Xuất khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm tăng 25,1%
Theo Vietnamplus, số liệu của Cục Thống kê TPHCM cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 2/2021 của doanh nghiệp TP tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 4,04 tỷ USD, tăng 2,5% so tháng 1. Lũy kế xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 8 tỷ USD, tăng 25,1% so cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 2 tháng đầu năm đạt 224,6 triệu USD, tăng 60,4% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu máy móc, thiết bị, linh kiện và phụ tùng 2 tháng đầu năm đạt 400 triệu USD, tăng 23%; kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,57 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu gạo đạt 135 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ.
Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp TPHCM với kim ngạch 2 tháng đầu năm 2021 đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ 2020, chiếm 23,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP. Tiếp đến là Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 1,2 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ, chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt giữ vị trí thứ ba và thứ tư.
TPHCM là địa phương có số đại biểu Quốc hội khóa XV nhiều nhất
Báo Người Lao Động cho hay, theo Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV là 500 đại biểu. Trong đó, thành phần đại biểu Quốc hội ở các cơ quan Trung ương là 207 đại biểu (41,4%) và đại biểu Quốc hội ở các địa phương là 293 đại biểu (58,6%).
Dự kiến, TPHCM sẽ có 15 đại biểu do Trung ương giới thiệu, 15 đại biểu do địa phương giới thiệu. Đây là địa phương có số lượng đại biểu Quốc hội nhiều nhất. Tiếp theo là Hà Nội, với 29 đại biểu gồm 15 đại biểu do địa phương giới thiệu và 14 đại biểu Trung ương giới thiệu.
Trên cả nước có 6 tỉnh được bầu 9 đại biểu, 7 tỉnh có 8 đại biểu, 17 tỉnh có 7 đại biểu và 27 tỉnh có 6 đại biểu. Riêng Thanh Hóa được bầu 14 đại biểu, Nghệ An, Đồng Nai, Bình Dương được bầu lần lượt 13, 12 và 11 đại biểu.
Người từ Hà Nội đến TPHCM không phải cách ly
Hà Nội đã qua 14 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Do đó, người dân từ Thủ đô đến TPHCM không thuộc diện cần giám sát y tế.
Đây là cập nhật mới nhất về phương án giám sát y tế, cách ly người đến từ những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC). Nội dung trên Zingnews.vn.
Hiện tại, TPHCM chỉ còn giám sát người đến từ 2 tỉnh là Hải Dương và Hải Phòng.
Nhằm chủ động ngăn chặn nguy cơ Covid-19 xâm nhập vào thành phố khi lượng lớn người đổ về đây làm việc, học tập sau Tết, TPHCM triển khai chiến lược xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên trong cộng đồng tại khu vực nguy cơ cao. Hơn 19.000 người đã được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Đến 15/3 phải hoàn thành cơ bản việc sắp xếp cơ quan ở TP.Thủ Đức
Báo Thanh Niên đưa tin, Văn phòng UBND TP vừa thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP.Thủ Đức.
Trong đó, ông Phong yêu cầu chậm nhất ngày 15/3, phải hoàn thành cơ bản việc sắp xếp các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội,... trong hệ thống chính trị của TP.Thủ Đức và các đơn vị thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.
Chủ tịch UBND TP cũng giao lãnh đạo TP.Thủ Đức khẩn trương hoàn thành các công tác còn dang dở để tổ chức bộ máy sớm ổn định hoạt động. Đồng thời, chủ động rà soát tổng thể, xây dựng phương án sắp xếp trụ sở các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị phù hợp và đúng quy định. Trên cơ sở đó, báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo 167 và UBND TP.HCM xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, lãnh đạo TP.Thủ Đức chủ động phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng cơ chế đặc thù tổng thể tạo động lực phát triển TP.Thủ Đức để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp UBND TP.Thủ Đức rà soát hệ thống công nghệ thông tin hiện tại, tham mưu đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý hành chính thống nhất trong cả hệ thống chính trị (đảng, đoàn thể, nhà nước,...), vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt vừa đảm bảo đáp ứng với yêu cầu xây dựng đô thị thông minh trong những năm tới.
Cuối 2021 hoàn trả mặt đường Lê Lợi sau hơn 4 năm rào kín làm metro
Thông tin từ báo Tuổi Trẻ, ngày 1/3, lãnh đạo Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết đến cuối năm 2021 sẽ hoàn trả mặt đường Lê Lợi (quận 1) sau hơn 4 năm rào kín để đào một nửa mặt đường này trong dự án xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành (quận 1) - Suối Tiên (quận 9) dài 19,7 km.
Có thể hoàn trả lại mặt đường vì đến nay gói thầu CP 1 a xây dựng nhà ga metro trung tâm Bến Thành (phía trước chợ Bến Thành) và đoạn metro đi ngầm từ nhà ga này đến nhà ga metro ngầm phía trước Nhà hát TP đã hoàn thành 84,7% khối lượng.
Theo kế hoạch, vào giữa tháng 3/2021 nhà thầu bắt đầu lấp đất mặt đường Lê Lợi đoạn 1 từ công viên Quách Thị Trang đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và sau đó sẽ tiếp tục lấp đất các đoạn còn lại từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Nhà hát TP. Sau khi lấp đất phía trên nóc hầm metro trên đường Lê Lợi sẽ là dãy đất trồng cây xanh, phần còn lại ở hai bên tái lập mặt đường nhựa cho xe lưu thông.
Việc tháo hàng rào và trả lại mặt đường Lê Lợi đồng nghĩa với việc trả lại không gian và cảnh quan đẹp để thu hút khách du lịch đến khu vực trung tâm TP.
Đồng thời, đây cũng là tin vui với những cư dân và doanh nghiệp làm ăn trên đường Lê Lợi vì trong suốt hơn 4 năm qua nhiều người đã ngừng kinh doanh trả lại mặt bằng hoặc kinh doanh sụt giảm do hàng rào bít kín trước mặt nhà không thuận tiện mua bán.
Quán nhậu bị phạt 8 triệu vì nhân viên không đeo khẩu trang
Trao đổi với PV báo Pháp Luật TP, ngày 1/3, đại diện UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức cho biết đã xử phạt 8 triệu đồng một quán nhậu tại đường số 23 do vi phạm về công tác phòng chống dịch Covid-19, khi để nhân viên không đeo khẩu trang và vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cũng theo UBND phường Hiệp Bình Chánh, tối 28/2, tổ liên ngành UBND phường đã kiểm tra các quán nhậu khác trên khu vực. Qua kiểm tra, nhiều nhân viên của quán không đeo khẩu trang khi tiếp khách nên đã bị tổ công tác lập biên bản xử phạt tổng cộng 10 triệu đồng.
Riêng trong hai ngày 27 và 28/2, hàng loạt nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn phường cũng bị xử phạt về các lỗi trên.
Học sinh thích thú với căn tin không tiền mặt phòng dịch Covid-19
Trong ngày trở lại trường (1/3), học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An thích thú với căn tin không tiền mặt để phòng Covid-19 vừa được nhà trường lắp đặt. Ghi nhận của báo Tuổi Trẻ.
Sau khi dùng thẻ điểm danh, thẻ này sẽ có thêm chức năng chọn thức ăn sáng với menu nhiều món. Điều này giúp các em học sinh chọn thức ăn, nước uống bất cứ lúc nào, không phải xếp hàng chờ đợi hay chen lấn khi mua hàng, nhất là trong tình hình dịch bệnh. Với cơ chế này, phụ huynh sẽ nộp tiền vào tài khoản thẻ cho con, hoặc nộp trước cho căn tin.
Ông Đỗ Minh Hoàng, giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên Chu Văn An, thông tin, để phòng ngừa Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, trường đã lập tức triển khai căn tin không tiền mặt trong ngày đầu trở lại học. Hình thức thanh toán bằng thẻ giúp phụ huynh quản lý được con, nhà trường, giáo viên theo dõi được học sinh và đặc biệt là giãn cách phòng chống dịch.
Cuối 2021, xe không chính chủ, không giấy tờ sẽ không được sang tên
Cũng trên báo Tuổi Trẻ, Phòng CSGT Công an TPHCM cho biết đến hết ngày 31/12/2021, mọi phương tiện bao gồm xe 2 bánh, xe 4 bánh không chính chủ, không giấy tờ sẽ không được hỗ trợ thực hiện thủ tục sang tên, cấp giấy sở hữu mới.
Chủ trương nêu trên được căn cứ theo Thông tư 58 quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của Bộ Công an ban hành ngày 16-6-2020.
Đây được xem là cơ hội cho nhiều người có sở hữu xe không chính chủ, mất giấy tờ nhưng đảm bảo nguồn gốc được thực hiện đăng ký, sang tên xe qua nhiều đời chủ mà thiếu hoặc mất giấy tờ chuyển quyền sở hữu cho đến cuối năm nay.
Người đang sử dụng xe qua nhiều đời chủ mà không có giấy tờ khi thực hiện thủ tục đăng ký, sang tên cần phải trực tiếp đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên; kê khai cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc xuất xứ của xe, quá trình mua bán, giao nhận xe và khai và nộp lệ phí trước bạ theo quy định.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2022 về sau, người dân sở hữu xe qua nhiều đời chủ nếu không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu thì không thể thực hiện thủ tục đăng ký, sang tên.
Kích cầu du lịch tại chỗ bằng sản phẩm độc đáo
VOV.VN cho hay, du lịch tại chỗ (staycation) đang là lựa chọn của nhiều người dân TP. Nắm bắt nhu cầu đó, nhiều doanh nghiệp du lịch đã đưa ra các chương trình khuyến mãi, kích cầu để thu hút người dân tham gia trải nghiệm các sản phẩm du lịch mà không cần đi xa.
Thông tin từ Công ty Saigontourist, trong quý 1 năm 2021 này, các khách sạn như Grand, Rex, Caravelle hay Sheraton Sài Gòn đều thực hiện chương trình khuyến mãi giảm giá phòng từ 30 - 55%. Cùng tham gia vào chiến lược kích cầu du lịch tại chỗ, các khu du lịch như Bình Quới, Suối Tiên, Đầm Sen, Vàm Sát ở Cần Giờ hay Một thoáng Việt Nam ở Củ Chi... đều có nhiều ưu đãi hấp dẫn, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí và trải nghiệm cho người dân TP.
Một sản phẩm du lịch nữa cũng nhận được sự hưởng ứng của người dân TP trong thời gian qua là tour du thuyền “ngắm hoàng hôn” và “ngắm cảnh đêm” trên sông Sài Gòn. Nếu như trước đây, các tour du thuyền này chủ yếu phục vụ khách nước ngoài và khách từ các địa phương khác thì năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp du lịch đã thiết kế tour với mức giá chỉ 100.000 đồng/khách bao gồm cả nước uống và đồ ăn nhẹ để thu hút nhiều người dân TP đến trải nghiệm.
Cũng giống như tour du thuyền trên sông, tour tham quan trung tâm thành phố bằng xe buýt 2 tầng của Công ty Ảnh Việt đã được giảm giá hơn 50%, từ 350.000 đồng xuống chỉ còn 150.000 đồng. Nhờ thế nhiều người dân TP, đặc biệt là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên đã có cơ hội được trải nghiệm. Đây là sản phẩm du lịch vừa được ra mắt vào đầu tháng 1/2020.
Có thể thấy các sản phẩm du lịch ở ngay tại TPHCM hoàn toàn có thể thu hút người dân địa phương. Mặc dù việc kích cầu du lịch tại chỗ này không thể bù đắp hoàn toàn lượng khách và nguồn thu như trước khi xảy ra đại dịch, nhưng trong bối cảnh hiện nay, chiến lược này vừa phù hợp với công tác phòng chống dịch bệnh, vừa giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động. Nếu tận dụng tốt thì đây còn là hình thức quảng bá hiệu quả, tạo đà cho sự bứt phá sau đại dịch của ngành công nghiệp không khói này.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (tổng hợp)