Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh không quên công ơn những thương binh, bệnh binh
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 26/7, nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947-27-7-2019), Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đoàn cán bộ TP. Hồ Chí Minh đến thăm và tặng 335 phần quà cho những thương binh, bệnh binh tại tỉnh Hà Nam và tỉnh Bắc Giang.
Tại Hà Nam, đoàn đến thăm và tặng quà cho thương binh, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh huyện Duy Tiên, Trung tâm Điều dưỡng thương binh huyện Kim Bảng và Trung tâm Nuôi dưỡng thương binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam. Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân tới những thương binh, bệnh binh đang được điều trị tại đây.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP. Hồ Chí Minh có 10 triệu dân, trong đó có rất nhiều người là cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh đang sinh sống ở thành phố. Thành phố luôn nghĩ tới sự đóng góp của những chiến sĩ quân đội, công an không những sống ở thành phố, mà còn khắp các tỉnh, thành trong cả nước, bởi họ đã làm nên chiến thắng lịch sử từ Điện Biên Phủ đến chiến thắng 30-4-1975; góp phần tiêu diệt chế độ diệt chủng ở Campuchia, bảo vệ biên giới phía Nam và phía Bắc Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng chia sẻ, TP. Hồ Chí Minh trong thời gian kháng chiến là tiền tuyến, trong đó có con em đồng bào ngoài Bắc đi bộ đội vào Nam để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Điều này, đồng bào miền Nam, nhân dân TP. Hồ Chí Minh luôn luôn biết ơn các chiến sĩ, những thương binh, bệnh binh đã góp một phần xương máu của mình cho sự nghiệp chung của Tổ quốc.
Cùng ngày, đến thăm Trung tâm Điều dưỡng thương binh Lạng Giang (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), Bí thư Nguyễn Thiện Nhân xúc động khi nghe những lời chia sẻ từ lãnh đạo trung tâm đối với sự hy sinh, cống hiến xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của 45 thương binh, bệnh binh tại đây; đồng thời bày tỏ sự biết ơn và tri ân đối với những hy sinh của từng cá nhân thương binh, bệnh binh. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, nhân dân TPHCM, nhân dân miền Nam không bao giờ quên công lao, đóng góp của thương binh, bệnh binh, bởi nếu không có công lao, sự hy sinh đó thì không có TP. Hồ Chí Minh phát triển như ngày nay.
Dịp này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lãnh đạo các tỉnh Hà Nam, Bắc Giang cần tiếp tục có những chính sách giúp đỡ con em thương binh, bệnh binh, làm thế nào để con em có điều kiện được học nghề và hỗ trợ việc làm; đề nghị lãnh đạo các tỉnh Hà Nam, Bắc Giang cần nghiên cứu triển khai lựa chọn trường THPT để gắn bó, “đỡ đầu” với trung tâm điều dưỡng và những địa điểm văn hóa lịch sử, qua đó giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Phân loại 3 nhóm người đến từ Đà Nẵng ra sao?
Báo Tuổi Trẻ cho hay, chiều 26/7, tại cuộc họp về công tác phòng, chống COVID-19 của UBND TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã chỉ đạo các quận huyện, sở ngành tăng cường rà soát, xử lý nghiêm các đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép vào TP.
Tại cuộc họp, ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, cho biết hiện nay các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao bắt đầu quay trở lại TP làm việc. Ông Liêm chỉ đạo các ngành chức năng tập hợp danh sách gửi Sở Lao động - thương binh và xã hội để trình UBND TP trước khi làm các thủ tục nhập cảnh. Các trường hợp này phải được cách ly và giám sát, xét nghiệm theo đúng quy định.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC), cho biết HCDC đã ký văn bản xác minh các trường hợp từ Đà Nẵng vào TP.HCM từ ngày 1-7 và phân thành 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất là những người có tiếp xúc hoặc ở cùng 1 địa điểm với người có bệnh: phải cách ly tập trung và xét nghiệm theo quy định.
Nhóm thứ 2 là những người có triệu chứng liên quan COVID-19, bị bệnh hô hấp: phải cách ly tại nơi điều trị và xét nghiệm SARS-CoV-2.
Nhóm thứ 3 là những người từ Đà Nẵng về: phải cách ly tại nhà 14 ngày kể từ ngày rời Đà Nẵng và theo dõi sức khỏe.
Ông Dũng yêu cầu các hãng hàng không làm tờ khai y tế trên máy bay. Với các đoàn công tác của Đà Nẵng tại TP, cần yêu cầu hạn chế tiếp xúc cho đến khi rời TP đồng thời cho xét nghiệm SARS-CoV-2.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP, cho biết đối với những khách đến từ Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế... phải thực hiện tốt khai báo y tế. Nếu phát hiện trường hợp có triệu chứng dịch bệnh thì cần cách ly, chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để xét nghiệm, theo dõi. Những người đi Đà Nẵng về cần cách ly tại nơi lưu trú, lấy mẫu xét nghiệm.
Sở Y tế tổ chức hoạt động kiểm dịch y tế tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất và ga xe lửa đối với chuyến bay, chuyến tàu đến từ Đà Nẵng. Triển khai các biện pháp giám sát y tế đối với người đến Đà Nẵng từ ngày 1-7 hiện đang cư trú, lưu trú tại TP.HCM.
Khơi thông 4 cửa ngõ: Cần gỡ 2 vướng mắc
Người dân TP.Hồ Chí Minh đang rất kỳ vọng vào các dự án giao thông trọng điểm ở các cửa ngõ Thành phố. Bởi các dự án này sẽ giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho rằng một trong những vấn đề khó khăn khiến các dự án chậm triển khai hoặc chậm tiến độ chính là giải phóng mặt bằng (GPMB). Đối với vấn đề này, giải pháp cơ bản của Thành phố là khẩn trương hoàn thành việc rà soát cơ chế, chính sách, các thủ tục về đất đai liên quan đến công tác bồi thường và GPMB. Ngoài ra, đơn vị chức năng tiếp tục nghiên cứu các quy định liên quan theo Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn Thành phố.
Hằng năm, Sở GTVT ban hành danh mục các công trình trọng điểm; tổ chức họp giao ban định kỳ hằng tuần để nắm bắt và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các sở, ngành, địa phương. Từ đó, kiến nghị TP và các bộ, ngành trung ương giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án. Ngoài ra, UBND các quận, huyện phải tập trung, ưu tiên đẩy nhanh công tác bồi thường GPMB, coi đây là nhiệm vụ quan trọng cần phải quan tâm thường xuyên.
Đối với khó khăn do thiếu vốn, ông Trần Quang Lâm cho rằng cần tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động tối đa các nguồn vốn (ngân sách, ngoài ngân sách, xã hội hóa), kêu gọi đầu tư để xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn TP. Nghiên cứu, rà soát và ban hành các quy định có liên quan theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. Trong đó, ưu tiên tập trung nghiên cứu các cơ chế thu hút vốn, cơ chế quản lý đầu tư để phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, hoàn thiện đề án tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố giai đoạn 2021-2030, báo cáo và kiến nghị trung ương chấp thuận nhằm tăng nguồn thu hằng năm của TP, phục vụ chi cho đầu tư phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ. Rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với việc thực hiện dự án theo hình thức PPP để thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách...
Ngoài ra, cần phải đẩy nhanh việc lập, trình duyệt đề án thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển của TP để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT tập trung xây dựng các dự án mà trung ương đầu tư như vành đai 3, vành đai 4, các tuyến cao tốc... để kết nối vùng.
Buýt mini, đừng chần chừ nữa!
6 tuyến buýt dưới 17 chỗ không trợ giá được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. Hồ Chí Minh đề xuất cho doanh nghiệp triển khai mới đây, lộ trình qua các khu đô thị mới, điểm tham quan, các đầu mối giao thông ở các quận, huyện như 1, 2, 7, 9, Nhà Bè. Đề xuất này được xem phù hợp với điều kiện hạ tầng, đường sá tại Thành phố hiện nay.
Các tuyến buýt mini dự kiến triển khai gồm: H1 dài 20 km (nối các quận 7, 1, 2) có điểm đầu là chưng cư Belleza, điểm cuối là Vinhomes Central Park với 22 điểm dừng; H2 dài 12km (kết nối quận 2 và 1) có điểm đầu tại Diamond Plaza, điểm cuối là chung cư The Vista với 10 điểm dừng; H3 (nối quận 2 và quận 1) dài 12 km, điểm đầu tại chung cư Fideoco Riverview, kết thúc ở tòa nhà Vietcombank Tower với 13 điểm dừng.
Tuyến H4 (nối huyện Nhà Bè đến quận 1) dài 15km, điểm đầu ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn, điểm cuối tại chung cư The Park Residence với 18 điểm dừng; H5 kết nối Cát Lái (quận 2) đến quận 1 dài 18km, điểm đầu tại Hồ Con Rùa (quận 3), điểm cuối ở khu đô thị Venrura Cát Lái với 17 điểm dừng. Tuyến H7 (kết nối quận 9 đến quận 1) dài 24km, điểm đầu từ Hồ Con Rùa, điểm cuối tại khu phức hợp The Park Residence với 21 điểm dừng.
Các tuyến xe buýt này không trợ giá từ ngân sách và áp dụng giá vé từ 30.000 – 40.000 đồng/ lượt vào giờ cao điểm; 10.000 – 30.000 đồng/lượt vào thấp điểm cho cự ly từ 24 km trở xuống. Đồng thời, hình thức bán vé nếu các tuyến triển khai sẽ ứng dụng công nghệ, khách đi được chủ động giờ, ghế ngồi…Xe chỉ dừng lại đón tại trạm khi khách đặt ứng dụng trước để tiết kiệm thời gian cho lộ trình.
Trả lời báo Người Lao Động, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM cho rằng đề xuất trên phù hợp với thực tế tại Thành phố. Buýt mini kết nối ở các khu dân cư, ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo sự tiện lợi cho hành khách thì nên thực hiện. Chưa kể việc này sẽ góp phần hấp dẫn người dân đi lại bằng xe buýt. Trong khi đó, các tuyến này cũng không trợ giá và với giá vé đề xuất, ông Tính đánh giá dù cao hơn mặt bằng chung của hệ thống xe buýt tại thành phố nhưng khi đáp ứng nhu cầu đi lại giữa các cụm dân cư nội bộ, đầu mối giao thông, phục vụ khách du lịch, hành khách sẽ chấp nhận. Đồng thời, doanh nghiệp cũng căn cứ tình hình thực tế để điều chỉnh cho phù hợp.
Theo Sở GTVT, tại TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 42% các tuyến đường bề rộng hơn 7m, trong khi xe buýt chỉ mới hoạt động ở các tuyến rộng hơn 10m. Với đặc thù các tuyến đường hiện hữu tại Thành phố, xe buýt lớn đầu tư từ những năm 2002-2004, Sở GTVT cho biết chỉ có thể tổ chức được khoảng 1.800 km đường có xe buýt lưu thông (tỉ lệ 41% so với tổng chiều dài các tuyến đường tại Thành phố). Mặt khác, đặc thù đô thị tại TP. Hồ Chí Minh là dân cư và nhà ở riêng lẻ, phân bổ dàn trải, cấu trúc đô thị phân tán khiến người dân phụ thuộc vào các xe cá nhân. Và chính bởi nhu cầu đi lại không tập trung, khó “gom” khách, dẫn đến việc hình thành hệ thống giao thông công cộng cũng thiếu hiệu quả.
Tìm "thuốc" trị tranh chấp nhà chung cư
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, việc tranh chấp nhà chung cư lâu nay vẫn tồn tại ở TP.Hồ Chí Minh, nhiều người không còn xa lạ với hình ảnh cư dân căng băng rôn, tập trung nhiều người đi đòi sổ hồng khi chủ đầu tư hứa mà không thực hiện được.
Mới đây, trong văn bản trả lời cử tri về công tác quản lý nhà chung cư, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết: “Đối với công tác quản lý nhà chung cư, sở đã dự thảo văn bản hướng dẫn sau khi lấy ý kiến của các sở/ngành, quận/huyện, hiện đã hoàn chỉnh, trình dự thảo tham mưu UBND TP quy định hướng dẫn cụ thể việc quản lý, sử dụng nhà chung cư áp dụng trên địa bàn TP”.
Vừa qua, cư dân chung cư An Gia Star (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) đã gửi đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng cho biết họ mua nhà từ năm 2015 (bàn giao nhà tháng 4-2017) nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sổ hồng theo hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư (CĐT) là Công ty CP Đầu tư và phát triển BĐS An Gia. Theo tập thể cư dân chung cư này, họ phải vất vả ngược xuôi để có đủ kinh phí thanh toán tiền mua nhà kèm lãi suất, những người dân vì quá khó khăn nên muốn bán căn hộ hay thế chấp ngân hàng đều không được trong khi họ đã thanh toán 97% giá trị căn hộ.
Một dự án khác là dự án Kingsway Tower (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) bị dừng thi công gần một năm qua khiến khách hàng mua chung cư ở đây như ngồi trên đống lửa.
Tương tự, hơn 500 cư dân tại dự án Dream Home Luxury (quận Gò Vấp) của Công ty CP Nhà Mơ làm CĐT cũng chung cảnh ngộ khi gần năm năm qua họ chưa có sổ hồng khiến họ rất khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, cư dân cũng phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến phí bảo trì chung cư (2%) do CĐT giữ nên khó khăn trong công tác bảo trì, sửa chữa.
Để giải quyết các tranh chấp giữa cư dân và CĐT, cũng như trách nhiệm của cơ quan chức năng, Sở Xây dựng đã có dự thảo tham mưu cho UBND TP quy định hướng dẫn cụ thể việc quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn Thành phố. Theo dự thảo, UBND TP sẽ phân trách nhiệm cụ thể cho sở, ban, ngành để giải quyết các vấn đề liên quan đến chung cư.
Cụ thể, Sở Xây dựng TP sẽ tiếp nhận và xử lý theo thẩm quyền hoặc có ý kiến đối với các nội dung phản ánh, tranh chấp trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư thuộc chức năng chuyên môn. Sở này cũng tiếp nhận và xử lý tranh chấp, phản ánh về quyền sở hữu, quyền sử dụng chung - riêng trong nhà chung cư liên quan đến hồ sơ thiết kế, phê duyệt dự án, cấp giấy phép xây dựng, tranh chấp về giá dịch vụ quản lý vận hành, kinh phí bảo trì nhà chung cư.