để phản ánh về ô nhiễm tiếng ồn từ các quán ăn, nhà hàng.
Ông Tạ Thanh Khiêm, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thạnh, cho biết ứng dụng này lẫn tổng đài đường dây nóng 1022 đã hỗ trợ rất nhiều trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Khi có phản ánh, cán bộ phải có mặt xử lý lập tức. Cơ quan chức năng khuyến khích người dân ghi hình, chụp ảnh làm cơ sở để lực lượng chức năng lập biên bản.
Trong khi đó, quận Bình Tân giao từng tuyến đường cho từng cán bộ phụ trách, trong đó có sự phối hợp với công an khu vực. Đối với cơ sở kinh doanh thường xuyên mở loa lớn, sau khi nhắc nhở không được thì sẽ tìm cách kiểm tra giấy phép kinh doanh, an toàn thực phẩm…, từ đó thay đổi dần nhận thức của chủ cơ sở.
Phát triển du lịch mua sắm
Theo báo SGGP, tại cuộc họp mới đây với lãnh đạo TP, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP thông tin về việc tập trung khai thác sản phẩm du lịch nội đô của TP; trong đó nhấn mạnh đến du lịch mua sắm. Thành phố sẽ thu hút khách từ các địa phương lân cận và ngược lại, doanh nghiệp (DN) du lịch cũng đưa khách TP đến các địa phương khác.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa thừa nhận không dễ làm, nhưng TPHCM có lợi thế về du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị), du lịch mua sắm. Do vậy thành phố sẽ tập trung cho phân khúc này, song song với việc triển khai các sản phẩm du lịch đường sông, du lịch y tế, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng…
Bà Hoa cho biết thêm, song song với phòng chống dịch Covid-19, các DN lữ hành đang khẩn trương lên kế hoạch đón khách quốc tế ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Ngành du lịch TP đã có chiến lược phát triển bền vững, nhằm phát huy thế mạnh du lịch mua sắm, phấn đấu đưa TPHCM trở thành trung tâm mua sắm sôi động hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP, Sở Công thương và Sở Du lịch thúc đẩy hợp tác toàn diện để cho ra các tour du lịch mua sắm. Trước tiên là đẩy mạnh các chương trình giảm giá, kích cầu tại các siêu thị, trung tâm thương mại…, bên cạnh đó mở thêm quầy miễn thuế phục vụ du khách trong năm 2021.
Khái niệm du lịch mua sắm (shopping tourism) hình thành vài năm trở lại đây và được nhiều điểm đến trên thế giới khai thác hiệu quả. Về lâu dài, ngành du lịch TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung nên hướng đến loại hình du lịch này, góp phần quảng bá điểm đến trong nước. Ở khía cạnh xã hội, du lịch mua sắm phát triển giải quyết bài toán việc làm, góp phần tăng thu nhập cho cộng đồng, địa phương…
Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức kì thi Đánh giá năng lực đợt 1 tại 7 tỉnh, thành phố
Thông tin từ VOH, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, Kỳ thi Đánh giá năng lực đợt 1 năm 2021 do trường tổ chức sẽ diễn ra đồng loạt tại 21 cụm thi với 54 địa điểm thi của 7 địa phương, gồm: TPHCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Bạc Liêu và Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Kỳ thi sẽ diễn ra vào sáng 28/3 với gần 74.000 thí sinh đăng ký dự thi.
Cụ thể, tại TPHCM có 14 cụm thi với 35 điểm thi, 1.499 phòng thi. Số thí sinh dự thi cũng lên đến 50.682 thí sinh. Đây là địa phương có số thí sinh dự thi đông nhất trong các địa phương diễn ra kỳ thi.
Tại Đà Nẵng có 1 cụm thi, 6 điểm thi với 1.125 thí sinh, 121 phòng thi.
Tại Nha Trang có 2 cụm thi, 6 điểm thi với 5.198 thí sinh, 175 phòng thi.
Tại An Giang có 1 cụm thi, 2 điểm thi với 2.525 thí sinh, 98 phòng thi.
Tại Bến Tre có 1 cụm thi, 6 điểm thi với 3.942 thí sinh, 151 phòng thi.
Tại Bạc Liêu có 1 cụm thi, 2 điểm thi với 960 thí sinh, 46 phòng thi.
Tại Buôn Ma Thuột có 1 cụm thi, 6 điểm thi với 2.362 thí sinh, 87 phòng thi.
TPHCM mạnh tay xử lý "cát tặc"
Báo Người Lao Động cho hay, UBND TP vừa có văn bản gửi các sở, ngành; UBND quận - huyện, TP Thủ Đức về phối hợp, tăng cường các biện pháp phòng, chống khai thác cát trái phép; kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn TP.
Theo đó, UBND TP giao Công an TP chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND TP kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung vào Luật Hình sự theo hướng "giảm định lượng" để xác định yếu tố cấu thành tội phạm đối với hành vi khai thác tài nguyên trái phép. Trong đó đề xuất cụ thể định lượng đủ cấu thành tội phạm để xử lý hình sự đối với hành vi khai thác cát trái phép nhằm đảm bảo sức răn đe. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các bến thủy nội địa hoạt động không phép, quá phép.
Ngoài ra, UBND TP cũng giao các sở, ngành tham mưu UBND TP kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định chế tài với hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không rõ nguồn gốc; cho phép dùng phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ (ghi hình) làm bằng chứng để điều tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản, giao thông thủy; điều chỉnh thời gian xử lý hành chính đối với các vụ án phức tạp theo hướng kéo dài thời gian xử lý tang vật, phương tiện; bắt buộc tất cả phương tiện thủy khi tham gia vận chuyển khoáng sản phải gắn thiết bị định vị và camera giám sát hành trình...
Riêng Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu UBND TP lập phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Cục quản lý thị trường kiểm soát chặt việc kinh doanh cát, nhằm ngăn chặn việc mua bán hoá đơn để hợp thức hoá lượng cát khai thác trái phép.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)