Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 22/5/2020

11:12 22/05/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 15/5/2020:

Lên kế hoạch xây các công viên hiện đại

Theo các đồ án quy hoạch của TP, diện tích công viên công cộng sẽ lên tới 11.400ha với chỉ tiêu bình quân 7m2/người dân. Tuy nhiên, qua rà soát của Sở Xây dựng TP cho thấy diện tích công viên công cộng hiện chỉ hơn 500ha, tương ứng với 0,55m2/người. Công viên đã ít, phân bố không đồng đều, nhưng nhiều nơi còn "xẻ thịt" cho thuê, làm các công trình xây dựng kiên cố. 

Người dân chạy bộ tập thể thao trong các công viên ở TP.HCM - Ảnh: TTO
Người dân chạy bộ tập thể thao trong các công viên ở TP.HCM - Ảnh: TTO

Tại công viên Gia Định, cuối năm 2017, 1.476m2 đã được giao lại quyền khai thác ở công viên cho Công ty cổ phần Vận tải hàng không miền Nam làm bãi đậu xe buýt theo hợp đồng hợp tác đầu tư.

Còn ở công viên 23/9, nhiều năm qua các công trình xây dựng "mọc lên" rất nhiều, khiến mảng xanh thu hẹp, không gian sinh hoạt chung của người dân bị mất dần. Và kế hoạch trong năm 2020, công viên 23/9 được tiến hành xây dựng thành công trình hiện đại nhất TP vẫn giậm chân tại chỗ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng - cho hay hiện công viên 23/9 đang được di dời theo đúng chỉ đạo của UBND TP. Sở cũng khảo sát cho thấy, hiện các công viên tại TP phân bố không đồng đều; đa số công viên lớn lại tập trung ở các quận nội thành, trong khi các quận huyện ngoại thành lại rất ít dù quỹ đất quy hoạch làm công viên rất lớn. 

Khu vực chợ ngầm dưới đất sẽ được bàn giao khi việc cải tạo công viên 23-9 bắt đầu khởi công - Ảnh: LÊ PHAN
Khu vực chợ ngầm dưới đất sẽ được bàn giao khi việc cải tạo công viên 23-9 bắt đầu khởi công - Ảnh: LÊ PHAN

Với mục tiêu trong vòng 5 năm tới nâng tỉ lệ đất công viên trên đầu người lên 0,65m2/người, theo Sở Xây dựng, TP cần rà soát lại các khu đất được quy hoạch công viên, tùy theo tính chất của từng khu đất sẽ đề xuất việc lập dự án xây dựng hoặc kêu gọi đầu tư; xây dựng chính sách khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xây dựng đối với những công viên công cộng có quy mô lớn trên 10ha; đối với những công viên có quy mô lớn trên 100ha có thể kêu gọi đầu tư thành một khu vui chơi giải trí có thu phí nhưng có một phần diện tích (khoảng 10-15%) là công viên công cộng.

Còn với các nhà xưởng, nhà máy hiện hữu trong các khu dân cư thì thực hiện việc di dời ra khu vực phù hợp; đồng thời điều chỉnh chức năng các khu đất này thành đất công viên, vườn hoa để xây dựng, phục vụ cho cộng đồng dân cư sinh sống.

Chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 các trường tốp đầu ít thay đổi

Theo đề xuất của các trường gửi Sở GD-ĐT về chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, hầu hết các trường thuộc tốp đầu như Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), Trưng Vương (Q.1), Lê Quý Đôn (Q.3)… gần như giữ nguyên chỉ tiêu so với mùa tuyển sinh trước. Để công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10, Sở GD-ĐT đang thực hiện phê duyệt căn cứ theo đề xuất của từng trường cụ thể.

Chia sẻ trên báo Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), cho hay trường đề xuất với Sở ổn định chỉ tiêu như những năm trước bởi số phòng học không thay đổi. Hằng năm, chỉ tiêu lớp 10 của trường này là 645 HS biên chế cho 15 lớp 10, trong đó có 2 lớp theo học chương trình tiếng Pháp.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) trở lại trường học chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10
Học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) trở lại trường học chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10

Tương tự, ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), thông tin nhà trường đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 là 16 lớp 10 với khoảng 480 HS và chờ phê duyệt của Sở GD-ĐT. Còn lãnh đạo Trường THPT Trưng Vương cũng cho hay đã đề xuất chỉ tiêu năm học mới bằng năm học 2019 - 2020 là 15 lớp 10, với 675 HS.

Đáng lưu ý nhất ở nhóm các trường tốp đầu là sự thay đổi dự kiến sẽ xảy ra ở Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1). Theo bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường, mọi năm trường tuyển 15 lớp 10 với 675 HS nhưng năm nay do đang tiến hành sửa chữa nên số phòng học bị ảnh hưởng, do vậy phải cắt giảm chỉ tiêu. Trường đã đề xuất chỉ tiêu năm học 2020 - 2021 là 13 lớp 10, giảm 2 lớp so với năm học trước.

Với trường thuộc tốp 2 như Trường THPT Marie Curie (Q.3), ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng nhà trường, cũng cho biết căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nên trường đề xuất chỉ tiêu cho năm học mới là 1.200 HS, như năm trước.

Khó thu hút đầu tư bãi đỗ xe ngầm do thu hồi vốn lâu

Báo điện tử Vietnamplus cho hay: Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã quy hoạch một số bãi đỗ xe ngầm nhằm đáp ứng nhu cầu đỗ xe trong khu vực trung tâm như Công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, sân vận động Hoa Lư, sân bóng đá thuộc Công viên văn hóa Tao Đàn. Tuy nhiên, các dự án này vẫn chưa thể triển khai.

Dự án bãi đỗ xe ngầm tại Sân khấu Trống Đồng vẫn chưa thể triển khai. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Dự án bãi đỗ xe ngầm tại Sân khấu Trống Đồng vẫn chưa thể triển khai. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Sở GTVT TP lý giải, một trong những khó khăn là dự án đầu tư xây dựng kinh doanh bãi đỗ xe ngầm, cao tầng có quy mô lớn, tổng mức đầu tư cao, nhu cầu vốn lớn. Tuy nhiên, nguồn doanh thu chủ yếu từ phí dịch vụ trông giữ xe, mặc dù đã có tính toán một phần diện tích kinh doanh dịch vụ thương mại, tỷ suất lợi nhuận của dự án không cao, thời gian hoàn vốn của dự án kéo dài.

Ngoài ra, các quy định hiện hành liên quan tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy; định mức chi phí đầu tư xây dựng cho công trình ngầm; xác định đơn giá đất thuê (ngầm) chưa có quy định cụ thể cho từng công trình, kéo dài thời gian thực hiện dự án…

Để tạo điều kiện thu hút đầu tư các dự án này, Sở GTVT đề xuất cần có chính sách miễn tiền thuê đất đối với các công trình là bãi đỗ xe ngầm hoặc cao tầng, diện tích đất được miễn được xác định bởi tỉ lệ giữa số tầng cung ứng chỗ đậu xe công cộng và tổng số tầng xây dựng so với diện tích khu đất.

Hiện trên địa bàn thành phố đã hình thành một số bãi đậu, đỗ xe như Nhà đậu xe cao tầng tại 121-139 đường Cô Giang (Quận 1) do Tổng công ty Samco làm chủ đầu tư, đưa vào sử dụng tháng 5/2014 với sức chứa 500 xe ôtô, 1.500 xe gắn máy hai bánh. Bãi đậu xe cao tầng tại số 71 đường Chế Lan Viên (Tân Phú) có sức chứa 1.400 xe ôtô, 1.400 xe gắn máy hai bánh, đưa vào sử dụng tháng 4/2013.

Thu phí không dừng thiếu hiệu quả vì không đồng bộ

Báo Pháp Luật TP đưa tin: Sở GTVT TP vừa có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị và đề xuất nhiều giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ chuyển sang thu phí tự động không dừng (ETC) đối với tất cả trạm thu phí trên địa bàn TP.

Theo đó, từ tháng 10/2018, hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ ETC đã bắt đầu đưa vào hoạt động tại TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, qua rà soát tiến độ thực hiện đến nay đã phát sinh một số bất cập và hạn chế.

Trạm thu phí An Sương - An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Trạm thu phí An Sương - An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cụ thể, tại trạm thu phí An Sương - An Lạc (quốc lộ 1, Bình Tân) là trạm đưa ETC vào sớm nhất thì từ lúc đưa vào hoạt động đến nay số lượng xe sử dụng ETC chỉ chiếm 3,66% tổng số lượt xe lưu thông qua trạm. Hay tại trạm thu phí cầu Phú Mỹ (quận 2), số lượng xe sử dụng dịch vụ này chỉ chiếm 24%.

Văn bản của Sở GTVT nêu rõ: Hiện nay, vẫn chưa có quy định bắt buộc tất cả xe phải dán thẻ đầu cuối, mở và nộp tiền vào tài khoản trả trước. Đồng thời, hệ thống thu phí ETC cũng ghi nhận nhiều trường hợp xe đã dán thẻ đầu cuối, mở tài khoản nhưng không nộp tiền vào tài khoản.

Vì vậy, Sở GTVT TP đề xuất Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, sớm trình cấp thẩm quyền ban hành các quy định liên quan đến việc bắt buộc ô tô tham gia giao thông phải thực hiện dán thẻ đầu cuối và sử dụng dịch vụ thu phí ETC.

Mặt khác, các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí ETC cần đơn giản hóa các thủ tục dán thẻ đầu cuối, mở tài khoản và nộp tiền vào tài khoản trả trước. Nghiên cứu phương án cho phép người dùng đăng ký mở tài khoản trực tuyến thông qua smartphone, tablet, máy tính cá nhân…; nghiên cứu bổ sung phương thức thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ trực tiếp thông qua tài khoản ngân hàng của cá nhân, doanh nghiệp (thay vì phải nộp tiền vào tài khoản trả trước).

Điều chuyển 11 bến thủy nội địa phục vụ du lịch

Cũng trên báo Pháp Luật TP, UBND TP vừa ban hành quyết định điều chuyển 11 bến thủy nội địa phục vụ du lịch từ Cảng vụ đường thủy nội địa sang Trung tâm Quản lý đường thủy.

Lý do điều chuyển các bến này cho Trung tâm Quản lý đường thủy là để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong việc quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.

Theo UBND TP, 11 bến thủy nội địa được điều chuyển gồm: Bến trạm văn phòng Phân khu 2, bến khu di tích Giồng Chùa, bến Tắc Xuất - Cần Thạnh, bến đò Phú Xuân - Phước Khánh, bến Lò Gốm, bến Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, bến khu dân cư Bình Hòa, bến chùa Hội Sơn, bến trạm chùa Long Hoa, bến đường Bình Đông, bến trạm văn phòng Phân khu 1.

Nêu tên những công trình giao thông tiến độ rất chậm

Liên quan đến lĩnh vực GTVT, báo Tuổi Trẻ cho biết, Sở GTVT TP vừa có thông báo kết luận về tiến độ thi công một số công trình trọng điểm, trong đó có dự án chống ùn tắc khu vực cửa ngõ TP.

Cụ thể, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ giáp cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa và dự án mở rộng đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long (quận Tân Bình) tiến triển rất chậm.  Đây là dự án giao thông trọng điểm nhằm giải tỏa tình trạng ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất. 

