Triển khai hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ
VOV.vn cho hay, chiều 28/7, UBND TPHCM có văn bản gửi các Sở - ban - ngành và UBND các quận - huyện, TP Thủ Đức về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu nhằm hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, góp phần phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Như vậy, TPHCM sẽ thực hiện song song hai chính sách hỗ trợ là gói 886 tỷ đồng theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM và gói 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Nguyên tắc là mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần, một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền mặt, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.
Nếu đối tượng đồng thời đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM thì chỉ được hưởng một chính sách hỗ trợ cao nhất.
Nếu đối tượng đã hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 09 của HĐND TPHCM mà đủ điều kiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 thì được hỗ trợ bổ sung cho bằng mức quy định tại Nghị quyết số 68.
TPHCM sẽ mở rộng tiêm vắc xin COVID-19 sau 18 giờ
Ngoài lịch tiêm diễn ra vào ban ngày, thành phố sẽ mở rộng khung thời gian chích vắc xin COVID-19 cho người dân sau 18 giờ. Đây là giải pháp đẩy mạnh trong chiến dịch tiêm chủng lần thứ 5 đang diễn ra với mục tiêu tăng độ bao phủ vắc xin trong cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Thông tin trên báo Tiền Phong.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hoài Nam, Thành phố đã có kiến nghị đến Bộ Y tế nhằm đơn giản hóa quy trình cũng như lực lượng tham gia tiêm vắc xin để có nhiều hơn các điểm tổ chức tiêm cho người dân.
Để đảm bảo nguồn cung vắc xin cho TP đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, TP cũng đang đề nghị Trung ương tăng cường lượng vắc xin giúp người dân có thêm các cơ hội tiếp cận. Bên cạnh đó, phương án tiêm chủng sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho biết: “Hiện nay, TP đang quy định sau 18 giờ đến 6 giờ hàng ngày tất cả người dân không được ra đường. Nếu tổ chức tiêm vắc xin từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều thì cộng đồng sẽ bị giới hạn thời gian đi lại. Do đó TP sẽ bắt đầu tổ chức tiêm vắc xin sau 18 giờ trong những ngày sắp tới”.
Việc tiêm vắc xin sẽ diễn ra chủ yếu ở từng phường, mỗi phường ít nhất 2 điểm, chỉ có những người trên 65 tuổi, người bệnh lý nền phải tiêm ở bệnh viện.
Với số lượng và từng người cụ thể đã được lên danh sách, TP sẽ có những quy định và có bộ nhận diện để người thực hiện nhiệm vụ tiêm vắc xin, người đi tiêm vắc xin được phép ra đường sau 18 giờ. Đây là điểm mới, TP sẽ triển khai trong thời gian tới để đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin cho cộng đồng.
5000 bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 1 đã xuất viện
Chia sẻ với báo Sức khỏe và Đời sống, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến số 1 TPHCM - BSCK2 Nguyễn Thanh Trường cho biết, tính đến nay Bệnh viện đã tiếp nhận tổng cộng khoảng 9.500 trường hợp bệnh nhân nhập viện, có chuyển viện 369 ca và đã có 5.000 trường hợp đủ điều kiện được xuất viện.
“Đây là kết quả, sự nỗ lực, cố gắng của tập thể y bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Dã chiến số 1. Đến nay mọi hoạt động của Bệnh viện đã đi vào quy củ, những khó khăn dần được khắc phục. Thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng hoàn nhiệm vụ, điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 để có thêm nhiều ca được xuất viện”, BSCK2 Nguyễn Thanh Trường chia sẻ thêm.
Được biết, Bệnh viện Dã chiến số 1 đi vào hoạt động từ 26/6, với quy mô triển khai ban đầu được triển khai là 1.000 giường, trước những diễn biến của dịch bệnh bệnh viện đã được mở rộng khả năng thu dung với quy mô khoảng 5000 giường.
Chính thức đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho thí sinh dự thi đợt 2
Báo SGGP đưa tin, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức vừa ký văn bản khẩn gửi Bộ GD-ĐT về việc đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho các thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Hiện nay, toàn TPHCM có 3.234 thí sinh đủ điều kiện đăng ký thi đợt 2. Tuy nhiên, do tình hình diễn biến dịch phức tạp, TPHCM đã thực hiện cách ly xã hội toàn TPHCM theo tinh thần của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 9/7/2021 và nhiều biện pháp siết chặt hơn nữa đến hết ngày 1/8/2021.
UBND TP nhận định, việc tổ chức thi đợt 2 (dự kiến diễn ra từ ngày 5 đến 8/8) là khó thực hiện, không tạo được tâm lý an tâm cho phụ huynh và cả thí sinh, khó có thể thực hiện toàn diện việc vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu nghiêm túc, khách quan, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi của các thí sinh không thể dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2, UBND TP đề xuất Bộ GD-ĐT xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho các thí sinh đủ điều kiện dự thi đợt 2.
Căn cứ khoản 1, Điều 37 về Đặc cách tốt nghiệp THPT tại Thông tư số 15 (ban hành ngày 26/5/2020) của Bộ GD-ĐT về Quy chế thi tốt nghiệp THPT có quy định cụ thể về việc xét đặc cách cho trường hợp đặc biệt gồm "trường hợp bị tai nạn, bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt trước ngày thi không quá 10 ngày hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi".
Do vậy, các trường hợp thi đợt 2 có thể căn cứ theo điều kiện đặc biệt của toàn TPHCM để xem xét đặc cách. Cụ thể, đối tượng được đặc cách gồm các thí sinh đăng ký thi tại hội đồng thi Sở GD-ĐT TPHCM chưa dự thi hoặc không thể hoàn thành thi đợt 1 (trừ các thí sinh đã bị đình chỉ thi hoặc bị hủy bỏ bài thi) và có đăng ký thi đợt 2.
Không đóng cửa, Vissan tiếp tục cung cấp thực phẩm cho người dân TPHCM
Theo thông cáo báo chí phát hành chiều 28/7, Ban lãnh đạo Vissan khẳng định vẫn tiếp tục cung ứng mặt hàng thực phẩm tươi sống tại thị trường TPHCM. Riêng đối với các hoạt động kinh doanh khác sẽ được khôi phục dần sau khi các lực lượng lao động tại các khu vực cách ly đủ điều kiện trở lại làm việc. Nội dung trên báo Pháp Luật TP.
Công ty này thông tin thêm, từ ngày 28/6, công ty đã tiến hành thực hiện phương châm “3 tại chỗ” để hoàn thành mục tiêu kép vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch.
Song song đó, Công ty VISSAN tổ chức xét nghiệm định kỳ hàng tuần và đã tiêm ngừa cho người lao động. Từ ngày 19/7 đến ngày 27/7, Công ty đã tổ chức thực hiện 10 lượt xét nghiệm cho người lao động. Qua đó phát hiện 43 ca nhiễm Covid-19 (ca F0). Các ca nhiễm Covid-19 tập trung chủ yếu tại các bộ phận thu mua và cung ứng, tiếp nhận nguồn heo hơi.
Ngay sau khi phát hiện có ca nghi nhiễm đầu tiên, VISSAN đã nhanh chóng phối hợp các đơn vị chức năng, kịp thời đưa các ca F0 đi cách ly theo quy định; đồng thời tiến hành sàng lọc, tổ chức khoanh vùng phong tỏa tạm thời các khu vực có ca nghi nhiễm và thực hiện các quy định theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.
Với sự hỗ trợ của UBND quận Bình Thạnh, Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, Công ty VISSAN đã chuyển các ca F1 đến nơi tập trung trên địa bàn quận Bình Thạnh.
Đường sắt sẽ tạm dừng đón, trả khách tàu Bắc-Nam tại nhiều ga
Theo Vietnamplus, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các địa phương, ngành đường sắt vừa có thông báo tiếp tục tạm dừng đón, trả khách tàu khách Bắc-Nam tại nhiều ga trên tuyến.
Cụ thể, tàu khách tiếp tục tạm dừng không đón, trả khách tại ga Sài Gòn đến khi có thông báo mới; không đón hành khách đi từ ga Dĩ An (Bình Dương) đến các ga; không đón, trả khách tại các ga Biên Hòa, Long Khánh (Đồng Nai) đến hết ngày 1/8; không đón, trả khách tại các ga Ninh Hòa (Khánh Hòa), Tuy Hòa (Phú Yên) kể từ ngày 1/8 đến ngày 10/8/2021.
Ngành đường sắt sẽ tạm dừng đón, trả khách ở nhiều ga địa phương trước bối cảnh dịch phức tạp. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Từ ngày 25/7, tạm dừng đón, trả khách tại ga Hà Nội cho đến khi có thông báo mới.
Hành khách đã mua vé có ga đi, ga đến là các ga trên và có ngày đi tàu trong thời gian tạm dừng đón trả khách được trả vé bảo lưu tiền vé để sử dụng mua vé đi tàu trong năm 2021. Nếu chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa hết, hành khách sẽ được hoàn lại trong năm 2022.
TPHCM có thêm Bệnh viện dã chiến số 16
Tin khác trên VOV.vn, ngày 28/7, Bệnh viện Dã chiến số 16 của TPHCM chính thức đi vào hoạt động với quy mô gần 3.000 giường sau 20 ngày tức tốc xây dựng. Bệnh viện Dã chiến số 16 do Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận, vận hành.
Trong ngày đầu tiên, Bệnh viện có gần 700 giường. Hai ngày tới sẽ nhận bàn giao tiếp 500 giường, số giường còn lại hoàn thành vào đầu tháng 8/2021.
Phòng bệnh được chuẩn bị chu đáo trước khi đón bệnh nhân
Tất cả phòng bệnh được thiết kế thoáng mát, chia ra nhiều phân khu khác nhau: Phân khu điều hành; khu bệnh nhân mới tiếp nhận; khu bệnh nhân có triệu chứng; khu cấp cứu… Bệnh viện có đến 350 đầu ô xy đáp ứng cùng lúc cho hàng loạt bệnh nhân trong tình huống phải cấp cứu, thở ô xy. Đồng thời đã lắp đặt bồn ô xy có dung tích 7,5m3 dẫn ô xy tới tận 350 giường cho bệnh nhân. Cùng với đó chuẩn bị sẵn 350 bình ô xy di động có gắn đầy đủ các bộ thở và dụng cụ đi kèm.
Các phòng bệnh đều kết nối Camera giám sát để kịp thời nắm bắt tình hình bệnh nhân
Bồn ô xy khối lượng 7,5 khối được lắp đặt trong bệnh viện
Theo kế hoạch, Bệnh viện Hùng Vương sẽ điều sang Bệnh viện Dã chiến số 16 hơn 300 y, bác sĩ. Số lượng này theo tiến trình tiếp nhận bệnh nhân. Nhiều máy móc, phương tiện đã sẵn sàng để phục vụ.
Xây dựng 2 bệnh viện dã chiến quy mô gần 6.000 giường
Cũng trên Vietnamplus, để tăng năng lực điều trị, cách ly bệnh nhân COVID-19, TPHCM gấp rút xây dựng 2 bệnh viện dã chiến trên đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) và đường Đào Trí (Quận 7), quy mô 6.000 giường bệnh.
Thi công nền móng bệnh viện dã chiến trên trên đường Đào Trí. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Lắp ráp khung thép của bệnh viện dã chiến trên đường Nguyễn Văn Linh. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Khu vực điều trị tại bệnh viện dã chiến trên đường Nguyễn Văn Linh đang được khẩn trương lắp đặt. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Hệ thống trữ nước sạch chuẩn bị được lắp đặt tại bệnh viện dã chiến trên đường Nguyễn Văn Linh. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
San ủi nền đất để xây dựng khu mở rộng tại bệnh viện dã chiến trên đường Nguyễn Văn Linh. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Các hạng mục phụ trợ tại bệnh viện dã chiến trên đường Nguyễn Văn Linh đang được khẩn trương thi công. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
San ủi nền xây dựng bệnh viện dã chiến trên đường Nguyễn Văn Linh. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Bệnh viện dã chiến trên đường Đào Trí có quy mô 2.300 giường. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Thi công đổ nền tại bệnh viện dã chiến trên đường Nguyễn Văn Linh. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Các phòng điều trị tại bệnh viện dã chiến trên đường Nguyễn Văn Linh đang được gấp rút hoàn thiện. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Công trường xây dựng bệnh viện dã chiến trên đường Đào Trí. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)
Vân Anh - Khang Minh - Huyền Mai (Tổng hợp)