Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 22/7/2021

09:02 22/07/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 22/7:

Nhiều người dân vui mừng được tiêm vắc xin COVID-19

Ghi nhận của Báo Tuổi Trẻ, chiều 21/7, tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, một số người dân sống trên địa bàn quận Phú Nhuận có mặt theo từng khung giờ để được tiêm vắc xin đợt 5. Từ khu vực tra cứu thông tin đến bàn khám sức khỏe sàng lọc, bàn tiêm vắc xin và phòng bệnh theo dõi sau tiêm đều được bố trí cách xa nhau, đảm bảo khoảng cách an toàn.

Đặc biệt, tại đây có bố trí bộ phận công nghệ thông tin để làm hồ sơ sức khỏe qua app điện thoại. Từ đó người đến tiêm không cần phải đem theo giấy tờ, còn bộ phận tiêm thì dễ quản lý được người nào đã tiêm, tránh tình trạng gian dối và tụ tập đông người

Viện Y dược học dân tộc TP.HCM bố trí bộ phận công nghệ thông tin để làm hồ sơ sức khỏe qua app điện thoại, qua đó người đến tiêm không cần phải đem theo giấy tờ và bộ phận tiêm cũng dễ quản lý được người nào đã tiêm, tránh tình trạng gian dối và tụ tập đông người - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Viện Y dược học dân tộc TP.HCM bố trí bộ phận công nghệ thông tin để làm hồ sơ sức khỏe qua app điện thoại, qua đó người đến tiêm không cần phải đem theo giấy tờ và bộ phận tiêm cũng dễ quản lý được người nào đã tiêm, tránh tình trạng gian dối và tụ tập đông người - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đại diện UBND quận Phú Nhuận cho biết trong đợt tiêm vắc xin thứ 5 này, quận chia nhỏ các địa điểm tiêm. Theo đó, mỗi phường sẽ có 2 bàn tiêm và mỗi giờ tiêm 12 người, điều này giúp đảm bảo giãn cách và có nhiều thời gian theo dõi sau tiêm.

Bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan - phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM - cho biết viện bố trí 6 bàn tiêm ngoài cộng đồng và 3 bàn tiêm tại cơ sở y tế để tiêm những người có bệnh lý nền, người trên 65 tuổi.

Bắt đầu từ hôm nay  (22/7), TP.HCM chính thức triển khai tiêm vắc xin đợt 5 tại các quận huyện và TP Thủ Đức với dự tính khoảng 615 điểm tiêm. Trung bình mỗi điểm tiêm cho 120 người/ngày, có thể tăng cường lên 200 người/ngày. Dự kiến trong 2-3 tuần sẽ tiêm xong 930.000 liều.

Đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh dự thi đợt 2

Theo báo Pháp Luật TP, căn cứ vào các văn bản của Bộ GD&ĐT và tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại TPHCM, Sở GD&ĐT vừa có tờ trình UBND TP đề xuất Bộ GD&ĐT các vấn đề liên quan đến thí sinh đủ điều kiện tham gia đợt 2. Cụ thể, hai trường hợp có thể đặc cách bao gồm: Thí sinh bị tai nạn, bị ốm hoặc có việc đặc biệt trước ngày thi không quá 10 ngày, hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi; thí sinh bị tai nạn, bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất một bài thi và không thể dự thi, hoặc sau khi bị tai nạn, bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt tự nguyện dự thi một số bài thi còn lại.

Đối tượng cho các thí sinh đăng ký thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT TP.HCM chưa dự thi hoặc không thể hoàn thành thi đợt 1 trong các ngày 7,8/7 (trừ các thí sinh đã bị đình chỉ thi hoặc hủy bài) và có đăng ký thi đợt 2. Hồ sơ theo quy định của Điều 37 Quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh TP.HCM dự thi tốt nghiệp đợt 1. Ảnh: NGUYỆT NHI
Thí sinh TP.HCM dự thi tốt nghiệp đợt 1. Ảnh: NGUYỆT NHI

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT trình UBND TP đề xuất Bộ GD&ĐT yêu cầu Đại học Quốc gia TP.HCM và các trường Đại học, các trường có tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non triển khai bổ sung kỳ thi đánh giá năng lực, sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh khác (ngoài căn cứ trên điểm thi tốt nghiệp) để xét tuyển đối với các thí sinh thi được xét đặc cách trong đợt 2.

Còn 32/237 chợ truyền thống đang hoạt động

Theo báo Đại Đoàn kết, ngày 21/7, Sở Công thương TP cho biết, toàn TP có 205/237 chợ tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc không đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.

Cùng ngày có thêm 1 chợ ngưng hoạt động là chợ An Hội (quận Gò Vấp) do liên quan ca nhiễm tại chợ. Như vậy, sau 2 ngày từ 40 chợ truyền thống còn mở cửa giờ chỉ còn 32 chợ đang hoạt động.

Một số chợ áp dụng hình thức phát thẻ đi chợ.
Một số chợ áp dụng hình thức phát thẻ đi chợ.

Hiện đã có một số chợ khôi phục hoạt động sau khi đóng để thực hiện các công tác phòng chống dịch. Cụ thể, tại Quận 5 có các chợ Nguyễn Tri Phương, khu vực kinh doanh thực phẩm chợ An Đông. Quận 11 có chợ Bình Thới, Phú Thọ. Quận Bình Tân có chợ Kiến Thành. Huyện Bình Chánh có chợ Tân Đoàn Việt, Bà Lát, Quy Đức, chợ tạm ấp 4 Vĩnh Lộc A.

Theo Sở Công thương, các địa phương căn cứ điều kiện thực tế tình hình cung ứng hàn hóa trên địa bàn để phân chia tần suất đi chợ như 2 - 3 ngày/lần, mỗi gia đình sẽ được phát 10 hoặc 15 thẻ trong 30 ngày.

Sở đang phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động các chợ truyền thống. Trước mắt, triển khai thí điểm mô hình “App đặt lịch đi chợ dành cho người dân” thí điểm tại chợ Tân Chánh Hiệp (Quận 12); mô hình “Tổng đài đặt lịch đi chợ” thí điểm tại chợ Bình Thới  (Quận 11). Sau khi triển khai thí điểm sẽ đánh giá, hiệu chỉnh và triển khai nhân rộng đến các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.

Kiến nghị sớm mở lại 3 chợ đầu mối 

Báo Chính Phủ thông tin, ngày 21/7, báo cáo nhanh của Bộ NN&PTNT về tình hình sản xuất, kết nối, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống COVID-19 cho biết chuỗi cung ứng nông sản, nguồn cây, con, giống, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đang bị ách tắc do các trạm kiểm soát COVID-19 đang phải thực hiện rất chặt việc kiểm soát dịch. Bên cạnh đó, nhân lực lái xe, bốc dỡ hàng hóa đang thiếu nghiêm trọng do lo ngại dịch bệnh và khó khăn trong đi lại do kiểm soát dịch chặt chẽ. Điều này đang ảnh hưởng lớn đến lưu thông hàng hóa, làm tăng chi phí, giá thành sản phẩm.

Ngành NN&PTNT kiến nghị sớm mở lại chợ đầu mối tại TPHCM
Ngành NN&PTNT kiến nghị sớm mở lại chợ đầu mối tại TPHCM

Đặc biệt, chợ truyền thống, chợ đầu mối là đầu ra của hơn 70% lượng hàng hóa nông sản cung cấp cho TPHCM nhưng hầu hết bị đóng cửa, ảnh hưởng đến nguồn cung nông sản từ các tỉnh cho Thành phố. Tâm lý người dân lo ngại thiếu hàng hóa nên tích trữ, nhất là trứng gia cầm, gây nên hiện tượng thiếu cục bộ và tăng giá.

