Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 25/6/2020

12:42 25/06/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 25/6/2020:

Tiếp tục thúc đẩy chương trình trí tuệ nhân tạo

Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có buổi làm việc về định hướng xây dựng Chiến lược trí tuệ nhân tạo (AI) quốc gia và công tác tổ chức cho Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2020, với quyết tâm thúc đẩy chương trình AI của Thành phố phát triển.

 Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, Thành phố đang triển khai xây dựng kế hoạch phát triển AI, do đó việc phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) trong các hoạt động liên quan tới lĩnh vực AI được thành phố ưu tiên và đầu tư nguồn lực. 

Sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM nghiên cứu lập trình hệ thống đèn giao thông thông minh tự điều khiển theo mật độ xe. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM nghiên cứu lập trình hệ thống đèn giao thông thông minh tự điều khiển theo mật độ xe. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Từ tháng 3/2019, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở KH-CN đã phối hợp tổ chức hội thảo “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2025”, qua đó xác định thực trạng ban đầu cho chương trình AI của Thành phố.

Qua thống kê, Thành phố có 30 chương trình AI của các viện, trường đang phát triển, đã xây dựng cơ sở dữ liệu các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu ứng dụng AI tại TP. Ban Xây dựng và điều hành chương trình hợp tác, nghiên cứu ứng dụng AI cũng sắp được hình thành. 

Với tiềm lực là một thành phố trẻ có mật độ KH-CN cao đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở tổ chức liên quan, lại có khả năng thương mại tại chỗ từ hơn 10 triệu dân cư và 30.000 doanh nghiệp (DN), TP. Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu hình thành hệ sinh thái AI, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nghiên cứu phát triển với DN triển khai, dưới sự lãnh đạo, khuyến khích, đặt hàng từ chính quyền và các sở - ban - ngành. 

Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết, Bộ đã dự thảo Chiến lược trí tuệ nhân tạo quốc gia, tập trung vào các lĩnh vực giao thông vận tải, logistics, du lịch, thương mại điện tử, viễn thông, giáo dục, quản lý đô thị, quản lý xã hội và hành chính công. Dự thảo Chiến lược cũng đề xuất xây dựng 3 trung tâm đổi mới sáng tạo về AI đặt tại 3 miền của đất nước, một trong số đó dự kiến đặt tại TP. Hồ Chí Minh. 

UBND TP. Hồ Chí Minh và Bộ KH-CN đã thống nhất kế hoạch triển khai cho Ngày hội AI Việt Nam, sẽ được tổ chức trong Tuần lễ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo của thành phố từ ngày 24 đến 28/11; trong đó, Ngày hội AI Việt Nam sẽ được tổ chức ngày 27 và 28/11. Hiện TP. Hồ Chí Minh đã khởi động các hoạt động của Tuần lễ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo thông qua các cuộc thi liên quan tới AI. Chủ đề năm nay sẽ là giải quyết vấn đề giao thông cho TP. Hồ Chí Minh.

UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo vụ tháo dỡ biệt thự cũ chưa phân loại

Theo báo Người lao động, ngày 24/6, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP có văn bản chỉ đạo UBND quận 3 làm rõ thông tin căn biệt thự số 6B Ngô Thời  Nhiệm, phường 7, quận 3 chưa phân loại để xếp hạng bảo tồn đã nhanh chóng tháo dỡ; sớm báo cáo và đề xuất xử lý trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan.

Căn biệt thự số 6B Ngô Thời  Nhiệm, phường 7, quận 3 đã bị tháo dỡ một phần
Căn biệt thự số 6B Ngô Thời  Nhiệm, phường 7, quận 3 đã bị tháo dỡ một phần

Trước đó, trong lúc Hội đồng Phân loại biệt thự TP. Hồ Chí Minh tiến hành đánh giá, kiểm kê để phân loại biệt thự xây dựng trước 1975 nhằm lên danh sách bảo tồn thì biệt thự số 6B Ngô Thời Nhiệm, phường 7, quận 3 đã bị tháo dỡ.

Theo hồ sơ, căn biệt thự nằm trong cụm biệt thự cổ trục đường Ngô Thời Nhiệm - Tú Xương - Điện Biên Phủ (quận 3). Toàn bộ khuôn viên khu đất có diện tích 443m2, được UBND quận 3 đề xuất loại 2 (bảo tồn 1 phần). Nhưng đến nay, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP vẫn chưa lập phiếu kiểm kê xong nên chưa phân loại.

Ghi nhận giữa tháng 6/2020, một phần căn biệt thự này đã được tháo dỡ.

Điện lực Sài Gòn sắp thanh toán gần 900 triệu đồng tiền mua điện mặt trời

Cũng trên báo Người Lao Động, chiều 24/6, tại Hội nghị Phổ biến chính sách điện mặt trời do Công ty Điện lực Sài Gòn (Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh) tổ chức, đại diện Công ty đã tiến hành ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng trên địa bàn quận 3 đã lắp đặt điện mặt trời mái nhà từ ngày 1/7/2019 đến nay.

Theo thống kê của Điện lực Sài Gòn, đến nay, trên địa bàn quận 1 và quận 3 có 300 khách hàng lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà với công suất 2.904 KWp (đã phát điện lên lưới điện 787.528 KWh, tương đương hơn 1,54 tỉ đồng).

Ảnh minh họa/ Nguồn: NLĐO
Ảnh minh họa/ Nguồn: NLĐO

Trong đó, 125 khách hàng lắp đặt trước ngày 30/6/2019 với công suất 1.438 KWp, đã phát lên lưới điện 314.148 KWh (tương đương hơn 673 triệu đồng). Công ty Điện lực Sài Gòn đã thanh toán tất cả số tiền trên.

Từ ngày 1/7/2019 đến nay, thêm 175 khách hàng lắp điện mặt trời mái nhà với công suất 1.502 KWp. Số khách hàng này đã được chốt sản lượng điện năng phát lên lưới là 473.380 KWh (tương đương hơn 863 triệu đồng). Riêng khu vực quận 3 có 166 khách hàng đã lắp đặt với công suất 1.394 KWp, đã phát ngược lên lưới điện 423.086 KWh (tương đương hơn 825 triệu đồng).

Theo quy định, khách hàng ký hợp đồng từ ngày 1/7/2019 đến nay sẽ được ký hợp đồng, thanh toán trước ngày 1/7/2020 (đối với khách hàng là hộ dân và đúng chủ thể hợp đồng) và thanh toán trước ngày 15/7/2020 (đối với khách hàng là doanh nghiệp). Đối với phần sản lượng điện từ tháng 6/2020 trở đi, sẽ được thanh toán định kỳ hằng tháng theo đúng thời gian thỏa thuận tại hợp đồng đã ký.

TP. Hồ Chí Minh: Khoảng 82 nghìn thí sinh đăng ký thi tuyển vào lớp 10

Trả lời Báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết, năm học 2019-2020, Thành phố có gần 100 nghìn học sinh lớp 9. Trong đó, số lượng học sinh đăng kí dự thi vào lớp 10 công lập là khoảng 82 nghìn em. Sở bố trí 135 điểm thi, trong đó có 10 điểm thi chuyên. Với những học sinh không đăng kí dự thi, các em đã có nhiều phương án lựa chọn để học tập sau khi tốt nghiệp THCS.

Học sinh dự thi vào lớp 10 tại TP.HCM. Ảnh minh họa
Học sinh dự thi vào lớp 10 tại TP.HCM. Ảnh minh họa

Cũng như năm trước, năm học này chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập khoảng 70% học sinh dự thi. Những học sinh còn lại được hướng dẫn chọn các trường phù hợp, ví dụ các trung tâm GDTX gần nơi cư trú, trường ngoài công lập, trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp...

Về công tác tuyển sinh, từ nhiều năm qua, Sở đã thống nhất ngay từ đầu năm học về định hướng đổi mới đề thi và kiên định theo hướng vận dụng năng lực, kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn đã chỉ đạo nhiều năm qua.

Năm nay kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập diễn ra vào ngày 16 và 17/7/2020.

ĐH Quốc gia TP.HCM lọt vào tốp 101-150 hàng đầu thế giới

Theo báo Pháp luật TP, ngày 24/6, Tổ chức xếp hạng đại học QS (Quacquarelli Symonds, Anh) đã công bố kết quả bảng xếp hạng QS Top 50 Under 50 2021 hàng đầu thế giới. Bảng xếp hạng này dành cho các trường ĐH có thời gian thành lập dưới 50 năm.

Việt Nam có hai ĐH lớn là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh lần đầu tiên có mặt trong bảng xếp hạng. Cả hai trường đều trong nhóm 101-150 các trường ĐH trẻ có chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới. Trước đó, cả hai trường đều được QS xếp vào nhóm 801-1.000 ĐH tốt nhất thế giới năm 2021.

Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được thành lập vào năm 1995, hiện có 27 đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trực thuộc và 8 đơn vị thành viên với hơn 69.000 sinh viên ĐH chính quy, hơn 400 giáo sư, phó giáo sư và hơn 1.300 tiến sĩ.

Tổ chức xếp hạng đại học QS công bố bảng xếp hạng QS Top 50 Under 50 lần đầu tiên vào năm 2012. Bảng QS Top 50 Under 50 sử dụng các tiêu chí xếp hạng của bảng QS thế giới gồm 6 tiêu chí đánh giá: Danh tiếng học thuật (40% tổng điểm), danh tiếng với nhà tuyển dụng (10%), tỉ lệ giảng viên/sinh viên (20%), tỉ lệ trích dẫn bài báo/giảng viên (20%), tỉ lệ giảng viên quốc tế (5%) và sinh viên quốc tế (5%).

Hiện vật bảo tàng thiếu chỗ bảo quản

TP. Hồ Chí Minh có hệ thống bảo tàng đa dạng và số lượng hiện vật phong phú, tuy nhiên hiện nay nhiều bảo tàng đang thiếu chỗ bảo quản, thậm chí một số nơi phải để tạm hiện vật ở những khu vực chỉ được che chắn tạm bợ. Nội dung này được đăng tải trên báo Thanh Niên.

Bãi súng thần công thời Nguyễn ở phía sau khuôn viên Bảo tàng Lịch sử TP.HCM/ ẢNH: QUỲNH TRÂN
Bãi súng thần công thời Nguyễn ở phía sau khuôn viên Bảo tàng Lịch sử TP.HCM/ ẢNH: QUỲNH TRÂN

Đến Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh, điều khiến mọi người hết sức bất ngờ và… xót ruột là rất nhiều cọc cổ quý do thiếu chỗ bảo quản nên phải chất đống ở một khu nhà tôn nhỏ. Những cây cọc này gắn với những địa danh nổi tiếng và một giai đoạn của Sài Gòn xưa, trong quá trình khai quật, khám phá vùng đất phương Nam đã phát lộ. Các loại hiện vật kim loại có kích thước lớn, xe cũ… cũng được nhập vào nhà kho, rào lại bằng lưới kẽm.

Bảo tàng TP từng có một khu nhà kho rộng trên 1.000 m2 nằm gần dãy phòng họp nhưng do bị lún sập nên đã tháo dỡ từ năm 2010. Hiện bảo tàng vẫn đang chờ duyệt kinh phí xây dựng kho mới cùng với những khu công năng khác, nên đa phần hiện vật phải để tạm ở một số phòng trong khối văn phòng. 

Những cây cọc Sài Gòn xưa chất đống trong nhà kho che chắn tạm bợ ở Bảo tàng TP.HCM
Những cây cọc Sài Gòn xưa chất đống trong nhà kho che chắn tạm bợ ở Bảo tàng TP.HCM

Bảo tàng Lịch sử TP cũng đang nan giải trong việc bảo quản vì số lượng hiện vật sưu tập hằng năm ngày càng nhiều mà phòng ốc thì mấy chục năm qua vẫn không tăng lên.

Theo Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP Hoàng Anh Tuấn: “Do sở hữu số lượng bảo vật quốc gia quá lớn nên mọi kinh phí chúng tôi đều tập trung trang bị camera, phòng lạnh, hệ thống chống trộm và nhân viên để bảo vệ các hiện vật vô giá này. Những hiện vật khác cũng vô cùng quý hiếm và có giá trị cao nên chúng tôi vẫn thực hiện việc bảo quản một cách tốt nhất trong khả năng. Dù vậy, so với tiêu chuẩn quy định thì làm sao có thể đáp ứng được…”.

Nghịch lý hàng trăm đồ án quy hoạch đô thị

Thuật ngữ đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới xuất hiện trong hàng trăm đồ án quy hoạch 1/2000 ở TP.Hồ Chí Minh nhưng không có trong các văn bản luật liên quan.

Theo bài viết, các quận, huyện gặp rất nhiều vướng mắc trong quá trình giải quyết hồ sơ đất đai, xây dựng liên quan đến đất hỗn hợp (ĐHH) và đất dân cư xây dựng mới (DCXDM). Tuy nhiên, rà lại các quy định có liên quan thì Luật Đất đai chỉ quy định về đất nông nghiệp và phi nông nghiệp, Luật Quy hoạch xây dựng đô thị cũng không hề có những thuật ngữ này.

Nhiều người dân quận 3 (TP.HCM) có nhà, đất nằm trong quy hoạch đất hỗn hợp chỉ được xây tạm, không được hoàn công. Ảnh: VIỆT HOA
Nhiều người dân quận 3 (TP.HCM) có nhà, đất nằm trong quy hoạch đất hỗn hợp chỉ được xây tạm, không được hoàn công. Ảnh: VIỆT HOA

Theo Văn bản 3272/2018 của Sở Quy hoạch – Kiến trúc về giải quyết vướng mắc trong thủ tục xây dựng và đất đai đối với khu vực quy hoạch chức năng sử dụng ĐHH và đất DCXDM, hai loại chức năng quy hoạch này đều có trong 600 đồ án quy hoạch 1/2000 được phê duyệt trên toàn TP. Trong đó, riêng ĐHH tập trung chủ yếu trong 310 đồ án được lập, thẩm định và được UBND TP phê duyệt từ năm 2013 đến nay.

Trao đổi với Pháp Luật TP, nhiều quận, huyện cho biết trong quá trình lập mới hoặc điều chỉnh các đồ án quy hoạch 1/2000, thuật ngữ đất DCXDM không có trong các quy định pháp luật liên quan. Trong khi toàn TP có gần 12.500 ha đất được quy hoạch chức năng là đất DCXDM.

Bên cạnh đó, trong các đồ án quy hoạch 1/2000 hiện nay chỉ đưa ra tỉ lệ phần trăm các loại đất trong quy hoạch ĐHH nhưng không xác định được cụ thể vị trí của từng nhóm này. Do đó, các quận, huyện không có cơ sở để giải quyết chuyển mục đích, tách thửa và cấp phép xây dựng chính thức cho người dân.

Còn theo Sở TN&MT, hiện nay Luật Đất đai chỉ quy định về nhóm đất nông nghiệp và phi nông nghiệp, không có hai loại ĐHH và đất DCXDM.

Theo Ban Đô thị HĐND TP, từ năm 2018, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo các sở QH-KT, TN&MT, Xây dựng hướng dẫn quận, huyện giải quyết các vấn đề liên quan đến tách thửa, cấp phép xây dựng trong quy hoạch ĐHH và DCXDM. Tuy nhiên, các sở thực hiện chỉ đạo này còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn để tham mưu TP giải quyết dứt điểm các vướng mắc nêu trên.

Cứu sống bệnh nhân vỡ gan không cần phẫu thuật

Trên báo Tuổi Trẻ, ngày 24/6, Bệnh viện quận Thủ Đức cho biết vừa điều trị thành công một trường hợp vỡ gan không cần qua phẫu thuật. 

Bệnh nhân là ông L.D.P. (55 tuổi), được con trai đưa vào khoa cấp cứu do bị tai nạn lao động trong tình trạng đau sườn phải, thở gấp, xanh xao.

Ông được chụp CT nhằm phát hiện sớm các tổn thương nội tạng bên trong. Hình ảnh CT cho thấy gan bệnh nhân bị dập khoảng 11cm, có dấu hiệu chảy máu hoạt động (chảy máu trong các khoang của cơ thể nhưng không tràn ra ngoài). Các bác sĩ quyết định điều trị cầm máu bằng phương pháp kỹ thuật cao, dưới hướng dẫn của máy xóa số nền DSA, không cần qua phẫu thuật.

Các bác sĩ điều trị cầm máu bằng phương pháp kỹ thuật cao, dưới hướng dẫn của máy xóa số nền DSA, không cần qua phẫu thuật cho bệnh nhân bị vỡ gan
Các bác sĩ điều trị cầm máu bằng phương pháp kỹ thuật cao, dưới hướng dẫn của máy xóa số nền DSA, không cần qua phẫu thuật cho bệnh nhân bị vỡ gan

Trong vòng 30 phút, ca thủ thuật đã thành công tốt đẹp. Đây là phương pháp can thiệp kỹ thuật cao giúp cầm máu ngay lập tức và giúp vùng gan vỡ chóng lành. Ba ngày sau thủ thuật, bệnh nhân bắt đầu hồi phục tốt, không mất máu thêm và đã được xuất viện.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Long - Khoa Chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật viên chính, cho biết đây là kỹ thuật can thiệp tối thiểu, ít xâm lấn. Bệnh nhân được gây tê tại chỗ không cần gây mê.

“Trước đây hầu hết với các ca tổn thương, dập, vỡ gan đều phải phẫu thuật khâu gan kèm chèn gạc cầm máu. Bệnh nhân phải trải qua một cuộc phẫu thuật và thời gian hậu phẫu lâu hơn, chưa kể biến chứng về gây mê cũng nguy hiểm không kém" - bác sĩ Long chia sẻ thêm.

Chợ dân sinh tấp nập người sắm đồ cúng Tết Đoan Ngọ

Sáng ngày 25/6 (tức mùng 5.5 Âm lịch), các khu chợ dân sinh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ sớm đã tập nập người dân đi mua sắm chuẩn bị đồ cúng cho ngày Tết Đoan Ngọ.

Tranh thủ đi chợ để kịp giờ về đi làm, chị Đặng Thị Hằng ngụ đường Lý Thái Tổ, quận 5 cho biết, giá cả các mặt hàng năm nay có sự nhích nhẹ so với mọi năm, sức mua cũng rất lớn. “Rút kinh nghiệm từ mấy năm trước, năm nay tôi đã đi chợ từ sớm rồi mà vào chợ vẫn phải đợi mãi mới đến lượt mua được mấy kí trái cây.”

Tại các chợ truyền thống, từ sớm đã có nhiều người dân ghé mua. Ảnh: Ngọc Lê
Tại các chợ truyền thống, từ sớm đã có nhiều người dân ghé mua. Ảnh: Ngọc Lê

Ghi nhận của báo Lao Động, các khu chợ Vườn Chuối (Quận 3), chợ Bà Chiểu (Quận Bình Thạnh, Chợ Lê Hồng Phong (Quận 10),... các mặt hàng được mua nhiều nhất là bánh ú, lá xông, trái cây, vàng mã,..

Bánh ú lá tre có giá từ 65.000-70.000đồng/chục, bánh ú nhỏ có giá 50.000 đồng/chục, xôi và chè có giá từ 10.000-15.000 đồng/chén, lá xông 30.000 đồng/bó,...

Trong khi đó, giá hoa quả cũng tăng từ 10-15% so với ngày thường, hoa cúc có giá từ 70.000 – 100.000 đồng/bó, vải thiều có giá 50.000 đồng/kg, xoài 25.000 đồng/kg, chôm chôm 30.000 - 40.000 đồng/kg...

Tại các hệ thống siêu thị, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trong dịp Tết Đoan Ngọ, giá các loại trái cây, hoa tươi, bánh ú... giảm từ 5-15% cho khách hàng.

Các quầy bán lá xông, hoa quả,.. được nhiều người dân ghé mua. Ảnh: Ngọc Lê
Các quầy bán lá xông, hoa quả,.. được nhiều người dân ghé mua. Ảnh: Ngọc Lê

Vân Anh - Thanh Nga - Phương Anh

Tin cùng chuyên mục