Sở Giao thông vận tải đề nghị đẩy nhanh tiến độ bồi thường mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Sở Giao thông vận tải đề nghị đẩy nhanh tiến độ bồi thường mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh - Ảnh: ĐỨC PHÚ

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo chỉ đạo của UBND TP, Sở đề nghị UBND quận Tân Bình khẩn trương bàn giao mặt bằng trống cho chủ đầu tư thi công trong thời gian sớm nhất. Nếu có khó khăn vướng mắc, UBND quận báo cáo UBND TP xem xét giải quyết. 

Đối với công trình xây cầu tạm An Phú Đông (nối quận 12 và Gò Vấp), dự án này đã được bố trí đầy đủ vốn lại không vướng mặt bằng nhưng chậm tới 2 tháng so với kế hoạch. Do đó, chủ đầu tư cần phải chấn chỉnh công tác điều hành, rà soát năng lực đơn vị thi công, đặc biệt là chỉ huy trưởng công trình. Sở GTVT yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành dự án, thông xe trước ngày 23/9.

Đối với dự án xây dựng hầm chui An Sương, Sở đề nghị chủ đầu tư hoàn thành nhánh N2 trước 15/7 và hoàn thành toàn bộ công trình này trước 2/9. 

Còn với con đường "tử thần" Nguyễn Duy Trinh, Sở GTVT đề nghị chủ đầu tư phối hợp với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9 rà soát chi phí bồi thường để điều chỉnh thủ tục chủ trương đầu tư công theo quy định. 

Ngoài ra, Sở GTVT đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh việc thi công dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) vì đây là một trong những trục đường ra vào của TP, lượng xe đi lại rất lớn nhưng thường xuyên ngập sau cơn mưa.

Có thẻ bảo hiểm có thể vẫn không được bồi thường

Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, tại TP hiện “phong trào” mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho xe cơ giới vẫn “nóng”. Tiệm tạp hóa, tiệm photocopy, quán bún phở… cũng trưng biển “bán bảo hiểm xe máy”. Tuy nhiên, người mua bảo hiểm có thể bị từ chối bồi thường vì sơ suất nhỏ.

Tại một điểm bán bảo hiểm xe máy trên xa lộ Hà Nội (gần cầu Sài Gòn), một người bán bảo hiểm cho biết, trước đó chỉ chuyên bán bảo hiểm xe cơ giới của Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện – PTI, nhưng dạo gần đây không đủ để bán nên phải nhập thêm của Tổng CTCP bảo hiểm Xuân Thành. Đáng chú ý, có người mua cho 5-6 chiếc xe, về nhà tự ghi thông tin, người bán chỉ ghi ngày tháng.

Bảo hiểm xe máy bày bán trên đường 3-2 TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bảo hiểm xe máy bày bán trên đường 3-2 TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đa số khách hàng mua bảo hiểm cho xe đều không mang theo giấy chứng nhận đăng ký xe khi mua, họ trả tiền rồi mang tờ chứng nhận trắng về tự điền thông tin như tên chủ xe, biển kiểm soát…

Trong khi đó, việc này là sai hoàn toàn, công ty bảo hiểm sẽ không có thông tin để lưu hồ sơ, do đó xem như ấn chỉ đã mất, khó xác định căn cứ để giải quyết bồi thường.

Tuy nhiên, đại diện một số công ty bảo hiểm cũng cho rằng, trong trường hợp xảy ra tai nạn, khách hàng liên lạc với công ty bảo hiểm và xuất trình giấy chứng nhận bảo hiểm. Nếu đó là ấn chỉ do công ty bảo hiểm phát hành, dù chưa có hồ sơ lưu tại công ty, công ty bảo hiểm vẫn chi trả bồi thường theo đúng quy định của Bộ Tài chính. Còn việc người bán không gửi thông tin khách hàng đến công ty bảo hiểm, dẫn đến hệ thống lưu trữ dữ liệu không có thông tin, thì đó là công việc nội bộ công ty bảo hiểm xử lý.

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục