Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 26/2/2021

09:38 26/02/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 26/2:

Phát lệnh gọi gần 4.000 công dân nhập ngũ năm 2021

Báo SGGP đưa tin, tại phiên họp thứ hai năm 2021 của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự TPHCM, Thường trực Hội đồng Nghĩa vụ quân sự TP cho biết, tổng số lệnh gọi nhập ngũ đã trao đến gần 4.000 công dân trong độ tuổi, trong đó 41,95% có trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học, 2,5% là đảng viên. Trước ngày giao quân, 100% công dân nhập ngũ sẽ được xét nghiệm SARS-CoV-2, bảo đảm thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng NVQS TPHCM, chủ trì phiên họp
Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng NVQS TPHCM, chủ trì phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nghĩa vụ quân sự TP đánh giá cao công tác gọi công dân nhập ngũ và chuẩn bị các điều kiện bảo đảm giao quân ngày 3/3 của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các quận - huyện và thành phố Thủ Đức. Trong đó, đặc biệt là công tác chăm lo chính sách hậu phương quân đội của cấp ủy, chính quyền các cấp với nhiều chương trình thiết thực như: lập sổ tiết kiệm, tặng quà cho công dân trúng tuyển, hỗ trợ gia đình có công dân nhập ngũ gặp khó khăn với mức bình quân gần 6 triệu đồng/người.

“Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, lễ giao - nhận quân tại các địa phương bảo đảm nhanh, gọn với thời gian làm lễ không quá 20 phút và giảm tối đa số lượng người thân tiễn con em mình nhập ngũ tại điểm giao quân”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam nhấn mạnh.

Lắp camera giám sát trong khu cách ly Covid-19

Báo Pháp Luật TP cho hay, tại cuộc họp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP (HCDC), lãnh đạo trung tâm Y tế quận - huyện về phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hữu Hưng đã chỉ đạo các khu cách ly kiểm dịch quận - huyện rà soát lại quy trình đảm bảo an toàn phòng, chống Covid-19 đã được HCDC hướng dẫn, đặc biệt là các quy trình vận hành trong khu cách ly. Lắp đặt camera ở các vị trí phù hợp và trích xuất được dữ liệu nhằm giám sát việc tuân thủ các quy định của người cách ly trong khu cách ly.

Bên cạnh đó, hồ sơ người cách ly, biên bản kiểm tra, giám sát và các quy trình vận hành khu cách ly phải được lưu trữ tại khu vực cách ly. Việc tổ chức cung cấp suất ăn cho người được cách ly kiểm dịch phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời chống lây nhiễm chéo trong quá trình giao nhận.

Khu cách ly tập trung quận 2. Ảnh: HL
Khu cách ly tập trung quận 2. Ảnh: HL

Ông Nguyễn Hữu Hưng cũng giao HCDC rà soát và cập nhật các hướng dẫn về quy trình, yêu cầu của khu cách ly kiểm dịch quận, huyện. Chú ý các biện pháp giúp tránh tiếp xúc giữa người được cách ly với nhau, phun khử khuẩn, xử lý chống lây nhiễm chéo trong nhà vệ sinh công cộng ở khu cách ly...

Từ 1/3, TPHCM đào tạo, sát hạch lái xe trở lại

Thông tin trên báo Tuổi Trẻ, Sở Giao thông vận tải TP vừa có thông báo các cơ sở đào tạo giấy phép lái xe tiếp tục tổ chức đào tạo và đăng ký tổ chức sát hạch để cấp giấy phép lái xe cho học viên kể từ ngày 1/3.

Ngoài ra, Sở này yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe có trách nhiệm thông báo rộng rãi cho tất cả học viên trở lại từ vùng có dịch, hoặc đã đi đến vùng có dịch phải khai báo với cơ sở y tế địa phương để theo dõi và kiểm tra sức khỏe. Toàn bộ quy trình theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.

Đồng thời, triển khai thực hiện khai báo y tế trực tuyến hằng ngày cho toàn thể học viên, nhân viên. Người khai báo không trung thực sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thực hành lái xe tại một cơ sở đào tạo lái xe dân sự ở TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Thực hành lái xe tại một cơ sở đào tạo lái xe dân sự ở TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH

Trước đó, do tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, Sở Giao thông vận tải TP có văn bản đề nghị các đơn vị đào tạo, sát hạch trên địa bàn TP tạm ngưng thực hiện công tác sát hạch từ ngày 3/2. Các cơ sở đào tạo chủ động bố trí lịch thi sát hạch cho những học viên đã đăng ký sát hạch trước đó nhưng bị tạm ngưng.

Đường sắt giảm giá vé tàu đến 50%

Thông tin khác trên báo Tuổi Trẻ, ngày 25/2, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, căn cứ tình hình đi lại của hành khách, ngành đường sắt đã tổ chức chạy các chuyến tàu cùng với chương trình giảm giá vé từ 5-50%.

Cụ thể từ ngày 1/3, đối với tuyến TPHCM - Hà Nội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức chạy các đoàn tàu SE3/SE4, SE7/SE8. Trong đó, đôi tàu SE3/SE4 xuất phát tại ga Sài Gòn và Hà Nội lúc 19h25, đôi tàu SE7/SE8 xuất phát tại Sài Gòn, Hà Nội lúc 6h.

Tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng chạy tàu SE21/SE22 từ ngày 1 đến ngày 7/3. Trong đó tàu SE22 xuất phát tại ga Sài Gòn lúc 11h40, tàu SE21 xuất phát tại Đà Nẵng lúc 9h12.

Tuyến Sài Gòn - Nha Trang chạy tàu SNT2 xuất phát từ ga Sài Gòn lúc 20h thứ sáu hằng tuần, còn tàu SNT1 xuất phát tại ga Nha Trang lúc 20h chủ nhật hằng tuần.

Trước đó, do tình hình dịch COVID-19, ngành đường sắt đã giảm nhiều chuyến tàu - Ảnh: ĐỨC PHÚ
Trước đó, do tình hình dịch COVID-19, ngành đường sắt đã giảm nhiều chuyến tàu - Ảnh: ĐỨC PHÚ

Từ ngày 1/3 đến hết ngày 28/4, khách đi các đoàn tàu SE3/SE4, SE7/SE8 với cự ly vận chuyển trên 900km và tàu SE21/SE22 với cự ly trên 600km sẽ được giảm giá từ 5-50%. Mức giảm giá tùy vào thời gian mua vé trước ngày tàu chạy từ 5 ngày trở lên. Chẳng hạn, mua trước 5 đến 9 ngày giảm 5%, còn mua trước 50 ngày trở lên giảm 50%...

Hành khách đi tàu SNT1/SNT2 với cự ly trên 300km cũng được giảm từ 5-30% giá vé, tùy theo thời gian mua vé trước ngày tàu chạy từ 5 ngày trở lên.

Đối với vé tàu tập thể, khách mua vé từ 5-10 người được giảm 5%, từ 10-39 người giảm 7%, từ 40-69 người được giảm 9%, từ 70-100 người được giảm 11% và 101 người trở lên giảm đến 13%, tùy theo mác tàu được quy định đã được công khai trên hệ thống bán vé.

Ngoài ra, ngành đường sắt cũng có các chính sách giảm giá vé cho hành khách thuộc các đối tượng chính sách xã hội và học sinh, sinh viên…

Nhiều quán chay mở kênh bán online phục vụ rằm Tháng Giêng

Trong bối cảnh không chủ quan với dịch bệnh Covid-19, hầu hết người dân đều hạn chế đến các hàng, quán ăn mà chủ yếu ăn ở nhà hoặc đặt hàng thông qua ứng dụng gọi xe công nghệ.

Nắm bắt xu hướng mới của người tiêu dùng, các hàng, quán chay đều chủ động mở kênh bán hàng online và tăng cường các biện pháp bảo quản chất lượng đồ ăn, thức uống khi giao đến tận tay người tiêu dùng. Nội dung đăng tải trên Vietnamplus.

Nhờ hình thức đặt hàng trực tuyến, người tiêu dùng được hưởng đa dạng tiện ích trong mua sắm, tiêu dùng. Khi so sánh thực tế, giá cả giữa đơn hàng online và giá niêm yết tại chỗ tại một số hàng, quán chay trên địa bàn TP không chênh lệch bao nhiêu.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Riêng đối với những khách hàng thường xuyên sử dụng ứng dụng gọi xe công nghệ thì càng được hưởng nhiều tiện ích và chương trình khuyến mãi, giảm giá hơn nữa từ các thương hiệu này. Đồng thời, đặt hàng qua ứng dụng gọi xe công nghệ không chỉ dễ dàng, mà người tiêu dùng còn có cơ hội săn những món ăn ưu đãi lên đến 50%, hoặc mua 1 tặng 1, mua đồ ăn được tặng nước uống...

Hiện tại, nguồn cung lương thực, thực phẩm trên địa bàn TP tại mạng lưới chợ truyền thống và kênh bán lẻ hiện đại đều dồi dào, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong tháng Giêng, người dân có xu hướng ăn chay và chưng cúng Lễ, nên những mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ, quả, trái cây... được thương nhân, tiểu thương tăng cường nhập hàng về thị trường thành phố. Giá cả những mặt hàng này khá ổn định và có một số sản phẩm có giá giảm so với cùng kỳ năm trước.

Đề xuất hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học các trường ngoài công lập

Báo SGGP cho hay, Sở GD-ĐT TP vừa có văn bản gửi UBND TP đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ giáo dục tiểu học trên địa bàn TPHCM căn cứ theo Luật Giáo dục 2019.

Cụ thể, Sở GD-ĐT TP đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ học phí cho toàn bộ học sinh tiểu học các trường tư thục và công lập tự chủ nhằm tạo sự công bằng trong giáo dục, bình đẳng giữa các loại hình trường lớp cũng như giữa tất cả học sinh.

Chính sách nói trên nhằm giúp giảm áp lực tài chính đối với các gia đình, từng bước giảm áp lực về sĩ số học sinh ở các trường công lập, giảm gánh nặng của ngân sách nhà nước đầu tư cho hệ thống trường công, qua đó khuyến khích các nhà đầu tư có đủ năng lực tiếp tục đầu tư, phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục tiểu học ngoài công lập.

Học sinh Trường Tiểu học Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) trong một hoạt động theo nhóm. (Ảnh minh họa)
Học sinh Trường Tiểu học Cần Thạnh (huyện Cần Giờ) trong một hoạt động theo nhóm. (Ảnh minh họa)

Cũng theo đề xuất này, đối tượng được hỗ trợ gồm học sinh tiểu học cư trú thực tế trên địa bàn TPHCM (thường trú và tạm trú) đang theo học tại cơ sở giáo dục tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên và chi đầu tư của TP.

Hỗ trợ được thực hiện theo hình thức hỗ trợ trực tiếp theo số tháng thực học tại các cơ sở giáo dục, tối đa không quá 9 tháng/năm và được tính bằng định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách đối với học sinh tiểu học theo Nghị quyết của HĐND TPHCM. Thời gian thực hiện được đề xuất bắt đầu từ năm học 2021-2022, kinh phí từ nguồn ngân sách TP.

Giải ngân không đạt 90% sẽ không xét thi đua cho người đứng đầu

Đó là một trong những giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công trong năm 2021 được Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND TPHCM triển khai với các đơn vị. Thông tin trên báo SGGP.

Theo đó, các cơ quan chủ quản phải tăng cường chỉ đạo chủ đầu tư trực thuộc triển khai thực hiện dự án; đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện dự án; công tác lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định pháp luật; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng khâu thực hiện nhằm bảo đảm tiến độ thi công công trình.

Ủy ban nhân dân các quận - huyện chủ động lập kế hoạch, tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng dự án để đề xuất bố trí vốn phù hợp; không để xảy ra tình trạng dự án được bố trí vốn nhưng chậm thực hiện trình thẩm định, phê duyệt giá bồi thường dẫn đến chậm giải ngân vốn chi trả cho người dân.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản, người đứng đầu, chủ đầu tư dự án trong việc giải ngân, trường hợp tỷ lệ giải ngân tính đến hết năm kế hoạch 2021 đạt dưới 90% kiến nghị không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan…

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 26/2/2021 - Ảnh 1

Tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân trong năm 2020 được Kho bạc Nhà nước thành phố xác nhận là 31.985,634 tỷ đồng. Kết quả giải ngân 12 tháng của niên độ ngân sách năm 2020 cao gấp 1,7 lần về giá trị tuyệt đối và cao hơn cả về tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ năm 2019; tuy nhiên, so với yêu cầu của Chính phủ, của Lãnh đạo TP và bối cảnh hiện nay thì vẫn chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình triển khai thực hiện và giải ngân vốn ODA chưa đảm bảo theo tiến độ, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của TP.

Hai trường đại học đầu tiên ở Thành phố xét tuyển học bạ từ ngày 1/3

Trường ĐH Công nghệ TPHCM và Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM vừa thông báo sẽ nhận hồ sơ xét tuyển đại học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ từ ngày 1/3/2021.

Trao đổi với báo Tiền Phong, Thạc sỹ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó Trưởng phòng Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP (HUTECH) cho biết, năm nay Trường xét tuyển học bạ THPT theo 2 phương thức gồm: Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12) và xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12 cho 50 ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Cụ thể, với phương thức xét tuyển học bạ 3 học kỳ, thí sinh cần có tổng điểm trung bình 3 học kỳ xét tuyển (gồm 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên.

Với phương thức xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, thí sinh cần có tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên. Riêng nhóm ngành khoa học sức khỏe, điều kiện xét tuyển áp dụng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Hai trường đại học đầu tiên ở TPHCM xét tuyển học bạ từ ngày 1/3. Ảnh minh hoạ
Hai trường đại học đầu tiên ở TPHCM xét tuyển học bạ từ ngày 1/3. Ảnh minh hoạ

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP cũng thông báo sẽ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ từ ngày 1/3 tới theo phương thức 5 học kỳ và tổ hợp ba môn lớp 12.

Được biết đây là 2 trong 4 phương thức trường công bố trong Đề án tuyển sinh dự kiến năm 2021. Năm nay, trường dành 30% tổng chỉ tiêu cho hai phương thức này.

Theo đó, phương thức xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, thí sinh cần có tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên. Phương thức xét tuyển học bạ 5 học kỳ, thí sinh cần có tổng điểm trung bình 5 học kỳ xét tuyển (gồm 2 học kỳ lớp 10, 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 30 điểm trở lên.

Ngoài ra, trường còn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả đánh giá năng lực của trường ĐHQG TP. Tổng chỉ tiêu xét tuyển của trường năm nay là 3.495 thí sinh cho tất cả 30 ngành đào tạo.

Hơn 31.000 lượt hành khách sử dụng phà biển Cần Giờ

Theo báo Người Lao Động, sau gần 2 tháng đưa vào hoạt động (4/1 – 17/2/2021), tuyến phà cao tốc Cần Giờ-Vũng Tàu đã khai thác hơn 400 chuyến phà với hơn 31.000 hành khách. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tuyến phà có hơn 200 chuyến với 15.500 khách.

Với lượng khách và hàng hóa ngày càng tăng cao nên trong các ngày cuối tuần, chủ phà thường phải tăng cường 1-3 chuyến/ngày.

Tuyến phà cao tốc Cần Giờ-Vũng Tàu chở hành khách cùng hàng hóa chuẩn bị cập bến tại Vũng Tàu
Tuyến phà cao tốc Cần Giờ-Vũng Tàu chở hành khách cùng hàng hóa chuẩn bị cập bến tại Vũng Tàu

Phía đơn vị đầu tư và khai thác là Công ty TNHH MTV Quốc Chánh cũng cho biết dự kiến từ năm 2021-2022, đơn vị sẽ tăng thêm 4 chiếc để đủ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa cho người dân địa phương và du khách. Dự tính, đến năm 2024, sẽ có 12 chiếc phà cao tốc được đưa vào khai thác.

Tuyến phà cao tốc Cần Giờ - Vũng Tàu có cự ly khoảng 15 km, xuất phát từ bến Tắc Suất (Cần Giờ) đến TP Vũng Tàu, hành trình khoảng 30 phút. Hiện tại, đang có 2 chiếc phà hoạt động trên tuyến vận tải đường thủy này với 24 chuyến mỗi ngày, mỗi chuyến cách nhau 60 phút.

Khoang hành khách ở mỗi phà thiết kế 2 tầng với 330 chỗ nhưng sẽ chở tối đa 190 người; mỗi phà chở thêm được khoảng 10 ôtô, 100 xe máy và cả hàng hóa.

Vé đi phà biển áp dụng cho mỗi lượt khách là 70.000 đồng. Khách đi xe chịu thêm phí tùy phương tiện, trong đó thấp nhất là xe máy và xe đạp giá 50.000 đồng mỗi xe. Ôtô loại 4 chỗ và xe bán tải là 350.000 đồng; từ 7 đến 20 chỗ là 450.000 đồng; từ 20 đến 26 chỗ là 600.000 đồng và từ 26 chỗ trở lên là 800.000 đồng mỗi xe. Với xe tải, giá vé áp dụng thấp nhất cho loại dưới 3 tấn là 400.000 đồng, cao nhất 1 triệu đồng cho xe từ 8 tấn trở lên, đơn vị khai thác chưa nhận chở xe container.

Vân Anh - Thanh Nga - Ngọc Huyền (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục