Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 27/10/2020

10:22 27/10/2020

Trung tâm Báo chí tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TP. Hồ Chí Minh trên các báo ra ngày 27/10/2020:

Bão số 9 di chuyển nhanh, TP.HCM có mưa lớn 

Theo Zingnews, nhận định về ảnh hưởng của bão Molave (bão số 9), ông Lê Đình Quyết, Phó phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết các tỉnh Nam Bộ và TP.HCM sẽ có lượng mưa tăng từ chiều đến tối 27/10.

Trong hai ngày 28-29/10, gió tây nam mạnh dần, có nơi mưa vừa mưa to, tập trung vào từ chiều đến đêm, lượng mưa khoảng 50-80 mm. Trong 5 ngày tới, cường độ gió tây nam tiếp tục tăng, sau đó giảm dần.

Thời tiết các tỉnh Nam Bộ và TP.HCM có mưa rào và dông mạnh. Chiều tối các ngày từ 27 đến 29/10, người dân cần đề phòng khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như gió giật mạnh, lốc xoáy.

TP.HCM ảnh hưởng bão số 9 có mưa vào từ chiều và tối các ngày 27-29/10. Ảnh: Quỳnh Danh.
TP.HCM ảnh hưởng bão số 9 có mưa vào từ chiều và tối các ngày 27-29/10. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm 26 và ngày 27/10, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 20-25 km/h và có khả năng mạnh thêm. Đêm 27/10, tâm bão cách bờ biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên 250 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất tăng lên cấp 13-14, giật cấp 17.

Sau đó, bão giữ hướng đi và vận tốc, di chuyển vào đất liền các tỉnh Đà Nẵng - Phú Yên, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Chuyên gia nhận định đến thời điểm này, các kết quả diễn biến khá đồng nhất bão sẽ đi vào các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi... không có khả năng chuyển hướng xuống phía nam.

Dự báo đường đi của bão số 9.
Dự báo đường đi của bão số 9.

Tuy nhiên do bão có cường độ cao nên tác động gây gió mạnh trên biển Nam Bộ. Đặc biệt vào chiều tối, người dân nuôi thuỷ sản trên các lồng, bè cần thận trọng gió giật làm gãy đổ cây xanh, tốc mái, biển quảng cáo, dễ gây tai nạn khi ra đường.

Để đảm bảo an toàn trong thời tiết xấu, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân hạn chế đi du lịch tại đảo Phú Quý, Côn Đảo, Thổ Chu vào các ngày từ 27-29/10.

Tiếp nhận hơn 19,5 tỷ đồng và nhiều hàng hóa ủng hộ miền Trung

Thông tin từ VOV, tính đến 16h ngày 26/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đã tiếp nhận hơn 19,5 tỷ đồng và nhiều hàng hóa ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng thiên tai.

Riêng trong ngày 26/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP tiếp nhận hơn 3,2 tỷ đồng của 14 tập thể, cá nhân trên địa bàn TP.

Trước đó, TPHCM đã trích từ Quỹ Cứu trợ Thành phố 8,3 tỷ đồng để hỗ trợ các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế 3 tỷ đồng, Quảng Trị 1,5 tỷ đồng, Quảng Nam 1,5 tỷ đồng, Quảng Bình 2 tỷ đồng và Quảng Ngãi 300 triệu đồng. Thành phố cũng đã chuyển hàng hóa thiết yếu trị giá hơn 3 tỷ đồng đến đồng bào các tỉnh miền Trung.

Riêng trong chiều 26/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM tiếp nhận hơn 3,2 tỷ đồng của 14 tập thể, cá nhân trên địa bàn TP.
Riêng trong chiều 26/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM tiếp nhận hơn 3,2 tỷ đồng của 14 tập thể, cá nhân trên địa bàn TP.

Bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP cho biết: “Trong thời gian qua UBMTTQVN Thành Phố - Ban Cứu trợ Thành phố đã tiếp nhận rất nhiều tấm lòng của tập thể cá nhân hướng về đồng bào các tỉnh miền Trung. Ngoài việc ủng hộ tiền mặt, có rất nhiều hàng hóa cần thiết. Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị vận tải, hàng không để chuyển đến đồng bào miền Trung, đảm bảo an toàn và nhanh nhất”.

Tập trung hỗ trợ lao động thất nghiệp

Báo Người Lao Động đưa tin, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP (Falmi), thị trường lao động TP trong những tháng cuối năm sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

Đây là cơ hội việc làm đối với sinh viên mới ra trường, người lao động (NLĐ) bị mất việc do dịch Covid-19 và dịch chuyển lao động.

Người lao động (trái) tìm kiếm cơ hội tại một sàn giao dịch việc làm ở TP HCM
Người lao động (trái) tìm kiếm cơ hội tại một sàn giao dịch việc làm ở TP HCM

Falmi dự báo nhu cầu nhân lực quý IV/2020 cần khoảng 62.000 - 65.000 chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm nghề: Kinh doanh - thương mại, dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, chế biến lương thực - thực phẩm, công nghệ thông tin - bưu chính - viễn thông, điện - điện tử - điện lạnh, dịch vụ tư vấn chăm sóc khách hàng, tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm.

Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85,26%, trong đó đại học chiếm 20%, cao đẳng chiếm 20%, trung cấp chiếm 31%, sơ cấp chiếm 14,26%.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, NLĐ vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP đã triển khai nhiều phương án hỗ trợ cho lao động thất nghiệp như học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp; tăng cường các sàn giao dịch việc làm giúp NLĐ tìm được việc làm mới phù hợp.

Bệnh về đường hô hấp tăng đột biến

Thời tiết mưa gió liên tục mấy ngày qua khiến người già, trẻ nhỏ và cả những người có sức khỏe tốt cũng phải vào bệnh viện. Tại TPHCM, số người lớn, trẻ nhỏ nhập viện điều trị tăng gần 50%.

TS, bác sĩ (BS) Lê Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện (BV) Nhân Dân Gia Định TPHCM, cho biết các bệnh nhân nhập viện chủ yếu bị viêm phế quản, viêm hô hấp trên, viêm phổi. Những người có bệnh mãn tính như phổi tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD), hen cũng nhập viện nhiều hơn.

Theo BSCK2 Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa Nhi BV Nhân Dân Gia Định TP HCM, trong vòng một tháng trở lại đây, số bệnh nhi nhập viện do mắc bệnh hô hấp tăng cao. Khoa có 50 giường nhưng hiện không còn chỗ nằm, phải kê ra hành lang làm chỗ nằm tạm cho trẻ.

Tại BV Nhân Dân 115 TPHCM, gần đây số người đến khám, cấp cứu liên quan bệnh hô hấp cũng gia tăng.

Bác sĩ khám cho bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Ảnh: NGỌC DUNG)
Bác sĩ khám cho bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Ảnh: NGỌC DUNG)

Theo các BS, dấu hiệu quan trọng nhất để nhận biết bệnh về đường hô hấp là ho, chảy nước mũi, sốt, có thể chảy nước tai, khó thở. Đây là những triệu chứng rất thường gặp khi trẻ bị viêm đường hô hấp trên. Với bệnh cúm do virus các triệu chứng đầu tiên của bệnh gồm sốt (trên 38 độ C, có thể tăng cao 39 - 40 độ C), đau đầu, đau mỏi toàn thân... sau đó mới xuất hiện triệu chứng đường hô hấp như viêm họng, đau rát cổ họng, ho khan, đau tức ngực, ho có đờm, chảy nước mũi trong kèm ngạt mũi.

Khi thấy con có dấu hiệu như khó thở, sốt cao khó giảm, ho nhiều hơn, cần đi BV khám ngay. Không nên tự ý mua kháng sinh hoặc thuốc theo đơn cũ, dễ gây kháng thuốc, không hiệu quả trong điều trị. Thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ tránh tình trạng lây chéo, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với các nguồn bệnh. Khi trẻ bị các bệnh đường hô hấp cần được cách ly tại nhà để nghỉ ngơi, không nên cho trẻ đến những nơi công cộng như trường học, công viên, khu vui chơi... để tránh lây lan nguồn bệnh.

Cao tốc TPHCM - Mộc Bài dự kiến hoàn thành vào năm 2025

Báo SGGP đưa tin, ngày 26/10, Bộ GTVT phối hợp với UBND TPHCM, UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị Ký kết kế hoạch phối hợp triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài.

Tại buổi ký kết, ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho rằng dự án Cao tốc TPHCM - Mộc Bài là dự án trọng điểm có quy mô vốn đầu tư lớn, thực hiện đầu tư liên kết là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Tỉnh Tây Ninh cam kết sẽ làm tốt công tác, nhiệm vụ của tỉnh, triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.

Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 27/10/2020 - Ảnh 1

Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP, Quốc lộ 22 là tuyến đường duy nhất kết nối TPHCM - Mộc Bài, là cửa ngõ thông thương với Campuchia đang quá tải và ùn tắc giao thông. Lượng phương tiện đang gia tăng hàng năm, gây áp lực lên hạ tầng, ùn tắc giao thông ở cửa ngõ TP. Việc xây dựng tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài nhằm giảm áp lực cho Quốc lộ 22, góp phần phát triển kinh tế giữa TPHCM - Tây Ninh. Ông Hoan cũng kỳ vọng lộ trình dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ trước năm 2025 nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước.

Dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài có tổng chiều dài 53,5km với 4 làn xe (tương lai 6-8 làn). Điểm đầu của dự án là nút giao với đường Vành đai 3 TPHCM, đi song song với Quốc lộ 22, kết nối với đường Vành đai 4, đường Hồ Chí Minh và có điểm cuối tại Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 10.700 tỷ đồng, hình thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT có sự hỗ trợ của Nhà nước (gồm vốn đối ứng từ ngân sách và vốn vay ODA).

Chợ miền Trung tại TPHCM: Thiếu nguồn cung, đặc sản vùng miền tăng giá mạnh

Phản ánh trên báo Lao Động, chợ Phường 11 (quận Tân Bình) được mệnh danh là chợ miền Trung thu nhỏ bởi chuyên bán các sản phẩm vùng miền đặc trưng. Tại đây, các mặt hàng được nhập trực tiếp từ các tỉnh miền Trung về bán, tuy nhiên vì ảnh hưởng của mưa bão suốt thời gian qua nên nhiều loại rau, củ trở nên khan hiếm, tăng giá khá mạnh.

Chị Lê Thuỳ - chuyên bán đặc sản các loại như hành, tỏi, gừng,.. từ huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết do mưa bão, sản lượng kém nên giá đều tăng gần gấp đôi. Cụ thể, gừng từ 65.000 đồng/kg tăng lên 100.000 đồng/kg; hành có giá từ 30.000 - 50.000 đồng/kg tăng lên 80.000 đồng/kg tuỳ loại; tỏi Lý Sơn nhiều tép từ 150.000 đồng/kg tăng lên 180.000 đồng/kg…

Đặc sản do khu vực miền Trung cung cấp cho thị trường TPHCM khan hiếm do mưa bão. Ảnh: Ngọc Lê
Đặc sản do khu vực miền Trung cung cấp cho thị trường TPHCM khan hiếm do mưa bão. Ảnh: Ngọc Lê

Sạp rau của cô Hai - chuyên bán rau từ làng rau Trà Quế (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) trước đây luôn đầy ắp với hơn 20 loại rau thơm. "Khoảng chục ngày trở lại đây, cả sạp chỉ còn vài loại húng cây, diếp cá, ngò gai, hành. Do rau ở Trà Quế bị ngập úng, chết sạch phải vài tháng nữa mới có rau trở lại. Không biết khi nào mới có hàng trở lại để bỏ sỉ cho các nhà hàng nên sạp của tôi tạm thời bị mất mối" - Cô Hai chia sẻ.

Không chỉ có rau củ quả, các điểm bán đồ khô như tỏi, hành, củ nén, đậu, cá khô, tép khô… từ Quảng Nam, Quảng Ngãi đưa vào TPHCM nay cũng ít hàng hơn trước. Tiểu thương cho biết, trước đây, mỗi tuần có 2-3 lần hàng về, hết hàng là hôm sau lại có ngay, nhưng khi xảy ra bão lũ, hàng về chậm hơn 2-3 ngày và lượng hàng cũng giảm hơn 50%.

Các sạp rau củ khan hiếm hàng. Ảnh: Ngọc Lê
Các sạp rau củ khan hiếm hàng. Ảnh: Ngọc Lê

Người dân đến công an nộp vũ khí, đổi lấy gạo, dầu ăn

Báo Công an cho hay, Công an phường Nguyễn Thái Bình, Q.1, vừa phối hợp với UBMTTQ phường tổ chức buổi tiếp nhận các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ do người dân trên địa bàn đến giao nộp.

Theo đó, ngay khi triển khai kế hoạch từ đầu năm 2020, Công an phường đã chỉ đạo Cảnh sát khu vực phối hợp với Ban điều hành khu phố, tổ dân phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung kế hoạch phát động phong trào toàn dân phát hiện, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ.

Người dân đến công an giao nộp vũ khí, hung khí để đổi lấy nhu yếu phẩm
Người dân đến công an giao nộp vũ khí, hung khí để đổi lấy nhu yếu phẩm

Ngoài ra, cơ quan công an cũng tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ đến toàn thể người dân, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn phường, để giúp người dân nhận thức được hậu quả của việc tàng trữ, sử dụng trái phép các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ. Đồng thời cảnh cáo, răn đe số đối tượng có biểu hiện vi phạm.

Trong ngày 25/10, Công an P.Nguyễn Thái Bình đã thu giữ được 10 viên đạn loại K59, 6 cây mã tấu tự chế, 6 dao bấm, 4 dao bầu, 1 cây côn nhị khúc, 2 cây tuýp sắt, 2 cây giáo dài 1,2m. Theo Công an P. Nguyễn Thái Bình, mỗi người dân khi tự giác đến giao nộp được tặng một phần quà bao gồm gạo, dầu ăn trị giá 250 nghìn đồng. Số vũ khí, hung khí thu được sẽ được Công an phường bàn giao Công an Q.1 xử lý theo quy định.

Việc tiếp nhận vũ khí, hung khí, vật liệu nổ nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân
Việc tiếp nhận vũ khí, hung khí, vật liệu nổ nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân

Trước đó, đầu tháng 5/2020, Công an phường Nguyễn Thái Bình cũng đã thu giữ được 1 cây súng K59; 36 viên đạn các loại; 6 cây mã tấu; 6 dao bấm, dao tự chế các loại; 1 cây côn nhị khúc, 3 cây tuýp sắt do người dân giao nộp.

Thành Đoàn TP tiếp sức học trò vùng lũ trong ngày đầu trở lại học tập

Thông tin từ báo Tiền Phong, nằm trong khuôn khổ các hoạt động ủng hộ, chia sẻ với đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, thiên tai, ngày 26/10, đoàn công tác của Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TPHCM, Hội Sinh viên Việt Nam TP và Hội Doanh nhân trẻ TP đã đến thăm, tặng quà cho 100 em học sinh tại Trường Tiểu học và THCS Ba Lòng, xã Ba Lòng, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Anh Ngô Minh Hải, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TPHCM trao quà cho các học sinh vùng lũ Ba Lòng
Anh Ngô Minh Hải, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TPHCM trao quà cho các học sinh vùng lũ Ba Lòng

Đây là một trong những vùng ngập nặng trong tâm lũ vừa qua tại tỉnh Quảng Trị. Sau khi lũ rút, với sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, sau hơn 2 tuần bị gián đoạn, hoạt động học tập của các em học sinh đã nhanh chóng được quay lại. Đoàn công tác đã thăm hỏi, động viên và trao tặng kinh phí hỗ trợ học tập, đồng thời trao tặng tập sách, dụng cụ học tập cho các em học sinh vùng ảnh hưởng bão lũ.

Song song đó, đoàn công tác số 2 của Thành Đoàn, Hội LHTN - Hội SVVN TP và Hội Doanh nhân trẻ TP cũng đang tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Những sẻ chia kịp thời giúp các em học sinh vơi bớt khó khăn sau nhiều ngày bị ảnh hưởng bão lũ
Những sẻ chia kịp thời giúp các em học sinh vơi bớt khó khăn sau nhiều ngày bị ảnh hưởng bão lũ

Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục