Thí điểm hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng
Thông tin trên báo Sài Gòn Giải Phóng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Mục tiêu của Đề án là nhằm khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Theo đó, Chính phủ cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên-Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc.
Trên cơ sở thí điểm sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động và công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm ở những nơi đã lựa chọn để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm và sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.
Chính phủ nêu rõ, xây dựng và thực thi các chính sách khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hoạt động kinh tế ban đêm thông qua nâng cao năng lực, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh tiếp cận nguồn tài chính chính thức, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng.
Đề án cũng sẽ đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá các hoạt động kinh tế ban đêm; xây dựng sản phẩm du lịch đêm dựa trên yếu tố văn hóa bản địa, tạo điểm nhấn theo đặc trưng địa phương (lựa chọn các loại hình dịch vụ, các địa đểm mang tính biểu tượng để thu hút khách du lịch)…
Cam kết gỡ các rào cản, hỗ trợ doanh nghiệp
Theo báo Pháp Luật TP, ngày 28/7, lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh đã có buổi đối thoại với Hiệp hội doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) với chủ đề “Phát triển kinh tế và nắm bắt cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu”.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
Tại buổi đối thoại, đại diện các DN cho rằng cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng hạ tầng là những yếu tố quyết định đến hiệu quả thực thi Hiệp định EVFTA.
Cộng đồng DN châu Âu mong muốn Việt Nam nâng cao tính thống nhất và thực thi hiệu quả chính sách vào thực tế, đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa để DN chịu trách nhiệm công bố xuất xứ hàng hóa của mình.
Các DN châu Âu cũng mong muốn TP.Hồ Chí Minh cải thiện chất lượng hạ tầng, logistics để phục vụ hiệu quả hơn cho hoạt động thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử đang phát triển mạnh. TP cần xác định quy hoạch khu vực phát triển kho bãi trong phạm vi bán kính một giờ di chuyển bằng ô tô vào trung tâm TP, bảo đảm hàng hóa được cung ứng nhanh với chất lượng tốt nhất khi đến tay khách hàng.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các DN và cam kết sẽ chuyển những ý kiến này thành hành động cụ thể trong quý III/2020, đưa Hiệp định EVFTA trở thành nhân tố quan trọng trong việc triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế sau tác động của dịch Covid-19.
Theo ông Phong, nhìn tổng thể vẫn chưa khơi dậy hết tiềm năng của hơn 20.000 DN xuất khẩu và các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của TP. Do đó trong thời gian tới, TP cần chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng để thích nghi khi thực thi hiệp định. Các rào cản trong nước cần được rà soát để tháo gỡ.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cam kết: “TP.Hồ Chí Minh không chỉ mời gọi mà là sẽ đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN nói chung và DN châu Âu nói riêng, không phải hô hào khẩu hiệu hay chỉ là lời hứa hẹn tại các buổi làm việc mà phải bằng các hành động cụ thể”.
Ông Phong cũng hy vọng các DN châu Âu sẽ tin tưởng vào những cải cách của TP. Hồ Chí Minh và đề nghị các sở, ngành cùng hướng về DN, tích cực hỗ trợ DN.
Cảnh sát giao thông bắt đầu tăng cường kiểm tra xuyên đêm
Báo Người Lao Động cho hay, ngày 28/7, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Đường bộ - Đường sắt (PC08) Công an TP đang mở đợt cao điểm nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội. Việc kiểm tra sẽ chia làm nhiều tổ và diễn ra 24/24. Thời gian sẽ kéo dài đến ngày 14/9.
Theo đó, CSGT TP sẽ tổ chức các chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, vượt, dừng, đỗ sai quy định; xe hết niên hạn sử dụng; chạy không đúng tuyến quy định...
Đợt này, CSGT TP sẽ sử dụng xe mô tô tổ chức tuần tra, kiểm soát trên đường để xử lý nhiều lỗi vi phạm, đơn cử: không đội nón bảo hiểm, vượt ẩu; Áp dụng công nghệ thông tin qua hệ thống camera giám sát để xử lý vi phạm qua hình ảnh; Phối hợp các lực lượng nghiệp vụ để mật phục, nắm bắt thông tin sớm ngăn chặn, xử lý tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, chạy xe gây rối trật tự.
Ngoài ra, chủ động nắm chắc tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình hoạt động của các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt. Thông qua hoạt động tuần tra, kiểm soát và phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, kịp thời phát hiện và bắt giữ các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, các vi phạm pháp luật liên quan phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Xét nghiệm tất cả người có hội chứng cúm khi đến bệnh viện
Các trường hợp có hội chứng cúm, viêm hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi nặng nghi do virus thuộc diện phải xét nghiệm khi đến bệnh viện (BV). Nội dung đăng tải trên báo Pháp Luật TP.
Tối 28/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) có văn bản đề nghị các BV trong và ngoài công lập trên địa bàn TP tăng cường giám sát các trường hợp có hội chứng cúm, viêm hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi nặng nghi do virus.
Theo đó, những trường hợp này khi đến khám, điều trị tại BV đều phải lập phiếu điều tra giám sát Covid-19.
Nếu BV đã có phòng xét nghiệm Covid-19 được Bộ Y tế công nhận, BV tự thực hiện xét nghiệm và báo cáo kết quả về cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.
Nếu BV chưa có phòng xét nghiệm Covid-19, phải gửi mẫu xét nghiệm cùng với phiếu điều tra gửi về khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP trong vòng 24 giờ.
Cho đến thời điểm hiện nay, có 66 đơn vị trên cả nước được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định mắc Covid-19.
Các nhà bán lẻ chủ động trữ hàng ứng phó với dịch Covid-19
Chiều 28/7, một số nhà bán lẻ thuộc kênh phân phối trên địa bàn TP.HCM cho biết đã trữ sẵn hàng hóa và luôn trong trạng thái cảnh giác cao với dịch Covid-19. Thông tin từ Vietnamplus.
Cụ thể, trước những diễn biến mới nhất của dịch Covid-19, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) công bố đã tiến hành dự trữ hàng hóa thiết yếu và lên lộ trình từng bước tái khởi động những biện pháp phòng chống dịch trên toàn hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ.
Theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, hàng loạt biện pháp phòng chống dịch được kích hoạt, hàng hóa thiết yếu luôn được đảm bảo trữ lượng an toàn. Điển hình, lượng khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế, gel rửa tay... cũng như phương án nhân sự, vận chuyển... đều đã được sẵn sàng cho hệ thống siêu thị Co.op mart, Co.op Xtra, Co.op Food, Co.op Smile... trên cả nước.
So với giai đoạn cao điểm dịch trước đây, một số nhà bán lẻ còn bổ sung phương án hàng hóa và phương án vận chuyển riêng biệt cho từng địa phương và khu vực. Song song đó, tại hầu hết điểm bán của kênh phân phối hiện đại đều chú trọng khâu phân phối và biện pháp cách ly. Riêng tại khu vực TP. HCM và một số tỉnh thành đều được đặt trong trạng thái cảnh giác cao theo diễn biến dịch.
Riêng khảo sát tại mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn TP như Tân Định, Phạm Văn Hai, Thị Nghè, Quách Thị Trang, Hòa Hưng... cho thấy nguồn cung hàng hóa về các chợ vẫn dồi dào và giá cả dao động trong biên độ ổn định.
Trong đó, tại chợ Nguyễn Văn Trỗi, Quận 3, một số mặt hàng thịt lợn như sườn non có giá 220.000 đồng/kg, cốt lết 140.000 đồng/kg, nạc dăm 170.000 đồng/kg, ba rọi 180.000 đồng/kg... Riêng mặt hàng thủy-hải sản như thịt cua có giá 450.000 đồng/kg, càng cua 350.000 đồng/kg, thịt cá thác lác 210.000 đồng/kg...
Một số tiểu thương cho hay trong vài tuần trở lại đây, ngoài những mặt hàng duy trì ở mức giá cao như thịt lợn, rau củ, nhất là rau ăn lá do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thời tiết, thì hầu hết mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn ổn định về nguồn cung và giá cả.
Bên cạnh đó, trên thị trường có sức mua giảm so với cùng kỳ năm trước, do người tiêu dùng chỉ ưu tiên mua sắm những mặt hàng thiết yếu và nhu yếu phẩm hàng ngày.
Dừng toàn bộ xe khách tới Đà Nẵng
Ngày 28/7, Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu dừng toàn bộ các chuyến xe khách từ TP ra Đà Nẵng từ 15h cùng ngày. Đây là một trong số nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 đang có chiều hướng phức tạp.
Ngoài việc dừng các chuyến xe chạy tuyến TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, Sở GTVT cũng yêu cầu các nhà xe, bến xe, đơn vị không dừng đón/trả khách khi đi qua địa bàn Đà Nẵng.
Hiện nay tại TP có Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) là đơn vị khai thác các tuyến xe chạy lộ trình này. Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Đỗ Phú Đạt - Phó Giám đốc Bến xe miền Đông cho biết hiện có 11 doanh nghiệp đăng ký chạy tuyến TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng với 22 chuyến mỗi ngày. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến mấy ngày qua, lượng hành khách di chuyển trên tuyến này đã giảm rất nhiều. Như ngày 27/7 chỉ có 7 chuyến với 77 hành khách, ngày 28/7 chỉ có 3 chuyến với 42 hành khách. Đây cũng là những hành khách cuối cùng từ TP. Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng vì sau 15h, lộ trình trên bị tạm dừng khai thác.
Trước đó, các chuyến xe khách từ Đà Nẵng tới các địa phương khác cũng bị buộc phải dừng lại để đảm bảo công tác phòng chống dịch covid-19.
Kiểm tra dự án sử dụng 50.000 m3 cát trở lên
Báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 28/7, UBND TP đã giao các cơ quan chức năng TP phối hợp xử lý tình trạng khai thác cát trái phép ở khu vực Cồn Ngựa thuộc vùng biển Cần Giờ (huyện Cần Giờ).
Theo đó, UBND TP giao cơ quan chức năng TP tiến hành kiểm tra nhà thầu cung cấp cát cho các dự án có quy mô lớn, trước mắt kiểm tra các dự án sử dụng 50.000m3 cát trở lên. Nếu phát hiện nhà thầu và chủ đầu tư sử dụng cát không có nguồn gốc, xử lý nghiêm theo thẩm quyền.
UBND TP cũng giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh cát dọc các tuyến sông và xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển cát không có nguồn gốc.
Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Công an TP làm việc với cơ quan chức năng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long rà soát thông tin mỏ cát, trữ lượng được phép khai thác... Việc này làm cơ sở để cơ quan chức năng TP truy xuất nguồn gốc, xử lý hành vi hợp pháp hóa đơn, chứng từ của các đối tượng khai thác, vận chuyển cát trái phép. Khu vực Cồn Ngựa thuộc vùng biển Cần Giờ là tuyến giao thông thủy quan trọng, các phương tiện chở cát từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về Long An và các tỉnh Đông Nam Bộ đều đi qua nơi này.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP, các đối tượng khai thác cát tại khu vực này thường cấu kết với một số chủ phương tiện chở cát sử dụng hợp đồng mua bán, hợp đồng vận chuyển cát từ các mỏ cát ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để hợp thức cát khai thác trái phép.
06 tháng đầu năm 2020, cơ quan chức năng TP đã ngăn chặn 11 trường hợp, trong đó 5 trường hợp khai thác trái phép, 6 trường hợp chở cát không có nguồn gốc. Tổng số tiền xử phạt khoảng 269 triệu đồng, tịch thu hơn 5.000 m3 cát.
Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ dẫn dắt kinh tế TP.Hồ Chí Minh
Cũng trên báo Tuổi Trẻ, ngày 28/7, UBND TP ban hành kế hoạch hành động, phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị để xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố.
Kế hoạch hành động nhằm xây dựng khu vực phía Đông TP thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao. Đây đồng thời sẽ là khu vực dẫn dắt kinh tế TP trong các hoạt động kinh tế tri thức, như đào tạo, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao.
UBND TP giao Sở Nội vụ tham mưu sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Sở Quy hoạch và Kiến trúc có trách nhiệm xây dựng các chỉ tiêu thiết kế hạ tầng kỹ thuật thông minh, xã hội tiên tiến, thân thiện môi trường...
Sở Giao thông vận tải nghiên cứu các giải pháp tăng cường vận tải hành khách, đáp ứng 50% đến 60% nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực. Với giai đoạn đầu, Thành phố sẽ mở rộng mạng lưới xe buýt, xe buýt nhanh trong các trung tâm phát triển, các khu dân cư mới; kết nối với tuyến metro số 1.
Thành phố đặt mục tiêu tăng từ 10% lên 25% người sử dụng giao thông công cộng tại khu vực đến năm 2025. Các mạng lưới taxi thủy, xe buýt sông cũng được tập trung phát triển để điều hướng các hàng lang kênh rạch và sông lớn.
Theo kế hoạch hành động này, đô thị thông minh phía Đông sẽ có 10% đất đai dành cho công viên và không gian mở, hình thành công viên ven sông rạch, hành lang marathon 42km dọc bờ sông...
UBND cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị dùng chung. Hệ thống này sẽ giúp quản lý các nguồn lữ đất đai, tài nguyên và cơ sở hạ tầng của khu đô thị sáng tạo. Thành phố sẽ đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử cũng như các đề án phát triển ngành y tế, giáo dục, văn hóa thể thao theo định hướng đô thị sáng tạo.
Về kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực cho khu đô thị, TP lên chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cùng với các chương trình thu hút nhân tài đến sống và làm việc tại khu đô thị sáng tạo phía Đông.
Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm xây dựng các chương trình, chính sách thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án phát triển đô thị có quy mô lớn, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cao tầng dọc các trục và hành lang giao thông trọng điểm xung quanh nhà ga đường sắt đô thị…
Nhiều người dân duy trì ý thức đeo khẩu trang ở nơi công cộng
Theo ghi nhận của phóng viên báo Lao Động tại những nơi đông người trên địa bàn TP. HCM như công viên, Bưu điện Thành phố,... nhiều người dân vẫn ý thức chấp hành tốt việc đeo khẩu trang, để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Tiếp đó, chiều 28/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm đã ký ban hành Công văn khẩn số 2852/UBND-VX gửi Thủ trưởng các Sở - ban - ngành; Chủ tịch UBND các quận - huyện, phường - xã - thị trấn về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 trên địa bàn TP.