Nguồn hàng khẩu trang dồi dào, giá cả ổn định
Hiện nguồn hàng và giá khẩu trang y tế tại các cửa hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn ổn định. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố khuyến cáo người dân không nên lơ là, chủ quan nhưng cũng không quá lo lắng, sẵn sàng ứng phó khi có ca nghi nhiễm hay nhiễm trong cộng đồng. Người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế. Thông tin từ báo Lao Động.
Ghi nhận tại chợ thuốc tây lớn nhất TP. Hồ Chí Minh, vài ngày gần đây lượng người dân ghé hỏi mua khẩu trang y tế tăng lên nhẹ so với những ngày trước đó. Tuy vậy, nguồn hàng khẩu trang vẫn dồi dào.
Nhìn chung, giá khẩu trang vẫn giữ bình ổn. Khẩu trang y tế 3 lớp có giá 50.000 đồng/hộp; khẩu trang 4 lớp có giá 60.000-70.000 đồng/hộp còn khẩu trang N95 thì được rao bán 30.000 đồng/cái.
Theo một chủ cửa hàng dụng cụ y tế trên đường Nguyễn Giản Thanh (quận 10), từ khi hết lệnh giãn cách xã hội, mặt hàng khẩu trang bán rất chậm, có lúc ế ẩm. Mặt hàng khẩu trang hiện vẫn còn nguồn cung dồi dào.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP thông tin: ngành y tế thành phố tiếp tục giám sát Covid-19 đối với toàn bộ tổ bay của các chuyến bay quốc tế và người đã thực hiện cách ly ở các tỉnh thành khác về cư trú tại Thành phố. Hiện số người đang được cách ly tại các điểm cách ly tập trung là 265 người. Số người đang được cách ly tại nhà/nơi lưu trú là 172 người.
Sở Y tế TP chỉ đạo khẩn các vấn đề về thuốc, khẩu trang chống dịch
Báo Người Lao Động đưa tin, sáng 28/7, Sở Y tế TP vừa ký công văn yêu cầu Phòng Y tế 24 quận, huyện thực hiện ngay một số vấn đề phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Theo đó, Sở Y tế TP yêu cầu các đơn vị hướng dẫn các cơ sở bán lẻ thuốc phải ghi lại thông tin cá nhân gồm họ tên, địa chỉ, điện thoại của người mua thuốc ho, thuốc hạ sốt, thuốc cảm cúm. Trong đó, yêu cầu người mua thuốc ho, thuốc hạ sốt, thuốc cảm cúm phải thực hiện khai báo y tế trên các ứng dụng NCOVI hoặc Vietnam Health Declaration.
Trường hợp người mua thuốc không sử dụng ứng dụng khai báo thì nhân viên cơ sở kinh doanh dược phải hỗ trợ việc khai báo y tế. Đảm bảo 100% các trường hợp khi đến mua thuốc cảm cúm, hạ sốt tại các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn phải được khai báo y tế.
Ngoài ra, Sở Y tế TP yêu cầu Phòng Y tế 24 quận, huyện triển khai đến các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn đảm bảo cung ứng đủ thuốc thiết yếu như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc kháng viêm, thuốc ho... và các trang thiết bị thiết yếu để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Không đầu cơ, tích trữ và tăng giá các mặt hàng này; không kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là khẩu trang y tế. TP. Hồ Chí Minh sẽ xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm nếu có.
Đo thân nhiệt tất cả thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT
Báo Pháp Luật TP đưa tin, tại buổi họp báo công bố điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm 2020, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP, cho biết Sở đã chuẩn bị các phương án để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 một cách an toàn trước diễn biến mới của dịch Covid-19.
Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, TP sẽ tổ chức 115 điểm thi với hơn 10.000 cán bộ coi thi, hơn 4.000 giám khảo tham gia công tác chấm thi.
Ngày 28/7, Sở GD&ĐT TP sẽ phối hợp với Sở Y tế để lên kế hoạch đảm bảo sức khỏe cho các thành viên tham gia Hội đồng in sao đề thi đồng thời đảm bảo đúng quy chế. Ngoài ra, tất cả các khâu của kỳ thi từ vận chuyển đề thi đến các hội đồng thi… đều phải tuân thủ các giải pháp theo hướng dẫn của ngành y tế về phòng chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang ở nơi đông người, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn.
Theo ông Hiếu, tại mỗi điểm thi sẽ tiến hành đo thân nhiệt cho tất cả các thí sinh. Ngành giáo dục sẽ huy động tối đa các máy đo thân nhiệt, nhân lực để đảm bảo kiểm soát được những thí sinh có thân nhiệt không bình thường, hoặc các biểu hiện ho, sốt... để có những phản ứng kịp thời, xử lý, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Mặt khác, ở tất cả các điểm thi đều có phòng thi dự phòng để phục vụ các tình huống xấu có thể xảy ra. Nếu thi sinh có biểu hiện các yếu tố dịch tễ nhưng đủ sức khỏe để thi, sẽ phối hợp với y tế tại chỗ đảm bảo cho các em thi tại đây nhưng phải đảm bảo an toàn cho thí sinh và các thí sinh khác tại điểm thi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra trong hai ngày 9 và 10/8 với 5 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Năm nay, thí sinh chỉ được chọn thi 1 trong 2 tổ hợp.
Điểm chuẩn lớp 10 sẽ ít biến động
Theo báo Người Lao Động, tại buổi công bố điểm thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2020-2021 hôm qua, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, cho biết kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, số thí sinh đạt dưới 5 điểm môn tiếng Anh chiếm 49,27% và môn toán chiếm 48,63%; tỉ lệ điểm các môn thi năm nay không thay đổi nhiều so với năm trước.
Việc chấm thi bảo đảm khách quan, công bằng đối với tất cả các môn. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2020 có 81.269 thí sinh dự thi, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập năm nay là 66.520 học sinh (trong đó có 1.645 học sinh vào lớp 10 chuyên).
Theo hiệu trưởng một trường THPT, nếu căn cứ theo số liệu hai năm như nói trên thì có thể thấy tính cạnh tranh vào lớp 10 năm 2020 sẽ căng thẳng hơn. Tuy nhiên, phổ điểm thi của năm 2020 lại đẹp hơn năm trước, điều này kéo theo biến động điểm chuẩn sẽ không đáng kể, thậm chí tương đương năm trước ở cả 3 tốp trường.
Trả lời câu hỏi về dự báo điểm chuẩn tuyển sinh năm nay, ông Nguyễn Văn Hiếu nhận định điểm chuẩn sẽ giữ ổn định mặc dù số điểm giỏi (8 trở lên) ở cả 3 môn thi đều cao hơn năm ngoái. Lấy dẫn chứng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền có điểm chuẩn vào lớp 10 cao nhất TP những năm trở lại đây, với điểm chuẩn từ 41-42 và chưa có năm nào dưới 40 điểm, ông Hiếu dự báo điểm chuẩn của các trường tốp trên cũng sẽ không thay đổi nhiều so với những năm trước. Lý do là vì đã chia địa bàn, số điểm giỏi rải đều chứ không tập trung vào một địa bàn nào.
Năm 2030: giảm 75% rác thải nhựa trên biển
Theo báo Pháp Luật TP, UBND TP vừa ban hành kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030.
Việc ban hành kế hoạch này nhằm mục tiêu tăng cường công tác quản lý và ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển.
Đồng thời, kế hoạch này còn nâng cao ý thức về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường biển, giúp hình thành thói quen giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy trong mọi hoạt động trên địa bàn TP.
TP.Hồ Chí Minh đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 75% rác thải nhựa trên biển; 100% các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển.
Để thực hiện được mục tiêu trên, UBND TP đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc xây dựng các nội dung tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa đối với biển và đại dương, môi trường và sức khỏe con người.
Ngoài ra, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện việc điều tra, thống kê, phân loại các nguồn thải nhựa phát sinh từ đất liền từ các hoạt động trên biển để làm cơ sở đánh giá việc thực hiện các mục tiêu đã được đề ra.
Cảnh sát môi trường sẽ hỗ trợ xử phạt xả rác bừa bãi
Cũng liên quan đến lĩnh vực môi trường, báo Người Lao Động cho hay, nhằm xử lý nghiêm các hành vi xả rác, nước thải ra môi trường, kênh rạch, UBND TP vừa có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera, phương tiện ghi hình làm cơ sở xử phạt vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng.
Theo đó, lực lượng Cảnh sát môi trường sẽ phối hợp với Công an các quận - huyện hướng dẫn, hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về vệ sinh công cộng để xác minh nhân thân lai lịch, hành vi của đối tượng thông qua hình ảnh trích xuất từ camera, qua đó đề xuất UBND các cấp xử phạt theo thẩm quyền.
Ngoài ra, quận - huyện phải tăng cường lắp đặt camera tại các vị trí thường xuyên bị xả rác như tuyến đường vắng, gầm cầu, chợ, khu đất chưa thi công… tận dụng thêm nguồn camera từ các hộ gia đình. Đồng thời, bố trí thêm lực lượng ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xả rác ra môi trường, đảm bảo việc xử phạt duy trì thường xuyên, liên tục.
Hiện nay, việc trích xuất hình ảnh qua camera làm căn cứ xử lý người vi phạm gặp khó do "vướng" các quy định của Nghị định 165/2013/NĐ-CP về quản lý, sử dụng, phương tiện thiết bị kỹ thuật được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, khi lực lượng được trích xuất hình ảnh phải là công an và thanh tra chuyên ngành. Hầu hết hình ảnh được trích xuất từ camera chủ yếu làm căn cứ để nhắc nhở và chỉ lập biên bản xử phạt khi có sự hỗ trợ của lực lượng công an trích xuất hình ảnh.
Cưỡng chế công trình xây dựng trái phép còn chậm trễ
Thực hiện Chỉ thị 23/CT-TU của Thành ủy TP về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhiều công trình xây dựng trái phép buộc phải cưỡng chế tháo dỡ. Thế nhưng, việc thực hiện tổ chức cưỡng chế ở một số quận huyện còn chậm vì khó khăn về kinh phí. Nội dung đăng tải trên báo Sài Gòn Giải Phóng.
Theo bài viết, kinh phí tổ chức cưỡng chế công trình xây dựng trái phép luôn là vấn đề nan giải của các quận - huyện từ nhiều năm nay. Từ tháng 7/2019, khi các quận huyện đồng loạt ra quân thực hiện Chỉ thị 23/CT-TU, công trình vi phạm giảm nhưng số lượng công trình cần cưỡng chế lại tăng. Bởi, ngoài số công trình sai phạm phát hiện mới, nhiều công trình vi phạm trước đây cũng đưa vào diện buộc cưỡng chế tháo dỡ. Vì thế, áp lực về kinh phí để tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm càng nặng hơn.
Nhiều công trình vi phạm đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc tháo dỡ nhưng chủ đầu tư vẫn không thực hiện, còn chính quyền lại đợi kinh phí.
Báo cáo của nhiều quận - huyện cho thấy, sau 5 tháng thực hiện Chỉ thị 23/CT-TU, ngoài điểm nóng là huyện Bình Chánh với hàng trăm công trình buộc phải cưỡng chế; tại quận 7 cũng có 47 công trình không phép, hơn 300 công trình sai phép; quận Thủ Đức có 360 công trình trái phép cần cưỡng chế tháo dỡ.
Theo luật sư Đoàn Quang Xuân (Đoàn Luật sư TP), pháp luật quy định trách nhiệm của chủ đầu tư có công trình vi phạm xây dựng sai phép, không phép rất cụ thể tại Nghị định 180/2007/NĐ-CP về xử phạt công trình không có giấy phép: “Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí lập phương án tháo dỡ (nếu có) và chi phí tổ chức cưỡng chế tháo dỡ”.
Tại khoản 2, Điều 88 Luật Xử phạt vi phạm hành chính cũng quy định, việc trả chi phí tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình do đối tượng vi phạm thực hiện. “Tuy nhiên, biện pháp chế tài đối với chủ đầu tư vi phạm không đóng tiền lại chưa đủ mạnh nên đối tượng vi phạm né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho chính quyền”, luật sư Đoàn Quang Xuân băn khoăn.
Thực tế cho thấy, tại hầu hết các quận huyện, việc thu tiền từ những chủ đầu tư có công trình vi phạm để chi trả cho công tác cưỡng chế rất khó thực hiện. Những chủ đầu tư lớn có vi phạm thường đưa ra nhiều lý do khác nhau để né tránh, chây ỳ, còn những chủ đầu tư nhỏ dạng hộ gia đình xây nhà riêng lẻ càng khó hơn do không hợp tác, không có mặt tại hiện trường, hoặc chuyển đi nơi khác cư trú.