Do đó, Bộ NN&PTNT kiến nghị bổ sung các chợ đầu mối tại các địa phương vào diện các sơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16; đề xuất cho một số chợ đầu mối đủ điều kiện hoạt động trở lại để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm thiết yếu từ các tỉnh phía nam về TPHCM và ngược lại.

Cùng với đó, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với UBND TPHCM, Bộ Y tế sớm có cơ chế mở lại các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức để đảm bảo chuỗi cung ứng.

Hạn chế tối đa, mỗi ngày chỉ còn 2 chuyến bay TPHCM - Hà Nội

Theo báo Người Lao Động, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa có văn bản gửi các hãng hàng không về việc hạn chế tối đa số lượng chuyến bay từ các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đến Hà Nội.

Khu vực lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho hành khách tại sân bay Nội Bài - Ảnh: Phan Công
Khu vực lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho hành khách tại sân bay Nội Bài - Ảnh: Phan Công

Theo đó, các hãng hàng không dừng khai thác các chuyến bay chở khách giữa Cần Thơ-Hà Nội và Phú Quốc-Hà Nội và ngược lại. Đường bay TPHCM - Hà Nội và ngược lại chỉ có tối đa 2 chuyến chở khách/ngày, giao Vietnam Airlines khai thác. Thời gian áp dụng từ 0 giờ ngày 22/7 cho đến khi có thông báo mới.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 2965/CT-CHK ngày 8/7/2021 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt phải đảm bảo tất cả hành khách trên các chuyến bay giữa các tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16 về Hà Nội phải có Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh âm tính (theo quy định của Bộ Y tế).

Lập khẩn 5 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia

Theo báo Vietnamnet, chiều 21/7, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê chủ trì cuộc họp về Đề án tăng cường năng lực hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị Covid-19 nặng trong bối cảnh số ca mắc mới tăng rất nhanh.

Bộ Y tế dự kiến lập 5 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia và gần 30 trung tâm hồi sức tích cực của vùng với mục tiêu chủ động cấp cứu, hồi sức tích cực, giảm tỉ lệ tử vong.

5 trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia đặt tại 5 bệnh viện lớn trên cả nước, bao gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới Trung ương, Đa khoa Trung ương Huế, Chợ Rẫy và Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 TPHCM (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM). Mỗi trung tâm có 500-1.000 giường bệnh.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tại TP.HCM đang vận hành với quy mô 1.000 giường, trong đó có 100 giường ICU. Ảnh: Thanh Tùng
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 tại TP.HCM đang vận hành với quy mô 1.000 giường, trong đó có 100 giường ICU. Ảnh: Thanh Tùng

Ngoài ra, gần 30 bệnh viện được giao nhiệm vụ thành lập Trung tâm hồi sức tích cực của vùng, mỗi trung tâm 50-100 giường bệnh.

Trước mắt, các trung tâm này sẽ phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, sau này sẽ được sử dụng để điều trị các bệnh lý không lây nhiễm khác.

Theo ông Khuê, đề án lựa chọn phát triển các trung tấp hồi sức lớn trên cơ sở các bệnh viện có sẵn trang thiết bị và nhân lực cao để giảm thời gian sửa chữa, mở rộng, kịp thời đưa vào hoạt động để cứu chữa các bệnh nhân.

Hướng dẫn doanh nghiệp có ca mắc COVID-19 ứng phó với dịch

Có mặt tại doanh nghiệp vừa ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất tại Khu chế xuất Linh Trung 2, TP. Thủ Đức, ngày 21/7, Tổ công tác của Bộ Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng. Thông tin trên báo Chính Phủ.

PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, thành viên Tổ công tác của Bộ Y cho biết, doanh nghiệp cần phải quyết liệt khống chế. Trước tiên, phải tách toàn bộ ca nhiễm để cách ly, điều trị. Cùng với đó, cách ly F1 nghiêm ngặt.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, đơn vị có hơn 400 lao động đăng ký làm việc trong bối cảnh dịch bệnh. Từ ngày 15-19/7, thông qua xét nghiệm đã phát hiện 87 ca nhiễm COVID-19. Những ca này đã được đưa đi cách ly theo dõi sức khỏe. Doanh nghiệp tạm thời dừng hoạt động để ứng phó với dịch.

Tổ công tác Bộ Y tế khảo sát doanh nghiệp có nhiều ca nhiễm COVID-19 ở TP. Thủ Đức
Tổ công tác Bộ Y tế khảo sát doanh nghiệp có nhiều ca nhiễm COVID-19 ở TP. Thủ Đức

Từ thực tế, ông Sơn nhận định và đưa ra giải pháp, do ở chung, vệ sinh chung, ăn chung, 87 ca dương tính lại rải rác trong tất cả các phân xưởng nên nguy cơ lây nhiễm rộng hơn là rất cao. Doanh nghiệp phải tức tốc yêu cầu người lao động nghiêm túc thực hiện 5K, phân xưởng nào ở yên phân xưởng đó, không để xảy ra hoang mang, lo lắng với người lao động.

Khi doanh nghiệp khống chế được dịch và hoạt động trở lại, PGS.TS Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, doanh nghiệp phải có đầy đủ kế hoạch, cam kết phòng dịch. Các trường hợp F1, F2 sau 14 ngày tiếp theo, các xét nghiệm RT-PCR đều âm tính thì có thể đi làm trở lại.

Tại nhiều doanh nghiệp khác trong Khu chế xuất Linh Trung 2 xuất hiện lẻ tẻ vài ca nhiễm, các trường hợp F1 cũng đã thực hiện cách ly tại phòng riêng ở doanh nghiệp. Đối với trường hợp này, ông Sơn tư vấn cho Ban quản lý Khu chế xuất Linh Trung 2 có thể để doanh nghiệp hoạt động, vì đã bóc tách ca nhiễm, cách ly F1 và đã có xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, Ban quản lý cần phối hợp giám sát chặt chẽ và kế hoạch phòng, chống dịch phải được chuẩn bị chi tiết, phân công cụ thể nhiệm vụ từng cá nhân trong tổ COVID-19.

Tại doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu nhưng vẫn sử dụng xe đưa đón lao động từ chỗ ở đến chỗ làm, ông Sơn đặc biệt lưu ý doanh nghiệp, phải kiểm soát chặt chẽ cả thời gian công nhân về chỗ nghỉ và khi lên xe đưa đón theo thứ tự, phải bảo đảm đầy đủ hướng dẫn 5K. Đồng thời, định kỳ tổ chức xét nghiệm, khi phát hiện có ca nhiễm, phải kích hoạt phương án phòng, chống dịch đã lập sẵn.

Tình nguyện viên Học viện Y dược lên đường "chia lửa với TPHCM

Báo Tiền Phong đưa tin, ngày 21/7, Đoàn Thanh niên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức lễ xuất quân cho 12 bác sĩ và 238 sinh viên lên đường tiếp sức, "chia lửa" với TPHCM trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp. 

Đoàn tình nguyện gồm 12 bác sỹ là cán bộ, giảng viên trẻ, 238 sinh viên của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam lên đường "chia lửa" với TPHCM trong những ngày dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Đoàn tình nguyện gồm 12 bác sỹ là cán bộ, giảng viên trẻ, 238 sinh viên của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam lên đường "chia lửa" với TPHCM trong những ngày dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Đoàn tình nguyện sẽ tham gia các nhiệm vụ như: phối hợp với lực lượng cán bộ, nhân viên y tế TPHCM điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm; đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ khác trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID - 19. Dự kiến thời gian thực hiện nhiệm vụ của Đoàn sẽ diễn ra trong 45 ngày.

Được biết, trước ngày xuất quân, các cán bộ, đoàn viên, sinh viên tham gia Đoàn tình nguyện đã được tập huấn, khám sức khỏe, tiêm vắc xin và được trang bị đầy đủ các vật phẩm thiết yếu trong phòng, chống dịch phục vụ quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục