TPHCM bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho 8.000 người
Báo Pháp Luật TP thông tin, ngày 22/3, TPHCM bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho 8.000 nhân viên tham gia chống dịch.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC), đợt tiêm vaccine đầu tiên diễn ra từ 22/3 và hoàn thành trước 19/4, với mục tiêu 95% nhân viên tham gia chống dịch Covid-19 tại TP được tiêm và phải đảm bảo an toàn, hiệu quả khi sử dụng vaccine Covid-19.
Trước đó, trong 2 ngày 17 và 18/3, HCDC đã tổ chức 2 lớp tập huấn triển khai "Tiêm chủng vaccine phòng Covid-19" dành cho các đơn vị đủ điều kiện tiêm chủng gồm: 11 bệnh viện TP, 3 bệnh viện đa khoa khu vực, 20 bệnh viện quận huyện, trung tâm tiêm chủng VNVC, trung tâm y tế quận, huyện và phòng khám đa khoa, chuyên khoa.
Trong chiến dịch tiêm chủng lần này nhóm nhân viên y tế được ưu tiên gồm: Nhân viên trực tiếp chăm sóc người bệnh Covid-19; Nhân viên trực tiếp làm xét nghiệm SARS-CoV-2; Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19; Nhân viên điều tra dịch tễ, truy vết, giám sát, xử lý dịch; Nhân viên làm việc tại các khu cách ly tập trung; Nhân viên tham gia vào quá trình vận chuyển ca nghi nhiễm/ca bệnh; Nhân viên phụ trách bộ phận khai báo y tế.
Kiến nghị Phó Thủ tướng khẩn cấp gỡ vướng vốn Metro số 1
Ngày 22/3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản khẩn gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh về xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương cho dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên. Thông tin trên báo Tiền Phong.
Theo Chủ tịch UBND TP, tổng khối lượng thực hiện của toàn dự án tuyến metro số 1 đã đạt 82,5%. Tuy nhiên, cho đến nay, vướng mắc của việc xác định giá trị vốn ODA cấp phát còn lại vẫn chưa được tháo gỡ, mặc dù UBND TP đã nhiều lần có văn bản báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và đã làm việc với lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm giải quyết về những quan điểm khác biệt trong việc xác định giá trị còn lại theo tiền Yên và hay tiền Đồng.
Hiện nay, vướng mắc trong việc xác định giá trị vốn ODA cấp phát còn lại của dự án đã ảnh hưởng đến công tác giải ngân kế hoạch vốn. Năm 2020, dự án đã được phân bổ số vốn là 2.185 tỷ đồng nhưng đã không giải ngân được. Sang năm 2021, dự án được phân bổ số vốn là 2.484,293 tỷ đồng nhưng hiện nay vẫn chưa có cơ sở để giải ngân.
Nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý chặt chẽ trong việc bố trí vốn và giải ngân cho dự án,người đứng đầu chính quyền TP kiến nghị Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh xem xét, chấp thuận chủ trì một buổi làm việc với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tháo gỡ vướng mắc, giải quyết dứt điểm việc xác định giá trị vốn vay cấp phát từ ngân sách Trung ương còn lại.
Khởi tố vụ án “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”
Theo Vietnamplus, ngày 22/3, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Trần Anh Tài, Đổng Duy Trị và Trịnh Minh Hoàng để điều tra về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.” Các quyết định và lệnh đã được Viện Kiểm sát nhân dân TP phê chuẩn.
Trước đó, qua công tác nghiệp vụ và tin báo của quần chúng, Công an TP xác định đối tượng Trần Anh Tài (SN 1974, thường trú tại Quận 10) đã câu kết với Đổng Duy Trị (SN 1981, thường trú tại quận Gò Vấp) và Trịnh Minh Hoàng (SN 1987, thường trú tại tỉnh Cà Mau, chủ khách sạn Symphony) để đưa số người Trung Quốc về khách sạn Symphony lưu trú rồi tiếp tục đưa đi An Giang, sang Campuchia để thu lợi bất chính.
Ngày 6/3/2021, các lực lượng nghiệp vụ Công an TPHCM và Công an Quận 1 đã phát hiện, tạm giữ 35 người Trung Quốc tại khách sạn Symphony, đưa đi cách ly y tế tại huyện Củ Chi theo quy định. Quá trình đấu tranh, các đối tượng Trần Anh Tài, Đổng Duy Trị và Trịnh Minh Hoàng đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật như trên.
Quận 7 vận động nhân dân hiến đất mở rộng 10 tuyến hẻm
Báo SGGP đưa tin, ngày 22/3, UBND quận 7 tổ chức ngày hội toàn dân hiến đất mở rộng hẻm để chỉnh trang, phát triển đô thị bền vững với phương châm: quận đầu tư làm đường, phường đầu tư làm hẻm.
Trong năm 2021, quận 7 sẽ vận động mở rộng 10 hẻm, ưu tiên nâng cấp mở rộng các hẻm có chiều rộng nhỏ hơn 3m, đảm bảo chiều rộng hẻm sau khi nâng cấp mở rộng đạt tối thiểu 4m.
Nhằm thực hiện mục tiêu đề ra, UBND quận 7 kêu gọi phát huy mọi nguồn lực xã hội, sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Theo kế hoạch, các hẻm chính sau mở rộng sẽ có chiều rộng tối thiểu 4m. Đối với hẻm chính có chiều rộng hiện hữu, nhỏ hơn hoặc bằng 2m sẽ mở rộng lên tối thiểu 4m thì vận động nhân dân hiến và sử dụng 100% kinh phí nhà nước để thực hiện đầu tư xây dựng mở rộng hẻm chính.
Đối với hẻm chính có chiều rộng hiện hữu lớn hơn 2m sẽ mở rộng lên 4m thì vận động nhân dân hiến đất, vận động mọi nguồn lực xã hội trong nhân dân đóng góp kinh phí hỗ trợ vật kiến trúc cho hộ nghèo, gia đình chính sách. Riêng các hẻm nhánh, sẽ vận động nhân dân tham gia đóng góp 100% kinh phí đầu tư nâng cấp hẻm nhánh, kết nối với hẻm chính.
Bà Nguyễn Thị Nhung (ngụ 41/33 đường Chuyên Dùng 9, khu phố 3, phường Phú Mỹ) đại diện người dân hẻm 41 cho biết, hưởng ứng ngày hội vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm của quận, các hộ dân tại hẻm 41 rất đồng thuận ủng hộ. Đồng thời, các hộ dân cũng phấn khởi khi phường và quận sẽ hỗ trợ người dân hiến đất thực hiện thủ tục nhà đất như cấp giấy phép xây dựng, cấp số nhà, điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, di dời điện, nước.
Trên địa bàn quận 7, ngoài 226 tuyến đường hiện hữu đang quản lý theo phân cấp của thành phố còn có 1980 hẻm (gồm 414 hẻm chính và 1566 hẻm nhánh, hẻm cụt, lối đi chung). Trong đó, có 198 tuyến hẻm chính có bề rộng hiện hữu dưới 3m, cần được mở rộng để tăng khả năng đáp ứng giao thông, tạo thuận lợi đi lại cho người dân cũng như chỉnh trang đô thị.
Khởi tố nhóm cho vay nặng lãi qua mạng với lãi suất 810%/năm
Báo SGGP đưa tin, ngày 22/3, Công an quận Tân Phú cho hay, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Bỉnh Tuân (SN 1994) và Nguyễn Bá Điệp (SN 1998) về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Trước đó, sáng ngày 4/3, Công an quận Tân Phú đã tiến hành kiểm tra hành chính căn hộ tại chung cư trên đường Hoà Bình, quận Tân Phú. Tại đây, công an bắt giữ 7 người và thu giữ 51 bộ hồ sơ liên quan đến việc cho vay nặng lãi ở khắp các quận, huyện tại TP.
Theo điều tra, khoảng tháng 5/2020, Tuân từ Hà Nội vào TPHCM để hành nghề cho vay tiền với lãi suất cao. Tuân sử dụng mạng facebook “Homebank-Ngân hàng tại nhà” để tìm kiếm khách hàng.
Đến tháng 9/2020, Tuân rủ một số người khác hùn vốn để cho vay tiền với lãi suất cao. Khi có khách cần vay, Tuân, Điệp và một số người trong nhóm xác minh chỗ ở, giữ bản photo hoặc bản chính CMND, hộ khẩu và các giấy tờ khác của người vay. Sau khi xác minh xong, Tuân chuyển tiền vào tài khoản của người vay và thu tiền góp hằng ngày.
Bước đầu, Công an quận Tân Phú xác định nhóm Tuân và Điệp cho vay tiền với lãi suất từ 240% đến 810%/năm.
Nghề CTXH có vai trò quan trọng đối với sự phát triển, bình đẳng và tiến bộ của mỗi quốc gia
Một thông tin khác trên báo SGGP, chiều 22/3, Học viện Cán bộ TP tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) ở TPHCM trong bối cảnh hiện nay”.
Bàn về cơ hội việc làm của ngành CTXH, Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân, Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP khẳng định, nghề CTXH đã và đang có vai trò quan trọng đối với sự phát triển, bình đẳng và tiến bộ của mỗi quốc gia và nhân loại. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, đội ngũ người làm CTXH ở TP khá đông và mạnh nhưng sự liên kết, chia sẻ nghề nghiệp chưa có cơ sở để kết nối; trình độ chuyên môn của các nhân viên xã hội chuyên nghiệp chưa tiệm cận tốt với nhau; cần khắc phục tình trạng xem CTXH là công tác từ thiện.
Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân cũng cho rằng, nếu khắc phục được hạn chế trên, người làm CTXH sẽ nghiêm túc hơn với nghề nghiệp của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường lao động hiện nay.
Để đáp ứng được yêu cầu của ngành CTXH, theo Tiến sĩ Lê Thị Linh Trang, Trưởng khoa Khoa Đại cương (Học viện Cán bộ TP), sinh viên ngành này phải có kỹ năng thực hành về nghề trước khi ra trường. Tiến sĩ mong muốn các sinh viên ngành CTXH chủ động tìm kiếm các công việc bán thời gian liên quan đến nghề nghiệp tại các cơ sở xã hội để trau dồi kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho bản thân, qua đó sớm tiếp cận được công việc thực tiễn.
Hiện cả nước có gần 60 trường ĐH-CĐ, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo chuyên ngành CTXH; Bộ LĐTB-XH phối hợp với các trường đại học tổ chức và đào tạo cho gần 500 giảng viên dạy nghề CTXH cho các trường cao đẳng, trung cấp. Cả nước xây dựng được trên 425 cơ sở cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chăm sóc xã hội, gần 100 cơ sở cung cấp dịch vụ trong bệnh viện.
Ngày Đoàn viên với nhiều hoạt động ý nghĩa
Theo báo Công an TP, hưởng ứng Tháng thanh niên 2021 và hướng đến kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2021), các Đoàn cơ sở đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa.
Trong đó, vừa qua, tại Khu công nghiệp An Hạ (ấp 5, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh), Đoàn Thanh niên Công an TP phối hợp với Huyện đoàn Bình Chánh tổ chức Ngày đoàn viên – Ngày làm việc tốt năm 2021. Chương trình thu hút hơn 200 đoàn viên, thanh niên công nhân tham gia.
Tại đây, Đoàn Thanh niên Công an TP trao 20 phần quà (500.000 đồng/phần) cho đoàn viên, thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại khu công nghiệp An Hạ và các khu công nghiệp giáp ranh TPHCM, tỉnh Long An.
Ngoài ra, phối hợp với các đơn vị cơ sở đoàn trực thuộc Thành đoàn tặng phương tiện sinh kế cho thanh niên, gồm 1 xe nước mía trị giá 6 triệu đồng, 3 bộ máy vi tính (18 triệu đồng/bộ), heo giống trị giá 6 triệu đồng, 1 bộ dụng cụ sửa xe trị giá 6 triệu đồng, 1 máy may trị giá 6 triệu đồng.
Dịp này, Huyện đoàn Bình Chánh cũng tổ chức tặng 33 phần quà (1 triệu đồng/phần) cho các hộ gia đình thanh niên gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Đoàn Thanh niên CATP và Huyện đoàn Bình Chánh cũng trao thêm 120 lít dung dịch Anolyte và 3.000 khẩu trang vải cho Công ty Cổ phần cơ khí kỹ thuật cao Đại Dũng.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)