Không có chuyện phong tỏa toàn bộ TP. Hồ Chí Minh
Chiều 25/3, trả lời báo Thanh Niên, ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng - người phát ngôn UBND Thành phố (TP), khẳng định không có chuyện “phong tỏa toàn thành phố”.
Theo ông Thắng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP hằng ngày đều họp, các thông tin chỉ đạo, điều hành đều được công khai trên các kênh của Trung tâm báo chí TP để người dân, báo chí theo dõi. UBND TP đã giao Sở Thông tin và Truyền thông công bố danh sách các cơ quan báo đài, trang thông tin, website được phép đưa tin về tình hình dịch bệnh. Do đó, những thông tin còn lại là không chính xác, người dân nên chọn lọc các thông tin về dịch bệnh từ các nguồn chính thống. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào loan tin thất thiệt sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Để kiểm soát tốt nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan, TP chỉ tạm dừng hoạt động quán bar, karaoke, cơ sở massage, các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ từ 30 người trở lên), CLB bida, phòng tập thể hình, cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn TP.
Phòng chống nghiêm ngặt, không để lây lan dịch bệnh ngay trong cơ sở y tế
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Sở Y tế TP cho biết, hiện TP đã có 34 trường hợp dương tính đã công bố và 6 trường hợp đã dương tính lần 1, đang chờ Bộ Y tế xét nghiệm khẳng định và công bố.
Nhằm đảm bảo phòng chống nghiêm ngặt, không để lây lan dịch bệnh ngay trong cơ sở y tế, Sở Y tế yêu cầu Giám đốc các đơn vị chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chấp hành quy định không tập hợp đồng người.
Nhân viên y tế và người sống cùng nơi cư trú tuyệt đối không tham dự các sự kiện đông người: đám cưới, đám tang, tiệc ăn uống ở nhà hàng, quán ăn... và hạn chế đến những nơi công cộng, nếu có thì không quá 3 người và giữ khoảng cách 2m, đeo khẩu trang và các biện pháp phòng hộ cá nhân khác.
Nhân viên y tế và người thân trong gia đình không ra ngoài nếu không có việc cấp bách, cần thiết (đi làm, mua thực phẩm, thuốc men ...) , nếu phải ra ngoài thì áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đã nêu trên.
Bố trí, sắp xếp lại các khu vực trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các quy trình hoạt động để đảm bảo không tập trung đông người.
Chỉ tổ chức họp giao ban chuyên môn cần thiết với số lượng dưới 10 người; những người dự họp ngồi cách nhau tối thiểu 2 mét và sử dụng các biện pháp phòng hộ khác theo quy định của bệnh viện.
Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ thân nhân người bệnh đến thăm nuôi, điều tra dịch tễ người bệnh và người thăm nuôi; hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc giữa người bên ngoài với nhân viên y tế và người bệnh trong cơ sở.
Thành phố đang hoàn thiện nhiều dự án giao thông quan trọng
Phương án giải cứu kẹt xe sân bay, tiến độ đường vành đai 3, đường xuyên Á, metro số 1… là những vấn đề cử tri Thành phố quan tâm và yêu cầu ngành giao thông trả lời trước và sau kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Đó là nội dung bài viết đăng tải trên báo Pháp Luật TP.
Về giải quyết kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Sở GTVT cho biết có các giải pháp tổ chức phía trong và ngoài sân bay. Về phía trong, đến năm 2030, công suất cảng này sẽ được nâng lên thành 50 triệu hành khách/năm với hàng loạt dự án đang được đẩy nhanh tiến độ như mở rộng nhà ga hành khách T1, T2, đầu tư nhà ga T3. Về phía ngoài, ngành giao thông đã cơ bản hoàn thành một số công trình như xây dựng cầu vượt tại nút giao Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài.
Đồng thời, hoàn thiện cầu vượt thép ngã sáu Gò Vấp và mở rộng đường Hoàng Minh Giám. Ngoài ra, còn có các dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường lân cận để “giải cứu” giao thông khu vực.
Đối với tiến độ dự án metro số 1, Sở này cho biết dự kiến đưa công trình vào vận hành chạy thử kỹ thuật cuối năm 2020 và khai thác vào quý IV-2021. Đến tháng 3 năm nay, dự án đã hoàn thành khoảng 70,29% khối lượng.
Không chỉ giao thông nội đô, cử tri TP cũng yêu cầu Sở GTVT cho biết về tiến độ các công trình giao thông như vành đai 3 qua nhiều tỉnh, đường xuyên Á (còn gọi là quốc lộ 22 đi Hóc Môn - Củ Chi - Tây Ninh, Campuchia). Theo Sở GTVT, vành đai 3 dài 89,3 km với quy mô 6-8 làn xe cao tốc được chia làm bốn đoạn: Nhơn Trạch - Tân Vạn; Tân Vạn - Mỹ Phước; Bình Chuẩn - quốc lộ 22; quốc lộ 22 - Bến Lức.
Khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với đoạn 1 là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm. Trong khi đó, đối với đoạn 3 và đoạn 4 chưa được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Ngoài ra, Bộ KH&ĐT cũng chưa có kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Dự án quan trọng khác là đường xuyên Á - quốc lộ 22, cử tri huyện Củ Chi phản ánh đường mới làm nhưng đã xảy ra hiện tượng hư hỏng, xuống cấp. Theo đó, cử tri đề nghị làm rõ trách nhiệm và sớm cho nâng cấp, sửa chữa. Về vấn đề này, Sở GTVT cho biết dự án này đã được Bộ GTVT đầu tư, thực hiện hoàn thành và bàn giao cho TP quản lý từ năm 2004. Trong năm 2019, ngành đã thực hiện hoàn thành hai công trình cải tạo mở rộng 2 m cho làn xe hai bánh, bổ sung mương thoát nước.
Nhiều trường đại học tiếp tục cho sinh viên nghỉ học
Theo Vietnamplus, một số trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh quyết định tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học của sinh viên đến tháng 5/2020, thay vì cuối tháng 3 như trước đó.
Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) quyết định tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học của sinh viên đến hết ngày 3/5/2020. Kế hoạch đào tạo học kỳ II năm học 2019-2020 (bao gồm cả học và thi) sẽ bắt đầu từ ngày 4/5/2020 và kết thúc vào ngày 27/9/2020 để đảm bảo thời gian, khối lượng kiến thức, nội dung và chất lượng đào tạo.
Tương tự, Đại học Kinh tế-Tài chính TP. Hồ Chí Minh (UEF) thông báo kéo dài thời gian nghỉ học của học viên, sinh viên và điều chỉnh kế hoạch đào tạo học kỳ II năm học 2019-2020. Nhà trường tiếp tục cho học viên, sinh viên nghỉ đến hết ngày 3/5, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho học viên, sinh viên và cán bộ, giảng viên, nhân viên toàn trường; học kỳ II (bao gồm học và thi) sẽ bắt đầu từ ngày 4/5 và kết thúc ngày 5/9.
Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cũng thông báo không tổ chức học tập trung đối với học viên, sinh viên tại trường đến hết ngày 19/4/2020. Để đảm bảo kế hoạch giảng dạy, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thực hiện tương tác qua hệ thống giảng dạy, học tập trực tuyến qua BUH-LMS E-learning và Zoom Meeting. Các môn học có hệ thống ngân hàng câu hỏi ôn tập sẽ được cung cấp trên hệ thống BUH-LMS E-learning bởi Phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng.
Tạm hoãn kỳ thi học sinh giỏi cấp Thành phố
Báo Người Lao Động cho hay: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở GD-ĐT TP đã ra thông báo tạm hoãn tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp TP năm học 2019-2020
Cụ thể, Sở GD-ĐT thông báo tạm hoãn tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp TP vào ngày 7/4 do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Thời gian thi chính thức sẽ được điều chỉnh sau khi có thông báo cho học sinh đi học trở lại.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP cũng đã có thông báo về việc không tổ chức một số cuộc thi trong học kỳ 2 năm học 2019-2020 như Cuộc thi Olympic tháng 4 TP. Hồ Chí Minh mở rộng, cuộc thi "Tài năng Robot TP. Hồ Chí Minh lần 8" và cuộc thi Olympic truyền thống 30/4. Các cuộc thi sẽ được tổ chức vào năm tiếp theo.
Đồng ý tổ chức dạy học qua truyền hình, Internet
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, báo Pháp Luật TP viết: UBND TP vừa có công văn khẩn chấp thuận đề xuất của Sở GD&ĐT TP về chủ trương tổ chức thực hiện dạy học qua Internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
UBND TP giao Sở GD&ĐT và Đài Truyền hình TP phối hợp tổ chức thực hiện dạy học qua Internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch COVID-19 cho học sinh phổ thông và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh.
Giao Sở GD&ĐT phối hợp với Đài Truyền hình TP xây dựng dự toán kinh phí để sản xuất và phát sóng chương trình cho khối lớp 9 và lớp 12 theo quy định. Chuyển Sở Tài chính thẩm định, trình UBND TP duyệt kinh phí...
Nhà thờ ngưng tổ chức thánh lễ
Thông tin trên báo Người Lao Động: Từ 16 giờ ngày 26-3, tất cả nhà thờ, nhà nguyện và dòng tu thuộc Tổng giáo phận TP.Hồ Chí Minh ngưng cử hành thánh lễ và sinh hoạt tôn giáo để tránh lây lan Covid-19.
Tổng giám mục Tổng giáo phận TP Giuse Nguyễn Năng đã có thông báo đến toàn thể cộng đồng Dân Chúa Tổng giáo phận; đồng thời đề nghị các linh mục cử hành thánh lễ hằng ngày một cách riêng tư vì "Thánh lễ là cử hành mầu nhiệm Thánh giá và phục sinh của Chúa, là trung tâm và đỉnh cao của đời sống Hội thánh Công giáo".
Các nhà thờ được yêu cầu không tổ chức cầu nguyện đông người, song vẫn mở cửa để giáo dân đến cầu nguyện riêng. Giáo dân được kêu gọi siêng năng cầu nguyện, đọc kinh, lần hạt Mân Côi hoặc tham dự thánh lễ trực tuyến vào 5 giờ 30 phút và 17 giờ 30 phút mỗi ngày trên website của Tổng giáo phận TP.
Tổng giám mục Giáo phận TP cũng đề nghị hoãn việc cưới xin trong thời gian này. Về thánh lễ an táng, các linh mục chỉ tổ chức tại nhà thờ của giáo xứ với sự tham dự của thân nhân, họ hàng gần; không cử hành thánh lễ cầu hồn tại gia đình.