Xuất hiện một ca bạch hầu ở TP. Hồ Chí Minh, 16 người được cách ly
Báo Tiền Phong đưa tin, tối ngày 25/6, đại diện Bệnh viện (BV) Quân Y 175 - Bộ Quốc phòng cho biết, đơn vị này đang điều trị cho một bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu.
Được biết, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện với các biểu hiện sốt, đau họng, khó thở, vùng hàm sưng to… Kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xác định bệnh nhân mắc bạch hầu. Nhân viên y tế nhanh chóng cách ly người bệnh để điều trị.
Để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và các bệnh nhân, bệnh viện đã cách ly những trường hợp tiếp xúc gần với ca mắc trên trong phòng bệnh.
Cùng với đó, một số nhân viên y tế ở các khoa: Khám bệnh, Tai Mũi Họng, Truyền nhiễm và các bệnh nhân cùng phòng đã được uống thuốc điều trị dự phòng. BV cũng lập hồ sơ báo cáo với cơ quan chức năng để khoanh vùng, xử lý.
Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Sau một tuần điều trị, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định, tiếp tục được theo dõi. Dự kiến trong tuần sau bệnh nhân này sẽ xuất viện.
Đến thời điểm này, TP. Hồ Chí Minh là địa phương thứ hai ghi nhận dịch bạch hầu sau Đắk Nông.
Để phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu, đủ mũi tiêm và đúng lịch; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; Đảm bảo nơi ở thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
3 Bộ phối hợp, giải ngân của TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng lên 40%
Thông tin trên báo Pháp Luật, tại hội nghị trực tuyến sơ kết và thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công vay nước ngoài ngày 25/6, Bộ Tài chính cho biết: Đối với TP. Hồ Chí Minh, tỉ lệ giải ngân hiện mới đạt 4,13% so với kế hoạch.
Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân khiến giải ngân vốn vay nước ngoài của Thành phố thấp là do đang trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án; thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở để làm thủ tục điều chỉnh dự án… Đặc biệt, theo bà Hà, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chưa thể hoàn tất các thủ tục cho các chuyên gia nước ngoài vào làm việc, nhất là đối với các gói thầu ngắn hạn cần phải có sự tham gia của các chuyên gia châu Âu và Nhật Bản.
Vì vậy, để thúc đẩy giải ngân vốn vay nước ngoài, bà Hà đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục hỗ trợ vận động nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; cho phép dự án ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông môi trường có quy mô đầu tư lớn. Đặc biệt, Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT cần thống nhất giá trị vốn vay và cấp phát...
Thông tin tại hội nghị cho hay nếu so với tỉ lệ giải ngân trung bình 11,98% của các địa phương, giải ngân vốn vay nước ngoài của TP. Hồ Chí Minh hiện ở mức khá thấp. “Trường hợp UBND TP. Hồ Chí Minh, Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính phối hợp giải quyết dứt điểm việc xác định giá trị cấp phát, giá trị vay lại và hoàn thành các thủ tục hoàn ứng thì tỉ lệ giải ngân chung của TP. Hồ Chí Minh sẽ nâng lên mức 40%”.
Đa dạng thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, tính từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh qua cửa khẩu cả nước ước đạt 16,96 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,2%). Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu thành phố (không tính dầu thô) ước đạt 14,77 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,4%).
Trong đó, nhóm nông – lâm - thủy sản có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 13,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ở nhóm hàng công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,6 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 78,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm hàng hóa khác còn lại có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,1 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm tỷ trọng 7,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Việc xuất khẩu của các doanh nghiệp có sự ảnh hưởng nhất định do dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Do vậy, để giảm ảnh hưởng, rủi ro từ dịch bệnh, Sở Công thương đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng thị trường xuất khẩu. Theo đó, tuỳ theo lợi thế nhóm ngành hàng mà khai thác tối đa thị trường Châu Á, Châu Âu, Hoa Kỳ và Châu Phi.
Hoàn thành 70% khối lượng công trình đường dây 220kV Cát Lái-Tân Cảng
Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVN HCMC) cho biết đơn vị này đang tập trung thi công gấp rút hoàn thành công trình đường dây 220kV Cát Lái-Tân Cảng. Tính đến thời điểm hiện tại, công trình đã hoàn thành được 70% khối lượng thi công – Báo điện tử Vietnamplus cho hay.
