Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 26/5/2021

09:26 26/05/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 26/5:

Chậm nhất cuối quý 3/2022, hoàn thành đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM

Báo SGGP đưa tin, về việc thực hiện lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM và TP Thủ Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình đã có chỉ đạo giao Giám đốc Sở QH-KT khẩn trương xây dựng Kế hoạch chi tiết về tiến độ thực hiện lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trên cơ sở nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và Ban Chấp hành Đảng bộ TP thông qua.

Theo đó, chậm nhất cuối quý 3/2022 phải hoàn thành công tác lập, trình Bộ Xây dựng thẩm định đồ án quy hoạch.

Trung tâm TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trung tâm TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về công tác lập đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Chủ tịch UBND TPHCM giao TP Thủ Đức khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết về tiến độ lập đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 song song với công tác lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM.

Hạn chót ngày 15/7/2021 phải báo cáo UBND TP thông qua sơ bộ đồ án quy hoạch, sau đó hoàn chỉnh hồ sơ đồ án quy hoạch, báo cáo trình Ban Thường vụ Thành ủy TP thông qua đồ án quy hoạch trước ngày 15/8/2021, để kịp trình Bộ Xây dựng thẩm định đồ án quy hoạch trước ngày 15/10/2021.

Gỡ phong tỏa khu vực có 300 người dân

Chia sẻ với PV báo Tiền Phong tối 25/5, bà Trang Thị Hòa Hợp, Phó Chủ tịch UBND phường An Lạc A, quận Bình Tân cho biết lúc 19h cùng ngày, cơ quan chức năng đã gỡ cách ly 72 căn hộ tại tại hẻm Đoàn Phú Tứ vì gia đình có người nghi nhiễm đã âm tính lần 2 với SARS-CoV-2.

Mẫu xét nghiệm của hơn 300 hộ dân nơi đây cũng đã âm tính. Khi được tin gỡ bỏ phong tỏa, người dân rất vui mừng và an tâm.

Trước đó, ngày 20/5, lực lượng chức năng đã lập chốt, phong tỏa đường Đoàn Phú Tứ - đoạn giao với đường Nguyễn Thức Đường (phường An Lạc A, quận Bình Tân) vì ở đây có người tiếp xúc với gia đình người bán bánh canh mắc Covid-19 ở hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3. Sau khi phong tỏa, lực lượng chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm của tất cả người dân tại khu vực.

300 hộ dân đường Đoàn Phú Tứ (P.An Lạc A, Q.Bình Tân) vui mừng được gỡ phong tỏa
300 hộ dân đường Đoàn Phú Tứ (P.An Lạc A, Q.Bình Tân) vui mừng được gỡ phong tỏa

Mở rộng cách ly tập trung người từ Bắc Giang, Bắc Ninh

Theo báo Pháp Luật TP, chiều 25/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP bổ sung 3 điểm mà người về TPHCM phải cách ly gồm: Người từ huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh từ ngày 15/5 phải cách ly tập trung; Người từ huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang từ ngày 3/5 phải cách ly tập trung và Người đến Big C Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội trong khoảng thời gian từ 15 - 17h30 ngày 22/5 được yêu cầu cách ly tại nhà.

Cho đến nay, TPHCM đang thực hiện cách ly tập trung đối với người từ 5 huyện của Bắc Giang gồm: huyện Yên Thế (từ ngày 3/5), huyện Việt Yên (từ ngày 3/5), huyện Lạng Giang (từ ngày 3/5), huyện Lục Nam (từ ngày 3/5), huyện Yên Dũng (từ ngày 11/5).

Lấy mẫu xét nghiệm người về từ Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội tại Trung tâm Y tế Quận Phú Nhuận. Ảnh: Minh Tâm
Lấy mẫu xét nghiệm người về từ Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội tại Trung tâm Y tế Quận Phú Nhuận. Ảnh: Minh Tâm

Bên cạnh đó, người về từ các địa phương như phường Dinh Kế, TP Bắc Giang (từ ngày 3/5), phường Đa Mai, TP Bắc Giang (từ ngày 8/5), xã Song Khê, TP Bắc Giang (từ ngày 17/5) cũng phải cách ly tập trung.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý chất thải

Để phù hợp với công nghệ xử lý rác thải hiện nay là tập trung vào công nghệ tái chế và công nghệ đốt, đầu tháng 5/2021, UBND TP đã ban hành Quyết định 09 về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn TP. Thông tin trên báo Pháp Luật TP.

Theo đó, các cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải CTRSH phải phân loại thành hai nhóm, gồm: nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế và nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

CTRSH tại nguồn phân loại phải được lưu chứa trong bao bì hoặc thiết bị lưu giữ riêng biệt, có dấu hiệu nhận biết loại chất thải hoặc theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Trong đó, bao bì, thiết bị lưu giữ CTRSH sau phân loại phải đáp ứng những yêu cầu như: Đảm bảo lưu chứa an toàn chất thải, có khả năng chống thấm, không làm rò rỉ nước rỉ rác và có kích thước phù hợp với lượng chất thải, thời gian lưu trữ; Bao bì phải được buộc kín, thiết bị lưu giữ phải có nắp đậy kín để đảm bảo không phát tán mùi và có dán biển cảnh báo thông tin trên thân thùng chứa.

TP.HCM thay đổi cách phân loại rác thành hai nhóm. Ảnh: CN
TP.HCM thay đổi cách phân loại rác thành hai nhóm. Ảnh: CN

Liên quan đến chất thải rắn cồng kềnh, cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải có thể tự vận chuyển hoặc tự thỏa thuận với chủ thu gom, vận chuyển CTRSH để yêu cầu dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn cồng kềnh đến nơi tiếp nhận.

Cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải phải trả phí dịch vụ tháo rã, thu gom chất thải rắn cồng kềnh từ nơi phát sinh vận chuyển đến nơi tiếp nhận theo giá tự thỏa thuận với các đơn vị cung ứng dịch vụ.

Đầu tư mở rộng quốc lộ 50

Tạp chí Giao thông vận tải cho hay, UBND TP vừa giao cho Sở GTVT chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ 50, huyện Bình Chánh. Dự án này được kỳ vọng giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông thường xuyên trên tuyến đường này. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1.499,470 tỉ đồng.

Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và đầu tư tham mưu, đề xuất UBND TP bố trí kế hoạch vốn cụ thể để chuẩn bị đầu tư dự án và chuẩn bị các thủ tục khác. 

Trước đó, UBND TP báo cáo Bộ Kế hoạch và đầu tư về dự kiến phương án cân đối, bố trí vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đối với nguồn vốn trong nước là 6.957,800 tỉ đồng.

TP.HCM đầu tử mở rộng quốc lộ 50 gần 1,5 nghìn tỷ đồng.
TP.HCM đầu tử mở rộng quốc lộ 50 gần 1,5 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, cân đối bố trí 647,420 tỉ đồng cho 3 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn 2021-2025, 5.800 tỉ đồng cho 2 dự án có tính liên kết vùng. Phần vốn ngân sách trung ương còn lại là 510,380 tỉ đồng, UBND TP đề xuất xem xét lựa chọn dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ 50, huyện Bình Chánh thuộc lĩnh vực giao thông vận tải để thực hiện.

Thí điểm xe buýt điện chạy trong vành đai hạn chế ở Cần Giờ

Báo Tuổi Trẻ cho hay, UBND TP vừa phê duyệt đề án thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện (xe buýt điện) theo hình thức hợp đồng, du lịch trong phạm vi hạn chế trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Theo đó, UBND TP đồng ý cho Công ty TNHH vận tải du lịch Gia Nghĩa triển khai thí điểm trong thời gian 2 năm. Quá trình thí điểm chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 (6-12 tháng) với 6 xe và giai đoạn 2 bổ sung 14 xe.

Thời gian hoạt động của xe buýt điện từ 5h sáng đến 22h tối mỗi ngày. Xe sẽ ngưng hoạt động khi có mưa, bão, thời tiết xấu để đảm bảo lộ trình di chuyển an toàn cho hành khách.

Ngoài ra, UBND TP cũng đưa ra vành đai hạn chế hoạt động của các tuyến xe buýt điện, cụ thể là: Bến tàu Tắc Suất - Tắc Xuất - Đào Cử - Duyên Hải - Rừng Sác - Lý Nhơn - Rừng Sác - Bà Xán - Tam Thôn Hiệp - Rừng Sác - Duyên Hải - Thạnh Thới - Lương Văn Nho - Tắc Xuất - Bến tàu Tắc Suất.

Xe buýt điện thêm một sự lựa chọn đi lại cho người dân, du khách - Ảnh: CHẾ THÂN
Xe buýt điện thêm một sự lựa chọn đi lại cho người dân, du khách - Ảnh: CHẾ THÂN

Để việc thí điểm đạt hiệu quả tốt, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị triển khai xe buýt điện theo đúng quy định. Chủ động phối hợp với sở, ngành khác, UBND huyện Cần Giờ thống nhất điều chỉnh lộ trình và thời gian hoạt động theo lộ trình sẵn có. Lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải kiểm tra, xử lý nếu có bất cứ vi phạm nào gây ảnh hưởng tới người dân, giao thông khu vực.

Cứ sau 6 tháng, các đơn vị sẽ có báo cáo đánh giá kết quả thí điểm về Bộ Giao thông vận tải và UBND TP.

Giá thủy sản, thịt tươi ổn định

Ngày 25/5, ghi nhận của PV báo SGGP tại các chợ đầu mối của TP, lượng hàng nông sản thực phẩm về chợ vẫn ổn định, cung đảm bảo cầu. Cụ thể, tại chợ đầu mối Thủ Đức, lượng rau củ quả và trái cây vẫn đạt mức 3.300 - 3.400 tấn/đêm, trong đó rau củ quả đạt gần 2.000 tấn, còn lại là trái cây các loại.

Giá bán một số loại rau ăn lá tăng khá cao, điển hình như rau cải xanh tăng tới 17% so với ngày trước đó, tương ứng với mức tăng 2.000 đồng/kg, khổ qua tăng 5.000 đồng/kg, bầu và bí đao cùng có mức tăng 2.000 đồng/kg.

Theo phân tích của chợ đầu mối Thủ Đức, giá tăng là do thu hoạch khó và rau bị úng dập nhiều khiến sản lượng về chợ thấp hơn bình thường. Mặt khác, các mặt hàng rau củ quả có giá tăng đều là hàng chủ lực, được đưa vào bữa ăn hàng ngày nên nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Riêng giá bán sỉ các loại trái cây tại 2 chợ đầu mối là Thủ Đức và Hóc Môn vẫn ổn định.

Người dân chọn mua thịt heo tại siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG
Người dân chọn mua thịt heo tại siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG

Bên cạnh đó, ở nhóm hàng thủy sản, thịt tươi sống giá bán sỉ và lẻ đều giữ xu hướng ổn định do nguồn cung dồi dào, sức mua không tăng đột biến như cá tra thịt trắng giá 35.000 - 37.000 đồng/kg; cá dứa nguyên con 170.000 đồng/kg; cá lóc nuôi 50.000 đồng/kg; cá rô phi và điêu hồng 40.000 đồng/kg…

Đồng ý cho dời, đốn 178 cây xanh ở công viên bến Bạch Đằng

Thông tin khác từ báo Tuổi Trẻ, UBND TP vừa đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng về phương án chỉnh trang, cải tạo công viên bến Bạch Đằng, quận 1. Dự kiến việc cải tạo công viên này sẽ chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 cải tạo công viên đoạn từ cột cờ Thủ Ngữ đến cầu tàu số 2 (ga tàu cao tốc Bạch Đằng). Tổng diện tích thực hiện khoảng 8.700m2, tổng chi phí đầu tư 35 tỉ đồng. Thực hiện từ ngày 10/6 đến 2/9/2021.

Giai đoạn 2 cải tạo từ đoạn cầu tàu số 2 đến khu vực súng thần công, tổng diện tích cải tạo khoảng 7.000m2. Thực hiện từ ngày 2/9 đến 29/12/2021 với tổng kinh phí 30 tỉ đồng.

Quang cảnh công viên bến Bạch Đằng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Quang cảnh công viên bến Bạch Đằng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hiện tại Sở Xây dựng đã hoàn thành việc khảo sát, đo vẽ hiện trạng công viên để chuẩn bị cho thiết kế thi công. Rào chắn công trình cũng sẽ được dựng lên một đoạn kéo dài 220m để thi công giai đoạn 1 của dự án.

Để thực hiện dự án này, ước tính phải di dời, đốn hạ 178 cây xanh, trong đó có 140 cây bóng mát và 38 cây kiểng.

Bệnh viện Ung bướu chuyển 80% người bệnh tái khám trong ngày sang cơ sở 2

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online sáng 25/5, nhiều người ngồi chờ đến lượt khám bệnh tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2. Khu khám bệnh trang bị nhiều hàng ghế sạch sẽ. Gió thoáng mát, khu hóa trị và xạ trị cho bệnh nhân được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, thang máy rộng rãi. Nhiều bệnh nhân cho biết họ rất hài lòng với cơ sở vật chất tại đây.

PGS.TS Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP cho biết trung bình mỗi ngày tại cơ sở 1 của Bệnh viện Ung bướu có khoảng 500 lượt người bệnh đến tái khám. Nhưng trong ngày 24/5 đã có 391 người bệnh đến Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 để tái khám.

Kỹ thuật viên điều chỉnh máy móc, chuẩn bị xạ trị cho ca ung thư vòm hầu - Ảnh: HOÀNG AN
Kỹ thuật viên điều chỉnh máy móc, chuẩn bị xạ trị cho ca ung thư vòm hầu - Ảnh: HOÀNG AN

Đây là những người bệnh đã được chẩn đoán, điều trị ổn định và được xuất viện trước đó. "Số lượt bệnh nhân đến tái khám như trên đã giúp giảm tải gần 80% số bệnh nhân đến tái khám tại cơ sở 1", bác sĩ Thượng đánh giá.

Theo bác sĩ Thượng, Bệnh viện Ung bướu đang tiếp tục lộ trình chuyển 80% số người bệnh từ cơ sở 1 cần xạ trị, hóa trị trong ngày và tái khám sau xuất viện sang cơ sở 2 và phấn đấu hoàn tất trong tháng 6/2021.

Trong quá trình xạ trị, các kỹ thuật viên sẽ ở phòng điều chỉnh, vận hành máy để quan sát, theo dõi bệnh nhân bên trong - Ảnh: HOÀNG AN
Trong quá trình xạ trị, các kỹ thuật viên sẽ ở phòng điều chỉnh, vận hành máy để quan sát, theo dõi bệnh nhân bên trong - Ảnh: HOÀNG AN
Không gian căngtin hiện đại, có view ngắm cảnh bên ngoài tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 - Ảnh: HOÀNG AN
Không gian căngtin hiện đại, có view ngắm cảnh bên ngoài tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 - Ảnh: HOÀNG AN
Tại khu vực hóa trị, mỗi bệnh nhân được ngồi ghế có màn che riêng kín đáo để vào thuốc - Ảnh: HOÀNG AN
Tại khu vực hóa trị, mỗi bệnh nhân được ngồi ghế có màn che riêng kín đáo để vào thuốc - Ảnh: HOÀNG AN
Hệ thống vận chuyển giấy tờ, mẫu xét nghiệm đỡ tốn sức người chỉ có ở cơ sở 2 của bệnh viện - Ảnh: HOÀNG AN
Hệ thống vận chuyển giấy tờ, mẫu xét nghiệm đỡ tốn sức người chỉ có ở cơ sở 2 của bệnh viện - Ảnh: HOÀNG AN
Bên trong phòng xạ trị mới dành cho bệnh nhân ung thư - Ảnh: HOÀNG AN
Bên trong phòng xạ trị mới dành cho bệnh nhân ung thư - Ảnh: HOÀNG AN

 

Vân Anh - Khang Minh (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục