Dự án cải thiện môi trường nước tăng tốc về đích
Theo báo Pháp luật TP, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) cho biết, đơn vị đang tăng tốc để nhanh chóng hoàn thành các gói thầu của dự án cải thiện môi trường nước TP giai đoạn 2, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (gọi tắt là dự án cải thiện môi trường nước). Đây là một trong những dự án hạ tầng đô thị trọng điểm của TP. Dự án gồm sáu gói thầu xây lắp và hai gói thầu tư vấn kỹ thuật.
Hiện đơn vị đã thi công hoàn thành 2/6 gói thầu bao gồm: gói thầu F1 (trạm bơm và cống thoát nước khu vực phường 14, quận 8) và gói thầu I (mở rộng trạm bơm chuyển tiếp và xây dựng cống chuyển tải nước thải từ trạm bơm Đồng Diều đến nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng).
Đặc biệt, đối với gói thầu I, trước đó đơn vị dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2020. Tuy nhiên, tháng 9 vừa qua đơn vị gấp rút thi công, đẩy nhanh tiến độ và đã hoàn thành trước kế hoạch.
Ban giao thông cũng thông tin chỉ có gói thầu F2 (cải tạo kênh) là dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2022, còn các gói thầu đang thi công sẽ hoàn thành trong năm 2021 như: xây dựng hệ thống cống bao thu gom nước thải, cải tạo hệ thống thoát nước Hàng Bàng và ba trạm bơm khu vực các quận 5, 6, mở rộng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2...
Trao đổi với PV, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông, cho biết sau khi các gói thầu hoàn thành, toàn bộ nước thải sinh hoạt lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé sẽ được thu gom, xử lý trước khi xả ra môi trường. Theo đó, màu nước xanh trong trên kênh này sẽ được khôi phục, không còn tình trạng ô nhiễm nữa.
Ngoài ra, dự án còn có các mục tiêu lắp đặt thêm các tuyến cống thoát nước mưa và trạm bơm mới nhằm gia tăng khả năng tiêu thoát nước, góp phần khắc phục tình trạng ngập do mưa tại các điểm ngập trong lưu vực. Dự án cũng sẽ di dời, tái định cư cho hàng ngàn hộ dân sinh sống trên và ven tuyến kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, góp phần cải thiện đời sống cho người dân khu vực.
Dự án cải thiện môi trường nước TP, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ được thực hiện từ nguồn vốn vay ODA của chính phủ Nhật Bản (JICA) và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách TP. Hiện dự án đã triển khai giai đoạn 1 và 2, còn giai đoạn 3 đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Thêm tuyến vận tải container nội địa kết nối Hải Phòng - Cam Ranh - TP.HCM
Công ty CP Vận tải biển Tân Cảng và Công ty CP ICD Cam Ranh vừa hợp tác đưa tuyến vận tải container đường biển kết nối các cảng: Tân Cảng (Hải Phòng) - Cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) - Tân Cảng Hiệp Phước (TPHCM) vào hoạt động. Thông tin từ báo Giao Thông.
Sự kiện được đánh dấu bằng hành trình của tàu Tan Cang Pioneer có tổng dung tích hơn 5.500GT vận chuyển 120 TEU container rỗng từ Tân Cảng Hiệp Phước đến Cảng Cam Ranh. Số container rỗng này được vận chuyển về các nhà máy tại khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên, phục vụ cho hoạt động đóng gói, vận chuyển, xuất khẩu hàng hóa qua các thị trường châu Á, châu Âu và Mỹ.
Tuyến vận tải container nội địa này sẽ hoạt động với tần suất 1 tuần/chuyến tàu.
“Việc mở tuyến container nội địa kết nối các cảng đầu mối Hải Phòng - Cam Ranh – TPHCM sẽ mang đến cho khách hàng giải pháp dịch vụ trọn gói với chi phí cạnh tranh, ít rủi ro hơn so với phương thức đường bộ hoặc tàu hàng rời truyền thống, đồng thời thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa, giảm tải áp lực giao thông đường bộ. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và khu vực Nam Trung Bộ bao gồm các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắc Lắc, Lâm Đồng” - Ông Nguyễn Viết Nhâm, Chủ tịch HĐQT Cảng Cam Ranh cho biết.
Khách sạn 3-5 sao giảm giá tới 60% để kéo khách
Không chỉ giảm giá, các khách sạn cao cấp tại TPHCM còn tặng kèm rất nhiều dịch vụ cho khách lưu trú, điều chưa từng có trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Ghi nhận trên báo Người Lao Động.
Theo Sở Du lịch TP, tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa TP từ nay đến cuối năm, hàng loạt khách sạn trên địa bàn TP sẽ giảm giá từ 20%-60% hoặc giảm giá kết hợp tặng các sản phẩm dịch vụ kèm theo như đưa đón sân bay, dịch vụ spa, giặt ủi miễn phí...Đồng thời, khoảng 40 cơ sở lưu trú du lịch cũng tham gia giới thiệu nhiều gói trải nghiệm đặc biệt dành cho nhóm khách đoàn hoặc nhóm gia đình.
Cụ thể, hàng loạt khách sạn 5 sao trên địa bàn TP từ LOTTE Hotel Saigon, Rex, Sofitel Saigon Plaza, Mgallery Hotel Des Arts Saigon, Grand, Pullman, Majestic, Park Hyatt, The Reverie Saigon, Nikko Saigon, Le Meridien… đang triển khai các gói ưu đãi từ giá phòng, dịch vụ ăn uống, hội nghị, tiệc cưới, liên hoan.
Các khách sạn từ 2-4 sao ở TP cũng tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm với nhiều chương trình ưu đãi như khách sạn LOTTE Hotel Saigon, Rex, Grand, Park Hyatt,…
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP, cho biết cùng với tham gia chương trình kích cầu du lịch nội địa để thu hút du khách, nhiều khách sạn trên địa bàn cũng chủ động đăng ký làm điểm cách ly có trả phí để có thêm doanh thu, tạo việc làm cho người lao động.
Thẳng tay “trị” nhà thầu thi công ẩu
Theo báo Giao Thông, từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở GTVT TP đã lập biên bản 524 trường hợp các công trình thi công không đảm bảo an toàn với tổng số tiền phạt hơn 3 tỷ đồng.
Sở GTVT TP đã yêu cầu các chủ đầu tư kiểm tra, giám sát các đơn vị thi công trên đường bộ không đảm bảo an toàn. Đối với những công trình vi phạm mà chưa chấp hành quyết định xử lý VPHC, cơ quan có thẩm quyền tạm thời không tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép liên quan đến công trình đó.
Sở cũng đã giao Thanh tra Sở GTVT tiếp tục kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân không chấp hành quy định; đặc biệt xử lý theo hình thức tăng nặng các đơn vị chủ đầu tư, thi công, giám sát thường xuyên để xảy ra vi phạm, tái diễn sai phạm. Những trường hợp này, Thanh tra có thể áp dụng các hình thức xử lý bổ sung như thu hồi giấy phép thi công, đình chỉ thi công hoặc đề xuất Sở GTVT không cấp phép thi công.
“Trong một số trường hợp, đơn vị thi công không được tham gia thi công tại các công trình trên địa bàn thi công có thời hạn từ 1 - 3 năm nếu vi phạm quá 3 lần đối với 1 gói thầu. Đối với nhà thầu giám sát, chỉ huy trưởng công trường để công trình vi phạm nhiều lần thì cấm tham gia giám sát, chỉ huy công trình trong 1 năm”, đại diện Sở GTVT TP cho biết.
Gần 813 tỷ đồng chăm lo người dân đón Tết Tân Sửu
Báo SGGP đưa tin, Sở LĐTB-XH TPHCM vừa có tờ trình UBND TP về kế hoạch tổ chức hoạt động và chăm lo Tết Tân Sửu 2021. Tổng kinh phí chăm lo tết năm nay dự kiến khoảng 813 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách), tăng gần 9 tỷ đồng so với năm trước.
Theo đó, 525 cán bộ lão thành cách mạng, nhân sĩ trí thức, bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, thương binh nặng hạng đặc biệt, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm 81% đặc biệt nặng được Sở LĐTB-XH TP đề xuất tặng quà trị giá 3,1 triệu đồng/suất.
TP dự kiến có phần quà trị giá 1,7 triệu đồng/suất tặng 1.200 thương binh nặng, bệnh binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thân nhân của 2 liệt sĩ trở lên… Phần quà 1,3 triệu đồng/suất tặng gần 292.000 đối tượng chính sách có công khác.
TPHCM cũng dự kiến tặng quà 150 gia đình có con em đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc với mức 2,7 triệu đồng/suất. Dự kiến 32 hộ giữ rừng ngập mặn Cần Giờ được tặng quà trị giá 1 triệu đồng/hộ.
Với cán bộ, công chức, viên chức, toàn bộ 145.000 người đang công tác trong khu vực hành chính sự nghiệp khối TP, quận huyện và một số cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc ngành dọc (kể cả các tổ chức Đảng, đoàn thể và cán bộ phường, xã, thị trấn), được tặng quà trị giá 1,5 triệu đồng/suất. Khối cán bộ, công chức, viên chức giảm hơn 3.500 suất quà tết so với năm trước, do TP tinh giản biên chế.
Với các hộ nghèo, cận nghèo, TPHCM dự kiến có quà tặng 1,25 triệu đồng/suất tới gần 18.700 hộ nghèo, hộ vừa thoát chuẩn nghèo. Số hộ nghèo được tặng quà tết giảm gần 8.300 hộ, nhờ TPHCM đã làm tốt công tác giảm nghèo.
Khoảng 150.700 người diện bảo trợ xã hội, khuyết tật, người già trên 80 tuổi trở lên, mỗi người được nhận 1,15 triệu đồng/người (diện này tăng gần 6.500 người so với năm trước, do TPHCM đang có ngày càng nhiều người già).
Giáo dục khởi nghiệp không chỉ dạy cách buôn bán
Báo Thanh Niên cho hay, trong hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục ngoài giờ lên lớp và các hoạt động trải nghiệm trong trường trung học năm học 2020 - 2021, Sở GD-ĐT TP yêu cầu các trường tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong trường THPT.
Theo đó, cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của học sinh (HS) THPT; vận động, khuyến khích HS tham gia các hội thi khởi nghiệp.
Ông Lê Nhật Quang, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), nêu ra những cách thức để HS tiếp cận với kiến thức khởi nghiệp phù hợp. Ông Quang cho rằng giáo dục khởi nghiệp trong trường phổ thông không phải là dạy HS cách làm ăn, buôn bán mà là giúp HS hình thành nên tư duy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, qua đó hiểu được sở thích bản thân, đưa ra những lựa chọn phù hợp.
Theo ông Quang, khi tư vấn, định hướng HS theo đuổi, lựa chọn các ngành nghề cũng phải đi từ sở thích, năng lực của HS. Để HS có cái nhìn thực tế về ngành nghề thì các trường tổ chức hoạt động trải nghiệm tại chính các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp... hoặc thiết kế, phối hợp tổ chức những buổi nói chuyện với doanh nhân để truyền cảm hứng. Từ đó, HS hiểu và lựa chọn nghề mà mình yêu thích; đồng thời, với một góc nhìn mới, cách nhìn mới sẽ giúp HS có những ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy tư duy khởi nghiệp.
Cách giúp nhà khởi nghiệp nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương
Hỗ trợ vốn ưu đãi, tư vấn về áp dụng kỹ thuật nuôi trồng đạt năng suất cao cho thanh niên khởi nghiệp, xây dựng sân chơi miễn phí cho thiếu nhi, cấp học bổng học sinh khó khăn, tặng quà cho người nghèo… Đó là những nội dung thiết thực trong Ngày hội chung tay xây dựng nông thôn mới năm 2020, với chủ đề “Hoa của đất”, do Thành đoàn TPHCM tổ chức tại huyện Cần Giờ vào ngày 25/10.
Ngày hội quy tụ hàng trăm thanh niên nông thôn có dự án khởi nghiệp khả thi ở 5 huyện ngoại thành tham gia gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh và Cần Giờ. Nội dung đăng tải trên báo Thanh Niên.
Là người trẻ khởi nghiệp thành công với mô hình nâng cao giá trị sản phẩm thế mạnh từ nông nghiệp của địa phương, anh Phan Minh Tiến (29 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH phát triển dừa nước Việt Nam), cho rằng những nhà khởi nghiệp trẻ cần có thế mạnh về các mảng: Thứ nhất, am hiểu công nghệ chế biến sản xuất nhằm giúp chế biến các nông sản thô thành những sản phẩm, thực phẩm có giá trị cao hơn, bảo quản lâu hơn, mùi vị ngon hơn. Thứ hai, phải am hiểu về công nghệ thông tin, truyền thông nhằm giúp giới thiệu sản phẩm nông sản chất lượng đến rộng rãi người tiêu dùng, kết nối nông dân với người tiêu dùng, nhà phân phối nhanh hơn, chi phí bán hàng cũng thấp hơn. Thứ ba, am hiểu về các tiêu chuẩn cho nông sản, truy xuất nguồn gốc, tư duy kinh doanh hiện đại hơn.
Nhằm khuyến khích tinh thần kinh doanh, cổ vũ khát vọng làm giàu chân chính cho các bạn trẻ, đặc biệt là thanh niên ở các huyện ngoại thành, dịp này Quỹ Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (Hội Liên hiệp Thanh niên TP) đã trao vốn hỗ trợ cho 4 dự án khởi nghiệp khả thi, với tổng kinh phí hơn 1,3 tỉ đồng.
Diễn tập xe bốc cháy gây tai nạn liên hoàn tại hầm Thủ Thiêm
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, chiều 24/10, cơ quan chức năng tổ chức diễn tập xử lý tình huống cháy nổ tại hầm Thủ Thiêm, (nối Q.1 và Q.2), tình huống giả định xe bốc cháy gây tại nạn liên hoàn được xử lý nhanh chóng.
Tình huống được đặt ra có một xe tải chở lốp xe chạy từ Q.2 về Q.1 thì bất ngờ bốc cháy. Trong 5 phút ngọn lửa bao trùm xe tải này, khói bốc lên mù mịt khiến một xe khách 30 chỗ phía sau thắng đột ngột làm một xe tải khác đâm sầm vào tạo tai nạn liên hoàn. Ngoài ra đám cháy từ xe tải chở lốp xe có khả năng lan rộng qua các xe khác kèm khói độc gây ảnh hưởng người dân đang đi trong hầm. Sự việc làm 4 người ngất xỉu do hít phải khói độc.
Lực lượng tại chỗ được huy động để tổ chức cứu hộ, triển khai chữa cháy bước đầu và kích hoạt hệ thống báo cháy, thông gió trong hầm. Đồng thời lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp tiếp cận hiện trường, cứu hộ người bị nạn và xử lý ngăn cháy nổ, cháy lan.
Với 304 người và 32 xe chữa cháy, cứu hộ, cấp cứu...tham gia, buổi diễn tập nhằm nâng cao nghiệp vụ xử lý tình huống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn. Hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố tại đường hầm Thủ Thiêm.
Có 32 xe tham gia đợt diễn tập -Ảnh: DUYÊN PHAN
Lực lượng Cảnh sát PCCC Công an TP.HCM tăng cường cho hầm - Ảnh: LÊ PHAN
Lực lượng PCCC của Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn phun bọt dập lửa - Ảnh: DUYÊN PHAN
Đưa người bị nạn thoát khỏi đám cháy - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thông báo kết thúc đợt diễn tập - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ra mắt Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM nhiệm kỳ 2019-2024
Báo Người Lao Động cho hay, Đại hội Đại biểu Đoàn Luật sư TP HCM lần thứ VII (nhiệm kỳ 2019-2024) đã diễn ra trong hai ngày 24/10 và 25/10.
460 luật sư dự đại hội tiến hành bỏ phiếu bầu 15 luật sư vào Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM nhiệm kỳ 2019-2024. Trong đó, đại biểu thống nhất tín nhiệm luật sư Nguyễn Văn Trung giữ chức vụ Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.
Đại hội thông qua phương hướng hoạt động từ nay đến năm 2024 với nhiều nhiệm vụ trọng tâm, như: thực hiện tốt nguyên tắc quản lý nhà nước với chế độ tự quản nhằm xây dựng đội ngũ luật sư đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng.
Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM nhiệm kỳ 2019-2024
Phát biểu tại đại hội, ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, thời gian qua, Đoàn Luật sư TP đạt nhiều kết quả thiết thực trong quá trình hoạt động, đóng góp quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trên cơ sở đó, thời gian tới, Đoàn Luật sư TP HCM cần nắm bắt cơ hội để phát triển hơn nữa đội ngũ, nâng cao vị thế luật sư. Luật sư không chỉ cần chuyên môn mà còn cần nhận thức đúng đắn về tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp.
Từ đó, cần nhận thức rõ trách nhiệm bảo vệ công lý, công bằng xã hội; lợi ích quốc gia, dân tộc; đặc biệt phải hỗ trợ chính quyền địa phương trong quá trình triển khai những dự án phát triển kinh tế-xã hội.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)