Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 25/3/2020

10:27 25/03/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 25/3/2020

Nếu bỏ lỡ thời cơ vàng là có lỗi với lịch sử

Báo Pháp Luật TP đưa tin: Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, cho rằng TP và cả nước có hai tuần để quyết định thành bại cuộc chiến chống “giặc” COVID-19. “Nếu bỏ lỡ thời cơ vàng này là không thể làm lại và có lỗi với lịch sử”.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP/ Ảnh: Trung tâm Báo chí TP
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh TP/ Ảnh: Trung tâm Báo chí TP

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, hai tuần này phải giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Trong hai tuần tới, những việc nếu chưa thật cần thiết thì hoãn lại, hãy ở nhà giữ cho mình an toàn. Bí thư Thành ủy cho rằng cần phải bàn kỹ để làm sao giảm người dân ra khỏi nhà một cách tự giác. Phải xem đây như thời chiến, là cuộc chiến chống dịch.

Trưng dụng thêm hai ký túc xá làm nơi cách ly dịch COVID-19

Khoảng 2.000 chỗ tại hai ký túc xá (KTX) Học viện Hành chính quốc gia và Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.Hồ Chí Minh sẽ được Thành phố xem xét trưng dụng làm nơi cách ly người dân trong thời gian tới.

Thông tin trên được ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết trong cuộc họp về tình hình diễn biến dịch COVID-19 tại TP chiều tối 24/3, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

KTX ĐHQG TP.HCM là khu cách ly có quy mô lớn nhất hiện nay - Ảnh: LÊ PHAN
KTX ĐHQG TP.HCM là khu cách ly có quy mô lớn nhất hiện nay - Ảnh: LÊ PHAN

Hiện nay KTX Học viện Hành chính quốc gia (Q.9) có khoảng 300 phòng đơn và 600 phòng đôi. KTX của trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.Hồ Chí Minh (huyện Hóc Môn) có khoảng 1.000 giường. Hai KTX này sẽ được trưng dụng làm nơi cách ly người từ vùng dịch về hoặc có tiếp xúc với các ca nhiễm.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, giám đốc Sở Y tế, cho biết các KTX trước khi tiếp nhận người cách ly phải hoàn tất việc chuyển sinh viên, học sinh đang lưu trú ra ngoài để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Hiện nay khu cách ly tập trung lớn nhất tại TP.Hồ Chí Minh là tại KTX ĐHQG TP.Hồ Chí Minh với 20.000 giường. Cụm KTX này gồm 2 khu (A-B) với 47 tòa nhà ở khu đô thị ĐHQG TP.HCM (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM và TP Dĩ An, Bình Dương).

Bộ GTVT không đồng ý đề xuất giảm phí BOT

Thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng: ngày 24/3, Bộ GTVT đã có ý kiến trả lời Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh và Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội về đề xuất giảm phí BOT 3%-5% đối với các phương tiện chở hàng từ 5 tấn trở lên và các phương tiện chở khách từ 16 chỗ trở lên để giảm chi phí vận tải trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo Bộ GTVT, chi phí của các phương tiện vận tải qua trạm thu phí BOT là mức giá được tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án. Thời gian qua, các doanh nghiệp BOT đã gặp nhiều khó khăn do phải giảm phí cho một số loại phương tiện và chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng dự án. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, lượng xe tiếp tục giảm dẫn đến doanh thu các trạm BOT càng thấp. 

Trong khi đó, các ngân hàng đang yêu cầu doanh nghiệp BOT huy động vốn bổ sung cho phần doanh thu thiếu hụt để tránh nguy cơ phải tái cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ. Do đó, Bộ GTVT đề nghị các doanh nghiệp vận tải chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp BOT.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giảm các loại phí do Nhà nước quản lý để giảm chi phí vận tải, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong và sau dịch Covid-19.

Tạm dừng đôi tàu khách Thống nhất SE9/10 từ ngày 26/3

Cũng trên báo Sài Gòn Giải Phóng: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành đường sắt tạm dừng chạy đôi tàu Thống Nhất SE9/SE10 từ ngày 26-3 ở cả hai đầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Đây là đôi tàu chạy thường xuyên hàng ngày, chạy suốt Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại.
Đây là đôi tàu chạy thường xuyên hàng ngày, chạy suốt Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại.

Thời gian tạm dừng chạy đôi tàu này dự kiến đến ngày 28/4. Hành khách có vé đi trên các đôi tàu SE9/SE10 những ngày tạm dừng sẽ được trả vé không thu phí hoặc đổi vé sang các đoàn tàu khác.

