Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 27/4/2022

09:18 27/04/2022

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 27/4:

Nhật Bản sẽ tham gia giải quyết vấn đề sụt lún nền ở TPHCM

Báo Phụ Nữ TP cho biết, văn phòng UBND TPHCM vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chấp thuận đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc phối hợp cung cấp thông tin cần thiết trong khảo sát vấn đề sụt lún nền ở TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan hỗ trợ cung cấp thông tin cần thiết theo đề nghị của Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) trong khảo sát vấn đề sụt lún nền ở TPHCM với mục tiêu tổng quan:

Thứ nhất, xác định các thông tin về hiện trạng sụt lún của TPHCM gồm: tình trạng sụt lún, hệ thống quản lý nhà nước liên quan và các biện pháp, chính sách đối phó với sụt lún.

Thứ hai, xác định sự cần thiết của dự án hợp tác kỹ thuật nhằm khảo sát địa chất, xác định nguyên nhân gây sụt lún, xây dựng giếng khoan, chuyển giao công nghệ bảo trì giếng. 

Một con hẻm tiếp giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) bị sụt lún khá nghiêm trọng
Một con hẻm tiếp giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) bị sụt lún khá nghiêm trọng

Trước đó, JICA tại Việt Nam đã gửi cơ quan chức năng TPHCM tham khảo Dự thảo Kế hoạch khảo sát và xây dựng dự án thúc đây các biện pháp đối phó với sụt lún đất ở TPHCM do nhóm Quản lý nguồn nước, Vụ Môi trường toàn cầu - JICA soạn thảo.

Dựa trên kinh nghiệm về xử lý sụt lún nền ở thành phố Tokyo (Nhật Bản) và hợp tác về vấn đề sụt lún với Bangkok (Thái Lan) và Jakarta (Indonesia), JICA đề xuất hợp tác với TPHCM thực hiện Dự án Hợp tác kỹ thuật với nhằm đánh giá toàn diện và giải quyết vẫn đề sụt lún trên địa bàn.

TPHCM và Hà Lan thúc đẩy phát triển xanh

Báo SGGP đưa tin, ngày 26/4, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã tiếp bà Haneke Schuiling, Thứ trưởng phụ trách Kinh tế đối ngoại, Bộ Ngoại giao Hà Lan, đến chào xã giao và trao đổi về phương hướng hợp tác giữa Hà Lan và TPHCM nhân chuyến công tác tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đầu tư. 

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tiếp bà Haneke Schuiling, Thứ trưởng phụ trách Kinh tế đối ngoại, Bộ Ngoại giao Hà Lan. Ảnh: TTXVN
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan tiếp bà Haneke Schuiling, Thứ trưởng phụ trách Kinh tế đối ngoại, Bộ Ngoại giao Hà Lan. Ảnh: TTXVN

Theo ông Võ Văn Hoan, Hà Lan là đối tác lớn thứ 5 của TPHCM với 161 dự án, tổng số vốn là 5 tỷ USD. Đồng thời, đánh giá cao trình độ và kinh nghiệm của Hà Lan trong các lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước và nông nghiệp bền vững…

Trong bối cảnh TPHCM đang trong quá trình đô thị hóa nhanh và cũng đang đứng trước những thách thức lớn liên quan đến môi trường như ô nhiễm, hạn hán, xâm nhập mặn…, hai bên cho rằng sẽ có nhiều cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác phát triển.

Trong đó, tập trung ở các vấn đề lớn như quy hoạch phát triển cảng biển, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và phát triển không gian xanh, xây dựng cơ sở hạ tầng xanh. Hai bên thống nhất sẽ đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác thông qua các cuộc hội thảo, chia sẻ, trao đổi cán bộ, chuyên gia qua lại lẫn nhau thường xuyên hơn.

Thu ngân sách TP Hồ Chí Minh tăng cao nhất trong 4 năm gần đây

Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, tính đến cuối tháng 4/2022, tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 168.177 tỷ đồng, đạt 43,51% dự toán năm và tăng 13,87% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong hoạt động thu ngân sách thành phố 4 năm gần đây. Nội dung trên báo Vietnamplus. 

Sản xuất công nghiệp tại TPHCM khởi sắc. (Ảnh: TTXVN)
Sản xuất công nghiệp tại TPHCM khởi sắc. (Ảnh: TTXVN)

Trong đó, thu nội địa ước đạt 124.267 tỷ đồng, đạt trên 46% dự toán, tăng 15,41% so cùng kỳ; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 43.900 tỷ đồng, đạt 37,68% dự toán, tăng 9,75% so cùng kỳ.

Bà Hà cũng cho biết, chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm, một số khoản thu đã đạt trên 40% dự toán. Đây là kết quả của việc thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thành phố giai đoạn 2022-2025 với nhiều giải pháp quyết liệt hiệu quả nhằm khắc phục đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng; cùng với tác động tích cực của các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp cũng như kích thích tiêu dùng trong nước mà thành phố đã triển khai thời gian qua.

TPHCM có thêm mặt bằng phục vụ hội chợ, triển lãm quốc tế

Báo Tuổi Trẻ cho hay, ngày 26/4, Saigontourist Group và Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đã tổ chức khánh thành đưa vào hoạt động Nhà triển lãm B thuộc Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC) sau hơn 2 năm xây dựng, góp phần đón đầu xu hướng du lịch MICE phát triển mạnh sau dịch.

Phát biểu tại lễ khánh thành, bà Phan Thị Thắng, phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết điều tự hào là việc đồng bộ Nhà triển lãm A và Nhà triển lãm B đưa SECC trở thành công trình trung tâm triển lãm lớn nhất Việt Nam, sảnh triển lãm tại Đông Nam Á đạt tiêu chuẩn quốc tế về kỹ thuật, xây dựng và không gian của ngành công nghiệp triển lãm, bổ sung thêm một sản phẩm nổi trội cho du lịch MICE. 

Lãnh đạo TPHCM nhấn nút khánh thành Nhà triển lãm B - Ảnh: N.Bình
Lãnh đạo TPHCM nhấn nút khánh thành Nhà triển lãm B - Ảnh: N.Bình

Ông Võ Anh Tài, phó tổng giám đốc Saigontourist Group, cho biết đây được xem là công trình trọng điểm của du lịch TPHCM, góp phần tạo đột phá du lịch Việt Nam và TP sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch, đặc biệt ý nghĩa với du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị), một sản phẩm dịch vụ trọng điểm.

Bà Thượng Mỹ An, tổng giám đốc SECC, dự kiến tổng doanh thu khai thác đồng bộ Nhà triển lãm A và Nhà triển lãm B kỳ vọng sẽ đạt trên 500 tỉ đồng/năm, đồng thời phục vụ hàng triệu khách MICE đến TP.HCM cũng như Việt Nam. 

Nhà triển lãm B có tổng diện tích xây dựng hơn 33.000m2, tổng đầu tư hơn 900 tỉ đồng, nối tiếp Nhà triển lãm A hiện có, tạo nên một không gian sự kiện 18.000m2, tương đương 1.000 gian hàng tiêu chuẩn, thiết kế 3 cộng 1 gồm: tầng phục vụ triển lãm, hội nghị, nhà hàng văn phòng, kèm theo đó là cơ sở vật chất, tiện ích, các không gian chức năng mới… đáp ứng nhu cầu khách khi đến thực hiện hoạt động giao thương.

TPHCM tạm dừng thuê máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh

Theo báo Lao Động, thực hiện theo chỉ đạo của UBND TPHCM về việc đánh giá hiệu quả chống ngập sau khi hoàn thành dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM (Sở Xây dựng TP) mới đây đã có văn bản gửi Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung (Công ty Quang Trung - nhà đầu tư) về việc tạm ngưng thực hiện đặt hàng cung cấp dịch vụ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh cho đến khi có chỉ đạo mới.

Thời gian tạm dừng từ ngày 1/4/2022 – thời điểm Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh) hoàn thành bít chặn, ngắt kết nối tuyến cống hiện hữu với trạm bơm Quang Trung. 

Đường Nguyễn Hữu Cảnh sau khi được TPHCM chi gần 500 tỉ đồng nâng cấp, sửa chữa. Ảnh: Anh Tú
Đường Nguyễn Hữu Cảnh sau khi được TPHCM chi gần 500 tỉ đồng nâng cấp, sửa chữa. Ảnh: Anh Tú

Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thoát nước thuộc dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Hiện nay, lượng nước thoát cho tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (bao gồm phạm vi chống ngập do Công ty Quang Trung đảm trách cung ứng) được chảy về cửa xả và thoát ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, không truyền tải nước đến hầm trạm bơm do Công ty Quang Trung vận hành phục vụ công tác chống ngập.

Do đó, việc tiếp nhận nước để thực hiện cung cấp dịch vụ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh áp dụng công nghệ kiểu mới đã không thể thực hiện được trong thời gian tới.

Thúc tiến độ dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, ngày 26/4, Sở Giao thông vận tải TPHCM có văn bản kiến nghị UBND TPHCM về việc đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài.

Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, trong kế hoạch phối hợp triển khai dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài giữa TPHCM và Tây Ninh, thời gian dự kiến trình Bộ Kế hoạch và đầu tư hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 9/2021. Tuy nhiên, đến nay việc trình hồ sơ đã trễ so với kế hoạch đề ra. 

Các xe tải đi qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) - Ảnh: Tuấn Anh
Các xe tải đi qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) - Ảnh: Tuấn Anh

Để đẩy nhanh tiến độ, Sở Giao thông vận tải kiến nghị UBND TP xem xét, chỉ đạo về việc thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP khẩn trương tiếp thu ý kiến của các sở ngành, đơn vị để hoàn thiện hồ sơ, trình Hội đồng thẩm định nội bộ.

Cao tốc TPHCM - Mộc Bài có chiều dài 53,5km, trong đó đoạn qua TPHCM dài 23,7km, còn lại đi qua tỉnh Tây Ninh. Ở giai đoạn 1, dự án thực hiện từ 2021 - 2025 với 4 làn xe, tổng mức đầu tư 15.900 tỉ đồng theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). Riêng việc bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư từ nguồn vốn ngân sách TPHCM và Tây Ninh.

Dự án sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho quốc lộ 22. Đây sẽ là tuyến giao thông xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.

Cao tốc này cũng đi qua hai huyện Hóc Môn, Củ Chi, nơi đang được tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông để tăng tốc phát triển kinh tế.

Nhóm BTV (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục