Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 26/8/2021

10:36 26/08/2021

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 26/8

Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của BVTƯ Huế tại TPHCM đi vào hoạt động

Theo báo Chính Phủ, sau một thời gian gấp rút xây dựng, chuẩn bị về nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị y tế, ngày 24/8, Trung tâm Hồi sức tích cực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TPHCM bắt đầu thu dung, điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng.

Trung tâm có quy mô 500 giường bệnh, đặt tại số 2 đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú. Đây là một trong 3 Trung tâm Hồi sức tích cực được Bộ Y tế chỉ đạo thành lập tại TPHCM, là tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh COVID-19, có chức năng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19 trong khu vực được phân công.

Bên trong Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 được thiết kế khép kín
Bên trong Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 được thiết kế khép kín

Trung tâm chia làm 4 phân khu, gồm: Bệnh nặng nguy kịch, bệnh nặng, thoát hồi sức, chuẩn bị ra viện. Được trang bị hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế, hệ thống oxy khí nén, hệ thống xét nghiệm, kiểm soát nhiễm khuẩn,… nhằm đáp ứng nhu cầu thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch trên địa bàn Thành phố.

Đặc biệt, BV Trung ương Huế đã đưa 3 robot vào hoạt động tại Trung tâm Hồi sức tích cực ở TPHCM do BV quản lý. ThS. Huỳnh Phúc Minh - người nghiên cứu, sản xuất ra robot này tại BV Trung ương Huế, chia sẻ, đây là tuyến điều trị ở tầng cao nhất, nên các bác sĩ đều xác định giảm nhẹ tình trạng của bệnh nhân nặng là mục tiêu hàng đầu. Bên cạnh các chuyên gia, y, bác sĩ giỏi chuyên môn, nhiệt huyết, thì công nghệ và thiết bị như robot cũng đã đưa vào hoạt động.

Robot này có thể thay thế đội ngũ nhân viên y tế ở công đoạn vận chuyển thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm, vật tư tiêu hao… giúp y bác sĩ giảm áp lực và giảm tiếp xúc với bệnh nhân, tránh bị lây nhiễm trong quá trình điều trị, đồng thời góp phần giảm lây lan COVID-19 ra cộng đồng. Robot còn có thể nói chuyện với bệnh nhân và thông tin tình hình ra bên ngoài.

Trung tâm hiện có gần 400 y bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam-Cuba Đồng Hới… 

Bưu điện TPHCM tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại nhà

Để phục vụ người dân có nhu cầu gửi hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trong thời gian TPHCM siết chặt giãn cách xã hội, từ ngày 25/8, Bưu điện Thành phố sẽ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà. Khi khách hàng có yêu cầu, nhân viên bưu điện sẽ tới nhà nhận và chuyển tới cơ quan hành chính Nhà nước giải quyết.

Các dịch vụ tiếp nhận hồ sơ tại nhà trong thời gian TPHCM siết chặt giãn cách gồm: Nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học, hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp, hồ sơ nhận trợ cấp BHXH một lần và các tài liệu, hồ sơ, giấy chứng nhận khác.

Từ ngày 25/8, Bưu điện TPHCM sẽ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà. Ảnh minh hoạ
Từ ngày 25/8, Bưu điện TPHCM sẽ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại nhà. Ảnh minh hoạ

Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu chuyển phát và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại nhà có thể đăng ký tại địa chỉ http://nhantaidiachi.hcmpost.vn hoặc liên hệ tổng đài (028)39247247 để được phục vụ.

Khi có kết quả, đến ngày hẹn, nhân viên bưu điện sẽ tới cơ quan hành chính nhận lại kết quả giải quyết thủ tục hành chính và nhanh chóng chuyển kết quả tới tận địa chỉ các tổ chức, cá nhân đã đăng ký.

Bưu điện TPHCM cam kết 100% hồ sơ sẽ được chuyển phát an toàn đến đúng địa chỉ nhận. Chi phí chuyển phát không thay đổi so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

Bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Bưu điện TPHCM cho biết, việc chuyển phát một số loại hồ sơ cần thiết trong thời gian Thành phố siết chặt giãn cách xã hội, không chỉ giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch đối với cả người dân và cơ quan chức năng.

Tất cả người vô gia cư, lang thang ở quận 4 được tiêm vaccine

Ngày 25/8, tại địa điểm tập trung người lang thang, cơ nhỡ ở trường THCS Nguyễn Huệ (phường 2, quận 4) UBND quận 4 phối hợp với Trung tâm Y tế quận và các đơn vị liên quan đã trung sàng lọc, tiêm chủng vaccine COVID-19 cho tất cả bà con.

Với phương châm không để ai đói khổ, không để ai lại phía sau, 100 người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ đã được sàng lọc, qua đó Trung tâm Y tế quận 4 xác định có hai người đã được tiêm mũi một vaccine nên chưa đủ thời gian tiêm mũi hai.

98 người lang thang, cơ nhỡ được UBND quận 4 đưa về hiện đều đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: NT
98 người lang thang, cơ nhỡ được UBND quận 4 đưa về hiện đều đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: NT

Tất cả người dân đủ tiêu chuẩn tiêm được sắp xếp giữ khoảng cách, đội ngũ y tế thuộc Trung Tâm y tế quận 4 do y sỹ Đỗ Thị Hải, Trung tâm Y tế quận 4 đại diện giám sát.

Theo ghi nhận của báo Pháp Luật TP, người dân sau khi khai báo họ tên, quê quán và số điện thoại (nếu có) thì được đưa đến bàn khám sàng lọc, đo huyết áp. Nếu đủ điều kiện thì chuyển sang bàn tiêm gần đó.  Sau khi tiêm, người dân được hướng dẫn ra lan can gần đó ngồi nghỉ ngơi, giữ khoảng cách. Một nhân viên y tế sau đó thông báo cho bà con những điều cần chú ý khi xuất hiện các triệu chứng như sốt hoặc nặng hơn.

Người dân được tiêm vaccine. Ảnh: NT
Người dân được tiêm vaccine. Ảnh: NT

Bà Đỗ Thị Trúc Mai, Phó Chủ tịch UBND quận 4 cho biết hiện đã rà soát người nào trước nay lang thang, cơ nhỡ, không có nơi trú ngụ ổn định thì đưa lên các trung tâm bảo trợ xã hội. “Trong chiều cùng ngày, chúng tôi đưa đi lên trung tâm bảo trợ xã hội của TP.HCM 30 người sau khi tiêm vaccine xong. Những người còn lại sẽ tiếp tục được chăm lo như mấy ngày vừa qua” – bà Mai nói.

Đại diện lãnh đạo UBND quận 4 cũng cho biết hiện tại vẫn tiếp tục tìm và đưa người lang thang về chăm lo. Tính đến ngày 24-8 thì đưa về hai người, ngày 25/8 thì không có thêm người nào.

Gỡ khó cho học sinh bị 'mắc kẹt' do dịch COVID-19

Một thông tin khác trên báo Pháp luật TP cho hay, chiều 25/8, Sở Gíao dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM vừa có văn bản về hướng dẫn tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh phổ thông được học tập tại nơi cư trú do tình hình dịch COVID-19.

Theo đó, Sở GD&ĐT đề nghị phòng GD&ĐT tham mưu UBND và chỉ đạo các trường, tạo điều kiện cho các học sinh có nguyện vọng vào học tập tại trường học nơi học sinh cư trú trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, phù hợp với thực tế của địa phương, nhà trường.

Nhà trường cung cấp công khai địa chỉ mail trường, kênh thông tin liên lạc của các thành viên phụ trách để tiếp nhận nhu cầu học tạm tại trường. Nhà trường tiếp nhận đơn (chuyển đi, chuyển đến bằng văn bản gửi qua email hoặc hệ thống quản lý văn bản điện tử) của phụ huynh và bố trí, xếp lớp cho học sinh theo điều kiện thực tế của trường, đúng đối tượng. Nhà trường quan tâm hỗ trợ đầy đủ các điều kiện học tập để học sinh yên tâm học tập theo kế hoạch giáo dục của trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: PA
Ảnh minh họa. Nguồn: PA

Đối với học sinh TPHCM đang ở các địa phương, có nhu cầu học tạm tại địa phương, nhà trường hỗ trợ văn bản, scan gửi mail đến cơ sở giáo dục (nơi học sinh xin học tạm) để phối hợp hỗ trợ học sinh.

Hết thời gian giãn cách, nhà trường thực hiện việc xác nhận kết quả rèn luyện và học tập của học sinh để các em có đủ hồ sơ trở về trường cũ học tập sau thời gian phòng chống dịch, đảm bảo chính xác, công bằng, minh bạch và đúng quy định.

Nhà trường sẽ chuyển giao, tiếp nhận lại học sinh kèm theo kết quả rèn luyện và học tập của học sinh (đã học tập tại trường nơi học sinh cư trú) khi quay trở lại trường cũ học tập; nhà trường quan tâm, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện tốt nhất.

Trường hợp học sinh có nguyện vọng chuyển trường (sau thời gian học tập tại trường gần nơi cư trú) hiệu trưởng xem xét tiếp nhận đúng quy định.

Sở GD&ĐT đề nghị mỗi cơ sở giáo dục, mỗi thầy cô giáo, nhân viên trên địa bàn TP.HCM trở thành thành viên đầu mối hỗ trợ các phương án học tập trên địa bàn sinh sống (từng tổ dân phố, từng khu phố, từng phường, từng quận huyện) trong điều kiện có thể của mình.

Đề xuất cho các cơ sở y tế tư nhân điều trị bệnh nhân COVID-19

Theo Vietnampus, nhằm giải quyết kinh phí điều trị bệnh nhân COVID-19 cho các cơ sở y tế đảm bảo nguồn lực tài chính để các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục công tác điều trị, giảm áp lực cho hệ thống y tế công lập, cũng như kịp thời cứu chữa bệnh nhân COVID-19, UBND TPHCM vừa đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận cho các cơ sở y tế tư nhân được thực hiện dịch vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ tương ứng.

Trong trường hợp ngân sách Nhà nước đảm bảo một phần hoặc toàn bộ chi phí điều trị cho bệnh nhân COVID-19, UBND TPHCM đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi trả cho các bệnh viện tư nhân khi thực hiện điều trị bệnh nhân COVID-19.

Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện đa khoa Đức Giang. Ảnh: TTXVN phát
Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện đa khoa Đức Giang. Ảnh: TTXVN phát

Trong thời gian chờ ý kiến phản hồi của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, đại diện UBND TPHCM cho biết, Thành phố sẽ thanh toán cho các cơ sở y tế tư nhân chi phí điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mức giá dịch vụ khám chữa bệnh được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BYT, Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019.

Đối với các nội dung chưa được kết cấu trong giá dịch vụ khám chữa bệnh quy định tại các thông tư nói trên, Thành phố sẽ thanh toán chi phí thực tế phát sinh nhưng phải đảm bảo định mức chi và mức giá thanh toán tương đương với mức thực hiện của các cơ sở y tế công lập.

Để thực hiện được vấn đề này, UBND TPHCM giao Sở Y tế Thành phố chịu trách nhiệm thông tin đến các cơ sở y tế tư nhân cân đối việc thực hiện, bao gồm cả việc cho phép các cơ sở y tế tư nhân thỏa thuận với bệnh nhân để bù đắp chi phí.

Trong trường hợp bệnh nhân cam kết tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí điều trị mà không sử dụng ngân sách Nhà nước, cơ cơ sở y tế tư nhân thực hiện theo cam kết tự nguyện của bệnh nhân để trang trải chi phí.

Theo UBND TPHCM, hiện có rất nhiều bệnh nhân có điều kiện chi trả và sẵn sàng chi trả chi phí điều trị COVID-19 để được điều trị theo yêu cầu cũng như chia sẻ một phần cho ngân sách Nhà nước.

Chuỗi 'siêu thị không người bán' xuất hiện trong khu dân cư

Ngày 25/8, một "siêu thị thông minh" được dựng lên khang trang ngay cổng vào chung cư Phạm Viết Chánh (Q.Bình Thạnh). Bên trong điểm bán này, hai kệ hàng trưng bày rau củ, trái cây tươi xanh, thịt... được chất đầy bằng các gói hàng soạn sẵn, người mua đến chọn theo combo.  Toàn bộ khâu bán hàng, thanh toán được vận hành qua hệ thống camera, không tiếp xúc. Thông tin trên Báo Tuổi Trẻ.

Mô hình này cũng khuyến khích phát triển thanh toán không tiền mặt, không tiếp xúc. Đối với những hộ dân có nhu cầu gấp, lực lượng mua hộ sẽ trực tiếp đến cửa hàng mua và chuyển tận tay người dân.

Các "siêu thị thông minh" này hoạt động theo phương thức hoàn toàn không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người mua với người bán. Người mua hàng di chuyển một chiều và thực hiện mua sắm theo các bảng hướng dẫn được bố trí sẵn, sau đó tiến hành thanh toán qua kết nối trực tuyến mà không có nhân viên thu ngân trực tiếp - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các "siêu thị thông minh" này hoạt động theo phương thức hoàn toàn không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người mua với người bán. Người mua hàng di chuyển một chiều và thực hiện mua sắm theo các bảng hướng dẫn được bố trí sẵn, sau đó tiến hành thanh toán qua kết nối trực tuyến mà không có nhân viên thu ngân trực tiếp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đại diện chuỗi phân phối cho biết sẽ phối hợp với UBND phường lập danh sách các hộ gia đình cần mua nhu yếu phẩm theo các combo có sẵn. Lực lượng mua hộ sẽ tới điểm bán để lấy hàng, người dân thanh toán cho lực lượng mua hộ khi nhận được combo đã đặt. Người dân cũng có thể chủ động đặt hàng và thanh toán combo đã chọn theo đường link do nhà bán lẻ cung cấp. Nhân viên điểm bán sẽ phối hợp với lực lượng mua hộ giao hàng tận tay người dân.

Chuỗi sẽ gom đơn hàng và soạn đơn từ các kho sau đó tập kết về các siêu thị thông minh không người bán. Trước 10h sáng mỗi ngày, điểm bán sẽ nhận đơn hàng, sắp xếp hàng hóa để địa phương đến lấy, tất cả các giao dịch đều thực hiện online, người mua và bán không tiếp xúc. Có khoảng 7 combo các loại và khách được chọn theo combo rau củ, gia vị, thịt... 

Dự kiến trong thời gian đầu triển khai, mô hình này sẽ cung cấp khoảng 4 tấn hàng hóa mỗi ngày, đảm bảo cung ứng kịp thời nguồn lương thực thực phẩm cho người dân yên tâm cùng cộng đồng thực hiện giãn cách xã hội.

Triển khai 'ATM - túi thuốc cứu người' tại vùng dịch

Theo báo Tiền Phong, Chương trình "ATM - Túi thuốc cứu người" do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp cùng Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM thực hiện nhằm tư vấn, hỗ trợ điều trị các F0 tại nhà, giúp bệnh nhân mau chóng hồi phục, góp phần giảm tải cho các bệnh viện.

Các bệnh nhân F0 tại TPHCM đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được tặng túi thuốc và kết nối với y bác sĩ của Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM để được tư vấn, điều trị.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 26/8/2021 - Ảnh 1

Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh cho biết: Triển khai chương trình "ATM - túi thuốc cứu người", Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam mong muốn góp thêm sức mạnh cùng đội ngũ y bác sĩ Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM và cộng đồng chung tay góp sức giảm tỷ lệ bệnh nhân F0 diễn tiến nặng tại nhà, giảm tỷ lệ tử vong trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh việc được tặng một túi thuốc với danh mục theo hướng dẫn của Bộ Y tế, gồm các thuốc thông thường hỗ trợ điều trị triệu chứng, trong túi thuốc sẽ có thêm thuốc kháng viêm và thuốc kháng đông để hạn chế các cục máu đông nhỏ ảnh hưởng đến việc cấp oxy cho cơ thể người bệnh.

Đồng thời, các bệnh nhân F0 còn được kết nối, nhận sự tư vấn chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ để chữa bệnh đúng cách, an toàn và hiệu quả.

Ngay sau khi phát động, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh ủng hộ 1.000 túi thuốc. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng nhanh chóng tham gia hưởng ứng chương trình.

Công an TPHCM hỗ trợ đưa thai phụ 37 tuần bị tai nạn tới bệnh viện kịp thời

Báo SGGP thông tin, khoảng 10 giờ ngày 25/8, tổ công tác Kiểm tra Điều lệnh của Công an TPHCM do trung tá Trần Mạnh Hà, Phó Đội trưởng Đội Điều lệnh, Phòng PX03, Công an TPHCM làm tổ trưởng, đang kiểm tra điều lệnh các chiến sĩ trực tại chốt cầu Tham Lương, đường Trường Chinh, phường Tân Hưng Thuận, quận 12.

Lúc này, lực lượng chức năng chứng kiến vụ va chạm giữa xe máy của chị Phan Thị Lệ (SN 1987) và 1 xe máy khác ở ngã 3 đường Trường Chinh – Phan Văn Hớn, quận 12 (cách chốt kiếm soát khoảng 100m). Sau va chạm chị Lệ bị thương nhẹ và có dấu hiệu đau bụng.

Lúc này, tổ công tác Kiểm tra Điều lệnh của Công an TPHCM gồm Trung tá Trần Mạnh Hà và Đại uý Vi Kim Ánh đã cùng tổ công tác tại Chốt kiểm soát dịch Covid-19 của Công an quận 12 lại kiểm tra. Qua trò chuyện, lực lượng chức năng biết được chị Lệ đang đi khám thai ở tuần 37 và có dấu hiệu động thai.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 26/8/2021 - Ảnh 2
Tổ công tác Kiểm tra Điều lệnh của Công an TPHCM cùng lực lượng tại chốt đã nhanh chóng đưa chị Lệ lên ô tô để tới bệnh viện kịp thời
Tổ công tác Kiểm tra Điều lệnh của Công an TPHCM cùng lực lượng tại chốt đã nhanh chóng đưa chị Lệ lên ô tô để tới bệnh viện kịp thời

Ngay sau đó, Trung tá Trần Mạnh Hà đã cùng các chiến sĩ đưa chị Lệ tới bệnh viện Mỹ Đức (quận Tân Bình); Thượng úy Phan Trọng Nhân (chiến sĩ Đội CSGT-TT Công an quận 12) dùng mô tô đặc chủng chạy trước dẫn đường cho xe chở chị Lệ. Tổ công tác cũng gọi điện báo cho chồng chị Lệ đến bệnh viện.

Được biết, nhờ cấp cứu kịp thời nên tình trạng của chị Lệ đã ổn định lại và xuất viện. 

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục