Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 23/10/2020

10:33 23/10/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 23/10/2020:

Hơn 100 nghệ sỹ tham gia đêm nhạc gây quỹ ủng hộ miền Trung

Vietnamplus đưa tin, tối 22/10, Thành Đoàn TPHCM tổ chức chương trình nghệ thuật “Thương về miền Trung” nhằm gây quỹ hỗ trợ đồng bào miền Trung đang chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ, với sự tham gia trình diễn của hơn 100 nghệ sỹ cùng các đơn vị doanh nghiệp tài trợ.

Chương trình do đạo diễn Trần Minh Tuấn thực hiện với sự tham gia của các ca sỹ Phi Nhung, Quốc Đại, Nguyễn Phi Hùng, Nghệ sỹ Ưu tú Hồng Vy, Cẩm Vân, Nghệ sỹ Ưu tú Vân Khánh, Hoàng Bách, Nam Cường…

Đại diện các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị trao bảng tượng trưng số tiền ủng hộ miền Trung cho Ban tổ chức. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Đại diện các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị trao bảng tượng trưng số tiền ủng hộ miền Trung cho Ban tổ chức. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Ban Tổ chức cùng tập thể nghệ sỹ hy vọng thông qua chương trình sẽ kêu gọi và huy động được các nguồn cứu trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm và những khán giả theo dõi chương trình để động viên người dân ở tâm lũ vượt qua khó khăn.

Tại chương trình, đại diện 30 tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị cùng đoàn viên, thanh niên thuộc 24 quận Đoàn, huyện Đoàn trên địa bàn TP đã đóng góp trực tiếp tới Ban Tổ chức với số tiền gần 2,28 tỷ đồng.

Kết thúc chương trình, Ban Tổ chức công bố tổng số tiền thiện nguyện nhận được từ các kênh của khán giả, các tổ chức, đơn vị trong thời gian diễn ra sự kiện là hơn 3 tỷ đồng.

Tốp ca các nghệ sỹ trình diễn ca khúc “Quê mình Miền Trung”.(Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Tốp ca các nghệ sỹ trình diễn ca khúc “Quê mình Miền Trung”.(Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Dự kiến, vào ngày 25/10, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên, Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM sẽ tổ chức chuyến đi đến các tỉnh miền Trung để mang tấm lòng và sự đóng góp nhiệt tình của người dân TPHCM và các địa phương khác đến với đồng bào vùng lũ lụt miền Trung. Sau đó, các đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chuyến trở lại miền Trung, giúp người dân tái lập việc sản xuất và ổn định cuộc sống.

Mua áo phao gửi về hỗ trợ miền Trung sẽ được giảm nửa tiền

Một tuần trở lại đây, nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện tại TPHCM tiến hành gom nhu yếu phẩm, đặc biệt là áo phao cứu trợ để gửi hỗ trợ bà con các tỉnh miền Trung đang chống chọi với bão lũ.

Theo khảo sát của PV báo Lao Động, tại thị trường TPHCM có rất nhiều loại áo phao cứu trợ khác nhau giá dao động từ 30.000-170.000 đồng/chiếc tuỳ vào chất lượng. Tuy nhiên, từ những loại áo phao giá rẻ đến áo phao đắt đỏ cũng đều chung một tình trạng "cháy hàng".

Áo phao tại TPHCM "cháy hàng", giá được giữ nguyên. Ảnh: Ngọc Lê
Áo phao tại TPHCM "cháy hàng", giá được giữ nguyên. Ảnh: Ngọc Lê

Tại một cửa hàng bán áo phao cứu sinh trên đường Phan Văn Khoẻ (Quận 5), chị Q. chủ cửa hàng cho biết, áo phao trẻ em có giá 30.000 đồng/chiếc, áo có kích cỡ lớn hơn từ 50.000-60.000 đồng/chiếc.

"Hiện cửa hàng chỉ còn số lượng ít áo nhỏ, còn áo lớn đã hết vì mấy ngày gần đây khách hỏi mua rất nhiều, phải tầm 2 tuần nữa mới có lại. Tôi cam kết bán đúng giá, với những ai mua để gửi về miền Trung tôi sẽ giảm giá lấy một nửa tiền" - Chị Q. cho hay.

Không chỉ "cháy hàng" tại các cửa hàng bán áo phao, trên "chợ mạng" cũng chung tình trạng này. Một số trang bán hàng trực tuyến đều thông báo hết hàng vì số lượng khách mua tăng đột biến, xưởng sản xuất chưa thể cung cấp kịp.

Nhiều người dân lơ là khẩu trang khi đến nơi công cộng

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới, áp dụng bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng ở Hà Nội, TPHCM và chưa mở cửa đón du khách quốc tế. Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên báo Lao Động, nhiều người dân tại TPHCM đang có dấu hiệu chủ quan, lơ là với việc đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19.

Tại nhiều khu vực ở các quận trung tâm trên địa bàn TP, nhiều người dân đến đây vui chơi, tham quan không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng quy cách. Những hình ảnh người dân vô tư ngồi trò chuyện không khẩu trang diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, nhiều người đeo khẩu trang nhưng lại đeo theo kiểu đối phó, kéo khẩu trang xuống quá dưới mũi, miệng. Thậm chí, một trường mẫu giáo đưa các em học sinh đi dã ngoại nhưng lại không đảm bảo công tác phòng dịch.

Tình trạng người dân không đeo khẩu trang, đeo không đúng quy cách cũng diễn ra tại khu vực đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1.
Tình trạng người dân không đeo khẩu trang, đeo không đúng quy cách cũng diễn ra tại khu vực đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1.
Ghi nhận tại nhiều khu vực tại các quận trung tâm trên địa bàn Thành phố, nhiều người dân đến đây vui chơi, tham quan không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng quy cách.
Ghi nhận tại nhiều khu vực tại các quận trung tâm trên địa bàn Thành phố, nhiều người dân đến đây vui chơi, tham quan không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng quy cách.
Thậm chí, một trường mẫu giáo đưa các em học sinh đi dã ngoại nhưng lại không đảm bảo công tác phòng dịch
Thậm chí, một trường mẫu giáo đưa các em học sinh đi dã ngoại nhưng lại không đảm bảo công tác phòng dịch

Quận đầu tiên ở TP không còn hộ thu nhập dưới 36 triệu đồng/người/năm

Báo SGGP cho hay, sáng 22/10, UBND quận 5 tổ chức Hội nghị sơ kết và công bố quận 5 hoàn thành mục tiêu không còn hộ cận nghèo theo chuẩn cận nghèo TP giai đoạn 2019-2020. Quận 5 là quận đầu tiên ở TP hoàn thành được mục tiêu này.

Toàn quận 5 có hơn 41.500 hộ gia đình, trong đó dân tộc Hoa chiếm 35%. Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019-2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 5, các ban ngành đoàn thể, đơn vị quận phường đã cùng hỗ trợ, vận động xã hội hóa giúp đỡ hộ cận nghèo, hộ mới thoát mức chuẩn cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Kết quả, đến nay thu nhập bình quân các hộ cận nghèo đều được nâng lên trên 36 triệu đồng/người/năm. 100% thành viên hộ cận nghèo, hộ thoát mức chuẩn cận nghèo có thẻ bảo hiểm y tế; toàn quận không còn hộ cận nghèo thiếu hụt chiều tiếp cận dịch vụ y tế và thẻ bảo hiểm y tế; không còn hộ thiếu hụt chiều tiếp cận thông tin.

Theo quy định, chuẩn hộ cận nghèo TP giai đoạn 2019-2020 có thu nhập từ 28-36 triệu đồng/người/năm. Như vậy, trên địa bàn quận 5 hiện không còn hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn TPHCM giai đoạn 2019-2020.

Bí thư Quận ủy quận 5 Nguyễn Văn Hiếu và Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Lê Minh Tấn trao giấy khen cho các tập thể , cá nhân có đóng góp tích cực trong thực hiện mục tiêu không còn hộ cận nghèo chuẩn giai đoạn 2019-2020. Ảnh: MAI HOA
Bí thư Quận ủy quận 5 Nguyễn Văn Hiếu và Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Lê Minh Tấn trao giấy khen cho các tập thể , cá nhân có đóng góp tích cực trong thực hiện mục tiêu không còn hộ cận nghèo chuẩn giai đoạn 2019-2020. Ảnh: MAI HOA

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Lê Minh Tấn thông tin, chương trình giảm nghèo bền vững TP giai đoạn 2016-2020 đến nay đạt nhiều kết quả đáng trân trọng. Hiện TP còn khoảng 3.600 hộ nghèo, trong khi chỉ tiêu đặt ra đến cuối năm 2020 là 0,5%, nhưng với số hộ này thì tỷ lệ hộ nghèo TP chỉ còn 0,13%. Số hộ cận nghèo còn 0,6%, vượt chỉ tiêu 1%, đây là điều rất phấn khởi.

Dịp này, UBND quận 5 khen thưởng cho 57 tập thể và 51 cá nhân có đóng góp tích cực trong thực hiện mục tiêu không còn hộ cận nghèo theo chuẩn cận nghèo TPHCM giai đoạn 2019-2020.

Quận 10 thiết lập “Chuỗi nhà vệ sinh công cộng”

Cũng trên báo SGGP, trên địa bàn quận 10 hiện có 7 nhà vệ sinh chất lượng cao không thu phí đã hoàn thành đầu tư chỉnh trang và nâng cấp, 3 nhà vệ sinh có thu phí do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong quản lý được duy trì hoạt động.

Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu vệ sinh cá nhân của khách du lịch và người đi đường, tránh các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường nơi công cộng, UBND quận 10 đã chỉ đạo các đơn vị liên quan lên phương án thiết lập “Chuỗi nhà vệ sinh công cộng”, với logo riêng của quận 10.

Đến nay, quận đã triển khai được 17 vị trí đồng thuận tham gia vào chuỗi nhà vệ sinh gồm các cây xăng, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, siêu thị, nhà văn hóa, công viên, nhà thiếu nhi.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 23/10/2020 - Ảnh 1

Rà soát an toàn thực phẩm hàng hóa cung ứng Tết Nguyên đán

Theo báo SGGP, tiếp tục chuỗi hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn, ngày 22/10, Ban VH-XH HĐND TP đã giám sát tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền và các chợ trên địa bàn huyện Bình Chánh.

Tại buổi giám sát, ông Tsàn A Sìn, Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền, thông tin chợ có 1.847 điểm kinh doanh, với tổng lượng hàng nhập chợ 9 tháng năm 2020 hơn 610.000 tấn. Chợ thường xuyên phối hợp với Đội 10 thuộc Ban Quản lý ATTP TPHCM tổ chức kiểm tra, giám sát, lấy mẫu đánh giá chất lượng hàng hóa vào chợ…

Trong 9 tháng đầu năm, chợ đã kiểm tra 552 mẫu đảm bảo ATTP, song ông Tsàn A Sìn cũng cho hay, tình trạng buôn bán tự phát xung quanh chợ gây ảnh hưởng đáng kể đến việc kinh doanh của bà con tiểu thương, mất ATTP, ảnh hưởng đến cộng đồng. Ông Tsàn A Sìn kiến nghị HĐND TPHCM yêu cầu các cơ quan, ban ngành phối hợp thực hiện giải tỏa, làm đường dân sinh, xây dựng hàng rào bao quanh khuôn viên chợ, giúp chợ phát triển văn minh, hiện đại, đảm bảo ATTP. Mục tiêu hướng tới là chợ Bình Điền trở thành điểm du lịch và là mô hình mẫu cho các chợ đầu mối trong và ngoài nước học tập.

Ban Quản lý ATTP kiểm tra thủy hải sản tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền. Ảnh: Duy Tính
Ban Quản lý ATTP kiểm tra thủy hải sản tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền. Ảnh: Duy Tính

Chiều cùng ngày, đoàn giám sát Ban VH-XH HĐND TP có buổi giám sát tại chợ Bình Tây và chợ Bình Tiên (quận 6). Ông Cao Văn Thành, Phó trưởng Ban Quản lý chợ Bình Tây, cho biết, các mặt hàng tại chợ đều được bà con tiểu thương giám sát chặt chẽ thông qua sổ sách, hóa đơn chứng từ... Với đặc thù là chợ bán sỉ lớn của TP (hiện nay có bán lẻ), các mặt hàng về chợ khá đa dạng, nên Ban Quản lý chợ Bình Tây luôn tập trung cao độ trong việc quản lý, giám sát ATTP. Trong đó đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức ATTP cho bà con tiểu thương.

Tương tự, đối với chợ Bình Tiên, 100% tiểu thương tại đây được cập nhật kiến thức về ATTP và khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 6, nhấn mạnh, công tác phối hợp tuyên truyền song song với kiểm tra, giám sát ATTP luôn được địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục; đặc biệt trong dịp cao điểm từ nay đến cuối năm, khi Tết Dương lịch 2021 cũng như Tết Nguyên đán đã cận kề.

Kết thúc đề án quảng cáo trên xe buýt

Thông tin từ báo Tuổi trẻ, Sở GTVT TP vừa kiến nghị UBND TP cho kết thúc đề án quảng cáo trên xe buýt, đồng thời đề nghị TP giao cho Sở này chủ động nghiên cứu việc xây dựng lại đề án quảng cáo trên phương tiện xe buýt vào thời điểm phù hợp.

Giải thích lý do kết thúc đề án quảng cáo trên xe buýt vào ngày 2/1/2021, Sở này cho biết là đúng vào thời điểm kết thúc hợp đồng với Công ty TNHH Koa-Sha Media Việt Nam - đơn vị trúng thầu trong 3 năm đấu giá tuyến xe buýt.

Thêm nữa, trong quá trình thực hiện đề án có nhiều vướng mắc, khó khăn, trong đó chủ yếu liên quan đến vấn đề đầu tư phương tiện của các đơn vị vận tải, công tác bàn giao tiếp nhận xe buýt để quảng cáo trên thân xe và tình hình thay đổi đơn vị đảm nhận hoạt động tuyến buýt thuộc gói thầu quảng cáo.

Sở Giao thông vận tải TP đề nghị ngày 2-1-2021 kết thúc đề án quảng cáo trên xe buýt sau 3 năm thực hiện - Ảnh: VĂN BÌNH
Sở Giao thông vận tải TP đề nghị ngày 2-1-2021 kết thúc đề án quảng cáo trên xe buýt sau 3 năm thực hiện - Ảnh: VĂN BÌNH

Theo Sở GTVT, việc xây dựng lại đề án mới quảng cáo trên xe buýt sẽ được xem xét về mạng lưới tuyến, các xe buýt tham gia hoạt động được đảm bảo thay thế mới hoàn toàn và ổn định. Đồng thời sẽ xác định thời điểm phù hợp để tiếp tục tổ chức quảng cáo trên xe buýt.

Trước đó vào năm 2017, Sở Giao thông đã tổ chức đấu giá nhiều gói về quảng cáo xe buýt và chỉ có một doanh nghiệp trúng đấu giá một gói 492 xe buýt trị giá 162 tỉ đồng trong 3 năm. Tuy nhiên, còn lại khoảng 1.200 xe buýt sau 5 lần tổ chức đấu giá quảng cáo xe buýt đều thất bại vì không có đơn vị nào tham gia.

Nhiều nơi tổ chức đổi rác lấy quà

Ghi nhận từ báo Pháp Luật TP, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cũng như hỗ trợ một phần nhu yếu phẩm cho người dân, nhiều quận, huyện của TP đã thực hiện chương trình “Đổi rác thải nhựa nhận quà”, điển hình như chương trình thực hiện tại quận Thủ Đức, huyện Nhà Bè, quận 1, Phú Nhuận… Tại đây, người dân có thể mang rác thải nhựa đã qua sử dụng đến đổi lấy một số vật phẩm như gạo, mì gói, tập vở, cây xanh, túi ny lon tự hủy…

Người dân đổi rác thải nhuận lấy hoa lan
Người dân đổi rác thải nhuận lấy hoa lan

Chương trình này được nhiều người đánh giá là rất có ý nghĩa, vì ngoài mục tiêu chung là góp phần bảo vệ môi trường, chương trình còn giúp đỡ người nhiều dân có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời nhận được sự tham gia không chỉ của những người trẻ mà những cụ ông, cụ bà hay trẻ em.

Ông Đặng Bảo Quốc, Trưởng Đại diện phía Nam Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho biết, ngày hội “Đổi rác thải nhựa nhận quà” nhằm kêu gọi người dân trên địa bàn TPHCM chủ động hạn chế sử dụng rác thải nhựa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đây chính là cách bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng.

Người dân mang rác thải nhựa đã qua sử dụng để đổi quà tại huyện Nhà Bè. (Ảnh: NGUYỄN CHÂU)
Người dân mang rác thải nhựa đã qua sử dụng để đổi quà tại huyện Nhà Bè. (Ảnh: NGUYỄN CHÂU)

Giáo viên khó khăn được hỗ trợ ít nhất 500.000 đồng ăn Tết

Cũng trên trên báo Pháp Luật TP, Công đoàn ngành Giáo dục TP vừa ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Tân Sửu năm 2021 cho cán bộ, nhà giáo và người lao động ngành GD&ĐT TP.

Công tác chăm lo Tết Tân Sửu năm 2021 được thực hiện đồng bộ ở cả 2 cấp công đoàn: Công đoàn cơ sở (CĐCS), Công đoàn ngành Giáo dục TP.

Tất cả mọi đoàn viên công đoàn được chăm lo, trong đó quan tâm đến các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang công tác tại các đơn vị, các cơ sở giáo dục trực thuộc. Đó là đoàn viên công đoàn, nhà giáo, người lao động bệnh nan y hiểm nghèo, bị tai nạn lao động; có vợ hoặc chồng có con mắc bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo; đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi bị giảm thu nhập; có chồng, con đang làm nhiệm vụ ở hải đảo; đang làm việc tại đơn vị không thưởng Tết hoặc có gia đình ở quê bị ảnh hưởng thiên tai.

Căn cứ vào nguồn tài chính công đoàn của đơn vị, điều kiện của từng cơ quan, đơn vị, hỗ trợ thấp nhất 500.000 đồng/trường hợp. Ngoài ra, các trường vận động nguồn quỹ xã hội để tăng mức chi chăm lo đối với các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.

Cô trò trường Tiểu học Phạm Văn Chính, quận 9 trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Cô trò trường Tiểu học Phạm Văn Chính, quận 9 trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Công đoàn còn tổ chức chương trình “Tấm vé nghĩa tình” – trao tặng, hỗ trợ vé xe cho người lao động về quê. Kinh phí thực hiện gồm Công đoàn ngành Giáo dục TP phối hợp với Công đoàn cơ sở vận động người sử dụng lao động tham gia đóng góp 70% kinh phí, công đoàn các cấp tham gia 30% từ nguồn kinh phí công đoàn và hỗ trợ của nhà hảo tâm.

Bên cạnh đó, Công đoàn còn đẩy mạnh thực hiện các chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên” và tổ chức chương trình “Tết sum vầy” họp mặt đoàn viên công đoàn, nhà giáo, người lao động ngoài TP không về quê.

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục