Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 24/10/2023

10:18 24/10/2023

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 24/10:

Sở GD-ĐT TPHCM bắt đầu xét tặng giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023

Báo Phụ Nữ TP đưa tin, ngày 23/10, Sở GD-ĐT TPHCM triển khai công tác xét tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023. Năm nay, ở mỗi cấp học, bậc học (từ mầm non đến THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, Trung tâm GDTX) sẽ có tối đa 10 giải thưởng được trao. Trong đó cán bộ quản lý, công chức không quá 2 người.

Sở GD-ĐT TPHCM bắt đầu xét tặng giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023
Sở GD-ĐT TPHCM bắt đầu xét tặng giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023

Sở GD-ĐT quy định, nhà giáo, cán bộ quản lý được đề cử xét tặng giải thưởng đáp ứng các tiêu chuẩn như: Có thời gian công tác trong ngành giáo dục tối thiểu 15 năm; gương mẫu trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế của ngành; có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề sư phạm; mẫu mực, tiêu biểu và có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục; Có uy tín trong tập thể, được đồng nghiệp tín nhiệm, người học kính trọng. Cá nhân được đề cử xét Giải thưởng phải có số phiếu tín nhiệm của công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị đạt từ 80% trở lên.

Với riêng cán bộ quản lý, để xét giải thưởng Võ Trường Toản cần phải đảm bảo thêm các tiêu chuẩn sau: Kết quả thực hiện nhiệm vụ của tập thể do cá nhân đó lãnh đạo, quản lý có 5 lần đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; Không để xảy ra tình trạng khiếu kiện chưa giải quyết hoặc khiếu kiện kéo dài.

Dự kiến lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 17/11/2023.

TPHCM miễn phí hạ tầng cảng biển đối với đường thủy nội địa Việt Nam – Campuchia

Báo SGGP cho hay, chiều 23/10, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến tuyên truyền Hiệp định Việt Nam - Campuchia về vận tải đường thủy và cập nhật các quy định, nội dung liên quan tại văn bản quy phạm pháp luật mới.

Nhiều cơ quan, doanh nghiệp tham dự hội nghị
Nhiều cơ quan, doanh nghiệp tham dự hội nghị

Theo đó, tuyến vận tải đường thủy Việt Nam - Campuchia qua 2 cửa khẩu Thường Phước - Kok Rohka và Vĩnh Xương – Caom Samnor không chỉ khơi thông vận tải khu vực ĐBSCL mà còn đóng vai trò quan trọng trong kết nối, gom hàng khu vực cảng biển phía Nam như cảng Sài Gòn, cụm cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép. Từ khi Hiệp định có hiệu lực đến nay đã có hơn 2,5 triệu TEU lượng hàng container thông qua tuyến; riêng năm 2022 đạt 417.696 TEU tăng 19,7% so với năm 2021. Trong quý I năm 2023, lượng hàng container thông qua tuyến chỉ đạt 77.341 TEU giảm khoảng 25% so với cùng kỳ 2022.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng ban hành mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn. Tháng 8/2022, hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng hóa quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất nhập khẩu ra vào cảng bằng các tuyến đường thuỷ theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy được miễn phí hạ tầng cảng biển. Hàng xuất, nhập khẩu vận tải bằng đường thuỷ được giảm 50% mức phí. Ngoài ra, mức phí hàng hóa xuất, nhập khẩu mở tờ khai tại TPHCM hay địa phương khác cũng được điều chỉnh cùng một mức thu.

Hơn 41.000 vé tàu Tết 2024 đã bán xong sau 3 ngày

Chiều 23/10, trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc phụ trách Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn - cho biết sau 3 ngày mở bán vé tàu Tết, số lượng vé được người dân thanh toán hoàn tất đã được 41.000 vé.

Người dân đến mua vé tàu Tết tại ga Sài Gòn - Ảnh: CHÂU TUẤN
Người dân đến mua vé tàu Tết tại ga Sài Gòn - Ảnh: CHÂU TUẤN

Tuy nhiên, vé tàu Tết 2024 vẫn còn nhiều ở các tuyến, các ngày, tổng cả số chỗ cung ứng dự kiến hơn 200.000 chỗ (theo cả hai chiều, thời gian từ 10 ngày trước Tết và 15 ngày sau Tết).

Ông Tuấn cho biết thêm ngành đường sắt đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ người dân như: giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội, công đoàn, người dân có thẻ khách hàng, giảm 3% giá vé cho các đoàn tàu xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 8/2/2024 (ngày 29 tháng chạp âm lịch) và đi từ 1.000km trở lên, giảm 5% giá vé lượt về cho người dân mua vé khứ hồi, đặc biệt sinh viên sẽ được giảm từ 10% đến 20% giá vé tùy theo ngày đi tàu.

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh TPHCM

Trên báo Thanh Niên, ngày 23/10, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM, thông tin về lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới của học sinh.

Học sinh TP.HCM năm nay sẽ nghỉ Tết Nguyên đán nhiều hơn năm trước
Học sinh TP.HCM năm nay sẽ nghỉ Tết Nguyên đán nhiều hơn năm trước

Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 quy định đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên do UBND TPHCM ban hành, thành phố quy định lịch nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh như sau:

Trẻ mầm non, học sinh phổ thông, nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 5/2/2024 (tức ngày 26 tháng chạp âm lịch) đến hết ngày 18/2/2024 (tức mùng 9 Tết Nguyên đán).

Căn cứ vào lịch nghỉ Tết Nguyên đán kể trên, tính cả các ngày nghỉ cuối tuần trước và sau thời gian quy định, học sinh TP được nghỉ tổng số 16 ngày.

TPHCM đề xuất 7 nhóm giải pháp để 'giữ chân' cán bộ

Báo Tiền Phong thông tin, UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ báo cáo tình hình thôi việc và tuyển dụng mới đối với công chức, viên chức thành phố.

Ảnh minh họa. 
Ảnh minh họa. 

Báo cáo nêu rõ, từ ngày 1/5 đến 30/9/2023, thành phố có 23 công chức nghỉ việc và 179 viên chức thôi việc. Cũng trong thời gian này, thành phố tuyển thêm 64 công chức và 781 viên chức.

Để kéo giảm tỷ lệ thôi việc, khuyến khích tinh thần nỗ lực, phấn đấu, gắn bó lâu dài của cán bộ, TPHCM đang nghiên cứu xây dựng đề án về chính sách, giải pháp tạo động lực và giữ chân cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong bộ máy chính quyền đô thị thành phố.

Theo đó, UBND TPHCM đề xuất 7 nhóm giải pháp, gồm: Tăng thu nhập; tạo cơ hội thăng tiến; giảm áp lực công việc; tạo động lực làm việc và khuyến khích, phát huy năng lực đổi mới, sáng tạo; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và bổ sung nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực trọng điểm; chính sách nhà ở và hỗ trợ tiếp cận nhà ở; nâng cao chất lượng văn hóa công sở, cải thiện môi trường công vụ.

Đề xuất thêm nhiều không gian ngầm ở TPHCM

Báo Pháp Luật TP cho biết, mới đây, liên danh tư vấn gồm Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, Viện Quy hoạch miền Nam, Công ty TNHH Không Gian Xanh và Công ty EnCity đã có báo cáo đầu kỳ về điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 gửi UBND TP.

Khu vực dưới Ga Sài Gòn được đề xuất làm không gian ngầm. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Khu vực dưới Ga Sài Gòn được đề xuất làm không gian ngầm. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Báo cáo đầu kỳ của liên danh tư vấn về chiến lược phát triển không gian ở các quận/huyện TP.HCM cho biết không gian ngầm chưa được khai thác trong các đồ án quy hoạch phân khu quận 3, 6. Tuy nhiên, với quỹ đất trung tâm hạn hẹp và bối cảnh hiện tại, liên danh tư vấn khuyến khích khai thác không gian ngầm cho các mục đích công cộng, hạ tầng bãi xe, hạ tầng kỹ thuật khác.

Cụ thể, liên danh tư vấn đề xuất một số vị trí tiềm năng có thể phát triển không gian ngầm ở quận 3 như khu vực nhà ga và Xí nghiệp Ga Sài Gòn, không gian ngầm dưới hồ Con Rùa, Công trường Quốc Tế. Ở quận 6 cũng có một số vị trí tiềm năng dưới công viên có thể khai thác không gian ngầm hoặc các dự án đầu tư xây mới trên trục đường Võ Văn Kiệt…

Giúp tiểu thương chợ truyền thống nhanh chóng chuyển đổi số

Báo Phụ nữ TP ghi nhận, thời gian qua, tại quận 12 (TPHCM), Hội LHPN và Phòng Kinh tế quận đã phối hợp với các chợ triển khai mô hình “Chợ 4.0” (thanh toán không dùng tiền mặt). Dù vẫn còn bỡ ngỡ nhưng đa phần tiểu thương và khách hàng đều ủng hộ cách làm này.

Tiểu thương chợ Ngã Ba Bầu được hỗ trợ in mã QR cho sạp hàng của mình
Tiểu thương chợ Ngã Ba Bầu được hỗ trợ in mã QR cho sạp hàng của mình

Trong buổi ra mắt “Chợ 4.0” tại chợ An Sương vào 21/9, ông Nguyễn Minh Chánh - Phó chủ tịch UBND quận 12 - cho biết, quận có 9 chợ truyền thống. Sau nhiều tháng, các đơn vị, nhất là hội phụ nữ, kiên trì vận động, cộng với sự đồng hành từ các ngân hàng, đến giữa tháng 8/2023, quận chọn chợ Tân Chánh Hiệp thí điểm mô hình, tiếp đó là các chợ Ngã Ba Bầu, Lạc Quang, Hiệp Thành… Chợ An Sương là chợ thứ sáu trên địa bàn áp dụng mô hình “Chợ 4.0” với 302/356 tiểu thương hưởng ứng.

Tại chợ Tân Chánh Hiệp, tính đến ngày 7/10 đã có 204/207 tiểu thương đặt bảng mã QR tại quầy để phục vụ thanh toán không tiền mặt. Bà Đỗ Thị Hồng Ánh - Quyền trưởng ban quản lý - thông tin, chợ đi vào hoạt động năm 2006 với 11 ngành hàng, 604 điểm kinh doanh. Từ khi dịch COVID-19 hoành hành, thanh toán điện tử dần trở nên phổ biến. Một số tiểu thương mở tài khoản và công khai trước quầy. Nhưng phải đến khi “Chợ 4.0” được áp dụng thì tiểu thương mới được tập huấn kỹ lưỡng.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục