Thế giới đổi thay, gia đình vẫn luôn là nền tảng
Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Tối 28/6, nhân kỷ niệm 19 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2020), TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ tuyên dương Gia đình truyền thống tiêu biểu ở các lĩnh vực và Gia đình văn hóa - hạnh phúc tiêu biểu năm 2020.
Phát biểu tại lễ tuyên dương, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân dẫn lại lời dặn của Bác Hồ lúc sinh thời: “Quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, gia đình là nơi giáo dục, truyền tiếp các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam, nơi tiếp sức cho cuộc sống, đem lại niềm vui, sự bao bọc, hạnh phúc cho mỗi thành viên trong gia đình, là nơi sinh ra các công dân tương lai của đất nước. Bí thư Thành ủy khẳng định: Trong bối cảnh đất nước ngày một đổi mới, hội nhập sâu rộng, truyền thống gia đình Việt có những biến đổi nhất định, song những giá trị kể trên vẫn luôn là nền tảng cho sức mạnh tinh thần, cho hạnh phúc của người Việt Nam.
Để giá trị cơ bản của gia đình luôn là điều thiêng liêng đối với mỗi con người Việt Nam, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã hướng đến vai trò của các hộ gia đình, để các thành viên thể hiện vai trò trong tổ ấm của mình và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, qua đó tạo nên những tấm gương gia đình hạnh phúc, văn hóa tiêu biểu.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, hơn 320 năm hình thành và phát triển, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều gia đình truyền thống góp phần vào những thắng lợi vẻ vang của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước, tô đậm văn hóa truyền thống mang nét đặc trưng của thành phố. Và 183 gia đình văn hóa – hạnh phúc, gia đình tiêu biểu được tuyên dương chính là nguồn lực quý báu cần nhân rộng, phát huy và lan tỏa, để ngày càng có nhiều gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng và phát triển TP.
Bí thư Thành ủy cũng gửi gắm niềm tin tưởng với hơn 2,5 triệu hộ gia đình của TP. Hồ Chí Minh sẽ nỗ lực xây dựng tổ ấm của mình, tổ chức tốt cuộc sống gia đình cả về kinh tế, văn hóa; Mỗi thành viên trong gia đình cần thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình, đặc biệt là trách nhiệm đối với trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người nuôi con, quan tâm đến các hoạt động sinh hoạt, lễ nghi trong gia đình truyền thống phù hợp với điều kiện hiện đại, vun đắp xây dựng mối quan hệ của gia đình đối với dòng họ, láng giềng.
Đồng thời, bày tỏ tin tưởng rằng hệ thống chính trị và nhân dân TP sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo để thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Nâng cao chất lượng 3 chỉ số cải cách hành chính
Báo Người Lao Động cho hay, để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính 6 tháng cuối năm 2020, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch hành động nâng cao chất lượng chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) và chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Theo nội dung Kế hoạch, UBND TP yêu cầu các sở - ngành theo lĩnh vực phụ trách, tham mưu các giải pháp đối với từng chỉ số chi tiết, tiêu chí thành phần, chỉ số nội dung thành phần để cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hướng tới nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN); đề xuất bổ sung, điều chỉnh thủ tục hành chính trong danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định, có ý kiến của UBND TP, chủ tịch UBND TP và xây dựng các quy trình nội bộ trình chủ tịch UBND TP duyệt.
Riêng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP được giao tập hợp những khó khăn, kiến nghị của DN để đề xuất lãnh đạo TP kịp thời tháo gỡ.
UBND quận – huyện cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính gắn liền với phấn đấu nâng cao sự hài lòng của người dân, DN; tuyên truyền, hướng dẫn người dân, DN thực hiện hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, phản ánh, kiến nghị và khai thác, sử dụng các chức năng của Cổng dịch vụ công TP, Cổng dịch vụ công quốc gia.
Kêu gọi đầu tư khu đô thị sáng tạo phía Đông TP. Hồ Chí Minh
Cũng trên báo Người Lao Động, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan sớm rà soát trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư của TP trên địa bàn các quận 2, quận 9 và Thủ Đức trong thời gian qua. Sở KH-ĐT tiến hành kêu gọi, lựa chọn nhà đầu thực hiện dự án đủ điều kiện, thỏa mãn các tiêu chí được đầu tư trong khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP; ưu tiên kêu gọi đầu tư các dự án về phát triển nguồn nhân lực, giáo dục - đào tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
UBND TP cũng giao Sở KH-ĐT tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP, dự kiến giữa tháng 9/2020, nhằm quảng bá hình ảnh khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP; đồng thời xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án tại khu vực này đến với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Còn Sở Quy hoạch Kiến trúc được giao rà soát quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) để đề xuất một dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực tài chính để kêu gọi đầu tư.
TP. Hồ Chí Minh tăng cường kiểm soát Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh
Thông tin trên Báo Pháp Luật TP, Sở Y tế TP vừa có văn bản khẩn gửi Bệnh viện công lập và ngoài công lập; Trung tâm Y tế quận, huyện; Phòng Y tế quận, huyện; Phòng khám đa khoa, chuyên khoa về việc tuân thủ sàng lọc tất cả các đối tượng khi vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố về việc tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, để tiếp tục chủ động ngăn ngừa sự lây nhiễm dịch trong các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế đề nghị các đơn vị cần tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh. Định kỳ đánh giá nguy cơ rủi ro lây nhiễm tại đơn vị theo Bộ tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm SARS-CoV-2 tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn.
Sở Y tế cũng yêu cầu, khi tiếp nhận người bệnh là người nước ngoài hoặc người Việt Nam từ nước ngoài trở về đến khám và điều trị, các bệnh viện và các cơ sở khám, chữa bệnh cần phải khai thác kỹ tiền sử nhập cảnh, trong đó cần làm rõ thời gian nhập cảnh (tính đến ngày đi khám bệnh) và giấy xác nhận đã hoàn tất thời gian cách ly theo hướng dẫn.
Tăng cường kiểm soát người bệnh, người đi cùng khi vào cơ sở khám bệnh chữa bệnh (mang khẩu trang, vệ sinh tay, thực hiện tờ khai y tế...), phát hiện sớm những người nước ngoài, người nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày mà chưa được cách ly, thông báo cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố cách ly theo quy định. Đối với các đơn vị đã được Sở Y tế công bố có khu cách ly, đề nghị các bệnh viện tiếp tục duy trì, củng cố để sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, thu dung người nghi nhiễm Covid-19 khi có chỉ đạo của Bộ Y tế và Sở Y tế.
Sở Y tế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị quán triệt chỉ đạo đến toàn thể nhân viên y tế để thực hiện, đồng thời chịu trách nhiệm về việc triển khai công tác phòng, chống dịch tại đơn vị nếu để xảy ra lây nhiễm tại đơn vị do không thực hiện tốt các qui định về phòng chống dịch.
Tại sao bệnh bạch hầu xuất hiện ở TP. Hồ Chí Minh?
Bệnh bạch hầu, căn bệnh tưởng như khó gặp ở thành phố lớn trong những năm gần đây, đã bất ngờ xuất hiện tại đô thị lớn nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh, sau khi đã xuất hiện tại Đăk Nông, làm 1 trẻ tử vong.
Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia kiêm Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, TS Dương Thị Hồng đã có chia sẻ với báo Tuổi Trẻ liên quan vấn đề này.
Theo TS Dương Thị Hồng, các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cần đạt tỉ lệ miễn dịch cao trong cộng đồng để có thể khống chế dịch bệnh. Do vậy, duy trì tỉ lệ tiêm chủng cao hơn 95% trên toàn quốc là mục tiêu quan trọng hàng đầu mà Chương trình TCMR luôn hướng đến ngay cả khi bệnh không xuất hiện.
Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tiêm chủng một số vắc-xin chưa đạt cao. Các hoạt động tiêm chủng đã tạm ngừng trên toàn quốc trong thời gian giãn cách xã hội 3 tuần đầu tháng 4. Do khống chế tốt dịch Covid-19, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai lại hoạt động TCMR và giảm thiểu mức thấp nhất gián đoạn công tác này.
Tỉ lệ tiêm chủng năm nay thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (37,2%) và chưa đạt tiến độ yêu cầu (khoảng 40%). Tỉ lệ tiêm vắc-xin sởi-rubella, DPT4 (bạch hầu, ho gà, uốn ván) cho trẻ 18 tháng tuổi lần lượt là 31,2% và 28,9%, thấp hơn 5 tháng đầu năm 2019. Nhiều địa phương chưa đạt chỉ tiêu về tỉ lệ tiêm chủng.
Nguyên nhân có thể do ở một số vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số… giao thông đi lại khó khăn, thói quen, tập quán và nhận thức của người dân còn hạn chế. Hay ở các khu vực giáp ranh, khu công nghiệp, công tác quản lý đối tượng tiêm chủng gặp nhiều thách thức. Bên cạnh đó, trong giai đoạn chuyển đổi vắc-xin 5 trong 1, nhiều phụ huynh còn e ngại, sợ phản ứng sau tiêm. Cộng với đó là nguyên nhân bất khả kháng do dịch Covid-19 khiến hoạt động TCMR tạm ngưng trên toàn quốc 3 tuần liên tục.
Tỉ lệ tiêm chủng giảm là điều kiện thuận lợi cho các virus,vi khuẩn lưu hành trong cộng đồng và có nguy cơ gây ra bệnh dịch. Đặc biệt, các bệnh như bại liệt, bạch hầu, sởi…có khả năng lây lan mạnh và dễ gây dịch trong các cộng đồng có miễn dịch kém.
Tìm cách gỡ vướng cho xe buýt ở TP. Hồ Chí Minh
Báo Pháp Luật TP cho biết, theo báo cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở GTVT) cuối năm 2018, trên địa bàn TP có 100 tuyến xe buýt có trợ giá. Tuy nhiên, trong năm 2019 đã tạm ngưng hoạt động ba tuyến xe buýt có trợ giá (tuyến 66, 96 và 97). Đến đầu năm 2020, TP tiếp tục tạm ngưng hoạt động tuyến xe buýt số 54 (Bến xe Miền Đông - Bến xe Chợ Lớn), chuyển đổi hai tuyến xe buýt số 13 và 94 từ loại hình có trợ giá sang không trợ giá. Mới đây, trung tâm thông báo tiếp tục ngưng hoạt động ba tuyến xe buýt có trợ giá là 02, 11 và 144 vào ngày 1/7 tới.
Việc ngưng các tuyến xe buýt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu đi lại của người dân do thời gian chờ xe buýt lâu hơn hoặc phải di chuyển bằng nhiều tuyến. Từ đó dẫn đến nguy cơ phá vỡ tính liên thông mạng lưới tuyến.
Đại diện Sở GTVT cho biết nếu dự toán chi ngân sách nhà nước lĩnh vực trợ giá xe buýt năm 2020 vẫn giữ nguyên là 1.150 tỉ đồng thì hệ thống xe buýt chỉ hoạt động được đến khoảng giữa tháng 11/2020; hoặc cần phải giảm xuống còn 85% số chuyến (trong đó phải thực hiện ngưng một số tuyến). Do vậy, Sở này kiến nghị Sở Tài chính xem xét, thẩm định thống nhất dự toán chi ngân sách nhà nước lĩnh vực trợ giá xe buýt năm 2020 là 1.311 tỉ đồng (nâng mức trợ giá xe buýt lên 161 tỉ đồng).
PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng Khoa kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP, cho rằng sau 8 năm (từ năm 2012 đến nay), lượng khách đi xe buýt đã giảm tới 50%. Do đó, TP cần phải cải tổ hệ thống này theo hướng mạnh dạn đổi mới.
Cụ thể, cơ quan chức năng nên thay đổi hoàn toàn hệ thống và quản lý điều hành xe buýt hiện nay sang hình thức PPP (các tập đoàn tư nhân hay cổ phần nhà nước có tư nhân tham gia đầu tư theo phương thức đối tác công tư).
Theo ông Mai, những đơn vị cùng hệ thống giao thông công cộng sẽ được tổ chức theo mô hình chính quyền giao thông đô thị PTA (Public Transportation Authority). Mô hình này sẽ dẫn đến sự thay đổi hàng loạt hoạt động xe buýt như mạng lưới, luồng tuyến, dịch vụ, vé thông minh, đội xe mới, sức thu hút khách và giảm thiểu được trợ giá cho xe buýt.
Cũng theo PGS-TS Mai, TP có thể thực hiện với kinh phí hoàn toàn do TP tự lo được theo phương thức PPP và xã hội hóa chứ không cần phải vay vốn nước ngoài hay chờ đợi ngân sách từ trung ương. Tuy nhiên, để làm được điều trên, TP cần tạo dựng được cơ chế đặc thù cho sự phát triển giao thông công cộng liên quan đến PTA, PPP.
PGS-TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng Khoa đô thị học (Trường ĐH KHXH&NV TP), cho rằng nếu ngưng các tuyến xe buýt có trợ giá thì sẽ rất khó cho các hành khách, vì chủ yếu những người đi xe buýt thường có hoàn cảnh khó khăn. Thay vào đó, TP nên thay thế loại xe buýt mini 12-16 chỗ để phục vụ bà con.
Tạo không gian văn hóa đa dạng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ
Từ tháng 7/2020, vào những ngày thứ bảy hàng tuần, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) sẽ diễn ra các chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố phục vụ người dân và du khách. Đây là hoạt động tổ chức biểu diễn định kỳ nhằm kiến tạo một không gian văn hóa nghệ thuật (VHNT), biểu diễn, giao lưu tại khu vực trung tâm, xây dựng phố đi bộ trở thành điểm đến giải trí hấp dẫn cho công chúng.
Trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP cho biết: Dự kiến, chương trình nghệ thuật đường phố đầu tiên sẽ ra mắt vào tối thứ bảy ngày 4/7, từ 18 giờ 30 đến 21 giờ 30.
Loại hình tổ chức được định dạng là nghệ thuật đường phố với sự tham gia của nhiều loại hình nghệ thuật: xiếc, rối, âm nhạc đương đại, âm nhạc dân tộc, đờn ca tài tử, hiphop, aerobic, võ nhạc... Các buổi biểu diễn có sự tham gia của văn nghệ sĩ các đơn vị sự nghiệp VHNT trực thuộc Sở VH -TT và các CLB, nhóm hát, nhóm nhạc chuyên nghiệp, trình diễn các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp.
Chương trình diễn ra tại 2 điểm: khu vực tòa nhà SunWah sẽ trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống, mang yếu tố hàn lâm; khu vực góc đường Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế chuyên biểu diễn các loại hình nghệ thuật hiện đại, sôi động.
Thành phố luôn mong muốn tạo được nhiều điều kiện thụ hưởng văn hóa thường xuyên cho người dân TP và tạo không gian văn hóa nghệ thuật đa dạng, gần gũi tại khu vực trung tâm nên việc thực hiện chương trình nghệ thuật đường phố định kỳ là nhằm đem lại những sản phẩm nghệ thuật đạt chất lượng, góp phần kích cầu du lịch, tạo điểm đến cho du khách trên địa bàn TP.
Mục tiêu tối thượng là giúp người dân có thêm điều kiện thưởng thức nghệ thuật và biết đây là điểm sáng văn hóa của TP, để có thể đến đây hàng tuần, hòa mình vào không gian văn hóa đặc trưng – Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ.
Ươm tạo các dự án sáng tạo xã hội thúc đẩy hành động vì khí hậu
Sáng 28/6, tại TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP - Saigon Innovation Hub (SIHUB) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Ngày hội sáng tạo dành cho thanh thiếu niên với chủ đề “Hành động vì khí hậu - Climate Action."
Đây là một trong những hoạt động của dự án vươn lên (UPSHIFT), thuộc Dự án sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em, nhằm tạo sân chơi cho các em thanh thiếu niên phát huy ý tưởng, mang lại giải pháp sáng tạo, giải quyết vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu. Nội dung từ báo điện tử Vietnamplus.
Theo Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP, ngày hội năm nay tập trung giới thiệu 5 dự án của các nhóm thanh thiếu niên được UPSHIFT bình chọn.
Trong đó, nhóm TOFU TREE với dự án “Kênh truyền thông chia sẻ kiến thức cho giới trẻ về sử dụng thực phẩm xanh góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe”; nhóm UPRIVER với dự án “Ứng dụng các sản phẩm tận dụng bằng vải vụn thay thế túi ni – lông cho học sinh cấp 2, 3”; nhóm Bitbo với dự án “Cải thiện chất lượng không khí thông qua sử dụng tảo trong lọc CO2” và nhóm FRIDGE với dự án “Xây dựng cộng đồng sử dụng đủ lượng thực phẩm tránh dư thông qua ứng dụng kiểm soát hàng ngày”.
Đặc biệt, dự án “Đảm bảo an toàn sức khỏe cho người thu gom rác thông qua bảo hộ lao động và bảo hiểm sức khỏe tại Bình Tân” của nhóm Tân Tạo A gồm các em học sinh trường Trung học cơ sở tân Tạo A thực hiện thu hút được nhiều người quan tâm.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Điều hành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP chia sẻ: Ngày hội là dịp để các nhóm giao lưu, triển lãm, thuyết trình kết quả thử nghiệm. Việc hỗ trợ, hướng dẫn và kết nối các bạn trẻ với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo xã hội rộng lớn hơn không chỉ giúp các em trải nghiệm mà còn hình thành những những kỹ năng cơ bản, là tiền đề để khi các em bước vào môi trường đại học có thể bắt đầu khởi nghiệp thực sự.
Bà Marianne Oehlers, Trưởng Văn phòng hợp tác chương trình UNICEF tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc triển khai thành công nhiều mùa UPSHIFT đã giúp nhân rộng phương pháp tiếp cận này tại TP. Hồ Chí minh và nhiều địa phương khác trên cả nước thông qua mô hình câu lạc bộ sáng tạo xã hội nhằm tiếp cận nhiều thanh thiếu niên. “Các giải pháp của các em đã góp phần xây dựng thành phố phát triển toàn diện, an toàn và đáng sống, nhất là qua việc giải quyết ô nhiễm không khí, ô nhiễm chất thải nhựa và vấn đề lãng phí thực phẩm” - Bà Marianne Oehlers cho biết thêm.
Vân Anh - Thanh Hà - Khang Minh