Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 26/9/2022

09:59 26/09/2022

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 26/9:

Chủ tịch TPHCM chỉ đạo bảo tồn biệt thự cũ

Thông tin trên báo Xây Dựng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, vừa có chỉ đạo về công tác phân loại biệt thự cũ trên địa bàn.

Căn biệt thự 89 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh cỏ cây mọc um tùm. Ảnh: Hữu Huy
Căn biệt thự 89 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh cỏ cây mọc um tùm. Ảnh: Hữu Huy

Theo đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi giao Sở Quy hoạch Kiến trúc mời và đề nghị các thành viên Hội đồng Phân loại biệt thự tham dự đầy đủ các buổi họp để thực hiện đánh giá phân loại, đảm bảo tỷ lệ tham gia ý kiến tập trung cao, đảm bảo việc phân loại chính xác đối tượng cần bảo tồn và tham mưu trình UBND TP ban hành danh mục các biệt thự thuộc nhóm 1 và nhóm 2 để quản lý, bảo tồn.

Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở Xây dựng phối hợp UBND TP Thủ Đức và các quận huyện chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ, kịp thời phát hiện và ngăn chặn chủ đầu tư tự ý phá dỡ, chia cắt biệt thự cũ (thuộc nhóm 1 và nhóm 2) có giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa được xây dựng trước năm 1975.

TPHCM vào kỳ triều cường đầu tháng 9 âm lịch

Báo Tuổi Trẻ đưa tin, sáng nay Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, trong 24 giờ qua, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai tiếp tục lên nhanh. Trong những ngày tới, theo chu kỳ triều cường, mực nước tại hai hệ thống sông này sẽ lên cao và đạt đỉnh. Đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện từ ngày 27 đến 28/9 (tức vào ngày mùng 2 và 3-9 âm lịch).

Đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP.HCM ngập do triều cường giữa tháng 8 âm lịch. Ảnh: LÊ PHAN
Đường Trần Xuân Soạn, quận 7, TP.HCM ngập do triều cường giữa tháng 8 âm lịch. Ảnh: LÊ PHAN

Dự báo triều cường đạt đỉnh tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn, Nhà Bè trên sông Đồng Điền ở mức 1,55-1,6m (xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động 3 khoảng 0,05m). Thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 4-6h và 17-19h mỗi ngày.

Triều cường đạt đỉnh kết hợp với mưa to do ảnh hưởng của gió mùa tây nam mạnh lên vì bão số 4 có thể gây ngập nặng nhiều khu vực trũng thấp và tuyến đường ven kênh rạch.

TPHCM sắp thông xe nhánh cầu Bưng còn lại

Trên báo Pháp Luật TP, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, dự kiến cuối tháng 10/2022 sẽ thông xe nhánh thứ hai của dự án xây dựng cầu Bưng – một phần trong hệ thống hạ tầng giao thông nối kết liên vùng khu vực Tây Bắc TP.

Nhánh cầu Bưng thứ 2 sẽ thông xe trong tháng 10-2022. Ảnh: ĐT
Nhánh cầu Bưng thứ 2 sẽ thông xe trong tháng 10-2022. Ảnh: ĐT

Bên cạnh đó, cuối tháng 12, Ban Quản lý dự án giao thông cũng sẽ khởi công 3 dự án lớn: Xây dựng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh; xây dựng nút giao An Phú (Thủ Đức) và đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà (Tân Bình).

Công trình cầu Bưng được triển khai từ tháng 7-2017, từng phải tạm dừng thi công hai lần, vào năm 2018 do vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng và quý III-2021 khi toàn thành phố giãn cách xã hội do bùng phát đại dịch COVID-19.

Đến ngày 5-12-2021, nhánh thứ nhất dự án Cầu Bưng hoàn tất, thông xe, giúp cải thiện việc đi lại trên đường Lê Trọng Tấn, qua quận Bình Tân và Tân Phú.

Tác động từ bão Noru, nhiều nơi ở TPHCM mưa ngập

Zingnews cho biết, chiều và tối 25/9, TPHCM và các tỉnh Nam Bộ có mưa rào, một số nơi có nơi mưa to đến rất to. Nhiều tuyến đường trũng thấp xuất hiện tình trạng ngập vừa đến nặng như: Phan Văn Hớn (quận 12), An Dương Vương (quận 6), Lê Văn Thọ (Gò Vấp); Nguyễn Văn Khối (Gò Vấp); Tôn Thất Thuyết (quận 4) và một số khu vực thuộc huyện Nhà Bè.

Đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp) ngập nhẹ, lúc 20h ngày 25/9. Ảnh: UDI Maps
Đường Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp) ngập nhẹ, lúc 20h ngày 25/9. Ảnh: UDI Maps

Theo đại diện Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trận mưa này do ảnh hưởng của bão Noru khiến cường độ gió tây nam hoạt động mạnh, kết hợp với mây đối lưu phát triển.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, hiện tượng thời tiết xấu và mưa diện rộng tiếp tục duy trì ở TPHCM và các tỉnh Nam Bộ do ảnh hưởng của bão Noru vào Biển Đông và hướng vào Trung Bộ. Người dân cần đề phòng ngập úng ở một số khu vực.

Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động cầm chừng

Báo Lao Động thông tin, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM đang tuyển dụng lao động cầm chừng để thay thế cho lao động nghỉ việc hoặc chuẩn bị cho giai đoạn tới khi đơn hàng nhiều hơn.

Tuyển dụng lao động tại Công ty Nissei Electric Việt Nam. Ảnh: Nam Dương
Tuyển dụng lao động tại Công ty Nissei Electric Việt Nam. Ảnh: Nam Dương

Những ngày này, Công ty Nidec Việt Nam (chuyên sản xuất các linh kiện và mô tơ nhỏ chính xác cao ở Khu công nghệ cao, TP. Thủ Đức) tăng cường tuyển dụng lao động. Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch CĐ công ty này cho biết, tháng 9 công ty có ít đơn hàng hơn so với những tháng trước, nhưng các tháng 10, 11, 12 lại nhiều đơn hàng nên vẫn tuyển lao động. Trung bình mỗi ngày công ty tuyển được khoảng 40 - 60 công nhân.

Tương tự, bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch CĐ Công ty Nissei Electric Việt Nam (chuyên sản xuất các bộ dẫn điện xe hơi, KCX Linh Trung 1) cũng cho biết, giai đoạn hiện nay, công ty ít đơn hàng nên giảm khoảng 50% số giờ tăng ca của công nhân. Tuy nhiên, sắp tới công ty có nhiều đơn hàng nên vẫn tuyển dụng lao động để chuẩn bị cho giai đoạn Tết.

Chưa mặn mà với SGK điện tử

Báo SGGP cho biết, trước tình hình nguồn cung sách giáo khoa (SGK) chưa kịp đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh một số khối lớp đầu năm học mới, các nhà xuất bản và đại diện các đơn vị trường học đưa ra phương án thay thế là hướng dẫn học sinh sử dụng SGK điện tử. Tuy nhiên, phương án này không được nhiều học sinh lựa chọn, và phụ huynh vẫn chạy đôn chạy đáo tìm mua SGK giấy cho con.

Học sinh học trực tuyến. 
Học sinh học trực tuyến. 

Qua cuộc khảo sát nhỏ, nhiều phụ huynh giải thích các lý do: “học sinh tiểu học chưa có thói quen tự học, sử dụng máy tính nhiều ảnh hưởng thị lực”, “con không quen sử dụng sách điện tử vì không thể trực tiếp làm bài tập như học trên sách giấy”, “một số phiên bản sách điện tử có dung lượng lớn, không tải được về máy tính”…

Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục và y tế, dịch bệnh vẫn có nguy cơ tiềm ẩn. Các cơ sở giáo dục cần tiếp tục chủ động tổ chức dạy học với nhiều hình thức, trong đó có lồng ghép dạy học trực tiếp và trực tuyến. Song song đó, với định hướng “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, giáo viên dạy học dựa trên nhiều nguồn tài liệu khác nhau nên người học cần thay đổi nhận thức và thói quen trong việc tiếp cận các nguồn tài liệu học tập khác nhau.

Độc lạ pa-tê mít, sữa chua sấy khô… ở phiên chợ cuối tuần

Theo báo Tiền Phong, hàng loạt sản phẩm khởi nghiệp của các bạn trẻ tham dự cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp 2022 như pa-tê mít, sữa chua sấy đông khô, bún phở khô từ các loại đậu, nước mắm trái điều, dịch kem tươi… đã hấp dẫn người tiêu dùng ngay khi vừa chào hàng tại TPHCM.

Gian hàng tại Phiên chợ Xanh. 
Gian hàng tại Phiên chợ Xanh. 

Tại Phiên chợ Xanh trên đường Pasteur (quận 3), chị Cao Thị Cẩm Nhung (quê Hậu Giang) liên tục giới thiệu các sản phẩm làm từ mít đến khách hàng. “Tụi mình đã nghiên cứu sản phẩm hơn 2 năm qua và đang hoàn tất hồ sơ để bắt đầu đưa ra thị trường”, chị Nhung cho biết.

Gian hàng dự án ống hút, bún gạo của chị Trương Thị Hồng Hà (TPHCM) luôn tấp nập khách hàng đến tìm hiểu sản phẩm. Khoe “đứa con tinh thần”, chị Hà cho biết, bún sợi thẳng được kết hợp với nhiều nguyên liệu như thanh long ruột đỏ, lá bồ ngót hay gạo lứt… đã “cháy hàng” khi tiếp thị đến người dân TPHCM. “Điều này làm tôi rất vui và tạo động lực để mình cố gắng cải thiện sản phẩm, đưa thêm ra thị trường những sản phẩm mới, an toàn cho sức khỏe người dùng”, chị Hà nói.

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục