Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 25/2/2021

09:38 25/02/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 25/2:

Tất bật chuẩn bị đón học sinh trở lại trường

Ngay sau khi UBND TP có quyết định cho phép học sinh trở lại trường từ ngày 1/3, nhiều trường học ở TPHCM đã lên kế hoạch chuẩn bị mở cửa đón học sinh trở lại trường. Ghi nhận trên báo Tiền Phong.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, quận 10 cho biết, nhà trường đã sẵn sàng và đảm bảo tốt các điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 để đón các em. Ông Phú cho hay, trường THPT Nguyễn Du theo mô hình tiên tiến nên diện tích đủ rộng để thực hiện giãn cách học sinh tối thiểu 1,8 m. Các điều kiện khác của trường như đo thân nhiệt, bồn rửa tay đều đảm bảo quy định của TP.

Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 phun thuốc khử trùng trường lớp
Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 phun thuốc khử trùng trường lớp

Tại Trường THPT Gò Vấp, “Để đón học sinh quay trở lại, nhà trường tổ chức vệ sinh lại lớp học, bàn ghế. Bên cạnh đó yêu cầu học sinh, giáo viên tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế cũng như các tiêu chí an toàn trường học của ngành giáo dục TP”, ông Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng trường thông tin.

Tương tự, nhiều trường học khác trên địa bàn TP cũng trong trạng thái sẵn sàng đón học sinh trở lại trường vào đầu tháng 3.

Trong khi đó, khối trường tư thục lại có kế hoạch riêng cho việc đón học sinh do đa phần là học sinh nội trú.

Cụ thể, trường THCS- THPT Trí Đức, quận Tân Phú sẽ cho học sinh học online đến hết ngày 27/2 và trở lại trường vào ngày 1/3. Trường này cũng phân học sinh thành hai nhóm đối tượng để đón gồm: Nhóm học sinh nội trú (có mặt ở trường trước 19h00 ngày 28/2 để nhập học) và nhóm  học sinh bán trú- hai buổi (có mặt tại trường trước 7h00 ngày 1/3).

Trường THPT Thành Nhân cũng chia nhóm học sinh theo khối lớp để đón các em trở lại trường nhằm đảm bảo an toàn, giãn cách trong phòng, chống dịch bệnh. Thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học sinh nội trú của trường sẽ nhập học vào ngày 1/3 theo các khung giờ sau: Khối 10 nhập học từ 13h30- 15h00; Khối 11 nhập học từ 15h00- 16h30 và khối 12 nhập học từ 16h30- 18h00. Học sinh sẽ học chính thức từ ngày 2/3 (muộn hơn 1 ngày so với nhiều trường khác).

Ngoài ra, để đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả, ông Độ cho biết thêm, nhà trường yêu cầu  tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh phải thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế theo đúng quy định trước ngày nhập học. Mọi khai báo không trung thực, cá nhân khai báo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật…

Nhiều trường đại học tiếp tục duy trì học trực tuyến 

Chiều 24/2, sau khi UBND TP có quyết định cho phép các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP cho sinh viên, học sinh đi học trở lại từ ngày 1/3, nhiều trường ĐH-CĐ tại TPHCM cũng đã ra thông báo về kế hoạch tập trung trở lại cho sinh viên từ ngày 1/3 như Trường ĐH Y dược TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Tài chính – Marketing, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng…. Thông tin từ báo Pháp Luật TP .

Bên cạnh đó, không ít trường tiếp tục dừng học tập trung thêm 1- 2 tuần và duy trì học trực tuyến cho giảng viên, sinh viên.

Cụ thể, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TPHCM) thông báo đến toàn bộ viên chức, người lao động, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh toàn trường về việc tiếp tục duy trì hình thức giảng dạy trực tuyến theo lịch đã đăng kí từ ngày 1/3 đến ngày 7/3. Từ ngày 8/3, toàn bộ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh quay trở lại học tập trung tại trường.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tương tự, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Quốc Tế (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng quyết định  tiếp tục quyết định cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh được học trực tuyến đến hết ngày 7/3 và học tập trung trở lại từ ngày 8/3.

Riêng Trường ĐH Luật TPHCM cho sinh viên, giảng viên dạy và học trực tuyến đến hết ngày 14/3 thông qua Cổng đào tạo trực tuyến của trường. Sau ngày 14/3, việc quyết định cho sinh viên tiếp tục học trực tuyến hay trở lại tại trường sẽ được nhà trường thông báo trước ít nhất 5 ngày.

82 mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tại các quán nhậu, 32 đã âm tính

Tin từ báo Tuổi Trẻ, bà Thái Thị Hồng Nga - Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh cho biết, trong 2 ngày triển khai lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại các quán nhậu, quận Bình Thạnh đã thu được tổng cộng 82 mẫu ngẫu nhiên từ thực khách và toàn bộ nhân viên có mặt tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Trong đó, 32 mẫu đã có kết quả âm tính. Dự kiến 50 mẫu còn lại sẽ có kết quả vào hôm nay.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại một quán nhậu ở P.11, quận Bình Thạnh. Ảnh: Đan Tuấn
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tại một quán nhậu ở P.11, quận Bình Thạnh. Ảnh: Đan Tuấn

Theo kế hoạch, việc lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tại các quán nhậu sẽ được thực hiện lần lượt khắp 20 phường trên địa bàn Q.Bình Thạnh đến hết tháng 3.

Lực lượng chức năng sẽ chọn ngẫu nhiên một số quán nhậu để kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch COVID-19 cũng như lấy mẫu xét nghiệm nhân viên, thực khách có mặt tại quán.

Lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 các tiểu thương chợ Bến Thành

Báo Thanh Niên đưa tin, chiều 24/2, Trung tâm Y tế quận 1 tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19 ngẫu nhiên cho tiểu thương chợ Bến Thành (P.Bến Nghé, quận 1).

Từ đầu giờ chiều, các tiểu thương được thông báo lấy mẫu tập trung về khu vực hội trường ban quản lý chợ. Nhân viên y tế chia thành 2 nhóm ở 2 phòng khác nhau để rút ngắn thời gian lấy mẫu.

Các tiểu thương ngồi dọc theo hàng ghế xếp sẵn, mỗi ghế cách nhau 1 mét, ai nấy đều đeo khẩu trang. Mỗi tiểu thương sau khi khai báo thông tin cá nhân như họ tên, số sạp, địa chỉ và số điện thoại liên lạc, rồi bước qua vị trí lấy mẫu, tổng cộng thời gian chưa tới 5 phút.

Đại diện Ban quản lý (BQL) chợ Bến Thành, cho biết BQL chọn các tiểu thương thường xuyên kinh doanh ở chợ, buôn bán các mặt hàng tiếp xúc nhiều với khách như thực phẩm tươi sống, thức ăn tại chỗ, rau củ, hoa…Toàn chợ có khoảng 900 tiểu thương, nhưng chỉ lấy 100 mẫu ngẫu nhiên.

Tiểu thương chợ Bến Thành khai báo thông tin cá nhân trước khi lấy mẫu. Ảnh: Sỹ Đồng
Tiểu thương chợ Bến Thành khai báo thông tin cá nhân trước khi lấy mẫu. Ảnh: Sỹ Đồng
Tiểu thương được xịt khuẩn bàn tay trước khi vào lấy mẫu. Ảnh: Nhật Linh
Tiểu thương được xịt khuẩn bàn tay trước khi vào lấy mẫu. Ảnh: Nhật Linh

“Khi thông báo lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19, bà con tiểu thương rất hào hứng vì có kết quả rồi sẽ yên tâm hơn. Mọi người chung tay hợp tác với ngành y tế để sớm kiểm soát dịch bệnh, chợ tấp nập trở lại”, đại diện BQL chợ Bến Thành chia sẻ.

Sắp tới, quận 1 sẽ mở rộng lấy mẫu tầm soát Covid-19 cho đối tượng là nhân viên và khách của một số cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn.

Người dân gấp rút đóng tiền sử dụng đất trước khi áp dụng Nghị định mới

Đến hết ngày 28/2, người dân còn nợ tiền sử dụng đất (TSDĐ) đến hạn sẽ phải thanh toán theo Nghị định 79/2019 của Chính phủ. Tại TPHCM, những ngày trước và sau Tết Nguyên đán, người dân bắt đầu ồ ạt đi làm thủ tục trả nợ TSDĐ để tránh trường hợp phải đóng theo giá mới.

Ghi nhận của PV báo Pháp Luật TP tại Chi cục Thuế quận Gò Vấp, quận 12 và huyện Hóc Môn vào chiều 24/2, lượng người dân đến làm thủ tục thanh toán tiền nợ thuế tăng nhiều so với bình thường.

1 giờ 30 chiều 24/2, đã có nhiều người dân đến Chi cục Thuế quận Gò Vấp để làm thủ tục trả nợ TSDĐ. Bà Lê Thị Duyên (ngụ đường Cộng Hòa, quận Tân Bình) vừa làm xong thủ tục để thanh toán khoản nợ cho căn nhà của vợ chồng bà tại đường Phạm Văn Bạch, phường 12, quận Gò Vấp.

Người dân đến Chi cục Thuế quận Gò Vấp làm thủ tục thanh toán tiền sử dụng đất. Ảnh: VIỆT HOA
Người dân đến Chi cục Thuế quận Gò Vấp làm thủ tục thanh toán tiền sử dụng đất. Ảnh: VIỆT HOA

Tương tự, ông Phạm Thanh Minh làm thủ tục ghi nợ vào năm 2014 cho căn nhà 23 m2 tại đường Huỳnh Văn Nghệ, quận Gò Vấp. Về việc sắp hết thời hạn thanh toán tiền nợ thuế theo giá cũ, ông Minh cũng chia sẻ: “Chi cục Thuế quận Gò Vấp làm việc rất chuyên nghiệp, chỉn chu và hỗ trợ người dân rất nhiều nên tôi không bị động với thời hạn trả nợ thuế đất”.

Theo các chi cục thuế, thời gian trước và sau tết, hồ sơ thanh toán nợ thuế tăng lên gấp 4-5 lần so với bình thường. Các chi cục thuế đều ưu tiên giải quyết cho các hồ sơ trả nợ TSDĐ để người dân hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Theo Nghị định 79/2019 (thay thế Nghị định 45/2014), hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ TSDĐ trước ngày 1/3/2016 thì tiếp tục thanh toán TSDĐ còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận đến hết ngày 28/2/2021.

Kể từ ngày 1/3/2021 trở về sau, các hộ gia đình, cá nhân này sẽ phải thanh toán số TSDĐ còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.

Đối với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ TSDĐ từ ngày 1/3/2016 đến trước ngày Nghị định 79 có hiệu lực thì tiếp tục thanh toán TSDĐ còn nợ theo số tiền ghi trên giấy chứng nhận theo quy định tại Nghị định 45 trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ghi nợ. Nếu quá thời hạn này, hộ gia đình, cá nhân phải thanh toán số tiền còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.

Khuyến khích người dân nộp phạt vi phạm giao thông trực tuyến

Theo báo Người Lao Động, thực hiện chỉ đạo của UBND TP về tăng cường sử dụng các kênh giao tiếp trên mạng, hình thức trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế tối đa tiếp xúc đông người, Phòng CSGT Đường bộ- Đường sắt, Công an TPHCM, thông báo người dân hạn chế các giao dịch trực tiếp liên quan đến lĩnh vực hành chính về giao thông.

Theo đó, đối với đăng ký xe và nộp phạt vi phạm hành chính, Phòng CSGT Đường bộ- Đường sắt khuyến khích người dân, tổ chức doanh nghiệp thực hiện giao dịch trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia theo địa chỉ http://dichvucong.gov.vn. Thông tin về dịch vụ công trực tuyến và các hướng dẫn cụ thể, người dân có thể tìm đọc tại Trang thông tin điện tử của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt.

Phòng CSGT Đường bộ- Đường sắt cho biết trong thời điểm này, việc làm trên ngoài giúp phòng, chống dịch bệnh lây lan mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch, tiết kiệm được thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Giao diện Cổng dịch vụ công quốc gia
Giao diện Cổng dịch vụ công quốc gia

Từ ngày 1/7/2020, thông qua địa chỉ Cổng dịch vụ công quốc gia, Bộ Công an đã chính thức cung cấp 2 dịch vụ công gồm: Nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đăng ký xe có chứng từ nộp lệ phí trước bạ điện tử trên phạm vi toàn quốc.

Đề xuất lộ trình điều chỉnh tổ chức giao thông đối với xe 3 - 4 bánh thô sơ

Thông tin khác trên báo Tiền Phong, ngày 24/2, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP đã có tờ trình gửi UBND TP về phương án điều chỉnh tổ chức giao thông đối với xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 4 bánh lưu thông trên địa bàn.

Theo đó, Sở GTVT đề xuất trong giai đoạn 2021 - 2022, TPHCM sẽ cấm các loại xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh lưu thông trong khu vực trung tâm và một số tuyến đường ngoài khu vực trung tâm.

Khu vực trung tâm TPHCM được xác định là trên và bên trong phạm vi các tuyến đường Hai Bà Trưng - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thị Nghĩa - Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng.

Các loại xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh còn bị cấm lưu thông trong khu vực nội đô TP trong thời gian từ 5 giờ đến 13 giờ và từ 16 giờ đến 22 giờ.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 25/2/2021 - Ảnh 1

Bên cạnh đó, các loại xe nói trên cũng sẽ bị cấm lưu thông thời gian từ 6 giờ đến 8 giờ và từ 16 giờ đến 19 giờ trên các tuyến đường, đoạn đường, gồm: Xa lộ Hà Nội (đoạn từ nút giao Quốc lộ 1 - Xa lộ Hà Nội đến nút giao thông Cát Lái); Quốc lộ 1; Quốc lộ 1K (đoạn từ Quốc lộ 1 đến ranh tỉnh Bình Dương); Quốc lộ 13 (đoạn từ Quốc lộ 1 đến ranh tỉnh Bình Dương); Quốc lộ 22 (đoạn từ Quốc lộ 1 đến ranh tỉnh Tây Ninh); Quốc lộ 50 (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến ranh tỉnh Long An); đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao Khu A Nam Sài Gòn đến Quốc lộ 1); đường Nguyễn Lương Bằng (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến Phạm Hữu Lầu).

Trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025, thời gian hạn chế lưu thông vào khu vực nội đô TP và một số tuyến đường, đoạn đường đối với các loại xe nói trên sẽ được điều chỉnh khung thời gian cấm dài hơn (từ 5 giờ đến 22 giờ). Dự kiến sau năm 2025, xe cơ giới 3 bánh và xe 3-4 bánh thô sơ sẽ chấm dứt hoạt động trên địa bàn TPHCM.

Xe 3-4 bánh thô sơ sẽ chấm dứt hoạt động trên địa bàn TPHCM sau năm 2025
Xe 3-4 bánh thô sơ sẽ chấm dứt hoạt động trên địa bàn TPHCM sau năm 2025

Lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ

Theo Vietnamplus, thực hiện quy hoạch phát triển đô thị, UBND TPHCM vừa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 một số phân khu thuộc dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.

Cụ thể, phân khu B có quy mô 586,88ha, chức năng là khu ở, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công trình dịch vụ, công cộng đô thị, khu cây xanh đô thị và khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật. Quy mô dân số dự kiến khoảng 71.300 người.

Phân khu C có quy mô 303,47ha, tính chất là trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại dịch vụ, văn phòng bến cảng, nghỉ dưỡng cao cấp, khu đô thị hiện đại gồm nhà ở liên kế, biệt thự, nhà cao tầng. Quy mô dân số dự kiến khoảng 26.300 người.

Phân khu D, phân khu E, có quy mô 2.870,9ha với tính chất là trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị hiện đại gồm các khu nhà ở liên kế, biệt thự. Dự báo quy mô dân số tại 2 phân khu này khoảng 66.000 người.

Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Ảnh: NLĐO
Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Ảnh: NLĐO

Trong quá trình thực hiện quy hoạch, UBND TP yêu cầu tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan các phân khu phải tôn trọng, phát huy tốt nhất các giá trị thiên nhiên sẵn có, phát huy chức năng du lịch sinh thái biển theo nét đặc thù là khu đô thị du lịch sinh thái biển lớn nhất Việt Nam, đồng thời tiếp cận không gian cảnh quan ven biển phía Đông Nam và ven biển hồ trung tâm, kiểm soát mức độ bêtông hóa.

Vân Anh - Thanh Nga - Ngọc Huyền (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục