Bộ đội đến hỗ trợ dân lúc giãn cách
Báo SGGP đưa tin, chiều 23/8, các đơn vị quân đội gồm Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng), Quân đoàn 4 và Trung đoàn Gia Định đã tăng cường lực lượng cán bộ, chiến sĩ tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch trên địa bàn quận 8.
Các chiến sĩ quân đội đã tham gia hỗ trợ phân phối, cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu tận nhà cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ có người F0 đang tự cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, tích cực tư vấn, khám chữa bệnh cho người dân và tham gia các chốt gác kiểm soát lưu lượng giao thông trên địa bàn quận.
Bà Trần Thanh Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 8 thông tin, qua thống kê, có hơn 61.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, họ lao động tự do, công nhân lao động, sinh viên, học sinh… có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với nguồn hàng từ Trung tâm An sinh TPHCM, quận cũng vận động các nguồn để hỗ trợ cho người dân.
Ban Chỉ huy quân sự quận chuyển tới người dân trong quận 400 suất quà. Quận liên tục có các đợt chăm lo tới người dân. Riêng đối với hơn 1.700 người F0, ngoài phần quà hỗ trợ, mỗi người cũng được nhận 1 gói thuốc (theo toa của Bộ Y tế) và các hỗ trợ khác.
Lực lượng chức năng bắt đầu đi chợ thay cho người dân
Theo ghi nhận của báo Người Lao Động, nhiều địa phương trong ngày 23/8, bắt đầu thông báo và tổ chức cho lực lượng chức năng đến từng nhà lấy phiếu đăng ký "đơn hàng", đi chợ thay, chọn hàng hóa, thực phẩm... rồi mang đến tận tay người dân
Sáng 23/8, UBND quận Bình Tân dán thông báo và lập các nhóm liên lạc từng phường để đăng ký đi chợ thay cho người dân. Người dân có nhu cầu mua thực phẩm đăng ký theo từng phường. Thời gian nhận đơn hàng đi chợ thay từ 6 giờ đến 16 giờ mỗi ngày.
Tại phường 10, quận 4, người dân bắt đầu nhận phiếu đi chợ thay. Sau khi người dân ghi thông tin, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường 10 cử cán bộ đến từng nhà lấy phiếu.
Bà Nguyễn Thanh Mai, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 10, là người liên hệ các siêu thị để lựa chọn đồ. Chừng 1 giờ, xe tải chở thực phẩm, trên xe có gạo, mì, rau muống, gia vị, thịt gà... được chở đến.
Không yêu cầu giấy đi đường đối với 3 nhóm đối tượng
Theo báo Pháp Luật TP, ngày 23/8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình đã ký văn bản số 2850 điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Theo đó, đối với 17 nhóm đối tượng được phép ra đường theo Công văn 2800 ngày 22-8, UBND TP điều chỉnh ba nhóm đối tượng được ưu tiên và không yêu cầu có giấy đi đường khi qua chốt. Cụ thể:
- Lực lượng cán bộ, nhân viên ngành y tế có thẻ ngành y tế hoặc giấy đi đường do Sở Y tế, Thủ trưởng các cơ sở y tế được thành lập theo quy định.
- Người dân đi tiêm vaccine có tin nhắn báo lịch tiêm hoặc giấy báo mời tiêm và kèm CMND/CCCD để trình cho chốt kiểm soát.
- Nhân viên hệ thống phân phối (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp lương thực thực phẩm) có thẻ nhân viên và giấy xác nhận công tác của đơn vị; chỉ áp dụng cho đến khi có giấy đi đường do Công an TP cấp.
Ngoài ra, TPHCM cũng bổ sung thêm hai nhóm đối tượng được ra đường. Gồm:
- Các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề nghiệp (mỗi trường 10 giấy); giao Sở LĐ-TB&XH tổng hợp danh sách và báo số lượng về Công an TP (mã 1A).
- Nhân viên giao hàng bằng phương tiện vận tải của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn thuộc các đơn vị, doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Nhóm này giao Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp tổng hợp danh sách và báo số lượng về công an TP (mã 12).
Đối với các phương tiện vận tải hàng hoá (bao gồm tài xế và phụ xế) đã được ngành GTVT cấp thẻ QR Code, sẽ không kiểm tra thẻ đi đường cá nhân.
Theo UBND TP, Công an TP là đơn vị in và ký cấp giấy cho toàn bộ các nhóm đối tượng trên. Công an TP cũng có thể uỷ quyền cho Phòng PC08, Công an địa phương các cấp ký.
Trong thời gian chờ đợi giấy đi đường của Công an TP thì các đối tượng này vẫn dùng giấy đi đường tại Công văn 2800 của UBND TP cho đến ngày 25/8.
Sở Y tế TPHCM giao Bệnh viện Nhi Đồng 1 mua túi thuốc điều trị F0 tại nhà
Báo Người Lao Động thông tin, căn cứ Công văn 2789 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM về việc tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng chống dịch, Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản khẩn gửi Bệnh viện Nhi Đồng 1, yêu cầu mua 100.000 túi thuốc để điều trị F0 cách ly tại nhà.
Sở Y tế TPHCM cho biết việc mua thuốc phục vụ điều trị người bệnh Covid-19 được áp dụng theo Luật Đấu thầu. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác. Sở Y tế TPHCM giao Bệnh viện Nhi Đồng 1 thực hiện việc mua sắm thuốc theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn.
Trước đó, Sở Y tế TP HCM đề xuất mua hơn 182.000 túi thuốc điều trị F0 cách ly tại nhà trị giá hơn 54 tỉ đống, mỗi túi trị giá trên 295.000 đồng.
Túi thuốc điều trị F0 cách ly tại nhà mà Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện Nhi Đồng 1 mua có 4 loại, dùng cho 7 ngày, gồm: Túi thuốc A là thuốc thông thường, 28 viên paracetamol (loại 500 mg), vitamin đa sinh tốt, vitamin C 14 viên; túi thuốc B gồm kháng đông, kháng viêm chỉ được dùng khi F0 có triệu chứng sớm của suy hô hấp và chưa liên hệ được nhân viên y tế để được hướng dẫn, hỗ trợ.
Công an TPHCM tiếp nhận lực lượng tăng cường phòng chống dịch của Bộ Công an
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, Cục Cảnh sát giao thông và Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động đã điều động lực lượng vào TPHCM hỗ trợ Phòng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 37 cán bộ, chiến sỹ của Cục Cảnh sát giao thông và 310 cán bộ, chiến sỹ của Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, 24 cán bộ chiến sỹ Cảnh sát hình sự. Lực lượng này phân bổ tại 12 chốt, trạm kiểm soát phương tiện cấp thành phố, được test nhanh Covid-19 trước khi thực hiện nhiệm vụ và định kỳ hằng tuần.
Lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát sẽ dừng người, phương tiện và hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ cán bộ các sở, ngành tại chốt kiểm soát trong suốt quá trình kiểm tra, xử lý y tế, điều tra dịch tễ đối với người, phương tiện, hàng hóa vận chuyển… có biểu hiện nghi vấn mang mầm dịch bệnh Covid-19 đang di chuyển qua chốt kiểm soát ở cả chiều vào và chiều ra khỏi thành phố. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, xử lý các hành vi chống đối, hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của lực lượng Công an.
Qua công tác kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, truy bắt chuyển cơ quan y tế xử lý các trường hợp có thông báo đã bỏ trốn khỏi khu cách ly tập trung khi các đối tượng này di chuyển đến chốt kiểm soát; kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm an toàn giao thông, xử lý đối tượng phạm tội hình sự, đối tượng vi phạm pháp luật khác khi di chuyển qua chốt kiểm soát.
Zing news đưa tin, ngày 23/8, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) tổ chức lễ xuất quân đưa 1.096 cán bộ, học viên vào làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Sau khi vào tới nơi, đoàn sẽ triển khai thành 451 tổ quân y cơ động, tại trạm y tế xã, phường, thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch, Bộ Quốc phòng tại khu vực phía Nam.
Mỗi cá nhân mang đầy đủ quân tư trang kèm theo và trang bị lần đầu một số vật tư y tế, gồm quần áo phòng dịch, khẩu trang y tế, kính chắn giọt bắn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, họ sẽ được tiếp tục bổ sung trang bị cần thiết.
Các chiến sĩ sẽ nhận nhiệm vụ tại xã, phường trên địa bàn TPHCM, thực hiện cùng ăn, cùng ở với người dân để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Trọng tâm nhiệm vụ lần này là lấy mẫu xét nghiệm; tiêm vaccine; quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; quản lý chăm sóc các trường hợp F0 cách ly, điều trị tại gia đình, phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện nhiệm vụ khác khi được giao.
Lực lượng Học viện Quân y trên đường ra sân bay vào TP.HCM chống dịch.
Nông sản giá rẻ cung ứng cho TPHCM lên đến 1.500 tấn mỗi tuần
Báo Chính Phủ cho hay, theo thống kê của Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT phía nam (Tổ 970), đến ngày 20/8 đã có 1.218 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với tổ công tác. Các đầu mối cung cấp hàng hóa rất đa dạng gồm: Hợp tác xã (chiếm 31,3%); tổ hợp tác, hộ gia đình và trang trại (36,7%); doanh nghiệp (19%); cơ sở kinh doanh nhỏ (8,3%), ban quản lý chợ (0,7%) và 47 đơn vị khác (4%).
Combo 5 loại nông sản tại TPHCM đang có rất đông người tiêu dùng đặt mua - Ảnh Báo Thanh niên
Tổ 970 đang thí điểm gói 10 kg/túi nông sản nhằm giúp người tiêu dùng tại các khu cách ly, khu nhà trọ công nhân tiếp cận được nông sản tươi giá rẻ bình quân 10.000 đồng/kg. Chương trình thí điểm được nhiều tỉnh, thành phố tham gia nhằm giúp nông dân tiêu thụ được nông sản đang ùn ứ.
Tổ 970 cho biết, theo số liệu đăng ký từ các tỉnh, khả năng cung cấp về TPHCM hiện nay là 80.000 túi nông sản/tuần (tương đương 800 tấn/tuần). Tuy nhiên, nếu có hỗ trợ vận chuyển thì khả năng cấp của 1.200 đầu mối theo hình thức 10 kg/túi có khả năng lên 120.000 đến 150.000 túi/tuần (tương đương 1.200 đến 1.500 tấn nông sản/tuần).
Theo cân đối của ngành NN&PTNT việc cung ứng thực phẩm thiết yếu cho các địa phương thực hiện nghiêm giãn cách thời gian tới là TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương tập trung vào 3 nhóm sản phẩm: Gạo; rau, củ, quả và thịt.
Đối với TPHCM, tổng nhu cầu về gạo là 59.400 tấn/tháng, về rau là 126.000 tấn/tháng, về thịt là 48.000 tấn/tháng.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (tổng hợp)