Như vậy, hiện trên tuyến đường sắt Bắc - Nam chỉ còn 4 đôi tàu khách Thống nhất chạy suốt gồm: SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8.

Do dừng chạy tàu SE9/10, từ ngày 25/3, ngành đường sắt điều chỉnh giờ tàu SE1 tại các ga Hà Nội, Phủ Lý, Nam Định và dừng đón khách tại Ninh Bình để tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu đi tàu tại các địa phương này. Các ga từ Thanh Hóa đến TP. Hồ Chí Minh không thay đổi giờ dừng đỗ, tàu về đến ga TP. Hồ Chí Minh lúc 5 giờ 45.

Hàng quán đồng loạt tạm đóng cửa để phòng dịch

Chiều muộn 24/3, nhiều hàng quán, khu vui chơi, đường sách… đã tạm thời đóng cửa nhằm chấp hành quy định của UBND TP về việc các khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ 30 người trở lên), cơ sở làm đẹp, hớt tóc... trên địa bàn TP phải đóng cửa đến hết tháng 3 để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác chống dịch Covid-19.

Ngay trước giờ “G”, Tuổi Trẻ Online đã ghi nhận tình hình chấp hành “lệnh” của UBND TP.Hồ Chí Minh tại nhiều địa điểm khắp Thành phố.

Đường sách Nguyễn Văn Bình đóng cửa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đường sách Nguyễn Văn Bình đóng cửa - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đến 18g, tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, toàn bộ các gian hàng đã "cửa đóng then cài", đèn điện đã tắt và chỉ còn một số ít nhân viên đang dọn dẹp và lực lượng bảo vệ trông coi đường sách.

Còn tại Trung tâm thương mại Vincom (Q.1), một số nhà hàng trong trung tâm này đã chủ động thu dọn hàng quán, chuẩn bị đóng cửa khi chính thức có văn bản.

Nhân viên một quán ăn trong trung tâm thương mại Vincom đóng gói đồ đạc chuẩn bị tạm thời đóng cửa - Ảnh: Quang Định
Nhân viên một quán ăn trong trung tâm thương mại Vincom đóng gói đồ đạc chuẩn bị tạm thời đóng cửa - Ảnh: Quang Định

Ông Ngô Minh Vũ, quản lý nhà hàng Hachiban Ramen, cho biết từ khi có dịch đến nay, số lượng nhân viên phải cắt giảm đến 2/3, chỉ còn duy trì những nhân viên làm toàn thời gian. Song khi có văn bản mới này, nhà hàng buộc phải chấp hành và các nhân viên tạm nghỉ không lương.

"Khó khăn lắm, vì chống dịch, vì sức khỏe thì ai cũng phải chấp hành thôi nhưng thương nhất là những người lao động, giờ không biết xoay xở thế nào trong mấy ngày tới", ông Vũ nói.

Tiệm cắt tóc 30Shine (Q.Phú Nhuận) phục vụ những vị khách cuối cùng trước khi tạm đóng cửa - Ảnh: BÔNG MAI
Tiệm cắt tóc 30Shine (Q.Phú Nhuận) phục vụ những vị khách cuối cùng trước khi tạm đóng cửa - Ảnh: BÔNG MAI

Ở tiệm làm tóc 30Shine trên đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận), khung cảnh tất bật, vội vã ùa đến. Chị Vân Anh (quản lý) cho biết khi có thông báo, tiệm nhanh chóng chấp hành và ngưng nhận khách mới, tập trung phục vụ khách đang làm dở dang. Hơn 17h, tiệm này còn khoảng 10 khách hàng cuối cùng.

Các thợ xây được thuê sửa chữa, nâng cấp một quán cà phê ở Q.3 - Ảnh: BÔNG MAI
Các thợ xây được thuê sửa chữa, nâng cấp một quán cà phê ở Q.3 - Ảnh: BÔNG MAI

Trước đó, nhiều quán cà phê, cửa hàng quần áo... chủ động tạm đóng cửa, chung tay cùng Thành phố phòng dịch bệnh, đồng thời tranh thủ thời gian để sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Nhà hàng Isushi (Q.3) đã khóa cửa, rào lưới - Ảnh: BÔNG MAI
Nhà hàng Isushi (Q.3) đã khóa cửa, rào lưới - Ảnh: BÔNG MAI

Hiện tại phần lớn các nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng thời trang, mỹ phẩm... ở TP.Hồ Chí Minh đã chủ động tạm đóng cửa từ sớm.

Hơn 10 mẫu nón chống dịch Covid-19 tại Saigon Co.op

Báo Người Lao Động cho biết: Ngay khi nón chống dịch Covid-19 gây sốt trên cộng đồng mạng, hệ thống Co.opmart, Co.opXtra đã đưa vào kinh doanh hơn 10 mẫu nón này.

Hình ảnh nón chống dịch Covid-19 gây sốt trên cộng đồng mạng
Hình ảnh nón chống dịch Covid-19 gây sốt trên cộng đồng mạng

Kết cấu của sản phẩm gồm 2 phần, phần trên là một chiếc nón vải thông thường được kết nối với phần dưới là một tấm chắn nhựa trong suốt có chiều dài qua mũi, bề ngang bao phủ hết toàn bộ khuôn mặt của người sử dụng. Ưu điểm của sản phẩm là có thể sử dụng trong nhà và cả ngoài trời.

Hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra có đầy đủ sản phẩm dành cho trẻ em và người lớn với số lượng ban đầu cung cấp ra thị trường ở mức 10.000 – 20.000 sản phẩm nón bảo vệ mới mỗi tuần.

Giá nón từ 79.000 – 139.000 đồng/cái tùy kích thước và thiết kế.

Cùng với mặt hàng nón bảo vệ thời trang mùa dịch, sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn thương hiệu Co.op select là cặp đôi sản phẩm được người tiêu dùng tìm mua. Đây là sản phẩm thương hiệu riêng của Saigon co.op, được bán không lợi nhuận với giá trung bình chỉ 7.000 đồng/cái.

Bánh mì Sài Gòn - chiến dịch truyền thông du lịch ẩm thực

Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh phối hợp Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đồng hành cùng Google tổ chức các hoạt động kỷ niệm, tôn vinh, giới thiệu rộng rãi hơn đến bạn bè và du khách quốc tế về nét đặc sắc của Bánh mì Việt Nam - Bánh mì Sài Gòn thông qua tuần lễ “Tôi yêu Bánh mì Sài Gòn” từ ngày 24-31/3/2020.

Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động về chiến dịch truyền thông "Du lịch ẩm thực" TP. Hồ Chí Minh - Giai đoạn 1 "Bánh mì Sài Gòn."

Bánh mì xíu mại - đặc sản của quán Bánh mì xíu mại Đà Lạt, đường Nguyễn Văn Tráng, quận 1. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Bánh mì xíu mại - đặc sản của quán Bánh mì xíu mại Đà Lạt, đường Nguyễn Văn Tráng, quận 1. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Đây cũng là năm thứ 9, mục từ “bánh mì” được từ điển Oxford ghi nhận (24/3/2011-24/3/2020) và hiện tượng Google đưa bánh mì thành hình Doodle ở 12 quốc gia trên thế giới.

Theo Vietnamplus, Tuần lễ “Tôi yêu Bánh mì Sài Gòn” nhận được sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo doanh nghiệp du lịch, thương hiệu bánh mì, doanh nhân, văn nghệ sỹ...

Đặc biệt, ứng dụng GoViet và Now.vn của Foody triển khai chiến dịch "Tôi yêu Bánh mì Sài Gòn." nên người dân và du khách có thể đặt mua bánh mì giao tận nhà không cần đi ra ngoài để tránh tụ tập trong mùa dịch lại được hưởng các ưu đãi qua hai ứng dụng này.

Bánh mì Việt Nam được bán tại một cửa hàng ở Falls Church, Virginia, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Bánh mì Việt Nam được bán tại một cửa hàng ở Falls Church, Virginia, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cùng chiến dịch ý nghĩa này, Sở Du lịch TP kêu gọi nhiều tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng trong cộng đồng, người dân trên cả nước và khách du lịch quốc tế hãy chung tay hưởng ứng chia sẻ tình yêu của mình đối với Bánh mì Sài Gòn cùng với thông điệp “Tôi yêu Bánh mì Sài Gòn” “I really love Bánh mì Sài Gòn” trên trang cá nhân, tổ chức.

Tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất

Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh vừa có hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp (DN) - gọi chung là doanh nghiệp - thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất (22%) nếu các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. Nội dung được đăng tải trên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Các đối tượng được áp dụng là DN thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, dệt may, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác.

Điều kiện áp dụng: DN không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra (không kể giá trị tài sản là đất).

Thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đến hết tháng 6/2020. Sau đó, trong trường hợp dịch Covid-19 chưa giảm, nếu DN có đề nghị, BHXH TP sẽ tiếp tục giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12/2020.

Trong thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, DN vẫn phải đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế, quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tỷ lệ là 10% quỹ tiền lương.

Sau thời gian trên, DN phải đóng bù và không bị tính lãi chậm đóng.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục