Dám nghĩ nhưng phải biết làm!
Làm việc với Ban Thường vụ Thành đoàn chiều 25/3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng năng lực của tuổi trẻ rất lớn, đặc thù tổ chức Đoàn của TP là đi đầu, nghĩ ra cái mới và hiện thực hóa nó. Nội dung trên báo Tuổi Trẻ.
Lấy dẫn chứng về chương trình xây dựng 1.000 phòng học do Đoàn thanh niên TP tham mưu lãnh đạo TP qua việc bán vé số gây quỹ và thực hiện thành công; hay chuyện từ khó khăn của học sinh các tỉnh về TP dự thi đại học, hoạt động Tiếp sức mùa thi của Đoàn đầy ý nghĩa, ông Phong thẳng thắn: "Đoàn, người trẻ dám nghĩ nhưng phải biết làm, quá trình làm là quá trình để mỗi cán bộ trưởng thành vì môi trường Đoàn chính là trường đào tạo cán bộ lớn lắm".
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng lưu ý, trong nhiệm kỳ 2020-2025, TPHCM thực hiện 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm phát triển TP với tổng cộng 51 chương trình, đề án thành phần. Trong đó, Thành Đoàn cần quan tâm nhiều nhất đến Chương trình đột phá phát triển nguồn nhân lực và văn hóa TP.
Về các công việc cụ thể, đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Ban Thường vụ Thành Đoàn sớm ký kết phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở VH-TT, Sở TT-TT, Sở TN-MT và Sở KH-CN TPHCM để cụ thể hóa công việc và trách nhiệm thực hiện các phần việc liên quan đến các lĩnh vực trên. Cụ thể là việc giáo dục – đào tạo cho thế hệ trẻ; vận động thanh thiếu niên tham gia gìn giữ, bảo tồn các công trình, di tích lịch sử văn hóa; xây dựng văn hóa đọc trong thanh niên và xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh trong giới trẻ.
Cùng đó là phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên trong chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và các hoạt động khoa học – công nghệ trong bối cảnh TPHCM đẩy mạnh khởi nghiệp, chuyển đổi số và xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TPHCM.
Đề nghị người dân tạm ngưng dùng các sản phẩm pate chay
Báo Thanh Niên đưa tin, tối 25/3, Sở Y tế TPHCM đã có thông tin về chùm ca bệnh nguy kịch nghi do ngộ độc thực phẩm pate chay điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2.
Theo Sở Y tế TP, tất cả bệnh nhân này đều có cùng bệnh cảnh (nhược cơ, suy tuần hoàn, suy hô hấp…) và trước đó đều cùng ăn pate chay. Hiện tại, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2 đang hồi sức tích cực cho các bệnh nhân và đang chờ các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đến hội chẩn và mang thuốc giải độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum, tác nhân chính có trong pate chay gây ra ngộ độc.
Hiện Ban An toàn vệ sinh thực phẩm TP đang khẩn trương xác minh, thu thập thông tin và xử lý theo quy định. Trong khi chờ xác định chính xác thông tin, Sở Y tế đề nghị người dân tạm ngưng việc sử dụng tất cả các sản phẩm có liên quan đến pate chay, chờ thông tin và thông báo mới nhất từ Ban An toàn vệ sinh thực phẩm TP. Riêng những ai đã cùng ăn pate chay với các bệnh nhân trên cần đến bệnh viện gần nhất để được theo dõi và điều trị.
TPHCM đã có cách xử lý hiệu quả rác xây dựng
Thông tin từ báo Người Lao Động, tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM (Citenco) và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Citenco, cho biết trong thời gian tới, một công ty của Nhật Bản sẽ hỗ trợ thiết bị tiên tiến, lắp đặt thử nghiệm tại TP để xử lý chất thải xây dựng. Việc thử nghiệm triển khai trong 2 năm.
Đây là kết quả hợp tác giữa nhiều đơn vị gồm Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Công ty Suzuken Kogyo (Nhật) và Citenco. Với công nghệ này, rác thải xây dựng được phân loại thành các nhóm riêng (nhựa, gỗ, bê tông, đất…), sau đó từng loại rác được xử lý theo quy trình riêng bằng các thiết bị như sàng rung phân loại, hệ thống máy đập, nghiền, công suất lên đến 100 – 150 tấn/giờ. Ngoài xử lý, rác thải xây dựng sẽ được tái chế thành những sản phẩm có ích khác như gạch nung.
Theo ông Nhựt, áp dụng công nghệ mới trong xử lý rác là mục tiêu của Citenco nhằm góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, bền vững, phát triển xanh cho thành phố. Không chỉ áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý rác thải xây dựng mà rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, rác thải nguy hại cũng được Citenco xử lý bằng công nghệ tiên tiến của thế giới.
Miễn phí và rút ngắn thời gian cấp điện còn 13 ngày
Theo Chinhphu.vn, trong nhiều năm qua, Tổng công ty Điện lực TP (EVNHCMC) đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm cắt giảm thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết cấp điện qua trạm biến áp cho khách hàng. Đến nay, khách hàng được cung cấp điện qua lưới điện từ lưới hạ thế đến trung áp 22 kV hoàn toàn miễn phí trong thời gian tối đa 13 ngày.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC cho biết, sau khi tiếp nhận yêu cầu cấp điện, các công ty điện lực thuộc Tổng công ty chủ động thực hiện và chịu toàn bộ chi phí, kể cả kéo mới lưới trung thế và lắp đặt mới trạm điện cho khách hàng có nhu cầu, trừ khách hàng mua điện trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Để tiếp nhận và giải quyết các nhu cầu về dịch vụ điện cho khách hàng, EVNHCMC đã áp dụng 19/19 loại hình dịch vụ được thực hiện trực tuyến. Các quy trình, thủ tục về các dịch vụ điện đã được niêm yết công khai trên trang web của trung tâm chăm sóc khách hàng.
Khách hàng chỉ cần đăng ký qua tổng đài chăm sóc khách hàng theo số 1900545454, qua email cskh@hcmpc.com.vn, website http://cskh.hcmpc.com.vn, Cổng Dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn) hoặc qua ứng dụng EVNHCMC.CSKH trên thiết bị di động, thay vì đến trực tiếp tại phòng giao dịch của các công ty điện lực khu vực.
Hiệu quả của ứng dụng Y tế trực tuyến
Theo báo Hà Nội Mới, một năm qua, với việc đưa ứng dụng Y tế trực tuyến vào hoạt động để người dân cùng tham gia giám sát địa bàn, ngành Y tế TPHCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ứng dụng Y tế trực tuyến được Sở Y tế TP đưa vào sử dụng từ tháng 3/2020, đến nay, Thanh tra Sở Y tế đã tiếp nhận và xử lý hơn 530 tin phản ánh từ địa bàn.
Bà Phan Quý Ngọc, ngụ tại khu cư xá Bắc Hải, phường 15, quận 10 nhận xét, ứng dụng Y tế trực tuyến giúp người dân phản ánh nhanh cả bằng tin nhắn, hình ảnh, âm thanh... đến cơ quan chức năng bất kỳ lúc nào. Việc này thuận tiện hơn rất nhiều so với cách gọi điện báo vi phạm thông thường như trước kia.
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP, từ tin báo trong một năm qua, cơ quan chức năng đã phát hiện 25 cơ sở hoạt động không phép. Trong đó có 24 cơ sở khám, chữa bệnh, gấp 6 lần so với năm 2019, khi chưa đưa ứng dụng vào hoạt động; xử phạt các trường hợp vi phạm với số tiền 2,7 tỷ đồng.
Quận 10 cưỡng chế tháo dỡ một công trình xây dựng sai phép
Theo báo SGGP, ngày 25/3, UBND quận 10 đã tổ chức cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình tại số 433/11 đường Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10.
UBND quận 10 cho biết căn nhà 433/11 đường Sư Vạn Hạnh do ông P.C.M. tổ chức thi công sai giấy phép xây dựng. Phần diện tích vi phạm xây dựng là 655,31 m2. Trong đó, chủ đầu tư xây thêm diện tích sàn tại tầng trệt, tầng 6, tầng 7, sàn tầng 8, sàn tầng 9; xây thêm tại ban công tầng 9, tầng sân thượng; xây thêm ô đối trọng thang máy tại tầng thượng…
Đối với những sai phạm tại công trình này, Thanh tra Sở Xây dựng TP đã ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Vào ngày 9/6/2020, UBND quận 10 tổ chức cưỡng chế. Tuy nhiên, do chủ đầu tư có đơn tự nguyện tháo dỡ nên UBND quận 10 đã hướng dẫn và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện tháo dỡ theo đúng phương án tháo dỡ được Sở Xây dựng TP phê duyệt.
Dù vậy, việc chấp hành tháo dỡ của chủ đầu tư đối với các hạng mục vi phạm xây dựng tại công trình trên rất chậm, không đảm bảo tiến độ tháo dỡ theo phương án được phê duyệt. Từ ngày 9/6/2020 đến nay, chủ đầu tư chỉ mới thực hiện tháo dỡ 133,93 m2 diện tích vi phạm xây dựng, còn lại 403,5 m2 vi phạm chưa tháo dỡ.
Do đó, ngày 18/3, UBND quận 10 đã ban hành Thông báo số 1097/TB-UBND để thông tin đến chủ đầu tư về việc UBND quận 10 sẽ tiếp tục tổ chức cưỡng chế tháo dỡ phần diện tích vi phạm còn lại tại công trình số 433/11 đường Sư Vạn Hạnh vào ngày 25/3.
Theo kế hoạch, trong thời gian 30 ngày (từ ngày 25/3 đến ngày 25/4), lực lượng chức năng hoàn tất việc tháo dỡ toàn bộ các hạng mục công trình vi phạm theo phương án được phê duyệt.
Trường CĐ đào tạo nghề miễn phí cho người lao động thất nghiệp vì dịch Covid-19
Cũng trên báo Thanh Niên, ngày 25/3, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đã tổ chức lễ phát động chương trình Bồi dưỡng kỹ năng nghề dành cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mục tiêu của chương trình nhằm tạo điều kiện giúp những người lao động bị mất việc bởi dịch Covid-19 chuyển đổi, cập nhật kỹ năng nghề để tìm lại việc làm, đặc biệt ưu tiên nữ giới, người khuyết tật và người thuộc các dân tộc ít người.
Sau một thời gian nghiên cứu về nhu cầu thị trường, 24 ngành nghề là thế mạnh của trường đã được xây dựng chương trình với mong muốn ít nhất 500 người lao động được đào tạo ở giai đoạn 1. Các học viên sẽ được học miễn phí 100% và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chuyên đề đào tạo. Sau giai đoạn này, nếu số lượng người lao động cần hỗ trợ còn nhiều, trường sẽ tiếp tục chương trình.
Được biết đồng hành cùng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, còn có 9 đơn vị gồm các doanh nghiệp tài trợ vật tư, cho mượn máy móc, nhận học viên đến thực tập, hỗ trợ nhân sự. Học viên sẽ được thực tập trên thiết bị, máy móc hiện đại của trường hoặc của các đơn vị đối tác. Thông qua chương trình, trường cũng sẽ là cầu nối giúp các học viên được đào tạo từ chương trình tìm được việc làm tại các công ty này.
Thời gian học bắt đầu từ ngày 1/4 - 30/6 vào các buổi tối trong tuần hoặc những ngày cuối tuần, tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng hoặc tại các doanh nghiệp đồng hành. Thời lượng đào tạo một nghề đơn giản là từ 30 đến 45 tiết.
Người đăng ký tham gia chương trình phải có giấy tờ liên quan để chứng minh bị thất nghiệp do Covid-19 hoặc bị giảm giờ làm việc. Mỗi người lao động tham gia sẽ được đăng ký tối đa 2 nghề đơn giản và phải đáp ứng điều kiện riêng của từng nghề.
Giải đua xe đạp Cúp Truyền hình TPHCM sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 30/4
Theo báo Người Lao Động, ngày 25/3, Đài Truyền hình TPHCM (HTV) tổ chức họp báo công bố thông tin về cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh Cúp Truyền hình TP HCM lần thứ 33 - Non sông liền một dải - Niềm tin chiến thắng - HTV Tôn Đông Á năm 2021.
Diễn ra từ ngày 6 đến 30/4, giải đua xe đạp tranh cúp Truyền hình TP HCM lần thứ 33 năm 2021 quy tụ hơn 100 tay đua đến từ 15 đội, gồm 14 câu lạc bộ xe đạp mạnh nhất của nhiều tỉnh, thành, ngành trong cả nước và sự xuất hiện của tuyển trẻ xe đạp Việt Nam, trong số này có nhiều gương mặt tuyển thủ quốc gia và tuyển trẻ quốc gia chuẩn bị cho SEA Games 31.
Lễ khai mạc và chặng đua đầu tiên diễn ra ngày 6/4 tại TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Sau đó, đi qua các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh đến TP Hà Nội, đi qua các tỉnh - thành miền Trung, Tây Nguyên và kết thúc vào ngày 30/4/2021 trước Hội trường Thống Nhất, TPHCM theo truyền thống.
Tổng giá trị giải thưởng là gần 2 tỉ đồng. Trong đó, tay đua đoạt áo vàng chung cuộc sẽ được nhận phần thưởng 200 triệu đồng, đội đoạt Cúp vô địch được thưởng 100 triệu đồng. Tay đua thắng chặng cũng được nhận mức thưởng cao lên đến 20 triệu đồng.
Ông Thái Thành Chung, Phó Tổng Giám đốc HTV, cho biết tất cả 22 chặng đua sẽ được truyền hình trực tiếp trên các kênh sóng của HTV và các hạ tầng mạng xã hội HTV phục vụ người hâm mộ. Ngoài ra, Ban tổ chức và nhà tài trợ còn dành hơn 1,5 tỉ đồng cho các hoạt động thiện nguyện, hướng về cộng đồng ở những nơi đoàn đua đi qua.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)