Không tổ chức đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021
Theo VOV.VN, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chiều ngày 1/8, UBND TP.HCM có công văn chỉ đạo Sở Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) TP về việc không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Thay vào đó, UBND TP giao Sở GD-ĐT căn cứ vào các quyết định của Bộ và các quy định hiện hành để hướng dẫn thực hiện xét đặc cách công nhận tốt nghiệp đối với các thí sinh đủ điều kiện thi tốt nghiệp THPT đợt 2 theo đúng quy định.
Được biết, theo thống kê của Sở GD-ĐT, hiện nay TP.HCM có khoảng 3.300 thí sinh đủ điều kiện đi thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Như vậy, số thí sinh này sẽ làm hồ sơ để được xét đặc cách tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Bộ Quốc phòng đưa bệnh viện dã chiến vào tăng cường chống COVID-19 tại TPHCM và Bình Dương
Báo Chính Phủ đưa tin, ngày 1/8, tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội), Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5D, Bộ Quốc phòng lên đường làm nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TPHCM và tỉnh Bình Dương
Lãnh đạo Tổng cục Hậu cần động viên cán bộ, chiến sĩ BV dã chiến số 5 lên đường nhận nhiệm vụ. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân
Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5D được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đặt tại ký túc xá ĐHQG TPHCM, TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương), trực thuộc Tổng cục Hậu cần có quy mô 500 giường bệnh, biên chế 130 cán bộ, chiến sĩ do Bệnh viện Quân y 105 chủ trì, phối hợp với Quân khu 7, Viện Y học cổ truyền quân đội và một số đơn vị triển khai xây dựng.
Chức năng, nhiệm vụ chính của Bệnh viện là tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn TPHCM và tỉnh Bình Dương.
Tại lễ xuất quân, Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng, Phó Chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần nhấn mạnh trong quá trình hành quân, cơ động vào điểm triển khai Bệnh viện, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Bệnh viện phải chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch, giữ đúng lễ tiết tác phong quân nhân; sớm phối hợp với ngành y tế tại địa phương, cơ quan quản lý khu ký túc xá ĐHQG TPHCM để nắm chắc điều kiện cơ sở vật chất, buồng phòng; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, bố trí hợp lý các bộ phận ban, khoa ở các phân khu chức năng, nhanh chóng hoàn thành việc chuẩn bị để sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân.
Xem xét mở lại chợ dược phẩm lớn nhất Thành phố
Báo Tuổi trẻ cho hay, chiều ngày 1/8, đoàn lãnh đạo quận 10 đã kiểm tra công tác chuẩn bị và phòng dịch của Trung tâm thương mại dược phẩm - trang thiết bị y tế nhằm đảm bảo việc lưu thông, cung ứng dược phẩm, trang thiết bị được thuận lợi.
Ông Đặng Quốc Toàn - Bí thư Quận ủy quận 10 yêu cầu đơn vị nhanh chóng hoàn thiện phương án phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế để sớm mở cửa trở lại. Đồng thời, trong quá trình hoạt động đảm bảo phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của địa phương để thực hiện giãn cách đúng quy định.
Trung tâm thương mại dược phẩm - trang thiết bị y tế hiện đang dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19 - Ảnh: KIM ÚT
Ông Nguyễn Đình Trị, Phó tổng giám đốc Trung tâm thương mại dược phẩm - trang thiết bị y tế quận 10, cho biết trung tâm có 284 gian hàng với khoảng 2.000 tiểu thương, cung cấp 50% dược phẩm cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Thời gian qua, trung tâm tạm dừng hoạt động trực tiếp để đảm bảo các điều kiện phòng dịch, hoạt động của các đơn vị cung ứng dược phẩm và thiết bị y tế được diễn ra thông qua hình thức trực tuyến. Thời gian tới trung tâm sẽ tiếp tục ứng dụng nền tảng trực tuyến để đảm bảo an toàn phòng dịch.
Đồng thời, trung tâm cũng giảm 70% nhân lực và áp dụng biện pháp hoạt động xen kẽ. Những người vào trung tâm làm việc phải thực hiện theo hướng dẫn 5K của Bộ Y tế và phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ và mỗi quầy chỉ cho hoạt động tối đa 2-3 người.
Việc đưa trung tâm hoạt động trở lại sẽ giúp lưu thông, phân phối dược phẩm và trang thiết bị y tế cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam được thuận lợi hơn.
Đặt hàng xử lý thêm rác thải
Báo SGGP thông tin, để giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong quá trình cung ứng dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, UBND TPHCM vừa chấp thuận việc đặt hàng bổ sung khối lượng rác sinh hoạt xử lý tại nhà máy của Công ty CP Vietstar và Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (Khu liên hợp xử lý rác thải Tây Bắc - Củ Chi).
Dự kiến, Công ty CP Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa sẽ tiếp nhận, xử lý khoảng 400 tấn/ngày. Như vậy, tổng khối lượng rác xử lý của công ty sẽ được đặt hàng tương đương với khối lượng rác mà thành phố (TP) đang giao thêm để xử lý hiện nay là khoảng 1.400 tấn/ngày. TP cũng đặt hàng thêm Công ty CP Vietstar tiếp nhận, xử lý với khối lượng khoảng 500-600 tấn/ngày. Tổng khối lượng rác xử lý của công ty này được đặt hàng tương đương với khối lượng rác mà TP đã giao thêm để xử lý hiện nay là khoảng 1.800 tấn/ngày.
Đây là khối lượng rác sinh hoạt do TP đặt hàng bổ sung để 2 công ty xử lý thêm cho TP dựa trên tình hình gia tăng rác thải trên địa bàn; không phải là khối lượng rác sinh hoạt tối thiểu bắt buộc TP cam kết giao đến các công ty như khối lượng đã ký trong hợp đồng hiện nay. UBND TPHCM đề nghị 2 công ty hoàn thành tất cả hồ sơ pháp lý có liên quan đến đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường khi thực hiện tiếp nhận khối lượng đặt hàng này trong vòng 6 tháng.
Khu tập kết rác tại Nhà máy rác Vietstar, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đối với lượng chất thải tồn lưu trong khuôn viên nhà máy, TP đề nghị 2 công ty có biện pháp che phủ kín, triển khai thu gom toàn bộ nước rỉ rác phát sinh tại các bãi lưu chứa về hệ thống xử lý tập trung trong khuôn viên nhà máy. Hai công ty cần tăng cường chuyển trả chất thải tồn lưu tại các bãi lưu chứa trong khuôn viên nhà máy về bãi chôn lấp số 3.
Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chuẩn bị hỗ trợ lương thực cho công nhân TPHCM
Một thông tin khác trên báo SGGP cho hay, sáng nay 2/8, Tổ thư ký Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN-PTNT tại TPHCM và các tỉnh phía Nam (Tổ 970) cho biết, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT, đã có thư ngỏ gửi về việc hỗ trợ thực phẩm cho công nhân lao động gặp khó khăn trong khu phong tỏa tại TPHCM.
Các đơn vị vận chuyển gạo tới các khu vực có nhiều công nhân lao động tại TPHCM để hỗ trợ những người ở lại trong những ngày giãn cách. Ảnh do Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT cung cấp
Theo thư ngỏ của Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN-PTNT, trong cao điểm chống dịch ở TPHCM, một bộ phận rất lớn công nhân, lao động tự do, nhất là những người mất việc làm đang rất khó khăn trong các khu nhà trọ. Đa phần trong số này là con em ở các tỉnh khu vực Nam bộ và họ đang cần đảm bảo sinh kế tối thiểu. Theo số liệu từ 12 quận, huyện và TP Thủ Đức, có hơn 384.000 phòng trọ với hơn 1.030.000 người đang lưu trú tạm thời.
Để động viên công nhân lao động yên tâm trong thời gian thực hiện giãn cách, Tổ công tác của Bộ NN-PTNT đã trao đổi với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, thống nhất cần có kế hoạch hỗ trợ thực phẩm thiết yếu đến công nhân lao động lưu trú tạm thời tại các khu nhà trọ.
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh nông sản vùng Nam bộ, đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh tham gia, vận động cung cấp lương thực, thực phẩm cho đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh, không có điều kiện tiếp cận nguồn thực phẩm thường xuyên.
Bên trong khu cách ly 600 F0 tại trường học ở quận Tân Phú
Khu cách ly tập trung sử dụng cơ sở vật chất của 2 trường học nằm sát bên nhau gồm trường THCS Tôn Thất Tùng và trường THPT Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ quận Tân Phú với quy mô 600 giường, được trang bị nhiều thiết bị y tế, thể thao.
Điểm cách ly tập trung F0 này được đưa vào hoạt động chăm sóc điều trị nhằm giải tỏa áp lực lên các bệnh viện điều trị COVID-19 tuyến trên, góp phần kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn quận Tân Phú. Các bệnh nhân được chuyển đến đây đa số là F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Để đưa khu cách ly tập trung này vào hoạt động, lực lượng nhân viên y tế quận Tân Phú cùng các đơn vị liên quan khác trước đó đã nỗ lực tối đa để hoàn thành các bước xây dựng, cải tạo phòng ốc, chuẩn bị trang thiết bị hạ tầng, vật tư y tế…
Bác sỹ Lương Văn Sinh, Phó Giám đốc bệnh viện quận Tân Phú, đơn vị chịu trách nhiệm chính tại khu cách ly cho biết, hiện phòng cấp cứu tại khu cách ly này đã có 10 giường, 5 máy tạo ô xy phục vụ cho bệnh nhân thở ô xy cùng với cơ số thuốc, vật tư cần thiết.
Theo ghi nhận của báo Tiền Phong, tại khu cách ly trường Lê Trọng Tấn, phòng bệnh nhân khá rộng, mổi phòng tối thiểu 6 bệnh nhân, có quạt trần, mỗi bệnh nhân có một giường xếp, thau giặt, móc phơi đồ. Công việc chuẩn bị đón nhận bệnh nhân được khẩn trương thực hiện, tại khu vực kho, đồ dùng thiết yếu cho bệnh nhân như: nước uống, kem đánh răng, bàn chải xà bông giặt, xe lăn…đã được tập kết sẵn.
Tại đây, quá trình khám sàng lọc ban đầu khi tiếp nhận bệnh được đặc biệt chú trọng, nhằm phát hiện bệnh lý nền các bệnh nhân nặng để dễ theo dõi điều trị.
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (tổng hợp)