Đây là công trình nhằm cung cấp điện ổn định cho khu vực quận 2, quận Bình Thạnh và quận 1 trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030.
Công trình có kinh phí đầu tư 630 tỷ đồng, tổng chiều dài 12,2km, gồm đó 6,4km đường dây trên không hỗn hợp 220kV/110kV; 5,7km cáp ngầm 220kV, 110kV, xuất phát từ trạm biến áp 220kV Cát Lái đi qua địa bàn quận 2 xuyên qua sông Sài Gòn sau đó đấu nối vào trạm biến áp Tân Cảng.
Trao đổi về quá trình thi công, ông Bành Đức Hoài, Phó Tổng Giám đốc EVN HCMC cho biết công trình đường dây 220kV Cát Lái-Tân Cảng là một trong những điểm có tình trạng giao thông rất phức tạp, mặt bằng thi công chưa được bàn giao làm ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thi công, thậm chí dẫn tới phải thay đổi giải pháp xây dựng.
Ngoài ra, vướng mắc trong giải phóng, bàn giao mặt bằng tại địa phương khiến cho công trình gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công trình xây dựng trạm biến áp Tân Cảng.
Theo ông Hoài, từ này đến hết năm 2020, công trình sẽ hoàn thành phần đường dây nổi với các trụ (34 trụ) và phần khối ống kéo cáp ngầm (5,7km). Riêng với các hạng mục còn lại, EVN HCMC mong nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân và chính quyền địa phương trong việc bàn giao mặt bằng thi công để có thể triển khai hoàn tất vào cuối quý 2 năm 2021.
Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình đường dây 220kV Cát Lái-Tân Cảng sẽ góp phần tăng cường độ ổn định cung cấp điện và tính linh hoạt trong vận hành của hệ thống lưới điện, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong những năm tiếp theo của TP. Hồ Chí Minh.
Phá đường dây mua bán 86kg ma túy, bắt 12 người
Ngày 25/6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý - Công an TP cho biết đơn vị này vừa phối hợp với các đơn vị liên quan triệt phá đường dây mua bán ma túy với số lượng lớn, bắt giữ 12 người, thu giữ tổng cộng 86kg ma túy tổng hợp các loại cùng một số tang vật liên quan như súng, quả nổ... Nội dung đăng tải trên báo Tuổi Trẻ.
Theo đó, qua các biện pháp nghiệp vụ, vào giữa tháng 4/2020, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP phát hiện một đường dây mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy với số lượng lớn từ Campuchia qua các tỉnh Tây Nam Bộ đưa về TP. Hồ Chí Minh. Những người trong đường dây này luôn mang theo vũ khí để sẵn sàng chống trả khi bị lực lượng chức năng truy bắt.
Từ cuối tháng 4/2020 đến giữa tháng 5/2020, Phòng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an TP phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an và Công an quận Tân Bình, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh đã triệt phá hai nhánh của đường dây này.
Kết quả, cơ quan công an đã bắt 7 người, thu giữ 26kg ma túy tổng hợp các loại (trong đó có 9.000 viên thuốc lắc), 1 khẩu súng K54, 20 viên đạn, 3 quả nổ, 2 ôtô...
Qua điều tra, mở rộng vụ án, đến ngày 21/6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP phối hợp các đơn vị liên quan bắt thêm 5 người (trong đó có người cầm đầu đường dây này). Tang vật thu giữ 60kg ma túy tổng hợp các loại (trong đó có hơn 18.000 viên thuốc lắc), 1 súng CZ75, 5 viên đạn, 3 ôtô...
Hiện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP đang củng cố hồ sơ để xử lý những người trong đường dây ma túy trên theo quy định của pháp luật.
Bộ Công an và Công an TP vào cuộc điều tra việc hàng loạt sinh viên 'mất tích'
Ngay sau khi Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài điều tra Vén màn bí mật hàng loạt sinh viên “mất tích” phản ánh về hoạt động “team khởi nghiệp 360” có nhiều dấu hiệu phạm tội, Cục Cảnh sát hình sự (C02 - Bộ Công an), Công an TP.Hồ Chí Minh và Sở Công thương TP vào cuộc xác minh.
Theo C02, từ thông tin Báo Thanh Niên phản ánh, lãnh đạo Bộ Công an nhận thấy đây là một vấn đề lớn, nhiều dấu hiệu phạm tội có tổ chức, diễn ra trên nhiều tỉnh, TP.
Theo đại diện Sở Công thương, hoạt động của “team khởi nghiệp 360” có nhiều dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; trốn thuế. Đối tượng mà “team khởi nghiệp 360” hướng tới là những sinh viên (SV) năm 1, năm 2. Đây là lứa tuổi vừa mới xa gia đình đi học, rất dễ bị những đường dây hoạt động như “team khởi nghiệp 360” đánh trúng tâm lý về tự lập, làm giàu nhanh chóng..., rồi sập bẫy lừa đảo.
Liên quan vấn đề này, Công an Q.Thủ Đức kêu gọi ai là nạn nhân, từng đóng tiền tại 2 cơ sở nói trên đến trình báo, tố cáo sự việc. Hiện tại, 2 cơ sở tại số 42A đường Cây Keo (P.Tam Phú) và số 49 đường số 12 (P.Hiệp Bình Chánh) đã đóng cửa và tháo biển hiệu hộ kinh doanh cá thể.
Trong một diễn biến có liên quan, PV cũng đã kết nối các nạn nhân của “team khởi nghiệp 360”; nhiều nạn nhân của “team khởi nghiệp 360” cho hay sau khi đóng hàng trăm triệu để lên gói “doanh nhân” (DN), họ chỉ được hưởng lương cứng từ 1 - 4 triệu đồng/tháng. “Sẽ có quản lý chỉ cách vay tiền như vay nóng, thẻ ngân hàng; cầm xe, điện thoại... cho thử thách 20 triệu trong 2 ngày. Khâu cuối gặp “giám đốc vùng”, SV sẽ được nghe quyền lợi và chọn gói DN đồng, bạc, vàng, kim cương hoặc gói “siêu”, “combo”. Sau đó, sẽ được bày cách làm hồ sơ du học giả và ăn nói thế nào với gia đình để có tiền. Khi có hồ sơ sẽ bị buộc đi ngay về lấy tiền, sẽ có người giám sát, chở ra bến xe”, một nạn nhân thuật lại.
Nạn nhân L.A cho biết, những SV đang sắp thành DN sẽ bị “dồn” chung một chỗ ở với quản lý nhằm “tránh tiêu cực từ bên ngoài”, nhưng thật ra là để quản lý giám sát toàn bộ hành động của nhân viên. “Mỗi ngày DN bị bắt ăn cơm chay, mì gói, nếu ngày nào không dụ được ai vào, thì xài chung tiền qua lại với nhau chứ không có thu nhập gì. Thậm chí, 4 quản lý nam trong đó chuyền tay nhau một cái đồng hồ để cho nhân viên nghĩ mình giàu”, L.A kể.
Tương tự những thử thách mà L.A đã liệt kê, để được lên gói DN, H. bị bắt đi chinh phục gói tam giác vàng, mua thêm 2 mã tầm hơn 16 triệu đồng bằng cách vay mượn bạn bè, vay nóng rồi mới biết giá của các gói DN như gói đồng sẽ có giá hơn 90 triệu; gói bạc gần 200 triệu, gói vàng gần 400 triệu... Ngoài ra còn có gói DN siêu vàng, siêu kim cương với giá lên tới hàng tỉ đồng.
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh lên tiếng việc bệnh viện dùng thuốc hết hạn
Cũng trên báo Người Lao Động, tối 25/6, liên quan đến sự việc sử dụng thuốc quá hạn tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế đã chỉ đạo bệnh viện này khẩn trương tiến hành rà soát, xử lý vụ việc và có báo cáo nhanh về sở.
Trước đó, tối 24/6, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP. Hồ Chí Minh nhận được phản ánh của thân nhân bệnh nhi L.T.K.C (4 tuổi, chẩn đoán suy tủy) về việc bé được cấp phát và sử dụng thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) đã hết hạn sử dụng. Bệnh viện đã dừng ngay lập tức y lệnh và kiểm tra lại hạn dùng của thuốc.
Qua kiểm tra, bệnh viện phát hiện 2 lọ thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) được cấp phát cho bệnh nhi C. có thời hạn sử dụng ghi trên nhãn là tháng 1/2020 (trong đó, 1 lọ đã sử dụng xong và 1 lọ đã sử dụng 1/3). Trong khi đó, kiểm tra trên hệ thống phần mềm quản lý thuốc bệnh viện thì 2 lọ thuốc này lại có hạn sử dụng là tháng 11/2021.
Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP. Hồ Chí Minh đang theo dõi sát tình trạng người bệnh để có xử lý kịp thời. Hiện tình trạng bệnh nhi này vẫn ổn định, sinh hiệu bình thường, đang được bác sĩ điều trị theo dõi sát.
Bệnh viện đã tổ chức họp khẩn để nghiêm túc rút kinh nghiệm vụ việc và tạm đình chỉ công tác tất cả các cá nhân liên quan, tiến hành làm rõ nguyên nhân sự cố này. Trường hợp nếu phát hiện có dấu hiệu tiêu cực, bệnh viện sẽ chuyển ngay vụ việc đến cơ quan cảnh sát điều tra.
Huyện Bình Chánh: Vi phạm về xây dựng đã “hạ nhiệt”
Ngày 25/6, đại diện UBND huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh cho biết sau hơn một tháng thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, tình hình vi phạm trật tự xây dựng ở xã Vĩnh Lộc A nói riêng và huyện Bình Chánh nói chung đã giảm. Thông tin trên báo Người lao động.
Cụ thể, đối với xã Vĩnh Lộc A, đã tiến hành triển khai thực hiện đồng loạt trên 15/15 ấp đối với các nền móng, vây tôn, nhà tôn, đường phân lô. Qua đó, xử lý 503 móng gạch, 48 móng bê-tông, 128 vây tôn, 13 đường phân lô, 11 nhà tôn. Phát hiện và đã lập hồ sơ 23 trường hợp vi phạm có thời điểm phát sinh sau Chỉ thị 23 (1 trường hợp vi phạm xây dựng, 22 trường hợp vi phạm đất đai), trong đó đã xử lý 3 trường hợp vi phạm về đất đai.
Đặc biệt, Công an huyện Bình Chánh đã mời làm việc 32/38 đối tượng đầu nậu đất ở xã Vĩnh Lộc A; 6 đối tượng còn lại đã bỏ đi khỏi địa phương nên chưa làm việc được. Cũng theo UBND huyện Bình Chánh, thời gian tới, địa phương sẽ cưỡng chế 17 công trình vi phạm xây dựng quy mô lớn, có tính chất nghiêm trọng trên địa bàn.
Thu hút cán bộ trẻ về làm việc tại các HTX nông nghiệp
Tin từ báo Lao Động, UBND Thành phố sẽ triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn 5 huyện.
Theo kế hoạch, HTX nông nghiệp tham gia thí điểm mô hình này là các HTX tổ chức và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và có hoạt động liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Ưu tiên các HTX sản xuất theo hợp đồng của doanh nghiệp hoặc tham gia trong chuỗi giá trị nông sản an toàn, chất lượng cao hoặc xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến hoặc xuất khẩu. Đồng thời, áp dụng công nghệ tiên tiến hoặc công nghệ cao hoặc các tiêu chuẩn, quy chuẩn để sản xuất nông sản an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường.
HTX nông nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh cụ thể, có nhu cầu tuyển dụng cán bộ chuyên môn; có phương án sử dụng lao động phù hợp, hiệu quả đối với cán bộ dự kiến tuyển dụng về làm việc cho hợp tác xã; ưu tiên các HTX có phương án trả lương bổ sung cho cán bộ.
Thành phố sẽ thực hiện thí điểm hỗ trợ cho 7 hợp tác xã triển khai thực hiện thí điểm mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến, hiện đại theo đề xuất của UBND 5 huyện.
Đối với những HTX không được lựa chọn để triển khai hỗ trợ theo Kế hoạch thì vẫn tiếp tục thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND TP trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020.
Việc tuyển chọn và tuyển dụng cán bộ thí điểm do HTX nông nghiệp tự chủ và tự quyết định. Trong đó chỉ áp dụng đối với hợp tác xã tuyển dụng cán bộ chuyên môn mới hoặc cán bộ chuyên môn đã làm việc tại HTX từ ngày 12/2/2017 trở về sau. Chuyên môn của cán bộ kỹ thuật được tuyển dụng phù hợp với lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã, độ tuổi không quá 35 đối với nữ và 40 đối với nam.