Cả nước chung tay cùng TPHCM chống đại dịch COVID-19
Những ngày này, TPHCM liên tục nhận được sự hỗ trợ, đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau từ các địa phương trên cả nước. Tấm lòng và tình cảm mà đồng bào mọi miền Tổ quốc dành cho TPHCM là nguồn cổ vũ lớn lao để tiếp sức, động viên chính quyền cùng nhân dân TP chiến đấu và chiến thắng đại dich COVID-19. Ghi nhận trên VOV.vn.
Theo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, từ đầu tháng 6 đến nay, TP đã tiếp nhận nhiều sự ủng hộ từ các tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, TP Hải Phòng ủng hộ 10 tỷ đồng, Quảng Nam ủng hộ 2 tỉ đồng; Quảng Trị 500 triệu đồng, Tây Ninh 1 tỉ đồng; Đà Nẵng 10 tỷ đồng, Bến Tre 500 triệu đồng... hay 20.000 suất ăn nghĩa tình của tỉnh Quảng Bình trị giá 600 triệu đồng và hàng trăm tấn nông sản, lương thực, thực phẩm từ Vĩnh Long, Lâm Đồng, Đồng Nai, Đồng Tháp gửi tặng. Bên canh sự ủng hộ về tài lực, vật lực còn có những lá thư, những lời động viên, cổ vũ rất ấm áp, chân tình.
Ngoài những sự ủng hộ trên danh nghĩa địa phương, còn có những ủng hộ thầm lặng của người dân, các doanh nghiệp, các hội đoàn ở nhiều tỉnh, thành gửi về TPHCM thông qua các nhóm công tác xã hội, nhóm thiện nguyện khác trong cộng đồng.
Đón nhận tấm lòng và nghĩa tình mà các địa phương liên tục gửi về cho TP, bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP bày tỏ sự cảm kích: "TPHCM đã rất ấm lòng khi nhân dân, cán bộ chiến sĩ của các tỉnh thành trong cả nước đã hướng về TPHCM. Điều này tiếp thêm tinh thần chống dịch cho TP. Chúng tôi xin được trân trọng và tri ân tình cảm của các tỉnh thành trong cả nước đã luôn hướng đến TP bằng tình cảm chân thành, thiết thực và kịp thời trong giai đoạn hiện nay".
Tốc độ tiêm chủng dự kiến về đích đúng kế hoạch
Chiều 27/6, trao đổi với báo SGGP, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, có tổng cộng 643.411 người được tiêm vaccine trên tổng số 718.999 trường hợp đến tiêm. Trong đó, có 82.205 người tạm hoãn tiêm do có bệnh nền, huyết áp cao, trên 65 tuổi, tâm lý gây rối loạn và một số nguyên nhân khác, sẽ bố trí tiêm vào đợt sau.
Trong đợt này, TPHCM cũng ghi nhận nhiều trường hợp có phản ứng phụ sau tiêm. Một số người có phản ứng phản vệ. Tất cả đều được phát hiện sớm và đã ổn định sức khỏe.
“Thời gian đầu tổ chức tiêm chủng còn xảy ra nhiều chệch choạc. Sau khi rút kinh nghiệm, rà soát các khâu liên quan và nhận được sự hỗ trợ của Bộ Y tế, tốc độ tiêm chủng tại TPHCM đang tăng rất nhanh và dự kiến về đích 806.000 liều theo đúng kế hoạch”, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin.
Chợ đầu tiên phát thẻ ra vào có mã QR cho khách hàng
Theo báo Pháp Luật TP, mới đây chợ Bình Thới (quận 11) đã triển khai hình thức phát thẻ ra vào chợ cho người dân khi đến mua sắm.
Ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban quản lý chợ Bình Thới cho biết, Sở Công Thương đã thẩm định các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch cũng như việc triển khai.
Cụ thể, Ban quản lý chợ đăng kí với quận 11 để trở thành điểm khai báo y tế cộng đồng, tiến hành khai báo y tế điện tử bắt buộc đối với thương nhân, người đi chợ.
Đối với bà con đến chợ Bình Thới lần đầu, sau khi làm thu tục khai báo y tế, rửa tay khử khuẩn, sẽ được ban quản lý phát một thẻ màu xanh điền đầy đủ thông tin gồm họ và tên, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại đồng thời xuất trình chứng minh nhân dân. Sau đó ban quản lý chợ nhập vào hệ thống và in ra.
Mặt trước thẻ ra vào chợ gồm các thông tin đã kê khai, số thứ tự cấp thẻ, mặt sau thẻ ra vào chợ có mã QR code. Khoảng sau nửa tiếng là bà nội trợ có được thẻ này và mỗi người tự giữ lại.
Mỗi lần đến chợ người dân chỉ cần đưa thẻ đi chợ này ra, nhân viên chợ sẽ dùng điện thoại thông minh quét mã QR code nên biết chính xác thời gian bà con vào chợ cũng như ra khỏi chợ.
“Đồng thời để đảm bảo giãn cách 1,5m khi vào bên trong chợ, chúng tôi phát thẻ thứ tự đi chợ (màu hồng) với 200 số. Sau khi đã phát hết 200 thẻ này những ai đến sau sẽ không được vào chợ, khi nào có người đi chợ ra trả lại thẻ, người tiếp theo mới được vào”, ông Tùng nói.
Chợ Bình Thới có tổng cộng 558 sạp, các sạp kinh doanh ngành hàng không thiết yếu chiếm gần một nửa và hiện nay các sạp này đã tạm nghỉ. Do đó, bên trong chợ thông thoáng đảm bảo điều kiện giãn cách theo quy định.
Đóng cửa tạm thời chợ Hoàng Hoa Thám và chợ Hòa Hưng
Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 27/6, UBND quận Tân Bình đã ra quyết định tạm ngừng hoạt động chợ Hoàng Hoa Thám (phường 13, quận Tân Bình) do có ca nghi nhiễm COVID-19 ở gần chợ, đến khi có thông báo mới.
UBND phường 13 đề nghị những người đã đến khu vực chợ Hoàng Hoa Thám từ ngày 11/6 đến 25/6 tới ngay Trạm y tế phường 13 (hoặc cơ sở y tế gần nhất) để được hướng dẫn khai báo y tế.
Cùng ngày, Trạm Y tế phường 15 (quận 10) cho biết lực lượng chức năng đã đóng cửa tạm thời khu vực chợ Hòa Hưng để điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong chợ do ca nghi mắc COVID-19 là một vị khách từng ghé ăn ở tiệm chay tại chợ này - Tin từ Zingnews.
Lực lượng chức năng đã yêu cầu tiểu thương ở chợ tạm ngừng kinh doanh và kêu gọi người dân từng tới chợ này bình tĩnh, tự theo dõi sức khỏe tại nhà và chờ thông báo mới từ cơ quan chức năng. Nếu ai có bất cứ dấu hiệu ho, sốt thì liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn.
Ngành y tế cũng đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho người dân và phun khử khuẩn toàn khu vực hai chợ nói trên.
Gia tăng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 4
Báo Hà Nội Mới cho hay, theo báo cáo cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2021 vừa được UBND TPHCM công bố, tổng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng là 108.832 hồ sơ, chiếm 91,28% tổng số hồ sơ tiếp nhận. Trong đó, tổng hồ sơ trực tuyến mức độ 4 có 103.719 hồ sơ, chiếm 86,99% tổng số hồ sơ tiếp nhận.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số hồ sơ các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã tiếp nhận giải quyết là 3.866.942 hồ sơ, đã giải quyết 3.836.301 hồ sơ, đang giải quyết 38.448 hồ sơ.
Hiện nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến (tính đến tháng 3/2021) là 825/1.809 thủ tục hành chính đạt tỷ lệ 45,60%. Trong đó, về triển khai dịch vụ công mức độ 4, số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến/ tổng số hồ sơ tiếp nhận là 90.493/254.784 (đạt tỷ lệ 36%, cùng kỳ năm trước đạt tỷ lệ 32,74%).
Khẩn trương điều tiết hàng hóa trong 7 ngày đóng cửa chợ đầu mối Hóc Môn
Chiều 27/6, Sở Công Thương TP ban hành phương án điều tiết hàng hóa trong thời gian tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 (từ ngày 28/6 đến 4/7). Thông tin trên báo Người Lao Động.
Theo đó, để bảo đảm cân đối cung – cầu hàng hoá đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng TP, Sở Công Thương đã tổ chức điều chuyển hàng hóa trực tiếp từ các tỉnh, thành, vùng nguyên liệu dự kiến cung ứng cho chợ đầu mối Hóc Môn sang các chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức; tăng năng lực tiếp nhận và phân phối hàng hóa của chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức.
Bên cạnh đó, Sở đề nghị các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường TP rà soát năng lực cung ứng mặt hàng thịt heo và rau củ quả của đơn vị. Song song đó là rà soát lại các nguồn cung, chủ động liên hệ với các đơn vị cung ứng để tính toán điều chỉnh tăng khả năng cung ứng hàng hóa, có kế hoạch dự phòng nâng khả năng cung ứng hàng hóa ra thị trường của đơn vị ở mức cao nhất.
Quan trọng hơn, các doanh nghiệp cần chủ động gia tăng dự trữ nguồn hàng; sẵn sàng cung ứng kịp thời hàng hóa đến các địa bàn có hiện tượng thiếu hàng cục bộ; bảo đảm lượng cung ứng đầy đủ, không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá.
Các Ban quản lý chợ truyền thống rà soát năng lực cung ứng mặt hàng thịt heo và rau, củ, quả của các tiểu thương tại chợ; khảo sát nhu cầu tìm kiếm hoặc chuyển đổi nguồn cung thay cho nguồn hàng cung cấp từ chợ đầu mối Hóc Môn.
Mạng lưới 1.962 điểm cung ứng thực phẩm (106 siêu thị, 220 Chợ truyền thống, 1.636 Cửa hàng tiện lợi) trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng lượng thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn TP.
Hơn 8.700 tình nguyện viên tham gia “Tiếp sức mùa thi 2021”
Trao đổi với báo Tiền Phong, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP Lê Xuân Dũng cho biết, năm nay chương trình “Tiếp sức mùa thi” thu hút hơn 8.700 sinh viên tình nguyện tham gia ở 19 đội hình, trực chốt hỗ trợ thí sinh tại 155 địa điểm thi trên toàn TP.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và sự thay đổi trong phương thức tổ chức thi, xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ, Học viện, chương trình “Tiếp sức mùa thi” được triển khai qua 3 giai đoạn cụ thể.
Giai đoạn 1 (trước kỳ thi tốt nghiệp THPT), chương trình tập trung giúp học sinh ôn luyện kiến thức online, trang bị kỹ năng, tư vấn tâm lý, rà soát các thí sinh khó khăn nhằm kịp thời hỗ trợ. Giai đoạn này, chương trình cũng sẽ hướng dẫn, cung cấp cho thí sinh những thông tin hữu ích cho mùa thi như vấn đề y tế, dinh dưỡng, chăm sóc sức khoẻ trong mùa dịch, nhắc lại các mốc thời gian về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021…
Đặc biệt, giai đoạn 2 là khoảng thời gian cao điểm gắn với việc hỗ trợ trong các ngày thi tốt nghiệp THPT (diễn ra trong ba ngày 7-8-9/7). Các tình nguyện viên sẽ phối hợp cùng lực lượng chức năng hỗ trợ thí sinh vào phòng thi, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phát tặng các vật phẩm thiết yếu, cẩm nang kỳ thi...
Giai đoạn 3, chương trình tập trung hỗ trợ thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, xét tuyển riêng tại các trường ĐH-CĐ, Học viện qua việc phối hợp với phòng ban chức năng tư vấn, hướng dẫn nộp hồ sơ, giải đáp thắc mắc của thí sinh, bố trí chỗ ăn ở, nghỉ ngơi cho thí sinh có nhu cầu; giới thiệu chỗ trọ, ký túc xá.
Đến thời điểm này, các công tác chuẩn bị cho Chương trình “Tiếp sức mùa thi” đã sẵn sàng, đồng thời cũng đã triển khai quán triệt đến từng tình nguyện viên phương châm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho bản thân và cộng đồng.
Quân khu 7 tổ chức “Gian hàng 0 đồng” hỗ trợ người khó khăn ở quận Bình Tân
Báo SGGP đưa tin, ngày 27/6, Cục Hậu cần Quân khu 7 tổ chức chương trình “Gian hàng 0 đồng” tại số 4429A Nguyễn Cửu Phú (khu phố 4, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) để hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19.
Đến với “Gian hàng 0 đồng”, bà con được tặng miễn phí: 5kg gạo, rau, củ, quả, trứng, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt, cá hộp. Ngoài ra, ban tổ chức cử cán bộ, chiến sĩ, chia các nhu yếu phẩm thành từng phần và hướng dẫn bà con (chủ yếu có hoàn cảnh thuộc hộ nghèo, công nhân có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, người bán vé số…) đến nhận bảo đảm trật tự, tuân thủ yêu cầu 5K để phòng, chống dịch COVID-19.
Theo kế hoạch, Ban tổ chức sẽ trao 350 phần quà gồm: 1.750kg gạo, 350 chai nước mắm, 1.800 cá hộp, 350 chai dầu ăn, 350 gói bột ngọt, 3.500 quả trứng gà, 700kg bầu, 700kg bí xanh, 350kg cải ngọt, 700kg đậu đũa, 700 túi vải đến cho người dân với tổng kinh phí hơn 120 triệu đồng.
Vân Anh - Khang Minh (Tổng hợp)