Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 23/12/2022

10:29 23/12/2022

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 23/12:

Thông tin mới về việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ 1/1/2023

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 104/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Nội dung trên báo Pháp Luật TP.

Người dân đang thực hiện các thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Người dân đang thực hiện các thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo đó, quy định được sửa đổi, bổ sung phần lớn liên quan đến các chính sách về nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Cụ thể là các chính sách hỗ trợ việc làm, bảo hiểm y tế; chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; chính sách phát triển giáo dục mầm non…

Kể từ ngày nghị định này có hiệu lực, khi người dân thực hiện các thủ tục nêu trên, chỉ cần xuất trình một trong các giấy tờ gồm CCCD, CMND, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQGDC).

Trong trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức trên, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.

Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, sông Sài Gòn được đưa vào logo quận Bình Thạnh

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, Quận ủy - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bình Thạnh đã tổ chức lễ công bố biểu trưng và trao giải thiết kế biểu trưng quận Bình Thạnh.

Logo riêng đầu tiên của quận Bình Thạnh vừa được công bố - Ảnh: ĐAN THUẦN
Logo riêng đầu tiên của quận Bình Thạnh vừa được công bố - Ảnh: ĐAN THUẦN

Logo của tác giả Lê Ngạt (phường 7, quận 3) được chọn làm logo của quận Bình Thạnh, thiết kế theo bố cục hình tròn, thể hiện sự bền vững trường tồn, đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cùng chung sức xây dựng và phát triển.

Logo có tính khái quát cao với hai chữ BT (viết tắt chữ Bình Thạnh) được cách điệu thành dáng cánh chim bay lên tầm cao mới kết nối giữa lịch sử (cổng tam quan lăng thờ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt) và hiện đại (các khu đô thị, các tòa nhà cao tầng...) với đường cong phía dưới biểu tượng dòng sông, kênh rạch bao quanh (sông Sài Gòn và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) tạo nên sự hài hòa, mềm mại.

Trung tâm logo là di tích kiến trúc nghệ thuật với cổng tam quan lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt - người có công lớn trong việc xây dựng, phát triển, ổn định và bảo vệ vùng đất phương Nam, trong đó có vùng Gia Định xưa và nay là quận Bình Thạnh.

Thị trường lao động cuối năm: Sôi động tuyển dụng việc làm thời vụ

Vietnamplus cho biết, mặc dù tuyển dụng lao động trong ngành sản xuất đã giảm mạnh so với mọi năm nhưng nhìn chung tại các thành phố lớn, nhu cầu tuyển lao động dịp cuối năm, cận Tết vẫn khá sôi động.

Phỏng vấn tuyển dụng lao động. (Ảnh minh hoạ; TTXVN)
Phỏng vấn tuyển dụng lao động. (Ảnh minh hoạ; TTXVN)

Trong tháng 12 và cận Tết, TPHCM cần 25.000 lao động, trong đó, khu vực thương mại dịch vụ chiếm 68%. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại Bình Dương là khoảng 9.000 lao động.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ của TP lên tới khoảng 17.000 người; lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tuyển dụng gần 8.000 người và tuyển dụng ít nhất là lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản...

Cùng với việc tuyển dụng lao động làm việc toàn thời gian, các doanh nghiệp tại TPHCM cũng có nhu cầu tuyển nhiều lao động chưa qua đào tạo làm việc bán thời gian phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp lễ, Tết.

Xoay xở thưởng tết trong khó khăn

Báo Phụ nữ TP cho hay, dù gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, chủ các doanh nghiệp vẫn cố gắng thưởng tết với mức bằng hoặc cao hơn năm ngoái.

Công ty TNHH May mặc Dony dự kiến thưởng tết cho công nhân khoảng 1 tháng lương, tương đương năm ngoái - Ảnh: T.H.X
Công ty TNHH May mặc Dony dự kiến thưởng tết cho công nhân khoảng 1 tháng lương, tương đương năm ngoái - Ảnh: T.H.X

Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam - cho biết, năm nay, mức thưởng năm cho người lao động của công ty khoảng 110% lương tháng, vẫn ổn định so với trước dịch COVID-19. Công ty mở thêm 2 chuyến xe có giường nằm về Thanh Hóa, Hà Nội, hỗ trợ 90% giá vé, công nhân chỉ đóng 10%. 

Ông Phạm Hải Long - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Nông sản xuất khẩu Sài Gòn (Agrex Sài Gòn) chia sẻ, dù có lỗ, các cổ đông vẫn nhất trí đảm bảo thưởng cuối năm cho người lao động với mức bằng 1 tháng lương trở lên, tức bằng hoặc cao hơn năm ngoái, đồng thời còn thưởng quà tương đương với 1/4 tháng lương. 

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (Agtex), Tổng giám đốc Công ty cổ phần may Sài Gòn 3 - nói, từ tháng 9 đến nay, tốc độ xuất khẩu giảm, có tháng chỉ bằng 48% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp đều chuẩn bị sẵn phần lợi nhuận tích lũy của các tháng đầu năm để chăm lo cho người lao động dịp cuối năm, đều thưởng tết từ 1-1,5 tháng lương. Riêng Cty CP may Sài Gòn 3 thưởng 1,5 tháng lương.

Sở GD-ĐT thí điểm mô hình lớp học ảo môn tin học, tiếng Anh

Thông tin với báo Thanh Niên, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, Sở đang triển khai các giải pháp giải quyết thực trạng thiếu giáo viên tin học, tiếng Anh, đặc biệt ở bậc tiểu học khi thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Lớp học ảo thí điểm tại Trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) khi trường thiếu giáo viên.
Lớp học ảo thí điểm tại Trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) khi trường thiếu giáo viên.

Theo đó, thời gian vừa qua, Sở GD-ĐT chọn và tổ chức thí điểm mô hình lớp học ảo môn tin học, tiếng Anh dành cho học sinh lớp 3 tại 2 trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) và tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi).

Lãnh đạo Sở cũng cho hay, việc chọn thí điểm tổ chức lớp học ảo ở 2 trường tại xã đảo, huyện ngoại thành xuất phát từ thực tế đây là 2 địa phương việc tuyển dụng giáo viên tin học, tiếng Anh rất khó khăn, đồng thời khả năng tiếp cận công nghệ, phương pháp mới không cao. Ngành giáo dục TP sẽ đánh giá hiệu quả về mô hình mới này trước khi tổ chức mở rộng.

TPHCM tôn vinh nghề hướng dẫn viên du lịch

Theo Pháp Luật TP, tối qua, vòng chung kết và trao giải Hội thi Hướng dẫn viên du lịch giỏi TP.HCM mở rộng năm 2022 diễn ra tại Nhà văn hóa thanh niên TPHCM. Hội thi do Sở Du lịch phối hợp cùng Thành Đoàn tổ chức, thu hút hơn 200 thí sinh của cả nước tham dự.

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa trao giải nhất cho các thí sinh. Ảnh: Vnanet.vn
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa trao giải nhất cho các thí sinh. Ảnh: Vnanet.vn

Hội thi diễn ra từ ngày 6/12 đến 22/12 với 3 vòng thi nhằm phát hiện và bồi dưỡng, tuyên dương những thanh niên xuất sắc trong lĩnh vực nghề hướng dẫn viên du lịch; khuyến khích, cổ vũ tinh thần học nghề, lập thân, lập nghiệp của thanh niên, góp phần tôn vinh nghề hướng dẫn du lịch.

Kết quả chung cuộc, thí sinh Nguyễn Hoàng Minh xuất sắc đoạt giải nhất hội thi ở bảng chuyên nghiệp dành cho hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ quốc tế - thẻ nội địa; thí sinh Hồ Viết Thắng giành giải nhất ở bảng tiềm năng dành cho sinh viên ngành du lịch đang học tại các cơ sở đào tạo du lịch.

Bên cạnh các vòng thi, Ban tổ chức còn tổ chức các hoạt động hưởng ứng hội thi như: Tọa đàm Hướng dẫn viên - Những điều chưa kể; Triển lãm các hoạt động về nghề Hướng dẫn viên du lịch.

Ẩm thực Việt tiêu biểu 2022 gọi tên cơm hến, chả mực Hạ Long, cơm lam gà nướng

Tin khác trên báo Tuổi Trẻ, vừa qua, lễ công bố "Hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam" đã diễn ra tại TPHCM, tiết lộ danh sách các món ẩm thực Việt tiêu biểu năm 2022.

Các đầu bếp Việt đang thực hiện món phở ở sự kiện - Ảnh: MINK
Các đầu bếp Việt đang thực hiện món phở ở sự kiện - Ảnh: MINK

Sau 6 tháng triển khai trên toàn quốc, đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024" do Hiệp hội Văn hóa và Ẩm thực Việt Nam (VCCA) tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực với 421 đề cử là các món ẩm thực đặc trưng được gửi về từ 60 tỉnh, thành.

Chương trình đã mời hơn 30 chuyên gia ẩm thực, văn hóa đến từ ba miền để "lọc" ra 165 món ăn vượt qua vòng sơ khảo. Ở vòng cuối cùng, hội đồng chuyên môn dưới sự cố vấn của giáo sư Lưu Duẩn (phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Khoa học và Công nghệ thực phẩm Việt Nam) đã bàn bạc để thống nhất danh sách 121 món ẩm thực Việt tiêu biểu cho năm 2022.

Trong danh sách có 47 món ăn đến từ miền Bắc, 37 món ăn miền Trung và 37 món ăn miền Nam, có thể kể đến các món bánh sắn, chả mực Hạ Long, bánh lọc Huế, cơm hến, mì Quảng, gỏi cá mai, cơm lam gà nướng, phở khô Gia Lai…

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục