Dừng toàn bộ hoạt động xe khách từ TPHCM đi Quảng Ninh, Hải Dương và ngược lại
Theo báo Người Lao Động, từ ngày 28/1 sẽ tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách đường bộ từ TPHCM đi hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và ngược lại, cho đến khi có thông báo mới.
Thông tin khẩn trên vừa được Sở GTVT TP thông báo nhằm triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19. Các phương tiện đang có hành trình vận chuyển khách theo tuyến cố định, xe hợp đồng và du lịch từ TPHCM đi hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và ngược lại khẩn trương liên hệ cơ quan y tế để được hướng dẫn các biện pháp an toàn phòng chống dịch bệnh, đồng thời phải khai báo y tế theo quy định.
Các bến xe tại TPHCM phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; yêu cầu hành khách đang trong quá trình di chuyển từ Quảng Ninh, Hải Dương đến TP thông qua bến xe phải khai báo y tế trước khi rời khỏi bến.
Ngoài các bến xe khách, Sở GTVT TP còn yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy, bến khách ngang sông... chuyên chở từ 13 hành khách trở lên và các chủ cảng, bến thủy, bến khách ngang sông…khẩn trương triển khai bản đồ chung sống an toàn với Covid-19, thực hiện thông điệp "5K".
Thanh tra Sở GTVT TP phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định, khi kiểm tra phải lồng ghép nội dung thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 của các đơn vị nêu trên.
Tiểu thương chợ truyền thống nỗ lực thu hút người tiêu dùng
Ghi nhận của VOV.vn, gần đây tại một số chợ truyền thống ở TPHCM như: Bà Chiểu, Phạm Văn Hai, An Đông..., các tiểu thương bắt đầu thay đổi nhận diện quầy hàng với các bảng hiệu đầy đủ thông tin nhằm thu hút người tiêu dùng đến mua sắm.
Các bảng hiệu mới được Ban quản lý các chợ hỗ trợ lắp miễn phí theo mẫu thống nhất, ghi rõ mặt hàng kinh doanh, giấy phép kinh doanh và niêm yết giá công khai.
Chị Kim Oanh, chủ quầy thịt bò tại chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, cho biết việc lắp đặt mới các bảng hiệu trước mỗi quầy hàng nhằm tạo cảm giác yên tâm hơn cho người tiêu dùng khi đến với các chợ truyền thống.
Những ngày này, tại các chợ truyền thống, lượng hàng hóa về chợ dồi dào để phục vụ người dân sắm Tết. Việc lắp các bảng hiệu đầy đủ thông tin khiến cho các khu chợ trở nên khang trang hơn, người tiêu dùng an tâm và tiểu thương cũng ý thức hơn trong tuân thủ quy định về vệ sinh ATTP và bán đúng giá niêm yết để thu hút nhiều khách hàng đến với chợ.
Gần 70.000 hồ sơ nhà, đất ở TP Thủ Đức sẽ được giải quyết ra sao?
Báo Người Lao Động đưa tin, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP (TN-MT) Nguyễn Toàn Thắng đã thông tin cụ thể về việc giải quyết tổng số gần 70.000 hồ sơ nhà, đất trên địa bàn TP Thủ Đức.
Theo Giám đốc Sở TN-MT TP Nguyễn Toàn Thắng, đây là lượng hồ sơ rất lớn, chiếm tới 20% tổng số hồ sơ nhà, đất của TPHCM. So với thời điểm trước khi sáp nhập 3 quận, hiện lượng hồ sơ đang tăng 10%-15%.
Trước đòi hỏi của thực tế, để kịp thời giải quyết hồ sơ, giấy tờ, tránh ách tắC, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, ngày 25/1 vừa qua, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP Thủ Đức đã chính thức được thành lập.
Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Thủ Đức vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của một chi nhánh VPĐKĐĐ. Tuy nhiên, hồ sơ hành chính đất đai của cá nhân, doanh nghiệp sẽ không cần chuyển về TP mà được ký ngay tại Chi nhánh VPĐKĐĐ TP Thủ Đức. Sau đó chuyển về TP đóng dấu và trả kết quả tại chi nhánh. Người dân có nhu cầu có thể liên hệ đường dây nóng của chi nhánh để được hướng dẫn cụ thể. – ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định.
Liên quan đến việc điều chỉnh, cập nhật thông tin trên giấy tờ nhà, đất của người dân khi 3 quận 2, 9, Thủ Đức sau khi sáp nhập thành TP Thủ Đức, Giám đốc Sở TN-MT TP cho hay điều này là không bắt buộc. Cụ thể, ông Thắng cho biết tính pháp lý của hồ sơ đất đai căn cứ tại thời điểm giải quyết hồ sơ. Như vậy, nếu hồ sơ của người dân, doanh nghiệp được giải quyết từ thời điểm trước khi sáp nhập 3 quận vẫn còn nguyên giá trị, hợp pháp nên sẽ được giao dịch bình thường. Tuy nhiên, nếu người dân có nhu cầu muốn điều chỉnh thì vẫn được giải quyết, không thu phí.
Ngoài ra, để thuận tiện cho người dân, hiện tại, việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ nhà, đất vẫn được duy trì tại 3 Chi nhánh VPĐKĐĐ cũ (thuộc ba quận 2, 9, Thủ Đức).
Trao gần 4.000 phiếu mua hàng miễn phí cho bà con sắm Tết Tân Sửu
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 28/1, UBND quận 3 đã tổ chức Hội Xuân nghĩa tình Tết Tân Sửu 2021 tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận, số 126 Cách Mạng Tháng Tám, phường Võ Thị Sáu, quận 3. Đông đảo người dân trên địa bàn quận đã đến để mua sắm những nhu yếu phẩm với mức giá ưu đãi.
Tại đây, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP, cùng ông Võ Văn Đức, chủ tịch UBND quận 3 trao tặng gần 4.000 phiếu quà mua sắm miễn phí cho các gia đình diện chính sách, người có công với tổng kinh phí hơn 7 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Thành Nam - Chủ tịch HĐND quận 3 - cho biết Hội Xuân lần này để phục vụ nhân dân đón Tết Tân Sửu 2021 với mục tiêu "Tết đến với mọi người, mọi nhà", yên vui, an lành, trên tinh thần thiết thực, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; chăm lo chu đáo cho đời sống người dân.
Hội Xuân nghĩa tình Tết Tân Sửu năm 2021 diễn ra từ ngày 28 đến hết ngày 31/1/2021, thu hút hơn 54 doanh nghiệp tham dự với 83 gian hàng đa dạng các mặt hàng như lương thực, quần áo, giày dép, hàng trang trí tết...
Sinh viên vào mùa làm thêm Tết
Những ngày giáp Tết, việc làm thêm cũng nhiều hơn. Tại TP, những sinh viên được nghỉ tết sớm tranh thủ tìm việc làm để kiếm thêm thu nhập.
PV báo Tuổi Trẻ ghi nhận, những ngày này, ở các hệ thống siêu thị rất đông sinh viên làm thêm dịp Tết. Tại quầy thu ngân của một siêu thị ở quận 11, Lê Đào Nhật Hạ (sinh viên năm 2 Trường đại học Mở TP) thành thục với công việc thu ngân. Dịp tết này, Hạ tiếp tục gắn bó với công việc làm thời vụ 6 ngày/tuần và 4 giờ/ngày, mức lương 24.000 đồng/giờ.
Trong khi đó, Cao Huy Đạt (sinh viên năm 3 Trường đại học Tài chính - marketing) chạy xe ôm công nghệ dịp tết này. Ngày 31/1 (19/12 âm lịch), trường cho sinh viên nghỉ tết, Đạt quyết định ở lại chạy xe đến hết ngày 29/12 âm lịch mới về quê Bến Tre.
Riêng Lê Đăng Châu (sinh viên năm cuối Trường cao đẳng Xây dựng TP) không về quê đón Tết tại Đắk Lắk. Châu cho biết những ngày giáp Tết, hầu hết sinh viên về quê nên công việc dễ kiếm hơn, đỡ cạnh tranh và lương cao gấp 2-3 lần ngày thường. Châu chọn công việc liên quan đến chăm sóc khách hàng, bắt tay vào làm từ ngày 24/12 âm lịch. Số tiền kiếm được, bạn dùng để góp trả chi phí sinh hoạt, học tập...
Hiện nay trên các group việc làm Tết 2021, nhu cầu tìm việc của người trẻ nói chung và các bạn sinh viên nói riêng rất cao, người đăng tin tuyển dụng "tìm người" cũng sôi động. Theo đó, các công việc như nhân viên thời vụ giới thiệu sản phẩm ở cửa hàng, trung tâm thương mại; nhân viên phục vụ quán cà phê, quán ăn; nhân viên "ship" hàng... được tuyển dụng nhiều.
Các nhà hàng, quán ăn tuyển sinh viên làm tết từ ngày 26/12 âm lịch đến 6/1 âm lịch với mức lương được đưa ra từ 20.000 - 25.000 đồng/giờ, riêng các ngày tết lương sẽ cao gấp đôi, gấp ba ngày thường. Một hệ thống siêu thị cũng tuyển dụng hàng ngàn vị trí làm thời vụ dịp tết trên toàn quốc, và vị trí tuyển dụng đông nhất là nhân viên gói quà và giao hàng.
Hỗ trợ gia đình khó khăn khi nâng đường
Chiều 28/1, Văn phòng UBND TP cho biết, liên quan về hỗ trợ cho các hộ dân khó khăn bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng cấp đường giao thông có cao độ chênh lệch so với cao độ hiện trạng của nhà ở trên địa bàn TP, UBND TP giao UBND các quận, huyện tự cân đối và vận động kinh phí để hỗ trợ các hộ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo để cải tạo sửa chữa nhà. Nội dung trên báo SGGP.
Ngoài ra, Thành phố giao UBND các quận - huyện phối hợp chủ đầu tư của các dự án nâng cấp đường giao thông cùng thực hiện đánh giá tác động, ảnh hưởng của dự án, lấy số liệu đầy đủ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo,… để lập khái toán kinh phí hỗ trợ.
Đồng thời, tăng cường công tác dân vận chính quyền, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch, bàn bạc để người dân nắm vững và kiểm tra việc giải quyết của chính quyền các cấp, tạo đồng thuận cao trong nhân dân.
Bên cạnh đó, UBND TP giao Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị, UBND các quận - huyện tăng cường quản lý trong cấp phép quy hoạch, xây dựng. Theo đó, Thành phố sẽ rà soát toàn bộ quy hoạch 1/2000, rà soát việc quy hoạch dân cư, kiểm tra hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và việc phân cấp quản lý, bảo trì sửa chữa; quản lý chặt việc san lấp kênh, rạch, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm cửa xả, rác thải, miệng cống thoát nước, quản lý mốc bờ cao hành lang bảo vệ kênh rạch.
Đối với các địa bàn có tốc độ đô thị hóa, UBND TP đề nghị các đơn vị khẩn trương khảo sát, kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống thoát nước, duy tu, nạo vét cống thoát nước... đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào sử dụng các công trình chống ngập.
Ghép thành công tế bào gốc cho bệnh nhi 32 tháng tuổi
Thông tin khác trên báo SGGP, ngày 28/1, Bệnh viện Nhi đồng 2 họp báo cung cấp thông tin về trường hợp thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu tự thân đầu tiên cho bệnh nhi u nguyên bào thần kinh.
Bệnh nhân là bé gái N.N.M, (32 tháng tuổi, ngụ Đắk Lắk), lần đầu nhập viện với dấu hiệu đau bụng 1 tuần, siêu âm phát hiện khối u vùng hạ vị từ tháng 6/2020, được chẩn đoán bệnh lý u nguyên bào thần kinh nhóm nguy cơ cao, nếu không được ghép tủy thì tỷ lệ sống 1 năm của bé chỉ có 12%.
Dựa trên phác đồ điều trị hiện hành tại Khoa Ung bướu huyết học Bệnh viện Nhi Đồng 2, bệnh nhi đã được nhanh chóng lên kế hoạch điều trị kết hợp phẫu thuật cắt u, hóa trị liệu, ghép tủy, hóa trị duy trì sau ghép.
Tới tháng 12/2020, bệnh nhi chuẩn bị vào giai đoạn ghép tế bào gốc tạo máu tự thân.
Sau khi tiến hành thu thập tế bào gốc tạo máu tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học, từ ngày 23/12 - 29/12/2020, bệnh nhi tiếp nhận điều trị hóa trị liệu liều cao; đến ngày 30/12/2020, bệnh nhi được ghép tế bào gốc tạo máu tự thân có gây mê chủ động tại chỗ với sự hỗ trợ, giám sát chuyên môn của các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Ghép tế bào gốc, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học.
Trong thời gian chăm sóc đặc biệt tại Đơn vị Ghép tế bào gốc sau truyền tế bào gốc, bệnh nhi có gặp một số biến chứng do hóa trị liệu diệt tủy và giảm chức năng bảo vệ cơ thể khi nguồn tủy mới ghép chưa mọc nhưng đều được sớm kiểm soát ổn định.
10 ngày sau ghép, bệnh nhi mọc mảnh ghép; 16 ngày sau ghép, bệnh nhi đã phục hồi bạch cầu hạt và tiểu cầu tốt, không có tình trạng nhiễm trùng cơ quan nào. Bệnh nhi khỏe, tự ăn uống, sinh hoạt, đã được xuất viện sớm hơn dự kiến vào ngày 15/1/2021.
Sau 1 tuần, bệnh nhi đã tái khám lại để theo dõi sự phục hồi hoàn toàn của hệ tạo máu, các biến chứng muộn. Kết quả kiểm tra các dòng tế bào máu đang hồi phục thuận lợi, chức năng gan thận trong giới hạn bình thường, bé hoạt bát, ăn uống tốt, không cần truyền máu hay thuốc điều trị biến chứng liên quan ghép.
Kế hoạch dự kiến bệnh nhi sẽ tiếp tục xạ trị sau vài tuần và điều trị thuốc duy trì sau truyền tế bào gốc 3 tháng nhằm hạn chế khả năng tái phát của khối u.
Tuyên dương 37 trường học thực hiện tốt mô hình “Trường học xanh”
Thông tin khác trên báo SGGP, ngày 28/1, Sở Giáo dục - Đào tạo TP đã phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường TP tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động giáo dục và truyền thông môi trường trong trường học giai đoạn 2016-2020, đồng thời tuyên dương, khen thưởng 37 đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện tốt mô hình trường học xanh trên địa bàn TP.
Dịp này, hai Sở cũng tổng kết 2 năm thực hiện Chỉ thị ngày 19-10-2018 của Thành ủy TPHCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” và Kế hoạch ngày 29-7-2019 của UBND TPHCM về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn TP giai đoạn 2019-2021. Theo đó, hai Sở đã ký Kế hoạch liên sở số 8197/KHLS-STNMT-SGDĐT , phối hợp tổ chức Hội thi “Trường học xanh năm học 2019-2020" dành cho trường học ở tất cả các cấp từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP.
Thời điểm hiện tại, 24/24 phòng GD-ĐT quận, huyện đã thựca hiện tốt với 100% cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung cấp, cao đẳng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm GDNN-GDTX và đơn vị trực thuộc Sở đều tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU, đồng thời có kế hoạch lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường, ứng xử văn hóa, lối sống văn minh, giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp trong chương trình đào tạo, giáo dục ngoại khóa, chính khóa cho học sinh tất cả các bậc học bằng nhiều hình thức phù hợp tại đơn vị.
Ngoài ra, các trường tổ chức tuyên truyền, phát thanh về bảo vệ môi trường, tổ chức ngày hội tái chế chất thải, thi thời trang giấy, thi quét nhà làm sạch lớp học, hướng dẫn học sinh trồng cây và cách chăm sóc cây xanh, xem phim về bảo vệ môi trường, trồng nhiều loại rau, cây ăn quả để học sinh tham quan, tìm hiểu quá trình chăm sóc và phát triển của các loại, phối kết hợp với chính quyền địa phương thực hiện phong trào chủ nhật xanh, chiến dịch tình nguyện, ra quân thực hiện tổng vệ sinh môi trường...
Vân Anh - Thanh Nga - Ngọc Huyền (Tổng hợp)