Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 22/9/2022

09:46 22/09/2022

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 22/9:

135 đơn vị tham gia Triển lãm ngành in TPHCM 2022

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, chiều qua, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, Cục Xuất bản, In và Phát hành phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội In TPHCM tổ chức khai mạc Triển lãm ngành in TPHCM năm 2022 - Triển lãm quốc tế lần thứ 20 (VietnamPrintPack). 

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên phát biểu khai mạc Triển lãm - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên phát biểu khai mạc Triển lãm - Ảnh: VGP/Vũ Phong

Triển lãm diễn ra từ ngày 21-24/9/2022, có sự tham gia của 135 đơn vị tham gia đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, với quy mô 412 gian hàng. Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình, tại khu vực trưng bày của Hội In TPHCM, lần đầu tiên sẽ giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số trong đào tạo, sản xuất, thương mại trong lĩnh vực in ấn.

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, với một phiên bản mới, Triển lãm ngành in sẽ là nơi hội tụ của công nghệ dịch vụ của ngành in theo hướng hiện đại, là nơi giao lưu của các đơn vị trong ngành in trong nước, đồng thời bày tỏ hy vọng, những hoạt động trong khuôn khổ Triển lãm năm nay sẽ mang lại sinh khí mới, trở thành điểm nhấn quan trọng cho sự phát triển của ngành in TPHCM cũng như cả nước đến năm 2025.

Đổi tên, điều chỉnh hơn 300m đường cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất

Thông tin trên Zingnews, UBND quận Gò Vấp vừa báo cáo UBND TPHCM về việc xem xét đổi tên, điều chỉnh lý trình đối với đường Nguyễn Thái Sơn trên địa bàn quận, theo đề nghị của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) trước đó.

Theo quyết định phê duyệt lộ giới của UBND TPHCM vào năm 1995, đường Nguyễn Thái Sơn gồm 2 đoạn là từ Câu lạc bộ Hàng không đến Nguyễn Kiệm và từ Nguyễn Kiệm đến Rạch Bến Cát. Tuy nhiên do cùng tuyến đường liên quận Tân Bình - Gò Vấp, nhưng tên đường chưa thống nhất đã gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về số nhà cũng như gây nhầm lẫn, bất tiện cho người dân. 

Nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm - Phạm Văn Đồng. Ảnh: Phạm Ngôn.
Nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm - Phạm Văn Đồng. Ảnh: Phạm Ngôn.

Theo đó, UBND quận Gò Vấp cho biết đã cơ bản hoàn chỉnh bản đồ cấp số nhà cho toàn quận, đơn vị cũng lập xong bản đồ và quản lý số nhà tuyến Nguyễn Thái Sơn (đoạn từ vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng đến Bến Cát).

Riêng đường Nguyễn Thái Sơn tính từ đoạn giáp ranh quận Tân Bình đến nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) dài 327 m, lộ giới 20 m đang chờ được đổi tên, điều chỉnh lý trình.

TPHCM kiến nghị đấu thầu tập trung trên 300 loại thuốc

Thông tin trên báo Tiền Phong, Sở Y tế TPHCM vừa có tờ trình gửi UBND TP, trong đó đề nghị cho phép mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung lên 308 loại thuốc nhằm đáp ứng đủ thuốc cho tuyến y tế cơ sở. Danh mục thuốc trên áp dụng cho cả bệnh viện công lập, trung tâm y tế và trạm y tế. 

Tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế tại tuyến cơ sở khiến các bệnh viện tuyến trên rơi vào quá tải
Tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế tại tuyến cơ sở khiến các bệnh viện tuyến trên rơi vào quá tải

Sở Y tế cũng kiến nghị UBND đề nghị Bộ Y tế cho thành phố thí điểm mở rộng danh mục thuốc tại trạm y tế được bảo hiểm thanh toán thêm 41 loại. Các thuốc này dùng trong điều trị ngoại trú bệnh nhân không lây nhiễm, gồm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm không steroid; điều trị tăng huyết áp; điều trị suy tim; hạ lipid máu; insulin và hạ đường huyết; chữa hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Tiêu chí lựa chọn thuốc đưa vào danh mục đề xuất thêm 308 loại thuốc sẽ có thuốc thiết yếu, thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá, được thanh toán bảo hiểm y tế và không thuộc loại đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Nếu được UBND thành phố và Bộ Y tế duyệt nội dung tờ trình, hoạt động đấu thầu tập trung dự kiến sẽ được Bệnh viện Hùng Vương thực hiện, thời gian dự kiến diễn ra vào đầu năm 2023.

Hoàn thiện cầu Tân Kỳ - Tân Quý đang dang dở bằng nguồn vốn công

Báo Tuổi Trẻ cho biết, Sở Giao thông vận tải TPHCM đã có báo cáo đề xuất HĐND TPHCM về việc đầu tư hoàn thiện cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân) đang xây dựng dang dở bằng nguồn vốn công.

Cầu Tân Kỳ - Tân Quý mới là công trình trọng điểm nhằm thay thế cầu cũ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại trên các tuyến đường Mã Lò, Tân Kỳ - Tân Quý ra quốc lộ 1A. Dự án được đầu tư bằng hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), khởi công từ quý 1-2018 (riêng hạng mục cầu tạm hoàn thành vào năm 2016). 

TP.HCM sẽ dùng vốn ngân sách đầu tư hoàn thiện cầu Tân Kỳ - Tân Quý - Ảnh: Quang Định
TP.HCM sẽ dùng vốn ngân sách đầu tư hoàn thiện cầu Tân Kỳ - Tân Quý - Ảnh: Quang Định

Theo phụ lục hợp đồng BOT, nhà đầu tư sẽ thu phí tại trạm thu phí An Sương - An Lạc trên quốc lộ 1A để hoàn vốn cho dự án. Tuy nhiên, lúc dự án mới đạt 70%, nhà đầu tư phải tạm dừng thi công do vướng mặt bằng.

Để sớm hoàn thành công trình dang dở, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, Sở Giao thông vận tải TP kiến nghị HĐND TP xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án này. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án xây cầu Tân Kỳ - Tân Quý gần 492 tỉ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách TP.

Vụ 'rau VietGAP rởm' bán trong siêu thị: Quản lý thị trường vào cuộc

Theo Vietnamplus, tối 21/9, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM đã có văn bản khẩn gửi các Đội quản lý thị trường trực thuộc yêu cầu rà soát, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Khách hàng mua rau tại một siêu thị. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Khách hàng mua rau tại một siêu thị. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Đây là biện pháp mà Cục Quản lý thị trường TPHCM triển khai ngay sau thông tin mà báo chí phản ánh về tình trạng nhiều người dân phải trả giá cao để mua “rau an toàn” và “đạt chuẩn VietGAP” tại các siêu thị, nhưng thực tế một số công ty lại đi gom rau ở chợ đầu mối, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM yêu cầu người đứng đầu, người được giao quản lý các Đội quản lý thị trường khẩn trương thực hiện rà soát địa bàn để kịp thời phát hiện, phối hợp với các đơn vị có liên quan, đặc biệt là Đội quản lý an toàn thực phẩm tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tập kết, phân loại, đóng gói, kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc hoặc gian lận về nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác theo đúng quy định.

23 người tử vong do sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng gia tăng

Tin khác trên Vietnamplus, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết tính đến ngày 18/9, TPHCM đã có 23 người tử vong do sốt xuất huyết, tăng 19 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tuần 38 (từ ngày 12/9-18/9), TP ghi nhận 2.657 ca sốt xuất huyết, giảm 2,8% so với trung bình 4 tuần trước. Đến nay, toàn TP ghi nhận 56.870 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 6,5 lần với cùng kỳ năm 2021; trong đó, có 1.223 ca sốt xuất huyết nặng, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc là hơn 2%. Số ca bệnh nặng tăng hơn 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. 

Nhiều bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Nhiều bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Cũng trong tuần 38, TP có 153 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 91 phường, xã thuộc 20/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức. Các địa phương đã phun hóa chất tại 310 ổ dịch, thực hiện 355 lượt diệt lăng quăng tại các ổ dịch, điểm nguy cơ.

Cạnh đó, TPHCM cũng ghi nhận thêm 508 ca bệnh tay chân miệng, tăng hơn 28% so với trung bình 4 tuần trước; trong đó, số ca bệnh tăng ở các trường hợp khám ngoại trú và giảm các trường hợp nhập viện điều trị nội trú. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 14.239 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Có bảng cấm, vẫn vô tư đổ rác

Thời gian qua, báo Pháp Luật tiếp nhận phản ánh của người dân về việc một số tuyến đường tại khu vực các quận Gò Vấp, Bình Thạnh có tình trạng xả rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định.

Theo ghi nhận của PV, tại khu đất trống kế bên nhà số 1 Quang Trung, phường 3, quận Gò Vấp, cơ quan chức năng đã đặt bảng “cấm đổ rác”, thế nhưng vẫn có một bãi rác tự phát tồn tại mấy tháng nay, gây ô nhiễm và làm mất mỹ quan đô thị. 

Dù đã treo bảng “cấm đổ rác” nhưng một số người vẫn lén đem rác thải đến đổ tại khu vực này. Ảnh: Tú Ngân
Dù đã treo bảng “cấm đổ rác” nhưng một số người vẫn lén đem rác thải đến đổ tại khu vực này. Ảnh: Tú Ngân

Bà TTB, sinh sống ở khu vực này, cho biết vào các buổi tối, lợi dụng lúc vắng người, một số người thiếu ý thức đã mang rác thải và xà bần đủ loại từ nơi khác đến đổ ở đây. Thậm chí, các xe rác nhỏ đi thu gom về khuya cũng đưa đến đổ tại khu vực này. “Có khi tôi thấy trong đống rác còn có những bao tải kính bể, bị quăng đại vô, kính bể văng xung quanh rất nguy hiểm. Khi thời tiết nắng nóng, bãi rác bốc mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nơi đây” - bà B nói.

Tương tự, tại chân cầu Văn Thánh 1, đường Điện Biên Phủ, phường 21, quận Bình Thạnh, dù có chốt bảo vệ dân phố đặt tại đây, tuy nhiên vẫn có một bãi rác thải tự phát tồn tại mấy tháng nay, gây ô nhiễm môi trường.

Hương Thảo - Linh Nhi (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục