Từ 1/6, CSGT TP xử phạt người không đeo khẩu trang
Báo Pháp Luật TP cho hay, từ ngày 1/6, Cảnh sát giao thông TP (CSGT – PC08) sẽ được phép xử phạt người tham gia giao thông vi phạm các quy định về phòng chống dịch trong lĩnh vực y tế, trong đó chú trọng xử lý hành vi không đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Theo Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng phòng PC08, trong quá trình xử lý, lực lượng CSGT sẽ kết hợp với công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành các quy định, chỉ đạo của các cấp về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Ngoài ra, khi thi hành nhiệm vụ, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm hình sự hoặc sự việc diễn biến phức tạp thì tổ tuần tra sẽ đề nghị công an phường, xã, thị trấn hỗ trợ để áp tải hoặc cưỡng chế người vi phạm về trụ sở.
Nghị định 117/2020 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định: hành vi “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế” sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng.
Ngoài ra, CSGT TP cũng xử lý hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trừ các trường hợp quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 của Nghị định 117/2020.
Cụ thể các hành vi như: không giữ khoảng cách giữa các hành khách, chở quá số người quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.
Giãn cách xã hội không gây xáo trộn nhiều đời sống của người dân
Chị Cao Thị Hoàng Anh - một người dân sống tại phường 15 - một trong các phường tâm dịch của quận Gò Vấp cho biết, việc thực hiện lệnh giãn cách xã hội không gây xáo trộn nhiều đến các sinh hoạt của gia đình và bản thân chị thực hiện khá thoải mái vì công ty nơi chị làm việc ở quận 3 cho phép nhân sự sống ở quận Gò Vấp được phép làm việc từ xa.
“Chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý sẵn vì biết sẽ có những lúc phải như vậy để phòng dịch, nên tinh thần mọi người đã vực lên rất nhanh. Sinh hoạt gia đình bình thường, nhà mình ngay chợ, ngay siêu thị nên tất cả các món đồ cần thiết lúc nào mình cũng có thể mua được hết nên không phải lo lắng trữ đồ gì cả. Người ta vẫn cho phép người dân đi làm chứ không phải cấm hẳn nên mình cũng thấy dễ dàng, bình thản, không có gì khó khăn hết”- chị Hoàng Anh nói.
Tương tự, ông Trần Quang Cường, một người dân ở phường 5, quận Gò Vấp cũng cho biết, do luôn theo dõi tin tức, nắm rõ tình hình nên cả gia đình ông cũng như người dân trong khu phố nơi ông sống đều hiểu, đồng lòng và nghiêm chỉnh chấp hành với các quyết sách, chủ trương của thành phố trong việc phòng chống dịch.
Còn chị Trần Thị Lan, một cư dân sống ở hẻm 245 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 - nơi vừa bị rào chắn phong tỏa nghiêm ngặt từ 10h sáng 31/5 cho biết đây là lần thứ 2 khu Mã Lạng này bị phong tỏa, cư dân trong khu phố ban đầu có lo lắng và buồn nhưng vẫn chấp hành để chống dịch. Những người sống ngoài khu vực phong tỏa cũng hỗ trợ cư dân ở đây bằng việc tiếp tế lương thực, thực phẩm, mua đồ giúp cho nhau.
Ông Jaipal Tuttle- một nhà nghiên cứu người Mỹ đang sống ở chung cư Riviera Point, Quận 7 - nơi cũng đang bị phong tỏa do có ca nhiễm cho biết, ông cũng không gặp khó khăn gì vì ở đây ông được lực lượng chức năng và ban quản lý tòa nhà quan tâm, hướng dẫn tận tình. Đồng thời, ông vẫn có thể đặt mua thực phẩm qua các ứng dụng công nghệ.
Theo VOV.vn, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách, phong toả là rất cần thiết, trong đó quan trọng nhất là ý thức chấp hành của người dân. Phần lớn người dân ở quận Gò Vấp, nơi thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã sắp xếp được cuộc sống và công việc của mình để có thể góp phần chống dịch tốt nhất.
Đề xuất cho cán bộ, công chức làm việc tại nhà khi giãn cách xã hội
Vietnamplus đưa tin, Sở Nội vụ vừa có tờ trình gửi UBND TP về thay đổi phương thức làm việc của cơ quan hành chính Nhà nước đảm bảo phù hợp trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị Nhà nước sẽ bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà và tăng cường họp trực tuyến; chỉ trường hợp thật sự cần thiết như y tế, trực chiến đấu, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở. Số lượng người đến cơ quan, đơn vị làm việc tối đa không quá 1/3 số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phân công, giao việc cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà qua hệ thống văn phòng điện tử quản lý hồ sơ công việc, qua môi trường mạng, giải quyết, xử lý công việc bằng chữ ký số.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà phải có trách nhiệm thường xuyên cập nhật tình hình công việc của cơ quan, đơn vị và báo cáo tiến độ, kết quả công việc cho người đứng đầu trực tiếp thông qua sử dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, phải mở điện thoại di động 24/24 giờ, chấp hành nghiêm túc sự phân công công tác của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, không di chuyển ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết và chịu trách nhiệm về việc không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19.
5 tháng năm 2021: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,4%
Thông tin khác trên Vietnamplus, theo Sở Công Thương TPHCM, tính chung 5 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn TP tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Báo cáo của Sở Công Thương cũng cho thấy chỉ số sản xuất 5 tháng năm 2021 của 4 ngành công nghiệp trọng điểm gồm: điện tử, cơ khí, lương thực thực phẩm và hóa dược tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với ngành công nghiệp cấp 2 trên địa bàn TP, có 22/30 ngành đạt chỉ số đều tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Kết quả này đạt được là do sự nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp đồng hành cùng chính quyền Thành phố trong việc đảm bảo mục tiêu vừa duy trì sản xuất, vừa tham gia phòng chống dịch Covid-19. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng tập trung mọi nguồn lực và thực hiện tái cơ cấu hoạt động, từng bước khôi phục và duy trì ổn định hoạt động kinh tế, sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Bộ đội Hóa học phun khử khuẩn diện rộng tại quận Gò Vấp
Theo báo Quân đội nhân dân, chiều 1/6, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Phòng hóa 87 (Binh chủng Hóa học) và Tiểu đoàn Phòng hóa 38 (Quân khu 7) đã phối hợp tổ chức phun khử khuẩn, tiêu độc trên địa bàn quận Gò Vấp trong nỗ lực khống chế, hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.
Các đơn vị đã huy động 15 xe đặc chủng, xe tiêu tẩy đa năng hiện đại, bình phun khử khuẩn đặc chủng, cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ để thực hiện nhiệm vụ. Phương án triển khai theo vòng tròn khép kín, tiêu độc khử khuẩn từng tuyến đường, khu vực dân cư của các phường thuộc quận Gò Vấp.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị chia theo nhiều mũi tại trục đường Quang Trung, khu vực quanh Bệnh viện quận Gò Vấp và từng cụm khu dân cư thuộc địa bàn các phường: 3, 11, 14, 15... của quận Gò Vấp, đặc biệt là tại tuyến đường Nguyễn Văn Công (phường 3), nơi có ổ dịch thuộc Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng.
Bên cạnh việc phun khử khuẩn, các phân đội dân quân hóa học kiêm nhiệm của địa phương cũng triển khai phun khử khuẩn rộng khắp trong các tuyến hẻm trên địa bàn quận. Đồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng hóa chất, cách thức pha dung dịch để có thể tự tiêu độc, khử trùng với quy mô gia đình.
BV Chợ Rẫy chuyển khoa tai mũi họng và nội hô hấp ra ngoài
TS.BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh viện đã phân luồng, chuyển khoa tai mũi họng và nội hô hấp sang tòa nhà đối diện (số 620 Nguyễn Chí Thanh, phường 4, quận 11) để đề phòng nhóm bệnh nhân có nguy cơ mắc Covid-19 cao. Thông tin trên báo Tuổi Trẻ.
TS.BS Nguyễn Tri Thức phân tích, trong tình huống nếu phát hiện ca dương tính, chỉ tòa nhà 620 Nguyễn Chí Thanh bị phong tỏa, không ảnh hưởng đến toàn bệnh viện cũng như bệnh nhân ở các khoa khác ở cơ sở chính.
Ngoài ra, bệnh viện còn tạm ngưng hoạt động Phòng khám chuyên gia, Khoa chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu và Trung tâm kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật (HECI) để thực hiện công tác phòng chống dịch.
Thành Đoàn TPHCM khởi động chương trình Hè 2021
Theo báo Sinh viên Việt Nam, Thành Đoàn TPHCM chính thức khởi động chương trình Hè 2021 với chủ đề “Tự hào là công dân thành phố Bác Hồ”.
Chủ đề hướng đến 45 năm ngày TP Sài Gòn - Gia Định được vinh dự chính thức mang tên Thành phố Hồ Chí Minh (2/7/1976 - 2/7/2021) với nhiều hoạt động để thiếu nhi tham gia, bồi đắp niềm tự hào là công dân trẻ của thành phố mang tên Bác.
Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP, Trần Thu Hà cho biết, vì tình hình dịch bệnh phức tạp nên lễ khai mạc Hè tập trung sẽ không diễn ra. Cơ sở Đoàn, Đội sẽ tổ chức chăm lo, triển khai "sân chơi" dưới hình thức trực tuyến... nhằm đảm bảo an toàn cho thiếu nhi.
Chương trình Hè năm nay có các ngày cao điểm: Ngày hoạt động vì TPHCM, thân thiện với môi trường (6/6); Ngày hội trồng cây "Chung tay vì màu xanh thành phố" (4/7); Chương trình "Lắng nghe tiếng nói trẻ em" (11/7); Hành trình đến với các địa chỉ đỏ (25/7) và Chương trình "Vì đàn em thân yêu" (8/8).
Đối với nội dung Hè năm 2021, các hoạt động đều có phương án tổ chức trong tình hình dịch ổn định hoặc phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Hình thức trực tuyến tiếp tục được phát huy như thi trực tuyến, thử thách trực tuyến để các em có thể tham gia, sử dụng hiệu quả thời gian Hè tại nhà.
Vân Anh - Huyền Mai (tổng hợp)